Hành trình “lột xác” sau đại dịch của các hãng dược phẩm lớn

22 Thg 09

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm cho các thương hiệu dược phẩm trở thành trung tâm của sự chú ý, đồng thời cũng tạo nên sự thay đổi về cách mọi người nhìn nhận về lĩnh vực này. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng tìm hiểu về cách các hãng dược phẩm lớn đương đầu với đại dịch và tận dụng cơ hội để bứt phá.

Thương hiệu trong ngành dược phẩm trước Covid-19

Pfizer, AstraZeneca và Moderna có lẽ là ba hãng dược phẩm nổi tiếng nhất thế giới trong thời điểm hiện tại. Nhưng ít ai biết rằng, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát những thương hiệu này lại không được quá nhiều người biết đến mặc dù họ đều có rất nhiều sản phẩm quen thuộc.

Chẳng hạn, Pfizer là công ty dược phẩm chuyên phát triển, sản xuất các loại thuốc và vaccine trong nhiều lĩnh vực của ngành y tế, bao gồm ung thư, miễn dịch, tim mạch, bệnh tiểu đường/nội tiết và thần kinh. Trong số đó, Viagra (sildenafil, một loại thuốc được sử dụng để điều trị rối loạn cương dương) là một trong những sản phẩm gây tiếng vang nhất của Pfizer nhưng lại không nhiều người thực sự biết đến nguồn gốc của nó. 

Tương tự, những loại thuốc quen thuộc được sản xuất bởi các thương hiệu lâu đời như Nurofen, Valium và Calpol cũng không để lại nhiều ấn tượng với hầu hết người dùng.

“Hái quả ngọt” mùa dịch nhờ chiến lược thương hiệu đúng đắn

Trong cuộc chạy đua tìm kiếm giải pháp cho Covid-19, các công ty dược phẩm không có đủ thời gian để xây dựng thương hiệu riêng cho vaccine của họ theo cách truyền thống. Kết quả là, tên của công ty được đưa vào tầm ngắm để đặt cho vaccine, chẳng hạn như vaccine AstraZeneca hay vaccine Pfizer. Như một lẽ đương nhiên, tên tuổi của những công ty này dần trở nên phổ biến và quen thuộc hơn với người dùng toàn cầu.

coronavirus covid-19 vaccine
Chiến lược thương hiệu đúng đắn giúp các tập đoàn dược phẩm gặt hái thành công trong bối cảnh Covid-19

Trước thời điểm này, mặc dù được mệnh danh là hãng dược phẩm lớn nhất thế giới, nhưng Pfizer lại không thực sự có được danh tiếng tốt và bị gắn với hình ảnh “dược phẩm xấu” khi vướng vào tội tiếp thị bất hợp pháp các loại thuốc viêm khớp Bextra vào tháng 9/2009. Trở lại năm 2018, trong một nghiên cứu của Reputation Institute (US), Pfizer đã nhận được điểm danh tiếng thấp nhất trong số 22 công ty dược phẩm. Nhưng giờ đây, với hiệu quả vượt trội của vaccine Covid-19, Pfizer đang được coi như “vị cứu tinh” của thế giới. Pfizer không chỉ giành chiến thắng trong cuộc đua vaccine mà còn giành được vị trí hàng đầu trong trái tim và suy nghĩ của công chúng.

Bằng cách đưa tên thương hiệu vào vị trí nổi bật nhất trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, Pfizer, AstraZeneca và Moderna đã giành được sự công nhận và ưu ái của người tiêu dùng, đồng thời cũng mở đường cho những thành công lớn trong tương lai. 

>>>Xem thêm: Điểm nhấn mới trong chiến lược marketing ngành dược phẩm và chăm sóc sức khỏe năm 2021

Tận dụng cơ hội để bứt phá

Sự nổi bật của các công ty này trong cuộc đua vaccine dường như đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa (Halo Effect) cho toàn ngành dược phẩm. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng: gần một nửa số người tham gia khảo sát hiện có cái nhìn tích cực hơn về ngành công nghiệp rộng lớn này. 

Lần đầu tiên sau nhiều năm, ngành dược phẩm dường như thoát khỏi “bóng đen” của một “kẻ phản diện” để trở thành anh hùng của nhân loại.

Vậy làm thế nào các công ty dược phẩm có thể tận dụng thời điểm đỉnh cao danh tiếng này để tiếp tục tạo dựng được thiện cảm với công chúng? Câu trả lời nằm ở việc: giao tiếp cởi mở và minh bạch.

Một ví dụ điển hình trong việc minh bạch và trung thực với người dùng có thể kể đến thành công của Unilever. Chỉ hơn một thập kỷ trước, thế giới tiêu dùng rơi vào khủng hoảng khi mọi người ngày càng đặt nhiều câu hỏi về nguồn gốc sản phẩm của hãng. Để chống lại xu hướng này và tạo dựng niềm tin nơi công chúng, Unilever quyết định nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp và tập trung vào tính bền vững.

Unilever bắt đầu cho ra mắt một loạt quảng cáo dựa theo ý tưởng "Kế hoạch Sống Bền vững" và sử dụng biểu tượng "U" trên hầu hết các nhãn hiệu sản phẩm của mình nhằm nói với người tiêu dùng rằng: bất kỳ sản phẩm nào có chữ “U” đều là lựa chọn xanh cho hành tinh.

Động thái này của Unilever mang lại hiệu quả rất tốt: 28 nhãn hiệu “Sống bền vững” đạt mức tăng trưởng cao hơn 69% so với phần còn lại của doanh nghiệp và mang lại tới 75% mức tăng trưởng chung cho Unilever.

Đối với ngành dược phẩm, một dự án như thế này nói thì dễ nhưng làm thì khó. Ngành công nghiệp này luôn phải cực kỳ thận trọng trong việc giao tiếp với công chúng về thương hiệu và hoạt động kinh doanh của mình. Chỉ riêng việc lên ý tưởng thôi cũng đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các công ty vượt qua rào cản về quy định và pháp lý.

thuốc kháng sinh
Nhiều rào cản về quy định và pháp lý khiến ngành dược phẩm khó khăn trong việc thay đổi và triển khai ý tưởng mới

Mặc dù những công ty này nhìn chung có chiến lược vững chắc và mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách và hệ thống y tế, nhưng rất khó để tìm thấy thời điểm giúp điều này trở nên phù hợp với công chúng.

Nhưng giờ đây, các hãng dược phẩm lớn đang có trong tay một cơ hội duy nhất để bứt phá và thực sự giành được uy tín cũng như ngưỡng mộ từ công chúng.

Tuy nhiên, nắm bắt cơ hội này không có nghĩa là quảng bá thuốc đến người dùng một cách vô tội vạ, vì ở hầu hết các quốc gia đây là bất hợp pháp và phi đạo đức. Thay vào đó, hãy tập trung vào các cuộc trò chuyện với công chúng về mục đích, tiến độ cũng như cởi mở về công việc kinh doanh hay những đổi mới chưa từng làm trước đây. Đừng để tên thương hiệu mờ nhạt trên giấy tờ, các thương hiệu dược phẩm nên tích cực sử dụng chúng như một biểu tượng của sự tiến bộ và cam kết vì sức khỏe cộng đồng. Mặc dù, để thực hiện điều này cần một sự thay đổi tư duy đáng kể và chiến lược nghiêm túc, nhưng đây có thể trở thành động lực quan trọng nhất với ngành dược phẩm.

>>>Xem thêm: Các xu hướng digital marketing định hình ngành dược phẩm năm 2021

Đôi nét về thị trường dược phẩm Việt Nam

Trong điều kiện cấp thiết về nhu cầu vaccine cho hoạt động phòng chống dịch Covid-19, thị trường dược phẩm Việt Nam cũng dần trở nên sôi động khi được Bộ Y tế tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, nghiên cứu và phát triển vaccine. Trong đó nổi bật hơn cả là vaccine "made in Vietnam" Nanocovax hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.

sars-cov-2 vaccine
Nanocovax được mong chờ sẽ mang lại điểm sáng cho thị trường dược phẩm Việt Nam

Đứng trước những khó khăn mà đất nước đang phải hứng chịu bởi ảnh hưởng của đại dịch, nhiều doanh nghiệp dược phẩm trong nước đã không ngần ngại đóng góp và ủng hộ Quỹ vaccine phòng Covid-19 như Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương I – Pharbaco ủng hộ 500 triệu đồng; Hội Nam y Việt Nam ủng hộ số tiền 51,5 triệu đồng, Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn đóng góp hơn 39.000 phần quà ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19,... và còn nhiều hoạt động ý nghĩa khác.

Nỗ lực của Bộ Y tế trong hoạt động truyền thông cũng là một điểm sáng trong cuộc chiến phòng chống Covid tại Việt Nam. Những văn bản khô khan được thay thế bằng nhiều hình thức trực quan sinh động, nhạy bén và sáng tạo. Những chiến dịch truyền thông như MV “Ghen Cô Vy”, “Vũ điệu rửa tay” đều gây được tiếng vang lớn cả trong và ngoài nước.

Màn "bắt trend" của Bộ Y tế với MV Ghen Cô Vy đã tạo nên hiệu quả truyền thông vượt ngoài mong đợi

Bên cạnh những mặt tích cực, thị trường dược phẩm trong nước vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự cả tin, tâm lý hoang mang của người tiêu dùng để "thổi phồng" về công dụng kháng Covid-19, tăng giá, trục lợi... Gần đây, trên thị trường xuất hiện tràn lan quảng cáo dược phẩm sai sự thật, gây hiểu nhầm, thậm chí có dấu hiệu lừa dối khách hàng buộc Bộ Y tế phải vào cuộc điều tra và xử lý.

Có thể nói Covid-19 đang tạo nên “cơ hội vàng” để các hãng dược phẩm thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chung tay cải thiện hình ảnh trong mắt công chúng, đồng thời thực hiện đúng sứ mệnh chăm lo sức khỏe của người dân trên toàn thế giới.

Lương Hạnh - MarketingAI

>> Xem thêm: Kỹ thuật số đang thay đổi ngành dược phẩm & chăm sóc sức khỏe như thế nào?

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.