Khi mức sử dụng tăng vọt sau đại dịch, các mạng xã hội làm gì để hỗ trợ và thông báo cho người dùng?

06 Thg 07

Khi đại dịch bùng nổ, người dân trên thế giới đã phải đối mặt với các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt, không được tiếp xúc với bạn bè, người thân thì công nghệ đã trở thành một phương tiện kết nối hữu ích của con người. Chính vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng, mạng xã hội đang chứng minh được mục đích thực sự của nó nhiều hơn trước đây - đó là mang mọi người lại gần nhau hơn.

Trên thực tế, các ứng dụng mạng xã hội đều đã báo cáo mức độ tương tác tăng lên khi người dùng thấy mình có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn để lướt mạng, đăng tải các bài viết và chia sẻ nội dung. Những loại nội dung thu hút người dùng cũng đã thay đổi. Theo GlobalWeb Index, 48% người tiêu dùng Mỹ và Anh sử dụng mạng xã hội để đọc thêm tin tức liên quan đến sự bùng phát của đại dịch, điều đó có nghĩa là các nền tảng giờ đây phải nâng cao trách nhiệm trong việc ngăn chặn người dùng chia sẻ những thông tin sai lệch.

Vì vậy, khi mức độ sử dụng tăng vọt, các mạng xã hội như Facebook, Instagram và Twitter tương tác như thế nào để giúp người dùng được kết nối tốt hơn, cũng như được thông báo và hỗ trợ khi đối mặt với đại dịch toàn cầu?

Facebook

Thói quen sử dụng đã thay đổi như thế nào?

Theo báo cáo quý 1 năm 2020 từ Facebook, trong tháng 3 năm nay, lượng người dùng hàng ngày (DAU) và hàng tháng (MAU) của Facebook tăng lần lượt 11% và 10% so với cùng kỳ năm ngoái, phản ánh sự gia tăng tương tác mạnh của người dùng do cách ly tại nhà. Mức độ sử dụng các cuộc gọi video trên Facebook Messenger và WhatsApp đã tăng gần gấp đôi ở một số khu vực bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi dịch COVID-19.

Trong khi đó, Facebook nói rằng “nhu cầu quảng cáo đã giảm đáng kể” trong ba tuần cuối quý khi các thương hiệu bắt đầu kéo giãn các chiến dịch của mình nhằm tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, kể từ đó trở đi, mọi thứ đã dần được cải thiện hơn khi các thương hiệu tìm được cách phục hồi từ cú sốc ban đầu của cuộc khủng hoảng và bắt đầu tiếp tục một số hoạt động quảng cáo một cách thận trọng và tận dụng mức độ tương tác với mạng xã hội cao trong thời gian giãn cách xã hội này.

Sự ra mắt của tính năng Facebook Shops đã góp phần vào trong việc hồi sinh quảng cáo trên Facebook khi các thương hiệu chuyển sang quảng bá các cửa hàng thương mại điện tử của họ.

>>> Đọc thêm: Tính năng Facebook Shops đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nhỏ

Facebook đã hỗ trợ người dùng như thế nào trong cuộc khủng hoảng COVID-19?

Facebook dường như đang tận dụng sự bùng phát của đại dịch COVID-19 để nhấn mạnh ý thức cộng đồng mà nền tảng này xây dựng nên, đồng thời đây cũng là một trong những động lực tạo ra Facebook từ nhiều năm trước.

Ngoài ra, tính năng Trung tâm thông tin về virus corona trên Facebook là một trong những thay đổi nổi bật và hữu ích nhất mà nền tảng đã chứng minh với người dùng kể từ khi đại dịch bùng phát. Người dùng có thể truy cập trực tiếp trung tâm này ở ngay đầu newsfeed của bạn hoặc từ menu chính. Trung tâm thông tin về virus corona là một điều chỉnh mở rộng của tính năng “Trợ giúp cộng đồng” ban đầu, được thiết kế để giúp cộng đồng cung cấp viện trợ sau thảm họa.

Trung tâm thông tin được cá nhân hóa để ưu tiên các cuộc trò chuyện trong khu vực chung của bạn, dựa trên vị trí bạn cài đặt trên điện thoại và được chia thành các phần khác nhau để dễ điều hướng hơn. Ngay khi truy cập vào Trung tâm, một dòng chữ “Cập nhật mới nhất” sẽ hiện ra, mang đến thông tin về số ca nhiễm dịch và các trường hợp tử vong tính đến thời điểm hiện tại ở khu vực của bạn và trên toàn cầu, cũng như một bản tóm tắt ngắn gọn về tin tức mới nhất.

Một loạt các liên kết (link) hữu ích sẽ được hiển thị sau đó, bao gồm trang web của chính phủ, các trang Facebook, trang web chính thức của các tổ chức y tế trên thế giới và một cửa sổ pop-up về các mẹo thường dùng để phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 (như rửa tay).

Facebook rõ ràng đã nỗ lực xây dựng hẳn một khu vực riêng trên nền tảng của mình dành cho các nguồn tin tức đáng tin cậy, khiến cho việc lan truyền các thông tin sai lệch trở nên khó khăn hơn. Có lẽ tính năng độc đáo nhất trong tất cả là chức năng "Yêu cầu và đề xuất trợ giúp”, một tính năng chiếm hẳn một trang riêng mà người dùng có thể lọc qua dựa trên những yếu tố như khoảng cách đến vị trí hiện tại hay loại yêu cầu của họ (ví dụ như đồ dùng trẻ em, thực phẩm, vận chuyển, v.v...). Giao diện người dùng (UI) hữu ích này giúp cho việc hỗ trợ những người có nhu cầu trở nên dễ dàng nhất có thể khi xét đến hoàn cảnh cá nhân của cả hai bên. Ví dụ: tôi không sở hữu một chiếc xe hơi, vì vậy tôi sẽ dùng bộ lọ để lọc các yêu cầu về khoảng cách sao cho gần nhất với tôi, đảm bảo tôi có thể thực hiện tốt đề xuất của mình để giúp đỡ mọi người.

Bên cạnh Trung tâm thông tin về virus corona, Facebook cũng đã cho ra mắt tính năng trò chuyện qua video mới có tên “Messenger Rooms” - một động thái có thể được thực hiện nhằm cạnh tranh với các công cụ gọi video phổ biến mới như Zoom và Houseparty. Người dùng sẽ có thể tạo một “phòng chat” thông qua ứng dụng Facebook hoặc Messenger của họ và mời tối đa 50 người tham gia qua cuộc trò chuyện video này, ngay cả khi họ không có tài khoản Facebook.

Nền tảng này cũng đã áp dụng các bổ sung nhỏ như việc cho ra mắt biểu tượng  “Care”' mới, thể hiện đúng hơn nỗi niềm đồng cảm so với biểu tượng “Yêu” trước đây. Đồng thời gần đây, Facebook cũng tuyên bố rằng họ sẽ cung cấp quảng cáo miễn phí cho các tổ chức y tế toàn cầu để giúp người dùng tìm thấy thông tin từ các nguồn đáng tin cậy hơn.

>>> Đọc thêm: Facebook ra mắt biểu cảm “Care” mới trong hoạt động nâng cao nhận thức về Covid-19

Các hành động chân thực của Facebook trong nỗ lực đối phó với sự bùng phát mạnh mẽ của đại dịch đã giúp củng cố thêm hình ảnh “trưởng thành” của nền tảng này, đồng thời phản ánh nhu cầu đến từ nhiều lớp người dùng trưởng thành hơn, tập trung vào việc giúp người dùng tìm thông tin giá trị họ cần hơn là giải trí.

TikTok

Thói quen sử dụng đã thay đổi như thế nào?

TikTok đã nhanh chóng trở thành mạng xã hội có sự phát triển mạnh mẽ nhất trong giai đoạn khủng hoảng toàn cầu này khi chỉ tính riêng chỉ số UGC, TikTok đã cao hơn tất cả các nền tảng khác. Kể từ khi dịch bệnh bắt đầu, TikTok đã cả cộng đồng phải chú ý khi công bố mức tăng đột biến trong số lượng tải về trên phạm vi toàn cầu. Cụ thể, nền tảng này đã đạt 315 triệu lượt tải về trong quý 1 năm 2020 - chính thức trở thành ứng dụng di động được tải xuống nhiều nhất trong lịch sử tính theo niên kỳ quý (theo số liệu từ SensorTower). Tính tới thời điểm hiện tại, các chuyên gia cho rằng TikTok đã vượt quá 2 tỷ lượt tải xuống trọn đời.

Chi tiêu người dùng trọn đời (Lifetime User Spending) đã đạt 456,7 triệu đô la, cao hơn 2,5 lần so với mức chi tiêu ở thời điểm TikTok đạt 1,5 tỷ lượt tải xuống, cho thấy xu hướng tăng mạnh trong lượt tải về này. Trung Quốc là quốc gia chi tiền nhiều nhất cho nền tảng này với khoảng 331 triệu đô la Mỹ, đứng thứ hai và thứ ba lần lượt là Hoa Kỳ và Vương quốc Anh (với 86,5 triệu đô la và 9 triệu đô la tương ứng).

Tất nhiên, TikTok đã rất nổi tiếng trước đại dịch COVID-19, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, nền tảng này lại càng cho thấy được sức hấp dẫn của nó, đặc biệt là đối với các nhóm người dùng ở đa dạng độ tuổi, thay vì chỉ là đối tượng người trẻ như trước đây. Bên cạnh đó, các ngôi sao TikTok đến từ nhóm thế hệ Millennial và Boomers vẫn tiếp tục duy trì được sự tăng trưởng về lượng người dùng khi họ có xu hướng tìm kiếm những cách mới để chia sẻ sự sáng tạo của họ với người thân, bạn bè và cả cộng đồng. Do đó, TikTok đã phát hành một TVC đầu tiên ở thị trường Anh vào đầu tháng 5, khuyến khích mọi người sáng tạo với TikTok.

TikTok đã hỗ trợ người dùng như thế nào trong cuộc khủng hoảng COVID-19?

Mặc dù tích hợp thêm một vài tính năng mới vào nền tảng của mình, nhưng đa phần trong các tính năng mới đó đều được TikTok đưa vào một cách khá tinh tế để không ảnh hưởng đến giao diện video toàn màn hình của nền tảng này. Chính điều đó đã khiến TikTok trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người dùng.

Đáng chú ý nhất trong loạt tính năng này là biểu tượng khiên nhỏ, được đặt cố định ở góc trên cùng bên phải của TikTok Feeds, cũng như một banner nhỏ ở phía dưới nếu nội dung có chứa hashtag liên quan đến dịch bệnh - ví dụ '# coronavirus ',' #lockdown 'hoặc' #quarantine '.

Cả hai đều liên kết trực tiếp đến một landing page với đầy đủ thông tin rõ ràng và cần thiết, người dùng có thể tìm thấy các video về đại dịch, và những video đến từ các nguồn đáng tin cậy sẽ luôn được đưa lên hàng đầu.

Ngoài ra còn có ba nút đơn giản khác là - 'Protectyourself', 'Mythbusters' và 'Q&A' - dẫn đến nhiều trang khác nhau với các thông tin vô cùng dễ hiểu được viết bởi Tổ chức Y tế Thế giới, giải thích các sự thật về dịch bệnh và đưa ra lời khuyên cơ bản.

Mặc dù phạm vi của những tài nguyên có sẵn dành cho người dùng TikTok không toàn diện như Trung tâm thông tin về virus corona của Facebook, nhưng cách thức trình bày thông tin trên nền tảng này được đánh giá là khá rõ ràng, đơn giản và chính xác, chủ yếu tập trung vào các nội dung video phổ biến. Hơn nữa, việc đưa vào các thông tin cơ bản do chính WHO sản xuất sẽ có ý nghĩa với độc giả ở mọi lứa tuổi - đặc biệt là đối tượng trẻ - nhóm người dùng chiếm tỷ lệ lớn nhất trên ứng dụng này.

Chúng ta có thể bỏ qua việc TikTok đã phụ thuộc quá nhiều vào nội dung do người dùng tạo (UGC) và các nguồn của bên thứ ba (đáng tin cậy) trong trường hợp này, vì mục đích của nền tảng này là để giải trí nhiều hơn là thông báo, không giống như Facebook hay Twitter. Mục đích cuối cùng của người dùng TikTok đơn giản chỉ là xem các video nhẹ nhàng dể giải trí chứ không phải là cập nhật những tin tức mới nhất.

Chính vì thế, lý do khiến TikTok trở thành mạng xã hội có sự phát triển vượt bậc nhất trong giai đoạn khủng hoảng này là do chính người dùng đã tự hỗ trợ và lan truyền cho nhau. Họ đăng về cuộc sống hàng ngày của họ, những khoảnh khắc vui nhộn trong thời gian giãn cách xã hội để thư giãn trong khoảng thời gian nhạy cảm này.

Ngoài việc tạo ra một landing page về virus corona, TikTok còn “hỗ trợ các vị trí quảng cáo nổi bật trong feeds của họ dành cho các tổ chức đáng tin cậy và cơ quan y tế địa phương”, “đồng thời không cho phép các quảng cáo liên qua tới dịch bệnh COVID-19, bao gồm việc quảng bá  những sản phẩm hoặc dịch vụ có khả năng tạo ra cảm giác sợ hãi, hoặc gây ra những hành vi phạm tội lan rộng”. Ngoài ra, sẽ có dòng thông báo ngắn xuất hiện khi người dùng tìm kiếm hashtag #coronavirus, nhắc nhở người dùng xác minh sự thật bằng các nguồn đáng tin cậy và báo cáo nội dung nếu họ cho rằng nó vi phạm các nguyên tắc của cộng đồng TikTok.

YouTube

Thói quen sử dụng đã thay đổi như thế nào?

Mặc dù không có số liệu chính thức nào được công bố về hành vi của người dùng kể từ đại dịch COVID-19 xuất hiện, nhưng Sundar Pichai, CEO của Alphabet và Google, đã nói rằng ông thấy được “sự tăng trưởng mạnh mẽ” trên nền tảng của YouTube.

Trong cuộc gọi thu nhập (cuộc gọi từ xa hoặc webcast, trong đó một công ty thảo luận về kết quả tài chính của một kỳ báo cáo “hướng dẫn thu nhập”) diễn ra vào quý 1 năm 2020 của Alphabet, ông tuyên bố, “Mọi người đang dần chuyển sang sử dụng YouTube nhiều hơn. Thời gian xem của ứng dụng đã gia tăng đột biến. Mọi người cũng đang tìm kiếm nội dung tin tức đáng tin cậy. Lượng người xem trên YouTube cũng tăng đáng kể so với năm ngoái.”

Trong khi đó, CFO Ruth Porat tuyên bố rằng, vào cuối tháng 3, tăng trưởng doanh thu quảng cáo của YouTube đã khiến cho “mức tăng trưởng hàng năm của nền tảng này giảm ở mức độ cao”, đồng thời quan ngại rằng "quý thứ hai sẽ là một khoảng thời gian khó khăn" đối với quảng cáo trên các nền tảng. Tuy nhiên, tổng doanh thu quảng cáo trong quý đầu tiên của Youtube đã đạt 4,04 tỷ đô la, tăng khoảng 33% so với 3,03 tỷ đô la đạt được trong cùng kỳ năm ngoái.

Youtube đã hỗ trợ người dùng như thế nào trong cuộc khủng hoảng COVID-19?

Vào tháng 3, YouTube đã phát động một chiến dịch mới có tên là #WithMe, nhằm khuyến khích người dùng chia sẻ các kỹ năng và sở thích của họ với người xem từ khắp nơi trên thế giới trong thời gian mọi người đều đang bị cách ly tại nhà. Nội dung các video sẽ không giới hạn mà bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, từ tập thể dục đến các hoạt động thủ công handmade, các clip hướng dẫn makeup, học tập, dọn dẹp hay nấu ăn.

Các Youtubers khi đăng video có thể thêm hashtag để có cơ hội lọt vào trang chủ chính của Youtube bên các thông tin mới nổi bật khác như tin tức về dịch bệnh COVID-19. Do đó, YouTube đang cố gắng đạt tạo ra sự gắn kết với mọi người, giúp người xem có thể học được điều gì đó mới mẻ,  giúp ích cho việc học tập, làm việc tại công ty, trường lớp hơn hay đơn giản chỉ là luyện tập thiền trong thời gian căng thẳng này.

Trong hai tuần trước khi phát động chiến dịch, lượt xem hằng ngày đối với các video có chứa hashtag #Withme đã tăng 600% so với lượng người xem trung bình trong suốt phần còn lại của năm và chính điều đó đã trở thành bàn đạp mạnh mẽ để Youtube bắt đầu quảng bá hashtag chính thức này.

Chiến dịch #WithMe của YouTube là một ví dụ tuyệt vời về việc một nền tảng kêu gọi những người sáng tạo giỏi nhất của nó tạo ra các nội dung hữu ích đối với người dùng, mà không nhất thiết phải nhắc nhở họ về virus corona mỗi khi họ click vào xem video.

Trong khi đó, Youtube cũng hiển thị các thông tin có sẵn cho những người đến nền tảng này để tìm những tin tức và cập nhật mới nhất về đại dịch. Như đã đề cập ở trên, các danh mục liên quan đến virus corona được đề xuất rõ ràng và hiển thị trên trang chủ của nền tảng, bao gồm danh sách phát từ NHS - Dịch vụ Y tế Quốc gia (United Kingdom National Health) và các ấn phẩm tin tức khác nhau để giúp người dùng cập nhật tình hình dịch bệnh của quốc gia mình cũng như trên toàn cầu.

Tương tự như nhiều nền tảng khác được đề cập trong bài viết này, YouTube cũng đảm bảo rằng các nguồn tin tức chính thức và các tổ chức y tế đáng tin cậy sẽ xuất hiện đầu tiên trên kết quả tìm kiếm về từ khóa virus corona, cùng với '”bảng thông tin sức khỏe” hiển thị ở đầu trang hướng người dùng đến trang web của NHS. Các banner tương tự cũng sẽ xuất hiện dưới bất kỳ nội dung video nào được gắn thẻ với các cụm từ tìm kiếm như vậy.

Instagram

Thói quen sử dụng đã thay đổi như thế nào?

Mặc dù nhiều influencers đã bị buộc phải tạm dừng các chiến dịch quảng cáo trả tiền, nhưng điều đáng ngạc nhiên là tương tác đối với các bài đăng được tài trợ trên Instagram đã tăng đáng kể trong tháng 3, theo nghiên cứu từ công ty chuyên về Influencer Marketing có tên Obviously. Số lần hiển thị của chiến dịch đã tăng 22% trong Q1 so với Q4 năm 2019, trong khi lượt thích hàng ngày trên các bài đăng được gán nhãn quảng cáo tăng 76% trong khoảng thời gian hai tuần giữa tháng Ba.

SproutSocial cũng đã ghi lại những thay đổi trong hành vi sử dụng khi nói đến thời điểm vàng trong ngày. Dường như người dùng có sẽ lướt Instagram nhiều hơn trong giờ làm việc so với trước khi dịch bệnh bùng phát, trong khi đó, các hoạt động sẽ giảm đáng kể sau 6 giờ tối.

Trong khi đó, Facebook đưa ra tuyên bố rằng tính năng Instagram Live đã trở nên đặc biệt phổ biến trong giai đoạn đại dịch này. Đơn cử như ở Ý, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất ở khu vực châu Âu, lượt xem Instagram Live tăng gấp đôi chỉ sau một tuần trong tháng 3.

Instagram đã hỗ trợ người dùng như thế nào trong cuộc khủng hoảng COVID-19?

Instagram đã thêm một số cập nhật trong thời gian qua, phần lớn số đó là nhằm giúp ngăn chặn sự lan truyền thông tin sai lệch về virus corona. Bằng việc sử dụng trình kiểm tra thực tế của bên thứ ba, nền tảng này đang tích cực hạ hạng các bài đăng và story đã được gắn cờ là sai sự thật để ngăn chúng xuất hiện lên trên đầu trong trang Khám phá của nền tảng. Các tài khoản có nội dung liên quan đến virus corona cũng đang bị xóa khỏi các đề xuất vì lý do tương tự, trừ khi tài khoản đó là của các tổ chức y tế đáng tin cậy (ví dụ: WHO hoặc NHS).

Song song với đó, Instagram cũng đã thi hành lệnh cấm các quảng cáo có đề cập đến virus corona theo cách giật tít hoặc gây hiểu lầm, đồng thời tạm gỡ các quảng cáo vật tư y tế như mặt nạ.

Tương tự như Facebook, Instagram đang xác nhận thông tin và lời khuyên chính xác về dịch bệnh COVID-19 này nhưng lần này là thông qua chức năng tìm kiếm của nó. Khi nhập 'coronavirus' hoặc 'covid19' vào thanh tìm kiếm, Instagram cung cấp một liên kết trực tiếp đến trang web NHS, hoặc một cơ quan y tế của một quốc gia nào khác dựa trên dữ liệu vị trí mà điện thoại của bạn cung cấp. Xa hơn, bạn cũng có thể tương tác trực tiếp vào các tài khoản Instagram của WHO và Unicef.

Tuy nhiên, thật không may, một số tài khoản không rõ ràng vẫn có khả năng xuất hiện ở vị trí cao trên kết quả tìm kiếm cho các cụm từ này (như bạn có thể thấy từ ảnh chụp màn hình ở trên), cho thấy Instagram cần phải nâng cấp hệ thống gắn cờ nội dung mạnh hơn một chút.

Ngoài việc chống lại các thông tin sai lệch, những người sử dụng chức năng gọi video của Instagram giờ đây có thể sử dụng tính năng “co-watch” (cùng xem). Điều này cho phép nhiều người trên cùng một cuộc gọi duyệt qua và thảo luận về các bài đăng mà một người dùng đã thích hoặc lưu, tạo ra trải nghiệm chia sẻ mới trong việc tiếp nhận nội dung trên mạng xã hội.

Instagram cũng đã cho ra mắt các nhãn dán mới, có thể được sử dụng trên Story để khuyến khích người dùng tận dụng được được khoảng thời gian giãn cách xã hội hiện nay để “shopping” trong đại dịch. Đổi lại, những Story từ các tài khoản bạn theo dõi có nhãn dán như vậy sẽ được đẩy lên đầu Feeds của người dùng, duy trì sự kết nối bền vững.

Vào tháng 3, nhãn dán Stay Home đã được cho ra mắt và chỉ sau một thời gian ngắn đã chứng kiến ​​sự gia tăng lớn về lượng người dùng từ khắp nơi trên thế giới qua việc chia sẻ những khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong cuộc sống hằng ngày của họ khi tận hưởng cảm giác an toàn ở trong nhà. Đến nay, hashtag có cùng tên này đã được gắn kèm trong 33,6 triệu bài đăng trên Instagram.

>> Đọc thêm:

Đến đầu tháng 5, một nhãn dán khác có tên “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ” đã được phát hành, liên kết thông qua tài khoản Instagram đã chọn và có thể đính kèm tối đa ba hình ảnh trong Feeds để chứng thực một số sản phẩm. Loại nhãn dán này hoạt động đặc biệt tốt ở cấp độ địa phương so với một số nhãn dán chung có sẵn của Instagram, vì chúng giúp quảng bá các cửa hàng, nghệ sĩ và nhà sáng tạo đang phải đấu tranh trong khoảng thời gian hỗn loạn này.

Ngoài ra, các nhãn dán khác cũng thành công thu hút sự chú ý có thể kể đến là #IStayHomeFor và 'Cảm ơn', thường được sử dụng để tôn vinh sự cống hiến của các nhân viên tuyến đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hoặc các lĩnh vực chủ chốt khác. Ngoài ra còn có nhãn dán quyên góp do dịch bệnh Covid-19 với chức năng tìm kiếm hữu ích cho phép bạn thể hiện sự ủng hộ phi lợi nhuận dưới tiêu đề 'giúp chống lại Covid-19'.

Twitter

Thói quen sử dụng đã thay đổi như thế nào?

Giống như Facebook và Instagram, Twitter cũng đã chứng kiến một bức tranh tương tự về mức độ tương tác và tăng trưởng trong doanh thu quảng cáo.

Theo kết quả quý 1 năm 2020 của Twitter, nền tảng này đã chứng kiến ​​mức tăng trưởng mạnh nhất hàng năm về lượng người dùng hoạt động hàng ngày có thể kiếm tiền trên toàn cầu (mDAU) - tăng 24% từ 134 triệu trong quý đầu tiên của năm 2019 lên 166 triệu trong quý 1 năm 2020. Tổng số lượt tương tác với quảng cáo tăng 25% hàng năm (YoY).

Các chủ đề mà người dùng thảo luận trong quý đầu tiên đã có một bước chuyển biến mạnh mẽ khi dân số dần thích nghi với trạng thái bình thường mới. Theo nghiên cứu insights từ SproutSocial, những cuộc thảo luận trên toàn cầu liên quan đến virus corona đã tăng gấp bốn lần trong tháng 3 và số tweet về nấu ăn đã tăng 60% ở Mỹ từ ngày 9 đến 22/3 so với 2 tuần trước đó. Trong khi đó, khối lượng hội thoại toàn cầu liên quan đến chủ đề game đã tăng tới 71% chỉ trong hai tuần cuối tháng 3.

Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 đã gây thiệt hại khá lớn cho doanh thu quảng cáo của Twitter, vì nó dẫn tới mức tăng trưởng trung tính (0%) hàng năm hoặc là -23% khi tính theo quý. Chi phí cho mỗi lượt tương tác cũng giảm mạnh tới 19% khi các nhà quảng cáo rút lại chi tiêu của họ trong bối cảnh bất ổn tài chính ngày càng tăng đối với nhiều thương hiệu.

Twitter đã hỗ trợ người dùng như thế nào trong cuộc khủng hoảng COVID-19?

Giống như những nền tảng khác, Twitter đang cố gắng kiểm soát việc chia sẻ các thông tin sai lệch bằng cách ưu tiên những nội dung đến từ các nguồn có uy tín như các cơ quan chính phủ và các tổ chức y tế. Một trong những động thái tiêu biểu là việc ra mắt lời nhắc “Knows The Fact” trong phần tìm kiếm vào cuối tháng 1 vừa qua - hiện đã được triển khai tại 50 quốc gia khác nhau trên toàn cầu, giúp đảm bảo những người đang tìm kiếm có thể nhận được những thông tin chính xác.

Do khối lượng khổng lồ của các cuộc trò chuyện xoay quanh chủ đề đại dịch mà nền tảng này đã sử dụng đến công nghệ tự động cấp cao nhằm giúp xác định xem các bài viết nào chứa những thông tin sai lệch nghiêm trọng. Tuy nhiên, vì là sử dụng máy móc, con người dường như không can thiệp vào việc rà soát nội dung, nên Twitter cũng phải thừa nhận rằng họ có thể mắc những sai lầm khi gắn cờ cảnh báo hoặc xóa đi các nội dung mà họ cho là vi phạm các điều khoản của mình. Để tránh xảy ra lỗi nhiều nhất có thể, công ty đã bắt đầu các bài kiểm tra nhằm đảm bảo chất lượng hàng ngày đối với chức năng này, đồng thời sẽ không đưa ra lệnh cấm vĩnh viễn đối các tài khoản sở hữu bất kỳ bài đăng nào vừa mới bị hệ thống gắn cờ cảnh báo.

Đến đầu năm nay, Twitter bắt đầu gán nhãn cảnh báo vào các bài đăng bị thao túng - một nỗ lực giúp người dùng nhận thức rõ hơn về nội dung có khả năng lừa đảo. Các nhãn này thường xuất hiện dưới dạng cảnh báo bên dưới bài đăng với đường link dẫn đến các nguồn đáng tin cậy bên ngoài, cung cấp ngữ cảnh rộng hơn. Giờ đây, sau khi dịch bệnh bùng phát, tính năng này đã được điều chỉnh để cảnh báo người dùng chống lại các thông tin sai lệch liên quan đến virus corona.

Tất nhiên, Twitter luôn là một điểm nóng trong vấn đề chia sẻ các nội dung sai lệch, ngay cả khi so sánh với các ứng dụng mạng xã hội khác. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học Oxford cho thấy gần 60% nội dung liên quan đến dịch bệnh bị đánh giá là sai bởi những người có thẩm quyền đã không hề được công ty gỡ xuống trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay.

Mặc dù con số này có thể đã được cải thiện trong những tháng tiếp theo, nhưng các báo cáo cho rằng nó vẫn không được kiểm soát như mọi khi, khi một số bài đăng liên quan đến thuyết âm mưu lại được chia sẻ bởi chính các tài khoản có dấu tích xanh với hàng ngàn người theo dõi.

Do đó, có thể lập luận rằng nền tảng này có thể làm nhiều hơn nữa để giúp bảo vệ người dùng khỏi các khiếu nại sai trái. Một ví dụ rõ ràng là việc sẽ triển khai một chức năng báo cáo đặc biệt, nhằm trích dẫn thông tin sai lệch liên quan đến virus corona như một vấn đề nghiêm trọng - tuy nhiên, có vẻ như không có thay đổi nào liên quan đến vấn đề này được thực hiện cho đến nay.

Snapchat

Thói quen sử dụng đã thay đổi như thế nào?

Trong báo cáo kết quả quý 1 năm 2020, Snap Inc. đã ghi nhận mức tăng 20% ​​hàng năm về lượng người dùng hoạt động hàng ngày (DAU), với trung bình hơn 4 tỷ snaps được tạo ra mỗi ngày trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 3. Do đó, tổng thời gian hàng ngày người dùng dành cho nền tảng tăng khoảng 35% so với năm trước và số lượng người dùng xem tab “Shows” tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019.

Trong tuần cuối cùng của tháng 3, các tính năng phục vụ việc giao tiếp với bạn bè - ví dụ như snaps và nhắn tin - đã tăng hơn 30% so với tuần cuối cùng của tháng 1. Con số này tăng lên hơn 50% ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh. Đồng thời, Snap Inc. cũng đã ghi nhận mức tăng 36% so với tháng trước về khối lượng cài đặt cho quảng cáo ứng dụng và tăng 19% về tỷ lệ vuốt lên quảng cáo vào cuối tháng 3 so với cuối tháng Hai.

Snapchat tuyên bố trong thông cáo báo chí của mình rằng “Chúng tôi rất biết ơn khi tạo ra cơ hội giúp các Snapchatters duy trì liên lạc với những người thân yêu của họ trong đại dịch Covid-19.”

Snapchat đã hỗ trợ người dùng như thế nào trong cuộc khủng hoảng COVID-19?

Snapchat đã ra mắt tính năng mới Here for You vào tháng 2 vừa qua nhằm giúp cung cấp thông tin về đại dịch COVID-19. Ban đầu, Here For You được thiết kế để hỗ trợ sức khỏe tinh thần của Snapchatters bằng cách cung cấp lời khuyên và tài nguyên về các chủ đề như bắt nạt và lo lắng.

Do đó, một "phiên bản đặc biệt" của tính năng Here For You đã được thêm vào nền tảng này với các thông tin đến từ các tổ chức y tế uy tín, cũng như những người nổi tiếng, bao gồm nhiều đoạn lời khuyên và thông tin chính xác về dịch bệnh này.

Here for you được trình bày ở định dạng nhanh, chất lượng snaps tiêu chuẩn, nội dung mang tính giáo dục, nhưng dễ theo dõi và không đòi hỏi quá nhiều nỗ lực từ phía người xem. Ngoài ra còn có nút “Đăng ký” hữu ích cho phép ứng dụng gửi thông báo cho bạn về bất kỳ snaps bổ sung nào được thêm vào tính năng trong tương lai.

Vào tháng Tư, nền tảng này cũng tuyên bố sẽ bổ sung một lens hoàn toàn mới vào thư viện có chức năng như một trải nghiệm quyên góp AR. Người dùng có thể quét tới 23 loại tiền khác nhau từ khắp nơi trên thế giới và xem ống kính giải thích cách quyên góp cho quỹ cứu trợ Covid-19 của WHO nhằm giúp các bệnh nhân đang bị nhiễm virus corona, cũng như cung cấp cho nhân viên y tế các thiết bị họ cần. Khi kết thúc trải nghiệm, các Snapchatters có thể quyên góp thông qua ứng dụng.

Những nỗ lực của Snapchat nhằm thông báo cho người dùng về các tin tức liên quan đến đại dịch đang diễn ra đang được thực hiện một cách cô đọng và đóng vai trò rất quan trọng. Tính đến ngày 21 tháng 4, nó đã xuất bản hơn 700 phiên bản Khám phá bao gồm các tin tức về dịch bệnh Covid-19 được tạo bởi đội ngũ in-house cũng như CDC và WHO. Mặc dù chủ yếu phục vụ như một nền tảng nhắn tin thay thế, nhưng Snapchat dường như đã làm nhiều hơn thế để đảm bảo rằng đưa đến những thông tin đáng tin cậy có thể dễ dàng có sẵn cho người dùng nếu họ yêu cầu.

Cuối cùng, khi nói đến giải trí, các thương hiệu đã tạo ra phần lớn nội dung ban đầu kể từ khi dịch bệnh bùng phát có thể kể đến Nikita Uniltered và Will From Home với clip quảng cáo với sự xuất hiện của Will Smith trong nhà để xe và chia sẻ nơi ở cũng như các trải nghiệm với những người bạn của mình. Cho đến nay, video quảng cáo này đã nhận được hơn 20 triệu lượt xem, chứng minh rằng Snapchat có thể tạo ra các video dạng dài hấp dẫn không kém các video dạng ngắn vốn dĩ là thế mạnh của nó.

Tạm kết

Chứng kiến tốc độ lan rộng mạnh mẽ của đại dịch chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, thật yên tâm khi thấy rằng các mạng xã hội đang bổ sung các cập nhật hữu ích một cách kịp thời và thích hợp nhất. Rõ ràng, họ cũng đang theo sát tình hình đang diễn ra và điều chỉnh hoặc bổ sung các chức năng mới nếu cảm thấy cần thiết. Tuy nhiên, thật dễ dàng để nhận ra rằng nền tảng nào đã triển khai chiến lược toàn diện hơn khi duy trì sự hỗ trợ và cung cấp thông tin chính xác cho người dùng, và nền tảng nào đang hưởng lợi từ việc người dùng đang có xu hướng sử dụng mạng xã hội nhiều hơn.

Tô Linh - MarketingAI

Theo Econsultancy

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.