Influencer marketing - Xu hướng marketing mới cho năm 2018 ( Phần 1 )

06 Thg 11

Trong thời đại mà niềm tin trở thành chìa khóa cho các thương hiệu thì việc tự giới thiệu về sản phẩm/ dịch vụ của mình là không đủ. Và đó là lúc influencer marketing nên được phát huy một cách tối đa. Theo báo cáo của Linquia, 94 % các marketer đều đánh giá influencer marketing hiệu quả vào năm 2016. Theo đó, ngân sách cho influencer marketing tăng gấp đôi vào năm 2017. Và dự kiến vào 2018 tới, phương thức này sẽ lên ngôi.

Tuy nhiên, influencer marketing còn khá mới đối với các marketer để họ có thể tận dụng tối đa tiềm năng của nó. Bài viết này sẽ viết hết tất tần tật về influencer marketing và các chiến lược cho hoạt động marketing này.

Influencer Marketing là gì?

Influencer Marketing, hiểu đơn giản, là hợp tác với những người ảnh hưởng trên mạng xã hội để tăng mức độ tiếp cận thương hiệu. Những người ảnh hưởng này có thể là bất kỳ ai: Người nổi tiếng trên mạng, chuyên gia trong ngành hoặc thậm chí là một người khách hàng thân quen của thương hiệu có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.

Người ảnh hưởng (influencer) được phân loại như thế nào?

1. Nhà hoạt động (activist)

Các nhà hoạt động là những người ảnh hưởng tin vào sản phẩm của bạn. Hay nói một cách khác, họ sẽ chỉ quảng bá cho sản phẩm của bạn nếu điều đò phù hợp với niềm tin và nguyên tắc của họ. Hợp tác với họ là một ý tưởng không tồi bởi họ sẽ không quảng cáo cho sản phẩm của bạn nếu họ không thực sự thích nó.

2. Nhà khích động (agitator)

Người có ảnh hưởng thu hút sự chú ý bằng cách tạo ra những cuộc tranh luận lành mạnh về thương hiệu được gọi là nhà khích động (agitator). Họ thuộc vào loại người ảnh hưởng lý tưởng nhất để tương tác với khách hàng của bạn.

3. Nhà phân tích (analyst)

Nhà phân tích có thể khiến người khác hiểu được ngụ ý của việc mua và sử dụng sản phẩm/ dịch vụ của bạn. Có rất nhiều loại nhà phân tích: nhà phân tích kỹ thuật, nhà phân tích tài chính, nhà phân tích quản lý,...

4. Nhà chức trách (authorities)

Các nhà chức trách cũng là những chuyên gia trong một chủ đề cụ thể nào đó. Tuy nhiên, khác với những chuyên gia khác, những gì họ chia sẻ ít học thuật hơn. Họ giao tiêp với ngôn ngữ của đại chúng nói chúng. Đây chính là lý do mà họ có thể sẽ tạo được tương tác tốt hơn so với những chuyên gia đầu ngành.

5. Người nổi tiếng (Celebrity)

Người nổi tiếng là nhóm người có ảnh hưởng phổ biến nhất. Họ thường có lượng lớn người hâm mộ theo dõi nên điều đó khiến họ thường được các thương hiệu chọn. Tuy nhiên, chi phí để mời họ thì rất cao.

6. Người kết nối (connector)

Người kết nối kết nối thương hiệu của bạn với những người theo dõi họ. Họ là cầu nối giữa thương hiệu của bạn và nhóm khách hàng mục tiêu thông qua việc xây dựng những liên kết từ chính nội dung.

7. Chuyên gia

Họ là những người ảnh hưởng với kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó. Và thường thì họ đã có một vài ấn phẩm xuất bản như sách, tài liệu nghiên cứu và các bài viết do họ thực hiện. Hay nói cách khác họ là những thought leader (dẫn dắt bằng suy nghĩ) trong ngành của họ.

8. Người trong cuộc

Nhiệm vụ của nhóm người này là làm sáng tỏ về những gì xảy ra nội bộ, những gì đang phát triển bên trong một nhãn hiệu. Họ có thể là những nhân viên có lượng follow lớn hoặc họ cũng có thể là những nhà chức trách có mạng lưới các mối quan hệ rộng đối với các ngành.

9. Nhà báo

Nhà báo có khả năng nói về những sản phẩm/ dịch vụ mới dưới quan điểm của người đưa tin. Họ sẽ không xuất bản một bài tin nếu không có đủ bằng chứng để ủng hộ quan điểm của họ. Vì vậy, lời nói của họ rất có trọng lượng.

10. Thương hiệu cá nhân

Tên tuổi của họ đủ uy tín để thu hút được lượng follow lớn. Họ thường là những người rất thành công như diễn giả truyền cảm hứng, cố vấn quản lý và tác giả.

Chiến lược nào cho influencer marketing?

Với đặc tính không ngừng chuyển động của influencer marketing, thực thi những chiến lược đem lại kết quả là một thách thức. Tuy nhiên, đầu tư vào influencer marketing là xứng đáng khi độ phủ và lượng tiếp cận của thương hiệu theo sau đó tăng đáng kể.

Đặt mục tiêu

Để một chiến lược đem lại kết quả, ta phải biết ta muốn đạt được gì từ chiến dịch của mình. Mục tiêu có thể được điều chỉnh tùy theo từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhìn chung, tạo ra doanh thu, cải thiện danh tiếng của thương hiệu và xử lý khủng hoảng là những mục tiêu phổ biến nhất.

Tạo ra doanh số

Bất kỳ chiến dịch influencer marketing nào cũng, cuối cùng, đều hướng dến việc tạo ra doanh thu. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Twitter và công ty phân tích Annalect, gần 40% người được phỏng vấn đều nói rằng họ mua hàng trực tuyến sau khi thấy sản phẩm đó được sử dụng bởi những người có ảnh hưởng trên Instagram, Twitter, Vine hoặc Youtube. Việc hợp tác với những người nổi tiếng đem lại tốc độ tăng “phù phù” của độ phủ thương hiệu nhưng điều đó đồng nghĩa với việc, chi phí phải bỏ ra là rất cao. Vì vậy, chiến thuật này không thể áp dụng với những công ty có ngân sách khiêm tốn. Nếu có ngân sách hạn hẹp, hãy cân nhắc đến việc xây dựng mối quan hệ lâu dài với người ảnh hưởng siêu nhỏ (micro-influencer). Giá không quá đắt đỏ và họ có lượng theo dõi thuộc thị trường ngách. Có thể kết hợp với những chiến lược tiếp thị khác như tiếp thị liên kết (affiliate marketing), chương trình giảm giá đặc biệt, chương trình quảng cáo, flash sales và phiếu mua hàng (voucher). Tìm ra thủ thuật nào hiệu quả và không hiệu quả. Tập trung vào những thủ thuật đem lại kết quả. Doanh số của bạn sẽ không tăng chỉ qua một đêm. Vì vậy, đừng dừng thực hiện chiến lược chỉ bởi vì nó chưa đem lại kết quả như mong đợi trong vài tuần đầu.

Cải thiện danh tiếng thương hiệu

Influencer marketing cho phép bạn tận dụng danh tiếng của những cá nhân trên Internet có “đội quân” theo dõi hùng mạnh. Để cải thiện danh tiếng thương hiệu, ta cần tập trung vào lượng view trực tuyến, tần số hiển thị và tương tác. Người có ảnh hưởng thường xuyên tạo ra những nội dung mới mẻ cho chiến dịch đóng vai trò quan trọng trong việc tăng mức độ nhận biết thương hiệu. Gần 86% các video làm đẹp trên Youtube được sản xuất bởi những người có ảnh hưởng, trong khi 14% là được thực hiện bởi chính các thương hiệu làm đẹp. Bạn có thể sử dụng feedback từ những người có ảnh hưởng để liên tục kiểm tra cảm xúc người tiêu dùng về thương hiệu. Điều đó có nghĩa là bạn có thể đưa ra những thay đổi cần thiết đối với chiến lược quản lý danh tiếng của mình từ những phản hồi đó. Chân thực và minh bạch là hai yếu tố khiến công chúng tin người có ảnh hưởng hơn các thương hiệu. Thông qua người có ảnh hưởng, ta xây dựng được lòng tin, tăng danh tiếng cho thương hiệu.

Xử lý khủng hoảng

Khi nói đến vị thế trên mạng xã hội, mọi thứ không phải lúc nào cũng diễn ra tốt đẹp. Bạn có thể bắt gặp những chỉ trích tiêu cực đe dạo danh tiếng của thương hiệu. Ngay cả những thương hiệu toàn cầu như Pepsi hay United Airlines cũng phải đối mặt với khủng hoảng quan hệ công chúng gần đây. Các thương hiệu có kết nối mạnh mẽ với người có ảnh hưởng sẽ được trang bị tốt hơn để xử lý khủng hoảng. Bạn có thể sử dụng người có ảnh hưởng và uy tín của họ để tác động đến cảm xúc, quan điểm và quyết định theo ý của bạn. Bạn có thể sử dụng những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để cung cấp cho đối tượng mục tiêu thông tin, sự thật, số liệu liên quan đến vấn đề. Tuy nhiên, bạn cũng cần tương tác trên kênh truyền thông chính thức của mình để xin lỗi (nếu cần thiết) và đưa ra những hướng đi tiếp theo để giải quyết vấn đề nếu như khủng hoảng lên tới đỉnh điểm. Bên cạnh đó, có một đội ngũ những người có ảnh hưởng trung thực và đáng tin cậy giúp phát hiện khủng hoảng sớm nhất. Vi vậy, bạn nên thảo luận về vấn đề này trước khi nó trở thành “thảm họa diện rộng”.

Ở Phần 2 của bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ thêm về Cách chọn người ảnh hưởng tới thương hiệu và làm sao để xây dựng mối quan hệ với họ, cùng với đó là cách thực thi, đo lường hiêụ quả cho chiến dịch Influencer marketing.

Ngọc Mai - Admicro

Nguồn: AgilityPR

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.