Lần đầu tiên của Mì tôm Thanh Long Caty: Khi vô tri cũng là một dạng Content Viral

02 Thg 12

Giữa hàng loạt các chiến dịch marketing được trau chuốt, sự khác biệt của quảng cáo có phần “vô tri” của Mì Thanh Long Caty lại đang trở thành một điểm nhấn độc lạ trong mắt người tiêu dùng. Không riêng Caty, trào lưu quảng cáo “vô tri” được rất nhiều thương hiệu ưa chuộng bởi hiệu quả tiếp cận khách hàng trẻ dễ dàng và tiềm năng viral cao. Tuy nhiên, hình thức quảng cáo này còn tồn tại một số rủi ro và không phải thương hiệu nào cũng phù hợp để sử dụng.

Mì Thanh Long “Lần đầu tiên…” chiếm sóng mạng xã hội

Đánh bài trào lưu Trà chanh giã tay, vượt qua tin tức nóng của BAEMIN,... Mì Thanh Long Caty trở thành hiện tượng mới, chiếm sóng hàng loạt trang mạng xã hội, tin tức trong những ngày gần đây. Giai điệu “Lần đầu tiên, trái thanh long có trong mì tôm…” cùng Mascot rồng thanh long kỳ lạ khiến khán giả thích thú…

Thực tế, sản phẩm Mì Thanh Long của Caty cùng giai điệu quảng cáo viral trên đã được gia mắt thị trường từ năm 2022. Tuy nhiên, trong suốt một năm qua, Mì Thanh Long Caty hoàn toàn mờ nhạt trên thị trường với số lượng người mua ít ỏi, trên các sàn thương mại điện tử như Shopee doanh thu của nhãn hàng chỉ dao động trong khoảng 1 triệu đồng. TVC quảng cáo của thương hiệu cũng không nhận được sự chú ý của cộng đồng dù đã được đăng tải trên Youtube từ 1 năm trước đó.

Tuy nhiên, Mì Thanh Long Caty đã bất ngờ lội ngược dòng khi những đoạn cắt từ TVC quảng cáo của thương hiệu bắt đầu trở nên viral trên nền tảng TikTok. Giai điệu quá mức đơn giản, chất liệu âm nhạc cũ kỹ cùng lời quảng cáo có phần “vô tri” đến bất ngờ khiến TVC quảng cáo của Mì Thanh Long Caty nhanh chóng thu hút người tiêu dùng.

Theo thống kê từ YouNet Media, chỉ trong chưa đầy 72 giờ từ 27 đến 29/11, chủ đề Mì tôm Thanh Long đã thu về gần 1 triệu lượng tương tác, hơn 80 nghìn lượt thảo luận. Đến nay, từ khóa #Mithanhlong đã đạt tới 114 Triệu view trên nền tảng TikTok và vẫn đang tăng trưởng chóng mặt với hàng loạt clip bắt trend, chế nhạc, chế meme từ quảng cáo của Caty.

Lần đầu tiên của Mì tôm Thanh Long Caty: Khi vô tri cũng là một dạng Content Viral - Ảnh 3.

Hiệu ứng truyền thông nhanh chóng kéo theo sự tăng trưởng doanh thu của Mì Thanh Long Caty. Trước đó, cửa hàng Shopee của Caty có lượng người theo dõi rất khiêm tốn, chỉ khoảng hơn 100 người. Nhưng chỉ trong 1 ngày, lượng người theo dõi đã tăng vọt từ 173 lên 841 người và đến nay và hơn 2000 người. Mặc dù chưa rõ doanh số thực, nhưng tình trạng quá tải đơn hàng trên TikTok Shop đủ để thấy được lượng mua sản phẩm đang tăng trưởng mạnh đến mức nào.

Thành công của những quảng cáo “Vô tri” - Lối tư duy ngược tạo nên sự khác biệt

Giữa một thị trường tiếp thị ngập tràn những quảng cáo bài bản, trau chuốt thì đâu đó vẫn còn có những TVC, chiến dịch quảng cáo khiến người xem phải bật cười bởi sự đơn giản, ngây ngô đến lạ.

Khác với những hình ảnh chuyên nghiệp thường thấy trong quảng cáo, trào lưu quảng cáo vô tri dễ dàng tiếp cận người dùng bởi chính sự đơn giản, chân thật. Từ kịch bản vô nghĩa, hình ảnh, giai điệu cũ kỹ, sến súa,... thay thông điệp rất đời thường như “sếp cho budget marketing chỉ có vậy…”, những quảng cáo này mang những chất liệu rất bình dị đến với người xem, tạo nên cảm xúc thân mật, gần gũi hơn.

Đặc biệt, trong bối cảnh ngập tràn quảng cáo như hiện nay, người tiêu dùng đã dần hình thành rào cản tâm lý, thiếu niềm tin vào quảng cáo, khiến cho những chiến dịch bài bản, trau chuốt ngày càng khó tiếp cận. Thay vào đó, những clip quảng cáo “vô tri” này lại khiến người xem dần buông bỏ tâm lý đề phòng với quảng cáo thường thấy, để tiếp nhận thông điệp quảng cáo một cách thoải mái, tự nhiên. Lối tư duy ngược, thoát khỏi những công thức bài bản rập khuôn thường thấy của marketing hiện đại đã giúp cho trào lưu quảng cáo này tạo nên sự khác biệt và hấp dẫn đối với người xem.

Hơn hết, những bản nhạc, hình ảnh đơn giản, nhưng lại kỳ lạ, hài hước trong các clip quảng cáo này trở thành chất liệu sáng tạo cho văn hóa đặc trưng của Gen Z như meme, clip nhạc chế bắt trend,... Đây chính là động lực quan trọng nhất giúp chiến dịch quảng cáo vô tri trở nên viral trên khắp các trang mạng xã hội.

Quảng cáo Mì Thanh Long Caty đã vận dụng rất khéo léo xu hướng quảng cáo vô tri này để tiếp cận thị trường. Thương hiệu đã lựa chọn một nền nhạc rất cũ kỹ, một lời quảng cáo ngây ngô cùng thiết kế linh vật rồng thanh long “sến súa” … xấu đến lạ, khiến người xem phải bật cười và cảm thấy gần gũi, thân quen như đời thường. Thông điệp và hình ảnh quảng cáo đơn giản ấy cũng khiến mỗi khách hàng đều cảm thấy dễ hiểu, dễ nhớ, từ đó thông điệp của thương hiệu cứ thế ghim sâu vào trí nhớ của khách hàng. Ngoài ra, concept marketing “Khi sếp cho budget làm marketing” cũng là một chủ đề quen thuộc với Gen Z, từ đó kích thích họ tạo nên những meme, clip chế theo quảng cáo.

Không chỉ Mì Thanh Long Caty, trào lưu quảng cáo vô tri này đã được rất nhiều thương hiệu khai thác, tiêu biểu như VPBank và ABA:

VP Bank - Quảng cáo tải app VPBank với một… con mèo

Không viral mạnh như Mì Thanh Long Caty, nhưng VPBank cũng không ít lần khiến khán giả ngạc nhiên khi thoát khỏi vỏ bọc nghiêm túc thường thấy bằng những quảng cáo “vô tri” đến lạ. Quảng cáo kêu gọi Like Page với ngôn ngữ quen thuộc của Gen Z “Đau ở đây này”, hay sử dụng Gif meme mèo nhảy chẳng liên quan,... VPBank không PR về thương hiệu hay sản phẩm mà khiến cho Gen Z phải bật cười và like page bởi sự gần gũi, thân thuộc từ những hình ảnh “vô tri” chuẩn Gen Z đó.

Bột giặt ABA - Những kịch bản quảng cáo nhạt nhẽo đến bất ngờ

Nhạt nhẽo từ kịch bản, cẩu thả trong khâu hậu kỳ hình ảnh, cộng thêm lối diễn xuất ngây ngô của diễn viên, bột giặt ABA có thể nói là cái tên đi đầu của trào lưu quảng cáo “vô tri” tại Việt Nam. Phần lớn những TVC quảng cáo của ABA đều không truyền tải thông điệp gì đặc biệt về sản phẩm hay thương hiệu. Thay vào đó, các nhân vật liên tục thực hiện các đoạn hội thoại vô nghĩa, những hành động khó hiểu, cùng những pha bẻ lái chẳng liên quan,... khiến người xem phải bật cười bởi sự ngây ngô, nhảm nhí đó.

Dần dần, người xem bắt đầu hứng thú với những clip quảng cáo “không thể đoán trước cái kết” của ABA. Những clip quảng cáo cũng trở nên viral, trở thành những meme, clip chế trên các trang mạng xã hội. Bởi vậy, dù ban đầu có nhiều lời chê bai về chất lượng, ABA vẫn kiên trì theo đuổi lối quảng cáo “Nhạt - ẩu - vô duyên” này trong suốt nhiều năm qua, tạo nên một nét đặc trưng riêng của thương hiệu.


Dễ viral nhưng các thương hiệu nên có chiến lược rõ ràng với trào lưu mới này

Trào lưu content theo hướng “vô tri” mang đến cho thương hiệu rất nhiều lợi ích như chi phí rẻ, dễ tiếp cận khách hàng, loại bỏ tâm lý đề phòng với quảng cáo của người tiêu dùng và hơn hết là khả năng viral mạnh mẽ. Đặc biệt, quảng cáo “vô tri” là một trong những hướng đi rất hiệu quả để các thương hiệu có thể tiếp cận và gia nhập vào văn hóa sống của nhóm khách hàng Gen Z. Tuy nhiên, đi kèm với lợi ích đó, quảng cáo “vô tri” không phải là một hình thức dễ thực hiện và cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Không phải cứ vô tri là sẽ viral

Quay lại với quảng cáo Mì thanh long của Caty, đây vốn là một quảng cáo đã có từ năm 2022 nhưng tại thời điểm đó nó hoàn toàn mờ nhạt. Cho tới nay, một năm sau khi ra mắt thì quảng cáo này mới gây được sự chú ý nhờ việc đăng tải và chạy quảng cáo trên mạng xã hội TikTok. Và bắt đầu thay đổi chiến lược tiếp cận bằng một chuỗi content trên kênh của thương hiệu được triển khai với chủ đề “Khi sếp cho budget làm marketing,...”, đánh trúng vào tâm lý của Gen Z. Sự viral của Mì thanh long của Caty không chỉ nằm ở sự vô tri của quảng cáo mà còn là chiến lược tiếp cận khách hàng rất thông minh, phù hợp với insight, văn hóa của của Gen Z.

Vì vậy, không phải cứ tạo nên một TVC hay quảng cáo vô tri là thương hiệu chắc chắn sẽ trở nên viral. Mà sự “vô tri” đó cần đảm bảo các yếu tố như: tính hài hước, phù hợp với đặc trưng của Gen Z và cần có chiến lược tiếp cận khách hàng ban đầu.

Cẩn trọng với những sai lệch về nhận thức thương hiệu

Nếu quá lạm dụng hình thức quảng cáo này quá nhiều, về lâu dài có thể ảnh hưởng tới nhận thức của khách hàng về thương hiệu. Thay vì chú trọng tới sản phẩm, dịch vụ, khách hàng sẽ chỉ nhớ tới thương hiệu như một nguồn content giải trí, hài hước. Những yếu tố mang tính chuyển đổi, tác động trực tiếp tới doanh thu của doanh nghiệp như USP của sản phẩm, dịch vụ gần như bị lu mờ hoàn toàn nếu thương hiệu không phối hợp với các chiến lược marketing khác.

Chỉ mang lại hiệu ứng trending nhất thời

Những chiến lược quảng cáo ngây ngô như trên là một hướng đi rất phù cho các thương hiệu mới, chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến. Bởi loại hình quảng cáo này có khả năng viral cao, giúp thương hiệu tăng độ nhận diện trong thời gian đầu rất hiệu quả. Người tiêu dùng luôn có hành vi tò mò và tâm lý FOMO - sợ bỏ lỡ, vì vậy, khi quảng cáo trở thành hot trend họ sẽ có xu hướng muốn dùng thử và trải nghiệm sản phẩm. Tuy nhiên, đã là xu hướng thì sẽ có lúc bị thoái trào, người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng bởi các xu hướng mới và dần quên đi thương hiệu nếu như sản phẩm không đủ tốt, hoặc các chiến dịch marketing tiếp theo không đủ hấp dẫn để lôi kéo họ.

Là một hình thức “rủi ro” đối với các doanh nghiệp lớn

Đối với các brand lớn như VP Bank, những nội dung content “vô tri” như trên vẫn có thể được sử dụng để tăng tương tác với khách hàng, đặc biệt là nhóm Gen Z. Tuy nhiên, nếu có ý định triển khai thành một chiến dịch quảng cáo lớn thì doanh nghiệp nên cân nhắc tới những rủi ro sau:

Đầu tiên, là sự ảnh hưởng đến hình ảnh và tệp khách hàng trung thành của doanh nghiệp. Các brand lớn, lâu đời luôn có định hướng rõ ràng về hình ảnh, màu sắc của thương hiệu, được nhiều tiêu dùng ghi nhớ và nhận định trong nhiều năm. Nếu sử dụng những nội dung ngây ngô, nhảm nhí để quảng cáo có thể sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh thương hiệu đã tạo dựng, làm cho tệp khách hàng lâu năm cảm thấy hoang mang. Nghiêm trọng hơn, độ tin tưởng của khách hàng đối với thương hiệu có thể sụt giảm, khiến họ quay lưng với thương hiệu, đặc biệt là đối với những ngành hàng có giá trị cao.

Thứ hai, các thương hiệu lớn đã có tên tuổi vốn đã có được nhận diện nhất định trong mắt người tiêu dùng. Những chiến dịch quảng cáo “vô tri” dù có giúp cho họ viral cũng sẽ không khơi gợi được sự tò mò hay kích thích người tiêu dùng trải nghiệm sản phẩm của thương hiệu đó.

Nhìn chung, các thương hiệu lớn vẫn có thể khai thác hình thức quảng cáo “vô tri” này. Tuy nhiên nó sẽ phù hợp với những mục đích như tăng tương tác với thương hiệu, tiếp cận tệp khách hàng trẻ. Đồng thời, thương hiệu cũng cần thực hiện khéo léo để không ảnh hưởng tới những tệp khách hàng cũ và hình ảnh chung của thương hiệu. Như trường hợp sử dụng quảng cáo vô tri của VP Bank, thương hiệu target những quảng cáo hài hước của mình đến một tệp khách hàng nhất định là giới trẻ chứ không triển khai thành thành một chiến dịch lớn.

>>> Xem thêm: Con dao hai lưỡi “Shockvertising”: Ranh giới giữa cơ hội viral và khủng hoảng truyền thông

Lời kết:

Sự thành công của Mì Thanh Long Caty đã cho thấy một góc nhìn mới trong việc triển khai các chiến dịch tiếp thị. Đi ngược lại với xu hướng marketing chuyên nghiệp thường thấy, những clip quảng cáo đơn giản, ngây ngô như Caty đã tạo nên sự khác biệt, thúc đẩy viral và giúp thương hiệu tiếp cận khách hàng một cách khéo léo hơn. Tuy nhiên, không phải lúc nào “vô tri” cũng trở nên viral và còn có rất nhiều khó khăn, hạn chế mà các thương hiệu nên cân nhắc trước khi sử dụng loại hình quảng cáo này.

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.