Giữa đại dịch Corona bùng phát, mạng xã hội đang đem đến những điều gì?

03 Thg 02

Dịch bệnh luôn là một nỗi ám ảnh với loài người khi mà nó đem đến nhiều thiệt hại lớn về cả vật chất, con người và khiến tình hình xã hội xáo trộn mạnh mẽ. Từ dịch SARs năm 2002-2003, toàn thế giới đã phải chứng kiến sự nguy hiểm của loại Virus này, thì sang cuối năm 2019 nCoV (một loại Virus tương tự như SARs) hoành hành và hiện đang lây lan với tốc độ chóng mặt trên quy mô toàn cầu. Tại Việt Nam, mặc dù là quốc gia giáp biên với ổ dịch, nhưng hiện tại công tác phòng chống dịch bệnh đang diễn ra hết sức hiệu quả. Trong đó, vai trò của mạng xã hội là một yếu tố đóng góp vào sự phòng chống gắt gao dịch bệnh nguy hiểm này. Hãy cùng MarketingAI tìm hiểu xem trong thời kỳ bùng phát dịch Corona thì các nền tảng mạng xã hội đang giúp ích như thế nào?

Mạng xã hội và những lợi ích trong thời kỳ bùng phát dịch Corona

Trong những ngày trở lại đây, chính phủ Việt Nam, cụ thể là bộ Y tế đang cố gắng để truyền thông những thông tin về dịch bệnh nguy hiểm này tới người dân. Nếu như trở về những năm 2002-2003, một thời kỳ mà Internet mới chỉ chớm nở, thêm vào đó mạng xã hội còn là một khái niệm quá xa lạ với người dân, những thông tin dường như dựa hoàn toàn vào truyền hình, báo giấy, hay những thông tin truyền miệng. Do đó, người dân chưa tiếp nhận được nhiều thông tin đầy đủ và nhanh như hiện nay.

(Nguồn: Adventist Today)

Tuy nhiên, phải kể đến mặt hạn chế của thời điểm dịch bùng phát Virus Corona 2019 là lượng thông tin "dư thừa" và các thông tin giả mạo - Fake News được lan truyền rộng rãi trên nền tảng mạng xã hội. Cùng MarketingAI nhìn lại những mặt tích cực và tiêu cực từ công cụ truyền thông này mang lại trong thời điểm Virus Corona được xem là mối nguy hiểm đối với nhân loại.

Mạng xã hội ngăn ngừa được những Fake News, nâng cao kiến thức phòng ngừa dịch

Đầu tiên, mạng xã hội là một kênh để truyền thông vô cùng hữu ích trong nhiều trường hợp, khi mà mạng xã hội có thể đồng thời tiếp cận đến nhiều đối tượng, nhiều độ tuổi khác nhau trên cùng một nền tảng. Mức độ phổ biến của công cụ này hiện nay là rất lớn, thời gian sử dụng trong ngày cũng ghi nhận thời gian trung bình cao. Vào thời điểm mà dịch mới chỉ bùng phát vào cuối tháng 12/2019, cư dân mạng đã nắm được khá đầy đủ lượng thông tin về Corona cũng như những cách phòng chống chúng.

Hơn ai hết, chính phủ chính là những người điều hướng dư luận với dân chúng của mình khi kết hợp với các đơn vị truyền thông để tuyên truyền những kiến thức căn bản tới độc giả. Trong kỷ nguyên Digital Marketing lên ngôi, những công cụ kỹ thuật số từ đó có vị thế cao chiếm lĩnh những vị trí quan trọng trong công tác truyền thông của nhiều thương hiệu, đặc biệt là công cụ Social Media. Trong thời điểm này, mạng xã hội được coi là các kênh truyền thông hiệu quả tới công chúng, khi ngày càng nhiều người dùng tiếp nhận thông tin từ những bài đăng trên Facebook, TikTok, Instagram hay Lotus...

(Nguồn: FB Thời sự VTV)

Không chỉ dừng lại ở đó, kênh truyền thông này còn giúp ngăn ngừa những Fake News hay những thông tin không chính thống, sai sự thật từ nhiều người chớp thời cơ, vụ lợi mục đích cá nhân. Thế nhưng, với sự phát triển của công nghệ trên các nền tảng mạng xã hội, các thông tin đó bị chặn đứng ngay lập tức, giúp loại bỏ ngay những luồng thông tin tiêu cực và sai lệch tới nhận thức của người dân.

Có thể thấy, lợi ích rõ ràng nhất mà những nền tảng này đem lại là giúp đội quản lý thị trường vào cuộc với những hành vi tăng giá bất thường của nhiều nhà thuốc trên toàn quốc với mặt hàng khẩu trang. Khi mà nhu cầu của người dân tăng cao, thì nhiều hộ kinh doanh đã chớp lấy cơ hội tăng giá mặt hàng khẩu trang lên gấp 2, gấp 3 giá trị thật của nó. Social Media cũng giúp thị trường được bình ổn phần nào khi mà mọi nhất cử nhất động có thể được giải quyết chỉ sau các bài đăng.

Có thể thấy, Fake News ở thời kỳ nào cũng có nhưng chỉ thực sự lan rộng kể từ khi mạng xã hội ra đời. Thời điểm bùng phát dịch Corona, chúng ta thấy được những thông tin vô cùng hữu ích và kịp thời, bên cạnh đó những luồng tin sai sự thật, xuyên tạc không chứng cứ được phát tán tràn lan trên Facebook. Những thông tin sai lệch vẫn đang tiếp tục xuất hiện, dù vậy chúng ta vẫn chưa thể nắm được mức độ lan truyền của chúng đến đâu. Tuy vậy, ta có thể nhận ra mức độ ảnh hưởng của nó rất lớn khi mà các trang thông tin uy tín, các trang kiến thức có sức hút trên mạng xã hội hay những người nổi tiếng vẫn tin và bị cuốn theo. Nhiều trang Facebook, Twitter... sau đó đã phải gỡ bỏ, đăng tin đính chính hoặc tệ hơn là phải làm việc với chính quyền. Những thông tin sai sự thật hiện nay phải kể đến như:

Tin giả - Trung tâm nghiên cứu vũ khí hóa học của Trung Quốc tại Vũ Hán làm phát tán virus Corona

(Nguồn: VnReview)

Tin giả - Gián điệp Trung Quốc đánh cắp virus từ Canada

(Nguồn: VnReview)

Tin giả: Đã có vaccine cho 2019-nCoV

(Nguồn: VnReview)

Tin giả: Các nhà khoa học dự báo virus mới sẽ khiến 65 triệu người tử vong

(Nguồn: VnReview)

Trên đây là ví dụ về 4 trong số rất nhiều tin giả đã được phát tán trên các nền tảng mạng xã hội. Bộ Công An đã vào cuộc để ngăn ngừa những tin giả mạo này lan rộng tới nhận thức của người dân, tránh gây hoang mang hay tâm lý bất ổn. Mặt tối của mạng xã hội trong thời điểm Virus Corona bùng phát chính là tình trạng "bội thực" tin tức, khi mà người đọc không thể biết đâu là tin thật đâu là tin giả. Nhiều "báo lá cải" hay những Fanpage không uy tín từ đây mà đăng bài nhằm câu view người xem, dẫn họ vào một nhận thức tiêu cực không đáng có. 

Nhiều mạng xã hội đang cố gắng để chống lại những tin tức sai sự thật

Cả Facebook, Twitter, Youtube và Tiktok đều cho biết họ đang tích cực làm việc nhằm giảm lượng tin giả và mức độ lan truyền của chúng bằng nhiều cách khác nhau. Trong một thông báo của Twitter cho biết trong 4 tuần qua đã có hơn 15 triệu tweet liên quan dịch cúm mới. Công ty này cũng cho biết không có bất cứ sự phối hợp nào trong việc truyền bá tin giả về vấn đề này, họ không thấy có bất cứ bằng chứng nào chứng minh việc tung tin giả được tiến hành bởi các cá nhân, tổ chức chính trị thuộc một chiến dịch nào đó.

Mạng xã hội Lotus đang tích cực phòng tránh Corona 

Tuy vậy, tình hình trên Facebook lại phức tạp hơn do có sự tham gia của bên thứ ba phụ trách kiểm duyệt tin. Người phát ngôn của Facebook cho biết nền tảng này đã giảm số bài viết bị gắn cờ bởi bên thứ ba và cài đặt cảnh báo tin giả dưới những bài viết này. Facebook cũng cho biết trước hoặc sau khi chia sẻ bài viết, người dùng sẽ được thông báo nếu bài viết đó đã được kiểm chứng thông tin. Dù bên kiểm duyệt tin giả không thể truy cập các nhóm kín, nhưng những ai chia sẻ tin đã bị gắn cờ vào những các nhóm cũng sẽ nhận được cảnh báo.

Hiện trên Twitter và TikTok đã tích hợp tính năng mới cho phép người dùng truy cập vào các nguồn tin đáng tin cậy, như WHO, CDC, khi nhập từ khóa tìm kiếm có liên quan đến virus Corona trên ứng dụng. Ngày 30/1, Facebook cũng tuyên bố rằng họ sẽ có những hành động bổ sung để chống lại nạn tin giả liên quan virus Corona, bao gồm việc gỡ bỏ các bài viết có nội dung sai sự thật bị báo cáo bởi các cơ quan y tế.

Thắng Nguyễn - MarketingAI

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.