Grab ra động thái mới - Đưa ra mức phí cảnh cáo những khách hàng "cao su"

04 Thg 10

Trong 1 động thái mới đây nhất được Grab đưa ra, hãng cho biết sẽ áp dụng khung hình phạt với những vị khách có thói "cao su" ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng của tài xế. Cụ thể là như nào? Mức phạt được Grab đưa ra là bao nhiêu? Cùng MarketingAI tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Từ 10/10, khách hàng sẽ phải trả phí "xe chờ quá 5 phút"

Thông tin này được phía Grab công bố chiều 3-10, gây nhiều ý kiến tranh cãi. Trong đó, một số tài xế là đối tác Grab ủng hộ, song không ít khách hàng phản ứng.

Theo thông tin từ phía Grab, phí "xe chờ quá 5 phút" bắt đầu áp dụng từ ngày 10-10 trong trường hợp khách không có mặt tại điểm đón như đã đặt xe qua ứng dụng Grab trong vòng 5 phút và đối tác tài xế phải huỷ cuốc xe. Thời gian 5 phút bắt đầu tính từ khi tài xế đến đúng điểm đón như khách đặt trên ứng dụng. Khách cũng sẽ nhận được thông báo về thời gian cần có mặt tại điểm đón.

Nguồn: Grab.com

Grab cho biết phí "xe chờ quá 5 phút" sẽ áp dụng ở cả nước với mức 10.000 đồng đối với các dịch vụ GrabCar, GrabCar Plus, GrabCar 7 chỗ và JustGrab. Còn với GrabBike và GrabBike Premium, khách sẽ phải trả 3.000 đồng cho khoản phí này.

Phí "xe chờ quá 5 phút" sẽ được Grab trừ trực tiếp thông qua phương thức thanh toán mà khách lựa chọn trong việc đặt xe trước đó. Tài xế sẽ nhận được bộ khoản phí này. Nếu phương thức thanh toán của người dùng chọn thanh toán bằng tiền mặt, mức phí sẽ được cộng vào trong chuyến đi tiếp theo. Trường hợp khách không thanh toán phí, tài khoản của khách sẽ tạm thời bị vô hiệu hoá tính năng đặt xe của ứng dụng này.

Grab cho rằng việc áp dụng khoản phí như trên nhằm giảm thiểu tình trạng trên và đảm bảo quyền lợi cho các đối tác tài xế. Vì thực trạng khách hàng "cao su" và trễ giờ quá nhiều, thậm chí không ít  trường hợp khách đặt xe nhưng không xuất hiện ở điểm đón hoặc để đối tác tài xế chờ quá lâu, làm tài xế không chỉ mất công sức đến đón mà còn bị lãng phí tiền xăng, mất đi nhiều cơ hội khác gia tăng thu nhập.

Động lực để Graber gắn bó với nghề lâu hơn

Tài xế Grab vốn mang nhiều nỗi khổ, không chỉ là những lần bom hàng, bom đơn, khách trễ "cao su" mà Graber còn chịu nhiều loại phí chồng chéo lên nhau. Trừ đi các loại thì thu nhập cũng chẳng khá giả là bao. Cộng thêm đó là hiện tượng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng ở các thành phố lớn, những ứng dụng đặt xe mới ra ngày càng nhiều khiến các "tài xế thời công nghệ" cũng bị xoay như chong chóng, nhiều người chán nản, bỏ nghề vì không được đãi ngộ tốt. Các ứng dụng liên tục tung mã code khuyến mại cho khách hàng để mở rộng thị trường thì cũng nên có những động thái bảo vệ cho chính những tài xế của mình. Khi họ cảm thấy được tôn trọng và có quyền lợi thỏa đáng, ắt sẽ làm việc với tinh thần hào hứng và gắn bó với hãng.

Nguồn: Zingnews

Động thái thu thêm phí nếu để tài xế chờ quá 5 phút của Grab đưa ra được phần đa anh em cánh tài xế ủng hộ nhiệt tình, vì đảm bảo thời gian cho những chuyến đi cũng như gia tăng thu nhập cho chính bản thân họ. 100% số tiền thu từ phí xe chờ quá 5 phút sẽ được chuyển thẳng cho tài xế để hỗ trợ chi phí di chuyển và thời gian chờ đợi khách. Trong trường hợp khách hàng chủ động liên hệ với tài xế để thỏa thuận, tài xế đồng ý chờ lâu hơn 5 phút và không hủy chuyến, phí để xe chờ quá 5 phút sẽ không được áp dụng. Trước đó, Grab cũng triển khai chương trình tặng hành khách phiếu giảm giá 10.000 đồng cho các dịch vụ vận chuyển nếu bị tài xế hủy cuốc xe. Quy định này được Grab áp dụng ở TP.HCM và Hà Nội từ ngày 30/9 đến 10/11.
>>> Xem thêm: Sự kết hợp có phần mới lạ: Grab hợp tác với Heineken tại thị trường Đông Nam Á
Tạm kết

Đây được xem là tin vui với tài xế công nghệ đặc biệt là Grab và buộc những người có thói quen "cao su" sớm nhận thức hành động để tránh làm mất thời gian, ảnh hưởng đến người khác. Không chỉ bảo vệ quyền lợi của tài xế mà việc làm này cũng góp phần tạo ra thói quen ứng xử lịch sự, đúng giờ cho người Việt. Chỉ khi bạn sẵn sàng để bắt đầu hành trình thì hãy thao tác đặt xe. Chắc chắn rằng, động thái tốt này khi đi vào hoạt động sẽ nhận được sự ủng hộ của nhiều người cùng nhiều hãng khác sẽ tham gia hưởng ứng.

Phương Thảo - MarketingAI

Nguồn CafeF

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.