[BÁO CÁO] Hành vi người dùng Việt Nam trong mùa dịch Corona

18 Thg 02

Trong khoảng 2 tháng gần đây, từ khóa “Virus Corona” trở nên phổ biến hơn bao giờ hết khi nó là tác nhân đã gây ra biết bao rắc rối và nỗi sợ hại trên toàn cầu. Hàng loạt tin tức, báo đài giờ đây đều tập trung vào virus Corona. Do vậy chắc hẳn rằng, chúng đã tác động đến hành vi của người tiêu dùng. Trong đó Việt Nam là đất nước chịu nhiều ảnh hưởng, tác động hơn cả vì giáp với biên giới Trung Quốc. Mới đây, Q&Me vừa thực hiện một cuộc khảo sát trên người tiêu dùng Việt Nam, tìm hiểu cụ thể tác động của những tin tức về virus Corona đã tác động, thay đổi hành vi người tiêu dùng Việt Nam như thế nào, cũng như cách nó thay đổi cuộc sống của người dân nơi đây.

Báo cáo về hành vi người tiêu dùng Việt trong mùa dịch Corona

Báo cáo này được Q&Me thực hiện trên quy mô 672 người Việt trong độ tuổi 18 - 49 vào tháng 2/2020.

Đeo khẩu trang

Khi thông tin về dịch cúm Corona bùng phát, hàng loạt báo đài đồng loạt nhắc nhở mọi người cách đề phòng và trong đó, đeo khẩu trang là cách được đề cập đến đầu tiên. Vậy nên không ngạc nhiên khi tỷ lệ người dùng Việt Nam chọn đeo khẩu trang tăng cao như vậy, đặc biệt là khi đi ra ngoài đường. Có tới 89% ứng viên tham gia khảo sát đồng ý việc đeo khẩu trang khi ra đường, trong đó 56% lựa chọn luôn luôn đeo mỗi khi ra đường. Bên cạnh đó, 47% ứng viên đeo khẩu trang ngay khi ở trong nhà. Những con số đó đủ để thấy tầm quan trọng của chiếc khẩu trang tăng mạnh như nào. Không chỉ thay đổi trong hành vi, thậm chí người tiêu dùng Việt Nam còn thay đổi cả trong thói quen chọn lựa khẩu trang.

Khi dịch Corona bùng phát, liên tục báo đài, các trang thông tin đã đưa tin khẩu trang y tế là loại khẩu trang NÊN được sử dụng trong thời điểm này. Chính thông tin này đã thay đổi hoàn toàn hành vi của người tiêu dùng Việt Nam. Những chiếc khẩu trang y tế mà trước đây không mấy ai đoái hoài sử dụng, giờ đây trở thành cơn sốt được săn lùng trên thị trường. Với 88% ứng viên lựa chọn khẩu trang y tế để sử dụng, nó là minh chứng cho những vụ việc giá thành khẩu trang y tế tăng đột biến, sự khan hiếm chưa từng thấy của mặt hàng này trên thị trường thiết bị y tế.

Thói quen, hành vi hàng ngày

Kể từ thời điểm virus Corona bùng phát, thói quen ra ngoài của người tiêu dùng Việt đã thay đổi hoàn toàn. Hiện tượng này xuất phát từ việc người dân Việt Nam đã hoàn toàn ý thức được mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, từ tác hại cho đến cách thức và tốc độ lây lan kinh khủng của virus Corona. Tất cả đã tác động lên tâm lý của người dân, khiến họ e dè việc ra ngoài.

Nhìn vào biểu đồ trên có thể thấy, 80% người dân đã giảm tần suất ra ngoài do virus Corona bùng phát. Dĩ nhiên, khi thói quen ra ngoài bị giảm xuống chắc chắn sẽ tác động tới hoạt động, hành vi hàng ngày của người tiêu dùng Việt Nam. Từ đó, ta có hai biểu đồ dưới đây.

Những hoạt động người Việt làm nhiều hơn

hành vi người tiêu dùng Việt trong mùa dịch Corona

Những hoạt động người Việt làm ít đi

hành vi người tiêu dùng Việt trong mùa dịch Corona

Từ hai biểu đồ trên, có thể thấy khi thói quen ra ngoài của người Việt Nam giảm sút nghiêm trọng đã dẫn đến việc: Người Việt phải ở nhà và những hoạt động tại nhà sẽ được thực hiện nhiều hơn, thường xuyên hơn. Ngược lại, những hoạt động ngoài trời sẽ bị giảm sút như một hệ quả. Cụ thể, những hoạt động giải trí ngoài trời, gặp mặt ăn uống đều có xu hướng giảm sâu, còn những hoạt động trong nhà như lướt web, xem TV hay giao đồ ăn tận nhà đã có xu hướng tăng mạnh trong thời gian này.

Tạm kết

Việc bùng phát dịch cúm Corona đã gây ra rất nhiều ảnh hưởng lên đời sống của người dân tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Cộng với sức lan tỏa của thông tin đại chúng hiện tại, tất cả đã tạo nên sự thay đổi trong hành vi người tiêu dùng tại Việt Nam. Vậy nên người tiêu dùng Việt cần cẩn trọng, chọn lọc những thông tin từ những nguồn đáng tin cậy và xây dựng thói quen bảo vệ sức khỏe, giữ gìn vệ sinh trong thời điểm này.

Tuấn Anh - MarketingAI

Theo Q&Me

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.