Những Marketer thực thụ: Họ làm công việc gì mỗi ngày?

29 Thg 08

Marketing là một hình thức không thể thiếu trong kinh doanh, mục tiêu cao nhất mà hoạt động marketing hướng tới đó là trở thành chiếc cầu nối nhanh chóng và vững chắc giữa doanh nghiệp với khách hàng. Chính vì thế mà những nhà Marketer là người có chiến lược, có tầm nhìn xa và năng lực võ đoán chuẩn xác. Nghe danh thì oách nhưng list công việc thì trông còn … oách hơn. Ngỡ tưởng làm marketing chỉ cần “ngồi mát ăn bát vàng”, phẩy tay ra thành quả. Vậy chắc hiếm ai lại thấm được cảnh làm việc hùng hục thâu đêm suốt sáng.

Một ngày điển hình của một Marketer thường bắt đầu 8 giờ sáng đến 6 giờ tối khi họ rời công ty. Lẽ dĩ nhiên, những ngày bận bịu dự án thì chuyện ngồi dính lấy văn phòng đến đêm là chuyện bình thường. Nhưng vẫn chưa hết ngày, công việc của Marketer được “tặng” thêm vài tiếng “đi khách” hay ngồi nhà trả lời email, viết nội dung. Vậy chính xác họ marketer là gì và họ đang làm những gì?

Marketer là gì?

Marketer là gì
Marketer là gì?
Marketer được hiểu là những người làm việc trong lĩnh vực marketing, là người chịu trách nhiệm nghiên cứu, phân tích thị trường cũng như lên những chiến lược marketing, digital marketing nhằm cung cấp những sản phẩm, dịch vụ có giá trị đến với khách hàng tiềm năng.

6 công việc cơ bản nhất lặp đi lặp trong cuộc đời marketer:

1. Đặt mục tiêu và lên kế hoạch

Đặt mục tiêu và lên kế hoạch  

Marketer bắt đầu một ngày bằng việc gạch đầu dòng mục tiêu và bản kế hoạch. Ngoài những mục tiêu về đầu việc phải hoàn thiện trong ngày, họ phải nghĩ về cột mốc marketing chiến lược. Dù là loại mục tiêu nào thì Marketer cũng phải giữ vững tính khả thi mà không đánh mất đi “độ lớn lao” của chúng nếu muốn cán đích thành công.

Để bảo toàn tính thực tế của mục tiêu, bạn phải dành nhiều thời gian vào việc nghiên cứu và đánh giá tầm cỡ, cũng như mức độ phát triển của công ty. Lời khuyên là hãy bắt đầu đề ra một mục tiêu lớn trước rồi đi sâu vào những mục tiêu phụ nhỏ hơn. Thường một bản kế hoạch sẽ bao gồm 1-2 mục tiêu chính và 3-5 mục tiêu phụ bổ trợ.

Tuy nhiên, mục tiêu không nên là những thứ cố hữu trong kế hoạch, đặc biệt những mục tiêu nhỏ. Chúng cần được test, phân tích và đánh giá kết quả để có những thay đổi cần thiết. Điều quan trọng là các mục tiêu đó nối kết nhau, tạo một sợi dây dẫn liền mạch đến cái đích cuối cùng của bạn.

Mục tiêu đã có, giờ bạn phải lên những chiến lược hành động gần xa. Điều thiết yếu nhất là phải men theo những mục tiêu mà đi. Một bản kế hoạch cụ thể, chi tiết và chu đáo sẽ giúp Marketer đi đúng con đường của mình.

2. Theo dõi đối thủ

theo dõi và phân tích đối thủ

Trong một cuộc chơi khắc nghiệt về chiến lược, các Marketer luôn phải giữ các đối thủ cạnh tranh trong tầm ngắm. Cái khó nằm ở việc tìm kiếm nguồn thông tin vì những thứ “phát tán” trên các mặt báo đều rất hữu hạn và chung chung. Đương nhiên, bạn bạn lại chẳng thể gọi điện và bắt đôi thủ “giao nộp” bản kế hoạch công ty. Ấy vậy mà vẫn còn cách cho bạn theo dõi sát sườn “hành tung” đối thủ đấy nhé!

Các trang web hay mạng xã hội của đối thủ luôn là nguồn tài nguyên quý giá. Trên đó, bạn có thể tìm thấy thông tin về sản phẩm, những bước tiếp cận khách hàng của họ hay những thông tin tuyển dụng. Vậy nên, hãy theo dõi đối thủ hằng ngày, cập nhật thường xuyên những thông tin họ tung ra thị trường. Ví dụ, trên Facebook, bạn có thể bí mật lập account riêng chuyên đi theo dõi các đối thủ hoăc xếp họ vào một danh sách Interest. Nhờ vậy, bạn sẽ dễ dàng tập trung theo dõi hành động và so sánh giữa các đối thủ với nhau.

Một nguồn khác đến từ chính khách hàng tiềm năng của bạn. Dẫu có khác nhau về phương châm hoạt động thì bạn và đối thủ vẫn cùng chung một đích: tranh giành khách hàng. Hãy bắt đầu tiến hành các cuộc khảo sát khách hàng về mức độ hài lòng của họ. Bạn có thể hỏi về những lý do họ chọn bạn thay vì đối thủ abc nào đó, ý kiến về sản phẩm, những đánh giá chung của họ về thi trường. Và ngay cả khi họ quyết định rời bạn để về đội đối thủ, hãy vẫn cứ xin họ một lý do. Nhờ đó, bạn có thể vừa nắm bắt nguyện vọng của khách hàng, vừa rỉ được những “ngón đòn” của đối thủ.

Ngoài ra, các nhà cung ứng và phân phối có thể cho bạn những thông tin quý giá về thị trường hơn ai hết. Họ chính là những người làm việc trực tiếp với cả đối thủ và khách hàng của bạn. Nhờ họ, bạn có thể nắm được phần nào những chiến lược phân phối của đối thủ.

3. Nghiên cứu khách hàng mục tiêu

Công việc cơ bản của marketer là gì? Khách hàng mục tiêu là một trong những đối tượng cần theo dõi khẩn cấp của marketer. Nhưng trước bạn cần phải xét xem khách hàng bạn muốn nhắm đến là những ai. Và một trong những vũ khí tối thượng của marketer là Consumer portrait, bức chân dung toàn diện và chi tiết về đối tượng khách hàng lý tưởng với nhãn hàng của bạn. Tùy vào những nhóm ngành và tính chất sản phẩm, chúng sẽ bao gồm những thông tin như nhân khẩu học, insight và hành vi mua sắm của họ.

Để tạo ra một bức chân dung khách hàng, bạn có thể đi theo quy trình 3 bước:

- Thu thập thông tin

- Phân tích dữ liệu

- Cập nhật hồ sơ.

Bạn hãy bắt đầu mở cuộc“điều tra” rộng rãi với nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Họ có thể là khách hàng hiện tại của bạn (cả trung thành lẫn “tình thoáng qua”), những khách hàng tiềm năng và Lead miễn phù hợp với các tiêu chí sản phẩm hay cộng đồng mạng xã hội, forum,…. Theo Hubspot, để tạo dựng được một chân dung khách hàng, hãy dành ra 3-5 cuộc phỏng vấn dàn trải trong các nhóm đối tượng kể trên. Đến khi nào các câu trả lời trở nên trùng lặp và quá dễ đoán thì hãy dừng lại. Hãy tìm kiếm thông tin về họ qua những kênh online và offline như subscriber, pageviews, hành vi của những khách hàng in-store và qua các kênh hotline,…

Từ những dữ liệu đã có, giờ phải ngồi xuống để phân tích và phân loại các nhóm đối tượng. Bạn cũng có thể tìm ra điểm chung của hàng trăm người đến với bạn, biết được lý do họ quyết định đến với bạn và mua hàng. Quan trọng là hãy xác định thành phần khách hàng lớn nhất và mang lại nhiều lợi nhuận nhất. Đôi khi, chớ trêu thay, đối tượng khách hàng đông đảo nhất lại chẳng mang lại cho bạn nhiều như nhóm khách hàng thiểu số. Khi ấy lại phải dựa vào sản phẩm, định hướng công ty và thói quen mua hàng nữa mà đưa ra giải pháp chiến lược: tìm cách biến “thiểu số” thành “đa số” hay “sáng chế” thêm những dịch vụ đi kèm để quyến rũ “đa số” nới lỏng hầu bao?

Cập nhật hồ sơ thường xuyên là một trong những bước thiết yếu để tránh việc bị tụt hậu. Thị trường thay đổi và khách hàng của bạn có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Vậy nên, nhưng điều cú rích bạn từng biết về họ giờ đã trở thành đồ bỏ đi.

Theo Sixteen thì hãy “tự giác” cập nhật lại thông tin khách hàng từ 3- 6 tháng/lần. Đừng chờ đợi đến lúc họ đến gặp bạn và kể câu chuyện “bi đát” họ sẽ rời đi vì thời điểm đó sẽ không bao giờ xảy ra đâu. Nếu không thấy khách hàng trung thành đến nữa, lượng truy cập trang web của “người quen” kém đi thì hãy tự nhận đó là dấu hiệu khi có biến. Gọi cho họ, gửi họ một email thân thương, làm survey, mời họ tham gia một sự kiện, … là những cách tốt nhất để duy trì mối quan hệ.

4. Làm “tình” với các con số

Một marketer có đặc điểm nhận dạng: cuồng dữ liệu. Họ bắt đầu một công việc và đưa ra các quyết định đều dựa trên các dữ liệu thu thập được từ công cuộc nghiên cứu. Hay nói cách khác, họ ăn nằm với con số.

Do vậy, một marketer đích thực phải sở hữu những năng lực chiều chuộng số: thu thấp, phân tích và đánh giá. Các dữ liệu có được từ các cuộc khảo sát hay nghiên cứu thị trường đều được chuyển về tay marketer. Từ đây họ sẽ sử dụng các công cụ chuyên dụng phân tích để viết báo cáo và giám sát dữ liệu. Các công cụ như Google adwords, google analytics,… được coi như vũ khí đắc lực của các marketer.

Một số con số biết nói mà marketer không thể không nghe là CPM (Cost per Mile), các thông số liên quan đến website và mạng xã hội như traffic, bounce rate, page view, visitor, …

thu thập dữ liệu

Chẳng phải chữ hay hình, các con số mới chính là “người tình trăm năm” của dân marketing. Nhờ chúng mà họ có thể dự đoán khuynh hướng thị trường, trào lưu, tìm insight, xây dựng và theo dõi hiệu suất các chiến lược.

5. Lắng nghe phản hồi từ các kênh truyền thông

Việc kiểm tra hộp thư hay trả lời phản hồi chính là một cách thể hiện bạn lắng nghe khán giả cả mình. Trên thực tế, có tới 63% khách hàng muốn được thương hiệu coi như một người bạn hơn là một kẻ chỉ biết chi tiền.

Các kênh truyền thông chính là cánh cửa để bạn giao tiếp với thị trường bên ngoài. Vì vậy những phản hồi qua đó luôn mang những giá trị thực tế trong việc cải thiện và nâng cấp chiến lược của bạn. Các kênh truyền thông xã hội chính là một cuộc đối thoại hai chiều với khách hàng, bên cạnh đối thoại đơn chiều như tiếp thị kĩ thuật số truyền thống.

Qua các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram hay Linkedin,… bạn có thể trực tiếp lắng nghe những ý kiến và phản hồi từ chính khách hàng của mình. Từ đó, bạn có thể đẩy mạnh tương tác giao tiếp theo nhiều cách, thúc đẩy người tiêu dùng chia sẻ nhiều hơn về sản phẩm và dịch vụ của bạn. Theo báo cáo của NM Incite, có 71% người dùng sẽ giới thiệu sản phẩm cho người thân khi nhận được những giải đáp nhanh chóng từ thương hiệu.

Có một số công cụ giúp bạn nhanh chóng cập nhật những phản hồi từ khách hàng trên mạng xã hội như Sparkcentral, Sprout Social, Intercom,…. Chúng là những công cụ giúp bạn tổng hợp ý kiến khách hàng và đưa ra những lời giải đáp tức thì.

6. Sáng tạo những nội dung tuyệt vời

Sáng tạo những nội dung tuyệt vời

Ngoài làm công việc “rình mò”, công việc của marketer là gì? Họ còn kiêm việc viết và sáng tạo. Ngỡ cứ tưởng kẻ làm marketing chỉ tôn thờ số má kho khan, vậy mà họ cũng biết tạo nội dung. Nhưng đừng lầm rằng những kẻ cuồng tín dữ liệu đó sáng tạo chỉ nhờ khướu tưởng tượng. Họ tạo ra những nội dung nhờ số. Có số họ mới biết nối dung cần có gì để đánh chiếm trái tim khách hàng.

Những nội dung đó có thể là mẩu post mạng xã hội vài chục chữ nhưng cũng có thể là cả newsletter hay bài blog vài nghìn từ. Cái chính không phải là độ dài hay văn hay chữ tốt mà chính là độ hiệu quả theo từng dạng nội dung.

Vậy tìm đâu ra một ý tưởng sáng tạo mà lại thực sự hiệu quả? Một trong chiêu thuật phổ biến chính là bắt kịp trào lưu thị trường. Bạn có thể bắt đầu bằng cách “dạo” một vòng qua các trang mạng xã hội và tin tức trên truyền thông để cập nhật xu hướng. Hoặc tiến hành các cuộc nghiên cứu, giao lưu cũng là ý kiến hay để tìm ra insight “độc” và quý giá.

Tuy nhiên, nếu đã có ý tưởng thì marketer cũng phải biết khôn ngoan đánh giá độ ”độc” của nó. Đương nhiên, “độc” có thể gây sốt. Nhưng chưa chắc nó đã là một lợi thế khi “độc đáo” lại biến thành “đọc dược”. Cốt lõi của một nội dung tốt vẫn nằm ở tính nhất quán với thương hiệu và độ phù hợp với lối sống, hành vi của thị trường.

Tạm kết

Công việc của một marketer là thế: ba đầu sáu tay niệm thần chú may ra được đi ngủ, không dành cho những người yếu tim và lười nhác!

6 nhiệm vụ trong một ngày 24 tiếng xoay quanh mục tiêu, chiến lược, nghiên cứu, số liệu và nội dung. Bấy nhiêu cũng đủ cho đôi giây choáng váng nhưng lại rồi đánh ừ một tiếng và quay lại công việc. Hết ngày, Marketer tạm nghỉ để tiếp tục tăng tốc trong những chặng tiếp theo. Việc bạn tìm hiểu marketer là gì và nếu bạn nằm trong số những hoài bão trẻ muốn dấn thân, hãy tập cho mình những thói quen của một Marketer thực thụ. Cách tốt nhất là rèn luyện tư duy và nghiệp vụ marketing cho thật cứng để “vững chân chạy”!

Hà Nguyễn / Marketingai.admicro.vn

Nguồn: thinkmarkus

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.