Cần lưu ý những gì khi làm Email Marketing?

16 Thg 03

Email marketing đã quá quen thuộc ngay cả từ trước khi các phương tiện thông tin đại chúng khác trở nên phổ biến. Cho đến nay, hàng triệu doanh nghiệp nhỏ vẫn tiếp tục sử dụng email như một kênh truyền thông quan trọng của mình. Đây là một minh chứng cho tính hiệu quả của hình thức này. Các doanh nghiệp vẫn đang ra sức kéo dài danh sách khách hàng trên email với 2 lí do: đạt doanh số và vượt doanh số. Nhưng một số doanh nghiệp vẫn triển khai hình thức này chưa được hiệu quả, do mắc phải một số lỗi trong quá trình làm email marketing. Trong bài viết dưới đây, Marketing AI tổng hợp một số lưu ý để marketer triển khai chiến dịch một cách hiệu quả

Cấu trúc email cần biết khi làm Email Marketing

1. Hình nền

Vấn đề đầu tiên được nhắc tới là việc hình nền rất khó được hiển thị trong hộp thư đến. Hãy cố gắng thiết kế email sao cho vẩn giữ được sự hoàn hảo ngay cả khi hình nền không được hiển thị. Bạn có thể làm việc này bằng cách sử dụng một màu nền phù hợp.

2. Tiền đầu đề

Đây là dòng chữ nhỏ phía trên đầu của email thường được gọi là “Chữ tạo lòng tin” và cũng là dòng chữ đầu tiên người nhận đọc được khi mở email, dù hình ảnh có hiển thị hay không.

3. Kích thước (preview panel)

Banner nên nhỏ gọn và nằm trong phạm vi vùng hiển thị

Tuy nhiên, điều này có thể trở nên vô nghĩa khi chúng không thể được hiển thị và người nhận dường như đang đọc một email trống rỗng. Do đó logo nên nhỏ gọn và đặt tiêu đề chính ngay kế bên logo.

Người xem thường có xu hướng nhìn từ phía tay trái trên cùng, do đó bạn có thể tùy nghi trong việc đặt logo phía bên trái và tiêu đề phía bên phải (theo cách truyền thống) hay ngược lại.

4. Quyền hủy bỏ đăng ký nhận email

Cuối cùng, bạn cần tích hợp một đường link đăng kí hủy bỏ việc nhận mail. Đường link này nên là chữ. Bạn nên tránh sử dụng hình ảnh để phòng khi chúng không được hiển thị và người nhận không thể thực hiện được chức năng trên.

Khi người nhận muốn đăng kí không tiếp tục nhận email và không biết làm sao để thực hiện, khả năng họ bấm vào nút spam là rất lớn.

Đây là những gì mà ai cũng thực sự muốn nhận được trong hộp thư đến:

  • Thông tin đúng thời điểm
  • Thông tin trúng thưởng hoặc ưu đãi
  • Thông tin hữu ích
  • Lời mời cá nhân
  • Những thông tin thiết thực
  • Tin tức nóng, hữu ích và phù hợp

Nhưng người ta cũng sẽ dễ dàng nhận ra email với những chủ đề spam, giọng điệu câu khách, vì chúng thường chứa những nội dung như:

  • Từ “miễn phí” hoặc “free”
  • “Giảm phần trăm” trong những ưu đãi đặc biệt
  • Tiêu đề email quá dài dòng
  • Yêu cầu giúp đỡ
  • Những lời mời gọi quá hấp dẫn so với sự thật
  • Vận động quyên góp
  • Những câu biểu cảm kèm dấu chấm than

Bạn cần phải biết rằng những dòng chủ đề (hay tiêu đề) của email cần phải thu hút được sự chú ý, giống như những tiêu đề của một bài báo vậy. Chủ đề email tốt nhất là những chủ đề ngắn gọn, súc tích và cung cấp vừa đủ lượng thông tin để dẫn dắt người đọc đến với ý định đọc thông điệp mà bạn muốn gửi. Việc cố gắng làm email của bạn nổi bật trong hộp thư đến của ai đó bằng cách sử dụng ngôn từ lòe loẹt hay sến sẩm sẽ chỉ khiến email của bạn bị lờ đi hoặc bị xóa khỏi hộp thư.

>>> Có thể bạn quan tâm 

Những thủ thuật làm email marketing thành công

Tham khảo những thủ thuật tốt nhất sau đây dành cho email marketing sẽ giúp email của bạn nhận được sự chú ý (và tất nhiên là tỉ lệ được mở sẽ cao hơn):

1. Lên kế hoạch gửi email, nhưng vẫn đảm bảo độ nhất quán trong nội dung và tần suất gửi

Nếu người theo dõi mong muốn nhận email của bạn hàng tháng, mỗi tháng hãy gửi cho họ một email. Nếu họ chỉ mong muốn nhận được thông tin về những ưu đãi đặc biệt và tin tức, hãy cứ gửi ưu đãi và tin tức cho họ. Mục tiêu của chúng ta là thu hút người đọc bằng cách đáp ứng theo yêu cầu của họ và khiến cho họ mở email mỗi khi họ nhận được.

2. Cung cấp những nội dung hấp dẫn, nóng hổi và phù hợp với đối tượng.

Điều này nghe có vẻ xưa như trái đất, nhưng đối với marketing qua email, đây thực sự là công thức tuyệt vời nhất để bạn đạt được thị trường mục tiêu.

Lồng ghép thêm các đoạn video ngắn hay các đoạn phim hoạt hình sẽ giúp cho nội dung bạn muốn truyền tải trong email dễ “thấm” và đáng nhớ hơn đối với người nhận. Bên cạnh đó, việc thu hút sự chú ý của người dùng qua các template, hình ảnh đẹp có thể định hướng người dùng và thúc đẩy họ đến những hành động cụ thể.

3. Tránh viết những kiểu chủ đề spam

Như đã đề cập ở trên, email sử dụng những từ như “miễn phí” và “giảm X phần trăm”, hoặc bất kì những câu cảm thán với dấu chấm than đều bị liệt vào thư rác.

Bất cứ nhà cung cấp dịch vụ gửi email (ESP) nào cũng sử dụng công cụ kiểm tra spam trong đó có chỉ định những từ ngữ được liệt vào spam. Tuy nhiên chỉ khi gửi thử, bạn mới biết được email sẽ nằm trong hộp thư đến hay trong hộp thư rác.

Bên cạnh đó, để tránh rơi vào hộp thư rác, tỉ lệ giữa chữ và hình ảnh nên là 60% : 40%, với ít nhất 3 hình trên một trang.

4. Sử dụng email cá nhân

Với tên cá nhân của bạn để gửi mail chứ không phải một email với một địa chỉ vu vơ, không rõ ràng. Việc gửi email từ một địa chỉ “no-reply” vô hình chung đã đẩy bạn ra khỏi mối quan hệ mà bạn đang cố gắng tạo dựng với khách hàng mục tiêu.

cần lưu ý gì khi làm email marketing 01
Tiêu đề là rất quan trọng quyết định sự thành công của chiến dịch

5. Giữ cho chủ đề ngắn gọn, đơn giản

Đừng cố gắng quảng bá mọi thứ qua dòng chủ đề trong email của bạn. Những người thường xuyên đọc email thường lướt qua rất nhanh dòng chủ đề và họ chỉ để ý vào 3 đến 5 từ đầu tiên mà họ thấy, đặc biệt là khi họ sử dụng smartphone hay máy tính bảng để kiểm tra email. Điều này có nghĩa là bạn chỉ nên đề cập những chi tiết quan trọng nhất trong chủ đề của email mà thôi.

6. Truyền đạt ngắn gọn giúp tăng tỉ lệ mở mail

Thử nghĩ xem: Điều gì khiến bạn mở một email nào đó? Mặt khác, điều gì khiến bạn xóa một email? Hiểu rõ cả hai điều này, bạn sẽ biết cách để trau chuốt tiêu đề cho mỗi email của mình.

7. Đưa ra câu hỏi ngắn gọn, hối thúc mạnh mẽ, kích thích trí tò mò của người đọc

Sự hài hước cũng là một cách tốt. Người ta cũng thường thích những thông tin nội bộ, bí mật và độc đáo. Hãy vận dụng những điểm này một cách hợp lí nhất khi soạn email.

8. Viết email cá nhân hoá

Hãy soạn email như cách bạn đang nói chuyện với một người bạn của mình. Hãy giữ cho thông điệp của bạn gần gũi với người đọc như thể chỉ có bạn và họ tương tác với nhau vậy. Người nhận thông điệp muốn có cảm giác như bạn đang nói chuyện trực tiếp với riêng họ chứ không phải là cả một tá người khác. Họ muốn cảm thấy mình là người duy nhất nhận được thông tin mà bạn gửi. Bất kể bạn làm gì, đừng tỏ ra như bạn đang sử dụng kịch bản viết sẵn từ một trung tâm tư vấn qua điện thoại.

9. Gửi email vào đúng thời điểm mà bạn nghĩ rằng người nhận sẽ mở ra và đọc chúng

Điều này khó có thể dự đoán được, vì vậy nên bạn có thể kiểm tra những dữ liệu phân tích email hoặc tiến hành khảo sát để xem thời gian ảnh hưởng đến tỉ lệ mở email như thế nào.

10. Đừng nhồi nhét quá nhiều trích đoạn hay ngôn từ mang tính lý thuyết

Những cuộc trò chuyện với bạn bè thông thường không sử dụng những thứ đó, vì thế nên bạn cũng đừng viết email như vậy.

11. Giữ cho những thông điệp tích cực

Những thông tin hữu ích, thú vị, mới và phù hợp với đối tượng sẽ giúp tạo nên một dòng tiêu đề hiệu quả nhất.

12. Đừng lạm dụng email

Nên nhớ rằng chỉ gửi email khi bạn có những điều giá trị để mang đến cho khách hàng. Người nhận email chỉ tìm kiếm những gì có ích cho họ mà vẫn tiết kiệm thời gian và tiền bạc.

13. Diễn đạt gây đánh vào cảm xúc của người đọc

Bởi lẽ những từ này thu hút sự chú ý của người nhận và giúp dòng tiêu đề nổi bật trong đống email hỗn độn của họ.

Hãy xây dựng mối quan hệ thật tốt với những người trong danh sách email marketing của bạn. Sự nhất quán và tính phù hợp sẽ giúp khách hàng dần trở nên tin tưởng vào những email của bạn. Những thủ thuật liệt kê trên đây và chính tên người gửi của bạn – cái tên mà đã tạo dựng được niềm tin của khách hàng – sẽ làm tăng tỉ lệ mở và đọc của những email bạn gửi.

Hà Nguyễn - MarketingAI tổng hợp

 
Marketer học việc là chuyên mục dành riêng cho các marketer mới vào nghề, hay các bạn sinh viên có mong muốn theo đuổi ngành marketing. Chuyên mục này bao gồm các bài viết về kiến thức marketing cơ bản, định hướng nghề nghiệp trong ngành marketing.
Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.