Hậu COVID19: các ngành đã xoay sở thế nào để giữ vững vị trí trên thị trường?

26 Thg 01

Thành công của một doanh nghiệp đều bắt nguồn và được xây dựng từ niềm tin của khách hàng. Việc duy trì và phát triển mối quan hệ lâu dài giữa khách hàng và doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong mỗi chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên, đại dịch covid vừa qua đã tạo ra nhiều thách thức mới cho các doanh nghiệp.

Vậy làm thế nào để các doanh nghiệp thích ứng kịp thời với một thế giới không còn thích "tiếp xúc"? Bằng cách đánh giá lại hành trình khách hàng và tạo ra các cách tiếp cận trực tuyến mới, doanh nghiệp hoàn toàn có thể phát triển mối quan hệ bền vững với khách hàng. Trong bài viết dưới đây, Sapna Arora, CMO của Olx Ấn Độ sẽ chia sẻ một số xu hướng kinh doanh trực tuyến dự đoán sẽ thịnh hành trong năm 2021. 

Mua sắm ô tô trở nên "đơn giản hơn"

Quay lại thời kỳ tiền Covid, hành trình mua hàng của một người mua ô tô tại Ấn Độ thường bắt đầu từ quá trình nghiên cứu sản phẩm trực tuyến, sau đó họ tới các đại lý ô tô khác nhau để lái thử và tìm hiểu các giao dịch tốt nhất hiện có. Từ đó, người tiêu dùng tiếp tục tìm hiểu về bảo hiểm và các thông tin liên quan thông qua trang mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến. Có thể nói khi đó, việc trực tiếp tới showroom để tham khảo sản phẩm là một bước quan trọng dẫn đến hành động mua cuối cùng của khách hàng.

Nhưng Covid đã thay đổi hướng đi của mọi ngành nghề, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô. Lần đầu tiên trong ngành công nghiệp ô tô Ấn Độ, doanh số bán hàng trong nước vào tháng 4 năm 2020 được báo cáo là một con số 0. Sau thời gian làm quen với sự thay đổi này, các nhà sản xuất ô tô bắt đầu thiết lập các kênh bán hàng trực tuyến để thích ứng nhanh với các cách tiếp cận mới, đồng thời cân bằng lại doanh số cho giai đoạn khó khăn vừa qua.

Giờ đây, các nhà sản xuất đang dần khẳng định việc kinh doanh chỉ cần một nền tảng kỹ thuật số tốt mà không phải phụ thuộc vào các đại lý, showroom. Các OEM (nhà sản xuất phụ tùng gốc) hàng đầu như BMW, MG Motor, Hyundai, Maruti Suzuki, Toyota, Honda Cars, Volkswagen, Volvo, Tata Motors đã bắt đầu tham gia vào phong trào này. Một trong số đó cũng tạo thương hiệu riêng cho các kênh kỹ thuật số. Ví dụ, Mercedes Benz trở thành "Merc from home", Volvo là "Stay Home Store" trong khi Hyundai chỉ đơn giản là "Click to buy".

Giờ đây, người dùng có thể dễ dàng kiểm tra mặt hàng nào đang có sẵn tại đại lý (với tính năng góc nhìn 360 độ bên trong và ngoài của chiếc xe), kiểm tra giá xuất xưởng và khám phá các tùy chọn và ưu đãi. Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thể lên lịch lái thử và thực hiện một chuyến "tham quan ảo" trên những chiếc xe mà họ lựa chọn bằng các nền tảng công nghệ này.

>>> Xem thêm: Ecommerce Marketing: Tất cả những gì doanh nghiệp cần biết

Vấn đề sức khỏe được ưu tiên hàng đầu

Một lĩnh vực khác cũng trải qua nhiều thay đổi là ngành dịch vụ tài chính, bao gồm bảo hiểm nhân thọ và y tế. Đặc biệt là doanh số các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đã tăng trưởng mạnh sau Covid. Từ việc được coi là các sản phẩm phụ, danh mục bảo hiểm này đã trở nên quan trọng hơn khi các công ty nhận thấy nhu cầu về mặt hàng này đang tăng lên đáng kể sau Covid.

Điều này bắt nguồn từ những sự việc xảy ra trong năm vừa qua, mọi người đang ngày càng quan tâm tới vấn đề sức khỏe và họ nhận thấy việc lập kế hoạch phòng ngừa trước cho người thân là một điều hết sức cần thiết.

Thực tế cho thấy các gói Bảo hiểm nhân thọ đã được bán trực tuyến bởi những nhóm tư nhân từ trước khi Covid xảy ra. Vì vậy để đảm bảo không bỏ lỡ cơ hội đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, các thương hiệu đã điều chỉnh chiến lược bằng cách chỉ định nhiều nhà phân phối trực tuyến hơn, nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận.

FMCG phát triển nhanh chóng trên eCommerce

Hậu Covid, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) lớn thứ tư tại Ấn Độ đã chứng kiến ​​sự trỗi dậy đáng kể và của thương mại điện tử. Trong giai đoạn đầu cách ly, việc mở cửa các đại lý tạp hóa là một điều bất khả kháng, tuy nhiên khi tình hình ổn định và thương mại điện tử đã có một vị trí nhất định trên thị trường, xu hướng eCommerce đang dần được chấp nhận và áp dụng trong các cửa hàng tạp hóa nhỏ nói riêng và ngành FMCG nói chung.

Với sự phát triển của thương mại điện tử, nhiều công ty hàng đầu trong ngành FMCG đã tăng gấp đôi doanh số bán hàng trên các trang eCommerce vào năm 2020 và xu hướng này có khả năng sẽ tiếp tục tăng cao.

Theo ước tính của thị trường, các nền tảng thương mại điện tử dự kiến ​​sẽ đạt doanh số 100 tỷ đô la vào năm 2024 và sẽ "vượt mặt" thương mại hiện đại chỉ trong 5 năm tới. Hindustan Unilever Ltd, công ty FMCG hàng đầu gần đây báo cáo thị phần bán lẻ trực tuyến trên tổng sản lượng bán hàng đã tăng gấp hai lần từ 3% lên gần 6% vào năm 2019. Doanh số thương mại điện tử tại Nestle Ấn Độ tăng 97% trong quý tháng 9 và chiếm 4% hoạt động kinh doanh địa phương.

Kết

Nhìn chung, hậu Covid đã tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới trong mọi ngành nghề. Nhiều thương hiệu trong số đó đã áp dụng các kênh kỹ thuật số để bán hàng, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới và nắm bắt những cơ hội khác trong các lĩnh vực liên quan. Cuộc chiến với Covid vẫn chưa kết thúc khi mới đây một chủng virus nguy hiểm đã xuất hiện ở Anh. Vì vậy các nhà tiếp thị nên giữ vững lập trường và triển khai các chiến lược kinh doanh phù hợp với giai đoạn hiện tại.

Phan Thảo - MarketingAI

Theo TheDrum

>>> Có thể bạn quan tâm: Recap Workshop “Xu hướng Content Marketing hậu COVID-19”

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.