Hiệu ứng tâm lý “Random Reinforcement” - Công thức “gây nghiện” cho khách hàng

23 Thg 02

Bạn đã từng lướt TikTok quá 180 phút hay vô thức quẹt Tinder không ngừng nghỉ,...? Bí mật phía sau công thức “gây nghiện” của những ứng dụng này là một hiệu ứng tâm lý rất đặc biệt mang tên “Random Reinforcement”. Không chỉ tác động tới cảm xúc, “Random Reinforcement” còn có khả năng thúc đẩy hành vi mạnh mẽ và được ứng dụng rất hiệu quả trong marketing, cũng như quản trị nhân sự.


Tâm lý “random reinforcement” - Bí mật phía sau thủ thuật gây nghiện của các nền tảng video ngắn

Random reinforcement hay còn được gọi là củng cố ngẫu nhiên là một hiện tượng tâm lý đã được khoa học chứng minh và được rất nhiều doanh nghiệp ứng dụng trong việc giữ chân khách hàng.

Random reinforcement - Mô tả một trạng thái phấn khích, thích thú của con người khi họ nhận được những tin tức, phần thưởng ngẫu nhiên, không thể dự đoán trước.

Một ví dụ kinh điển và dễ hiểu nhất của hiện tượng tâm lý này đó chính là những canh bạc. Sở dĩ những canh bạc khiến cho người chơi cảm thấy phấn khích và chơi không kiểm soát bởi “phần thưởng” mà nó mang lại là “ngẫu nhiên”. Người chơi không biết cụ thể khi nào họ sẽ thắng, mà chỉ biết rằng họ sẽ có cơ hội được thằng và vì thế nên họ sẵn sàng chơi liên tục để mong chờ cơ hội chiến thắng đó.

Sự phấn khích được đẩy lên cao hơn khi bạn thắng một canh bạc đầu tiên, một vài ván tiếp theo bạn lại bất ngờ chiến thắng tiếp. Những phần thưởng bất ngờ này đã “củng cố” kỳ vọng chiến thắng của họ ngày càng lớn và rơi vào vòng xoáy của cờ bạc lúc nào không hay.

Trên thực tế, Random reinforcement là một hiện tượng tâm lý đã được khoa học chứng minh và được hình thành từ một Hormon có tên là Dopamine trong não bộ. Dopamine là một Hormone mang lại cảm giác thành tựu cho con người, khiến chúng ta có cảm giác hưng phấn tức thời, muốn được nó nhiều hơn. Những “phần thưởng”, “niềm vui” bất ngờ, ngoài dự đoán chính là yếu tố kích thích Dopamine trong não sản sinh nhiều hơn và tăng ham muốn của chúng ta hơn.

Ảnh hưởng của “random reinforcement” tới hành vi của con người

Random reinforcement có thể tác động rất lớn tới hành vi của con người:

  1. Củng cố hành vi: Khi một người không chắc chắn về thời điểm họ sẽ nhận được phần thưởng, họ có xu hướng tiếp tục hành vi đó với sự mong đợi về những phần thưởng ngẫu nhiên tiếp theo.

  2. Thúc đẩy con người chấp nhận rủi ro: Hiện tượng nghiện cờ bạc chính là hiệu ứng rõ nét nhất của hành động này. Những phần thưởng ngẫu nhiên khiến sự kỳ vọng của con người tăng cao, thôi thúc họ bất chấp rủi ro để thực hiện.

  3. Khiến cho phần thưởng trở nên có giá trị hơn: Những phần thưởng không thể đoán trước bao giờ cũng gây bất ngờ và trở nên nổi bật hơn. Ví dụ, thay vì tặng cho khách hàng cố định một số tiền thưởng, thương hiệu có thể tặng ngẫu nhiên số tiền thưởng để kích thích tâm lý Random reinforcement của họ.

Vì vậy, Random reinforcement là một hiệu ứng tâm lý được sử dụng rất phổ biến trong giữ chân người dùng, khách hàng, đặc biệt là trên các kênh truyền thông số như website, app,... và các chương trình khuyến mãi, gamification,.. Ngoài ra, tâm lý này cũng được ứng dụng trong việc quản trị, giúp tạo động lực cho nhân viên rất hiệu quả.

Các thương hiệu khai thác Random reinforcement để giữ chân khách hàng như thế nào?

2.1 Tiktok - Bậc thầy sử dụng tâm lý Random reinforcement

Theo Music Business Worldwide, trung bình người dùng Tik Tok đã dành khoảng 89 phút mỗi ngày để sử dụng ứng dụng này. Cùng với đó, một nghiên cứu độc lập của giáo sư Scott Galloway tại Đại học New York cũng chứng minh rằng, mỗi phiên sử dụng Tik Tok của người dùng trung bình kéo dài tới 11 phút - Tương ứng với việc xem khoảng 26 video (mỗi video dài khoảng 25 giây) cho mỗi lần lướt TikTok. Những con số này đã cho thấy rằng, TikTok đang sở hữu một khả năng giữ chân người dùng rất đáng kinh ngạc, dù những video chỉ dài vỏn vẹn vài chục giây.

Và Random reinforcement cũng chính là lý do khiến chúng ta đã bị cuốn theo và không ngừng “lướt” hàng chục video TikTok liên tục. The New York Times đã từng đưa tin về một số những tài liệu rò rỉ nội bộ của Tik Tok và điều đáng chú ý nhất là cách mà nền tảng đề xuất và hiển thị video với người xem. Tik Tok có một hệ thống thu thập và phân tích dữ liệu của người dùng khá mạnh, vì vậy nó hoàn toàn có thể hiểu được nội dung mà người dùng muốn xem. Tuy nhiên, Tik Tok lại chỉ hiển thị gần giống với những nhu cầu của người dùng, thay vì hiển thị chính xác hoàn toàn.

Tiktok - Bậc thầy sử dụng tâm lý Random reinforcement

Điều này cũng giống như những phần thưởng ngẫu nhiên mà chúng ta vừa Phân tích về tâm lý Random reinforcement bên trên. Bên cạnh việc đề xuất những video theo sở thích, đôi khi Tik Tok sẽ xen kẽ những nội dung bình thường khác, người dùng không thể biết họ sẽ xem video nào tiếp theo. Điều này kích thích dopamine và cảm giác phấn khích muốn tìm nhiều video thú vị hơn nữa. Và cứ thế, chúng ta tiếp tục cuộn TikTok trong vô thức. Tiến sĩ Julie Albright đã từng chia sẻ trên tạp chí Forbes về Tik Tok: “Đôi khi bạn thắng, đôi khi bạn thua. Đó là cách các nền tảng này được thiết kế... chúng giống hệt như một máy đánh bạc.”

Ngoài TikTok, hai mạng xã hội khác là Instagram và Facebook cũng ứng dụng hiệu ứng tâm lý đặc biệt này trong phần Reel - Video ngắn của mình. Tuy nhiên, có thể thấy video ngắn trên TikTok vẫn có khả năng “gây nghiện” mạnh mẽ hơn. Bởi nền tảng này có thiết kế giao diện rất đơn giản, ít lựa chọn và tập trung sự chú ý của người dùng vào các video. Do đó, hiệu ứng tâm lý Random reinforcement trên TikTok có phần mạnh mẽ hơn.

2.2 Dating App - Khiến người dùng lướt không ngừng nghỉ nhờ hiệu ứng Random reinforcement

Không chỉ riêng TikTok, Random reinforcement là một hiệu ứng tâm lý rất thú vị mà nhiều thương hiệu đã âm thầm sử dụng. Đặc biệt là những ứng dụng hẹn hò như Tinder, Bumble,... Phần lớn những dating app này hoạt động theo một cơ chế đó là lướt và “quẹt” để tìm đối tượng và “match” (bắt cặp) khi hai người cùng thích nhau. Có nghĩa là người dùng sẽ không thể biết trước mình sẽ gặp ai trên dating app, cũng không biết trước là đối phương có thích lại mình hay không.

Giống như Tik Tok, Dating app không hiển thị chính xác hoàn toàn những người phù hợp với user, mà còn xen kẽ với những đối tượng khác. User có thể bất ngờ gặp được đối phương phù hợp và match một cách ngẫu nhiên. Bởi vậy, Dating app cũng khiến người dùng thích thú, lướt liên tục với kỳ vọng tìm được một người phù hợp.

Dating App - Khiến người dùng lướt không ngừng nghỉ nhờ hiệu ứng Random reinforcement

>>> Xem thêm: Hiệu ứng tâm lý đặc biệt từ Disneyland - Điều gì đã biến Disneyland trở thành “vùng đất hạnh phúc “ trong lòng khách hàng

Tạm kết:

Nhìn chung, “Random Reinforcement” tác động chính vào tâm lý kỳ vọng và thành tựu của mỗi người, từ đó thúc đẩy hành vi của họ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng “Random Reinforcement” được hình thành bằng cách trao những “phần thưởng” “thành tựu” hay “giá trị” ngẫu nhiên cho khách hàng. Vì vậy, để tạo nên hiệu ứng này, thương hiệu cần nắm bắt được chính xác những gì mà khách hàng mong muốn, những giá trị thực sự ảnh hưởng tới họ.

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.