Google bị "làm khó" dù đã tự nguyện trả phí cho các nhà xuất bản tin tức

26 Thg 08

Mới đây, Google đã chính thức tuyên bố sẽ trả phí cho nội dung của các nhà xuất bản tin tức. Nhưng việc can thiệp quá sâu của chính phủ Úc đang đe dọa nghiêm trọng đến chiến lược cấp phép tin tức tự nguyện của Google.

(Nguồn: VNReview)

Những mâu thuẫn trong lịch sử giữa Google và các nhà xuất bản tin tức luôn rất phức tạp. Bấy lâu nay, Google đã luôn phản đối việc phải trả phí cấp phép cho các đơn vị xuất bản tin tức vì họ cho rằng các nhà xuất bản đang được nhận MIỄN PHÍ từ Google một giá trị đáng kể, dưới dạng lưu lượng truy cập (traffics). Nhưng bất chấp điều đó, vẫn có những nhà xuất bản (như Rupert Murdoch) vẫn lên tiếng phàn nàn rằng, nhiều năm qua, Google đã có những hành động “bòn rút” doanh thu quảng cáo của họ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng thương hiệu, đồng thời khiến lượng đăng ký nhận newsletter trên website giảm theo. 

(Nguồn: Clever Solution)

Lập pháp giằng co

Trong nhiều năm qua, các cơ quan quản lý và lập pháp ở châu Âu đã phải cố gắng rất nhiều để buộc Google phải trả tiền cho các nhà xuất bản, thông qua bộ luật và các vụ kiện quy định nghiêm ngặt về vấn đề bản quyền, nhưng kết quả cho thấy là điều này không thực sự đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, mới đây nhất, các cơ quan chống độc quyền của Pháp đã yêu cầu Google phải trả tiền cho những nội dung tin tức xuất hiện trên trang kết quả tìm kiếm, đồng thời thực hiện một thỏa thuận cấp phép với các nhà xuất bản.

Sự quay lưng kéo dài của độc giả đối với các phương tiện truyền thông tin tức truyền thống, trong bối cảnh ngành này phải đối mặt với suy thoái kinh tế trầm trọng, đã giúp vị thế của Google được gia tăng nhanh chóng. Điều đó khiến cho gã khổng lồ tìm kiếm này bắt đầu có những cải thiện tốt hơn trong mối quan hệ đối tác với các nhà xuất bản. Đầu tiên là việc khởi động Sáng kiến Google News - Google News Initiative vào năm 2018 nhằm “xây dựng một tương lai bền vững hơn cho tin tức, thông qua các chương trình như Đăng ký với Google và Dự án Thử nghiệm Địa phương”.

(Nguồn: Twitter)

Và vào tháng 6 năm nay, Google đã công bố chương trình cấp phép mới hỗ trợ ngành công nghiệp tin tức. Cụ thể, Google sẽ “trả tiền cho các nhà xuất bản để xây dựng các nội dung chất lượng cao hơn, nhằm hỗ trợ cho trải nghiệm tin tức mới sẽ ra mắt vào cuối năm nay.” Hiện tại, Google mới thử nghiệm chương trình này ở Đức, Brazil và Úc. Theo kế hoạch, sản phẩm mới này sẽ được phát triển song song cùng với Google News chứ không thay thế nó.

>> Xem thêm: Nhận định 7 xu hướng phát triển của Digital Marketing trong tương lai

Khó khăn trong việc thương lượng truyền thông tại Úc

Kế hoạch là vậy nhưng Google đã vấn phải một chút khó khăn tại thị trường Úc. Ủy ban Người tiêu dùng và Cạnh tranh Úc (Australian Competition and Consumer - ACCC) mới đây đã cho ra mắt “Bộ luật Thương lượng trên Truyền thông tin tức”, nhằm áp đặt những quy tắc cứng rắn mới trong việc giao dịch giữa Google (và Facebook) với các nhà xuất bản tin tức địa phương. Google cho rằng biện pháp này quá hà khắc dữ dội, có phần “ép người quá đáng”, trong khi ACCC lại cho rằng bộ luật này là cần thiết để khắc phục sự mất cân bằng trong khả năng thương lượng giữa Google và nhà xuất bản.

ACCC cho biết, “Dự thảo bộ luật sẽ cho phép các doanh nghiệp tin tức của Úc đàm phán thành công với Google, giúp các tác phẩm của các nhà báo được đăng trên những dịch vụ của Google sẽ được thanh toán công bằng. Đồng thời, bộ luật này sẽ giải quyết sự mất cân bằng trong quá trình đàm phán thương lượng giữa các doanh nghiệp truyền thông Úc với Google và Facebook.” Ví dụ: bộ luật sẽ cho phép các nhà xuất bản được thương lượng theo tập thể với Google.

Google và Facebook bị làm khó trên đất Úc (Ảnh: theestateman)

Trước động thái này, Google đã kêu gọi người tiêu dùng lên tiếng “tẩy chay” bộ luật thay họ. Cụ thể, Google cho rằng, nếu bộ luật này được áp dụng thì sẽ chỉ làm cho “Google Search và Youtube trở nên tồi tệ hơn mà thôi. Thậm chí, dữ liệu của người dùng cũng có thể được chuyển đến cho các doanh nghiệp tin tức lớn và khiến cho các dịch vụ miễn phí bạn sử dụng ở Úc bị đặt vào nguy cơ bị tấn công.” Gã khổng lồ tìm kiếm này cũng đưa ra lập luận rằng các nhà xuất bản và nhà sáng tạo nội dung nhỏ hơn sẽ bị thiệt thòi trong khi các nhà xuất bản lớn như News Corp (thuộc sở hữu của Rupert Murdoch) sẽ gặt hái được nhiều lợi ích hơn. Nhưng ACCC đã phản đối lại hoàn toàn những lập luận này của Google.

Thông báo thay đổi thuật toán

Một trong những quy định được đưa ra trong bộ luật đó là yêu cầu Google phải đưa ra thông báo nâng cao cho những thay đổi quan trọng trong thuật toán (trước gần 1 tháng), để các nhà xuất bản có thể chuẩn bị và thích ứng tốt hơn. Còn thế nào là thay đổi quan trọng thì ACCC không đề cập đến chính xác trong tài liệu, dù họ có kèm theo một số hướng dẫn.

Cơ quan này cũng yêu cầu Google phải đệ trình các phân xử ràng buộc có liên quan nếu họ không thể tự nguyện đồng ý các điều khoản cấp phép. Google lo ngại rằng các nhà xuất bản sẽ đánh giá quá cao nội dung của chính họ và coi đó là một chiến thuật để ép Google phải đưa ra quyết định phân xử nhằm đảm bảo tính công bằng. Và rồi, trong cuộc phân xử đó, tòa sẽ bắt Google phải trả một khoản phí cho việc cấp phép nội dung mà họ không có quyền khiếu nại.

Chính phủ Úc ép buộc Google phải đối xử "công tâm" hơn với các nhà xuất bản nước họ (Nguồn: ausroid)

Ngoài ra, Google cũng cho biết việc bắt họ phải đưa ra những thông báo cập nhật liên quan đến thuật toán là không thể chấp nhận được. Gã khổng lồ này cho rằng, việc cung cấp cho các nhà xuất bản những thông báo nâng cao về thay đổi thuật toán sẽ “gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục đích của họ, khiến cho việc giải quyết những lạm dụng gây hại cho người tiêu dùng cũng như đảm bảo chất lượng và tính vẹn toàn của kết quả tìm kiếm gặp nhiều khó khăn.” Google khẳng định thêm rằng “Mọi yêu cầu cung cấp thông tin chi tiết hoặc thông báo về các cập nhật an toàn sẽ khiến người tiêu dùng gặp rủi ro”.

Ngoài những vấn đề trên, còn có một câu hỏi đặt ra liên quan đến tính công bằng. Tại sao chỉ các “Nhà xuất bản tin tức” mới có quyền được nhận các thông báo về những thay đổi trong thuật toán? Không phải là chúng nên được giữ bí mật trong thời gian dài hay sao?

Tại sao chúng ta nên quan tâm?

Ở thời điểm hiện tại, bộ luật của ACCC vẫn còn đang nằm trong dự thảo và chưa có hiệu lực chính thức. Nhưng nhiều khả năng nó sẽ được thực hiện theo những gì được viết trong đó hoặc theo một hình thức gần như thế. Có thể thấy, giọng điều của ACCC trước sự phản đối của Google thể hiện một sự thách thức và phẫn nộ nghiêm trọng. Tuy rằng Google không thể hiện rõ điều này, nhưng nhiều chuyên gia nghi ngờ rằng gã khổng lồ này đang lo ngại việc bộ luật do ACCC đưa ra sẽ trở thành mô hình tiền đề cho các Chính phủ khác học theo, cố gắng tìm cách trợ cấp cho các nhà xuất bản tin tức, những người coi Google là “kẻ lắm tiền”.

Bộ luật của ACCC nhiều khả năng sẽ trở thành tiền đề cho các Chính phủ khác học theo, gây ra hậu quả khó lường cho hệ sinh thái tìm kiếm (Nguồn: Internet)

Chúng ta có thể tranh luận với nhau về những vấn đề như giá trị và đạo đức của những cách tiếp cận đó và liệu các nhà xuất bản tin tức có nên chịu áp lực của “thị trường tự do” này hay không? Nhưng, vấn đề đáng quan tâm nhất ở đây là nếu Google bị buộc phải thông báo chính thức cho các nhà xuất bản trước những thay đổi của thuật toán, thì thông tin đó có thể sẽ bị rò rỉ công khai và trên toàn cầu. Và, dù một số SEOers hoan nghênh điều đó, nhưng thực chất, điều này có thể gây ra những hậu quả lớn hơn, không lường trước được cho hệ sinh thái tìm kiếm.

Tô Linh - MarketingAI

Theo MarketingLand

>> Có thể bạn quan tâm: Nghiên cứu hành vi và thói quen online của GEN X, GEN Y, GEN Z Quý II/2020
Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.