Google, Facebook, Apple và những "gã khổng lồ" công nghệ khác đang lấy thông tin gì từ người dùng?

30 Thg 09

Vấn đề quyền riêng tư trong các dữ liệu cá nhân đang là mối quan tâm hàng đầu của khách hàng, trong bối cảnh các công ty công nghệ buộc phải làm rõ những thông tin họ thu thập từ người dùng (nhằm mục đích bán cho các bên thứ 3 và nhà quảng cáo). Tất cả chúng ta đều có quyền được biết những thông tin mà các công ty công nghệ đó đã thu thập, khi trong một số trường hợp, họ thậm chí còn thu thập những thông tin liên hệ mà do chính người dùng nhập vào thiết bị của họ.

(Nguồn: Tuongo)

Theo Đạo luật về Quyền riêng tư của Người tiêu dùng California (CCPA) có hiệu lực vào đầu năm nay, người dùng có quyền yêu cầu các công ty này xóa những thông tin họ không muốn hoặc không thu thập những thông tin đó. Khi thời gian gia hạn sáu tháng của luật này kết thúc, các công ty công nghệ đã ban hành những thay đổi sâu rộng trong chính sách quyền riêng tư của họ để đảm bảo vẫn tuân thủ những luật mới hiện hành.

Vậy thì, có những loại thông tin nào mà các công ty này sẵn sàng thừa nhận đã lấy từ người dùng của họ? Để đơn giản hóa những thống kê thu thập được từ các chính sách bảo mật dài và phức tạp của các công ty công nghệ, TruePeopleSearch đã tạo ra một infographic ngắn gọn, bao gồm tất cả những loại thông tin mà 11 công ty công nghệ lớn đã thu thập từ hàng triệu, thậm chí là hàng tỷ người dùng trên thế giới.

Nằm trong danh sách các công ty công nghệ khổng lồ này không thể thiếu những cái tên đình đám là Apple, Google, Microsoft, Amazon và Facebook, năm thương hiệu có giá trị lớn nhất trên thế giới (xếp theo thứ tự nhắc tên). Các công ty này đều được định giá trên 100 tỷ USD, và thậm chí có một số công ty đã đạt tới con số 200 tỷ USD.

(Nguồn: Wikipedia Commons)

Ngoài ra, TruePeopleSearch còn thu thập thông tin từ các mạng xã hội như Twitter, LinkedIn, TikTok, trang tin tức xã hội nổi tiếng Reddit và các ứng dụng chia sẻ xe UberLyft. Mặc dù 6 cái tên này không lọt vào danh sách những thương hiệu giá trị nhất thế giới, nhưng chúng cũng được định giá hàng tỷ USD.

Không ít công ty trong danh sách này cung cấp dịch vụ sử dụng miễn phí, như Facebook, Google, Twitter, TikTok và Reddit, do đó, lợi nhuận họ kiếm được từ việc bán thông tin người dùng chiếm một phần lớn doanh thu. Trong khi đó, các công ty công nghệ khác kiếm được lợi nhuận nhiều từ việc bán sản phẩm hoặc dịch vụ.

Danh sách thông tin thu thập của các gã khổng lồ có những thứ rất quen thuộc, nhưng cũng có những thứ khiến bạn phải bất ngờ. Bắt đầu bằng những thông tin cá nhân cơ bản nhất của người dùng, như tên, tuổi và giới tính, sau đó là những thông tin sâu rộng hơn. Chính sách bảo mật của một số công ty này cho thấy rằng ngay cả khi người dùng không tiết lộ giới tính của họ, thì hệ thống cũng sẽ tự suy ra được từ những thông tin khác mà họ đã cung cấp, ví dụ như tên hoặc đại từ sử dụng. Phần lớn các công ty đều thu thập vị trí, liên hệ của người dùng, thậm chí là những liên hệ do người dùng nhập vào thiết bị của họ. (ví dụ như danh bạ)

Các công ty này theo dõi người dùng từ thiết bị sử dụng, nhà cung cấp dịch vụ di động, địa chỉ IP, website truy cập, tìm kiếm thực hiện cũng như tương tác với những ứng dụng, trình duyệt và quảng cáo. Đây là những thông tin vô cùng có giá trị đối với các công ty công nghệ. Chắc đã không ít lần bạn thấy các sản phẩm mình vừa tìm kiếm trên Google xuất hiện trong quảng cáo Facebook đúng không? Đó là khi thông tin của bạn đang được thu thập và bán cho bên thứ ba ngay trước mắt bạn.

Một trong những thông tin bị thu thập gây ra tranh cãi gần đây đó là dữ liệu nhận dạng khuôn mặt, nó được thu thập bởi một vài công ty, bao gồm Microsoft, Amazon, Facebook, TikTok và Uber. Các công ty này giải thích rằng họ sử dụng dữ liệu để xác minh danh tính của tài xế và đối tác giao hàng.

(Nguồn: Internet)

Riêng với Microsoft, nền tảng này chỉ có thể thu thập thông tin nhận diện khuôn mặt nếu người dùng bật tính năng “People” trên cài đặt ảnh của máy. Vị chủ tịch của Microsoft mới đây đã tuyên bố rằng họ sẽ không bán công nghệ nhận dạng khuôn mặt cho các sở cảnh sát ở Hoa Kỳ trừ khi luật liên bang được thực thi để điều chỉnh việc sử dụng công nghệ này. Amazon cũng có quan điểm tương tự khi không cho cảnh sát thâm nhập vào phần mềm nhận dạng khuôn mặt Rekognition của họ, nhưng lệnh cấm này chỉ có giá trị trong vòng 1 năm. 

Mặt khác, Facebook và TikTok bị cho là thiếu đạo đức khi đã lợi dụng phần mềm mạnh mẽ này. Cụ thể, Facebook đã phải trả một khoản phạt lớn lên đến 550 triệu USD vì vi phạm Đạo luật bảo mật thông tin sinh trắc học của Illinois (Đạo luật này yêu cầu các công ty phải có sự đồng ý của người dùng trước khi có quyền thu thập và chia sẻ thông tin sinh trắc học như dữ liệu nhận dạng khuôn mặt). Khoản phạt của Facebook đã trở thành một trong những khoản phạt bằng tiền mặt lớn nhất trong lịch sử của một vụ kiện về quyền riêng tư.

Tuy nhiên, trường hợp của TikTok có lẽ mới là điều đáng lo ngại nhất. Các chính phủ trên khắp thế giới ngày càng bày tỏ lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu của người dùng TikTok để sử dụng cho chính họ. Lo ngại về các vấn đề an ninh quốc gia bắt nguồn từ cách thông tin này ngày càng tăng lên khiến cho ngày càng nhiều quốc gia, công ty, tổ chức thực hiện lệnh cấm với TikTok.

(Nguồn: RFI)

>> Xem thêm: Oracle giành chiến thắng trong cuộc đua giành lại TikTok trên đất Mỹ từ tay Microsoft

Vậy, công ty nào thu thập nhiều thông tin nhất về người dùng của họ? 

Trong số 11 cái tên xuất hiện trong bảng xếp hạng này, Facebook là công ty dẫn đầu với việc thu thập tới 48 loại thông tin. Sử dụng Facebook là miễn phí, và gã khổng lồ này đã tận dụng điều đó để bán dữ liệu từ 1.7 tỷ người dùng và biến nó trở thành nguồn lợi nhuận lớn của công ty. Amazon đứng thứ hai với 17 ô không được chọn.

Ở phía ngược lại, Reddit được coi là công ty ít xâm phạm quyền riêng tư nhất trong danh sách, với chỉ 23/58 loại thông tin được thu thập. Đứng sau là Uber với 28 loại thông tin.

Những “gã khổng lồ công nghệ” này đang làm gì với tất cả những thông tin mà họ thu thập được? 

Phổ biến nhất đó là bán cho các bên thứ 3 hoặc cho các nhà quảng cáo để tạo ra doanh thu. 80% doanh thu của Google được tạo ra nhờ quảng cáo! Với tiềm năng tiếp cận hàng triệu người dùng và nhắm mục tiêu dựa trên những yếu tố như nhân khẩu học hoặc lịch sử tìm kiếm, các nhà quảng cáo sẽ phải chi một số tiền khá lớn để đưa sản phẩm hoặc dịch vụ của họ đến với đúng người tiêu dùng.

Cuối cùng, nếu việc thu thập dữ liệu từ các bên này khiến bạn lo lắng, hãy nhớ rằng bạn hiện có thể chọn không thu thập thông tin của mình nhờ Đạo luật CCPA sẽ có hiệu lực trong năm nay.

Tô Linh - MarketingAI

Theo Digitalinformationworld

>> Có thể bạn quan tâm: Insights của Gen Z và tác động của COVID-19 lên triển vọng của giới trẻ qua góc nhìn của Facebook
Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.