Marketing thương hiệu là gì? Các xu hướng marketing thương hiệu mới nhất hiện nay

22 Thg 04
Content Writer

Content Writer

Bích Ngọc

Trong thời buổi thị trường cạnh tranh, marketing thương hiệu trở thành một yếu tố chiến lược giúp doanh nghiệp tạo sự khác biệt và tăng sức cạnh tranh. Không chỉ tập trung vào việc bán hàng, marketing thương hiệu còn đóng vai trò xây dựng mối quan hệ, tạo niềm tin và tăng lòng trung thành của khách hàng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về chiến lược này và đưa ra một số gợi ý giúp các doanh nghiệp triển khai marketing thương hiệu hiệu quả.

1. Marketing thương hiệu là gì?

Theo Ali Berg, tác giả sách và đồng sáng lập của doanh nghiệp xã hội Books on the Rail, marketing thương hiệu hay brand marketing là hoạt động quảng bá toàn bộ thương hiệu của công ty, thay vì chỉ tập trung vào các sản phẩm hoặc dịch vụ riêng lẻ, trong đó bao gồm bộ nhận diện thương hiệu marketing, giá trị và câu chuyện của thương hiệu.

Lấy ví dụ về Netflix, chiến lược brand marketing của nền tảng xem phim trực tuyến này là xây dựng hình ảnh thương hiệu như một nơi cung cấp trải nghiệm giải trí tốt nhất, với nhiều lựa chọn đa dạng và tiện ích. Cụ thể, các chiến lược của Netflix tập trung vào việc cung cấp nội dung giải trí chất lượng và đa dạng, đầu tư mạnh mẽ vào việc sản xuất nội dung riêng (Netflix Originals), thường xuyên chia sẻ thông tin về các bộ phim mới trên mạng xã hội…

Marketing thương hiệu là gì

>>> Xem thêm: Marketing truyền thống là gì? Lối đi nào dẫn đến thành công?

2. Các kênh marketing thương hiệu phổ biến 

2.1. Kênh truyền thống

Các kênh truyền thống giúp thương hiệu tiếp cận đối tượng khách hàng mục tiêu và tăng độ nhận diện có thể kể đến quảng cáo trên truyền hình, quảng cáo qua báo chí, và quảng cáo ngoài trời.

  • Quảng cáo trên truyền hình: Quảng cáo truyền hình là một trong những hình thức marketing thương hiệu truyền thống phổ biến nhất, cho phép doanh nghiệp tiếp cận một lượng lớn người xem. Nhờ mạng lưới rộng khắp, quảng cáo truyền hình có thể tiếp cận hầu hết các đối tượng, thuộc mọi lứa tuổi và tầng lớp khác nhau. Tuy nhiên, hình thức này không phù hợp với các doanh nghiệp muốn tiếp cận một đối tượng khách hàng cụ thể. Ngoài ra, thời lượng quảng cáo hạn chế cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp không thể truyền tải thông điệp chi tiết về thương hiệu.
  • Quảng cáo qua báo chí: Đây là hình thức quảng cáo sử dụng các ấn phẩm báo chí, bao gồm báo giấy, tạp chí để truyền tải thông điệp về thương hiệu. Theo khảo sát của VAA, tại Việt Nam, báo chí vẫn là kênh truyền thông có độ uy tín cao, với 72% cho biết họ tin tưởng thông tin từ báo chí. Tuy nhiên, hình thức này lại mang tính thời vụ, phụ thuộc vào thời điểm xuất bản của báo và khó có thể đo lường hiệu quả.
  • Quảng cáo ngoài trời: Quảng cáo ngoài trời (OOH) là hình thức marketing thương hiệu tiếp cận người tiêu dùng khi họ ở ngoài đường. Quảng cáo ngoài trời thường được triển khai ở những khu vực đông dân cư, khu phố sầm uất. Ngoài ra, hình thức này cũng khá phong phú, bao gồm billboard, áp phích, quảng cáo trên phương tiện giao thông…
Các kênh marketing thương hiệu phổ biến

2.2. Kênh kỹ thuật số

Sự phát triển của khoa học, công nghệ đã dẫn đến sự bùng nổ của các kênh truyền thống kỹ thuật số. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp cũng đang chuyển dần từ các kênh truyền thống sang hình thức mới này để triển khai marketing thương hiệu vì có thể dễ dàng tương tác với khách hàng và lan tỏa thông điệp của thương hiệu.

  • Quảng cáo dựa trên công cụ tìm kiếm: Đây là một hình thức quảng cáo trực tuyến, cho phép doanh nghiệp hiển thị quảng cáo về thương hiệu trên các trang kết quả tìm kiếm (SERP). Trong số các công cụ tìm kiếm, Google chiếm thị phần lớn nhất với 92,05% tính đến tháng 1 năm 2023 (theo Statista). Google cung cấp nhiều hình thức quảng cáo khác nhau như Google Ads, Google GDN (Google Display Network), Google Shopping, Google Video, và Google App.
  • Quảng cáo trên mạng xã hội: Quảng cáo trên mạng xã hội là một hình thức marketing thương hiệu phổ biến khác, qua đó doanh nghiệp sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter, TikTok, YouTube… để truyền đạt thông điệp về thương hiệu đến đối tượng mục tiêu. Trong số đó, Facebook là nền tảng phổ biến nhất ở Việt Nam, với hơn 57% dân số sử dụng. Quảng cáo trên mạng xã hội cho phép doanh nghiệp tiếp cận đúng đối tượng mục tiêu, dễ dàng tương tác với khách hàng và có thể đo lường và đánh giá hiệu quả của chiến dịch quảng cáo.
  • Bài PR trên các trang báo điện tử: Báo điện tử đang dần áp đảo và thay thế các hình thức báo chí truyền thống. Đồng thời, nó cũng mở ra một kênh mới cho các doanh nghiệp để gia tăng độ nhận diện và gây dựng hình ảnh cho doanh nghiệp qua các bài PR thương hiệu.
  • Quảng cáo trên YouTube: Sau Google, YouTube là mạng tìm kiếm lớn thứ 2 với hơn 45 triệu người dùng ở Việt Nam. Đặc biệt, hơn 70% người xem cho biết YouTube là kênh giúp họ biết thêm về nhiều thương hiệu mới. Trên nền tảng này, doanh nghiệp có thể gia tăng độ nhận nhận diện thương hiệu thông qua YouTube ads hoặc lập kênh riêng cho thương hiệu của mình.

3. Xây dựng chiến lược marketing thương hiệu

Xây dựng chiến lược marketing thương hiệu là một kế hoạch dài hạn nhằm nâng cao vị thế của thương hiệu trên thị trường. Dưới đây là một số bước mà doanh nghiệp có thể tham khảo để xây dựng brand marketing thành công.

3.1. Xác định mục tiêu cho hoạt động brand marketing

Xác định mục tiêu được xem là bước đầu tiên trong quá trình xây dựng marketing thương hiệu. Với mục tiêu rõ ràng, các doanh nghiệp mới có thể tìm ra các các hướng đi cụ thể, đồng thời có cơ sở để đo lường sự hiệu quả theo thời gian. Các mục tiêu này có thể là tăng độ nhận diện về thương hiệu, tăng sự tương tác của khách hàng với thông điệp của thương hiệu, thiết lập và củng cố vị trí của thương hiệu trong ngành…

3.2. Xác định câu chuyện thương hiệu (brand story)

Câu chuyện thương hiệu là một câu chuyện mạch lạc về nguồn gốc, sứ mệnh, mục đích và vai trò của thương hiệu trong cuộc sống của khách hàng. Một câu chuyện thương hiệu hay sẽ thu hút khách hàng, từ đó tạo ra mối kết nối sâu sắc giữa thương hiệu và khách hàng, làm tăng độ trung thành và nhận thức về thương hiệu.

Để xác định câu chuyện thương hiệu, doanh nghiệp có thể xem xét các yếu tố tạo nên bản sắc của thương hiệu, từ hình ảnh và ngôn ngữ đến các giá trị và triết lý làm nền tảng cho các yếu tố này. Từ những nguyên liệu thô này, doanh nghiệp có thể phát triển nó thành một câu chuyện ngắn gọn nhưng mạch lạc để bổ sung vào các kênh mạng xã hội hoặc cho ra một phiên bản dài hơn cho website của doanh nghiệp.

Xây dựng chiến lược marketing thương hiệu

3.3. Xây dựng các công cụ hỗ trợ tiếp thị (Marketing Collateral)

Ở bước này, doanh nghiệp cần xây dựng bộ công cụ hỗ trợ tiếp thị để phục vụ cho quá trình marketing thương hiệu, nhằm truyền đạt giá trị, sứ mệnh, hình ảnh và câu chuyện của thương hiệu trên tất cả các kênh tiếp thị. Dưới đây là một số ví dụ về marketing collateral mà các doanh nghiệp thường sử dụng:

  • Logo: Hình ảnh biểu tượng của thương hiệu.
  • Tuyên bố sứ mệnh: Tài liệu mô tả mục tiêu và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.
  • Website: Trang web chính của doanh nghiệp.
  • Hồ sơ xã hội: Các trang mạng xã hội của doanh nghiệp.
  • Chữ ký email: Tạo ấn tượng chuyên nghiệp trong giao tiếp qua email.
  • Danh thiếp: Tài liệu nhỏ ghi thông tin liên hệ của cá nhân hoặc doanh nghiệp.

Ngoài ra, marketing collateral còn bao gồm các tài liệu như brochure, catalogue, video, ebook, infographic, và nhiều hình thức khác.

3.4. Chọn lựa phương tiện truyền thông và lập kế hoạch triển khai chiến dịch

Trước khi triển khai kế hoạch marketing thương hiệu, doanh nghiệp cần xác định các kênh truyền thông phù hợp nhất để tiếp cận đối tượng khách hàng, bao gồm mạng xã hội, quảng cáo truyền hình, báo chí, marketing email… Sau đó, hãy phát triển một kế hoạch marketing chi tiết, bao gồm các hoạt động, nội dung, lịch trình cụ thể, và triển khai chiến dịch theo kế hoạch đã đề ra.

3.5. Đo lường kết quả

Có một số phương pháp và công cụ giúp doanh nghiệp đo lường độ hiệu quả của các chiến lược marketing thương hiệu. Một số công cụ, chỉ số đo lường marketer cần quan tâm:

  • Nhận thức về thương hiệu (Brand Awareness): Sử dụng các chỉ số như lượt truy cập website, số lượt tìm kiếm thương hiệu trên các công cụ tìm kiếm, lượt xem hoặc tương tác trên các nền tảng mạng xã hội để đo lường sự nhận thức về thương hiệu.
  • Tầm ảnh hưởng (Influence): Tầm ảnh hưởng của thương hiệu trên mạng xã hội thể hiện qua các chỉ số như: số lượng người tham gia hoặc sự phát triển của cộng đồng trên các nền tảng mạng xã hội.
  • Tiếp thị nội dung (Content Marketing): Doanh nghiệp có thể đo lường hiệu suất của nội dung tiếp thị thông qua các chỉ số như tỷ lệ mở email, tỷ lệ chuyển đổi từ nội dung, lượt xem hoặc lượt tương tác với nội dung trên website hoặc các nền tảng khác.
  • Khảo sát phản hồi của khách hàng: Thương hiệu có thể thực hiện các khảo sát để đánh giá sự hài lòng của khách hàng về thương hiệu, đo lường mức độ trung thành của khách hàng và tổng hợp ý kiến phản hồi về sản phẩm/dịch vụ.
  • Phân tích truy cập Website (Website Analytics): Thương hiệu có thể sử dụng các công cụ phân tích như Google Analytics để đo lường lưu lượng truy cập, thời gian ở lại trên trang, tỷ lệ thoát và các hành vi trực tuyến khác.
Một số phương pháp và công cụ giúp doanh nghiệp đo lường độ hiệu quả

>>> Xem thêm: Quy trình 5 bước để xây dựng chiến lược Marketing hiệu quả cho doanh nghiệp

4. Xu hướng marketing thương hiệu 

4.1. Các thể loại nội dung ngắn (TikTok, Reels, YouTube Short) lên ngôi

Sự bùng nổ của các nội dung ngắn trên TikTok, Reels mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp để tăng sự kết nối với khách hàng mục tiêu và thúc đẩy nhận diện thương hiệu. Theo Yaguara, video ngắn nhận được mức độ tương tác cao hơn 2,5 lần so với video dài. 66% nhà tiếp thị tin rằng nội dung dạng ngắn là định dạng hấp dẫn nhất, 26% nhà tiếp thị có kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào nội dung video dạng ngắn vào năm 2024 và 47% nhà tiếp thị cho biết video dạng ngắn có độ lan truyền tốt hơn.

Khi thực hiện marketing thương hiệu, ngoài các nền tảng trên, doanh nghiệp cũng có thể đăng các video đó trên mạng xã hội để khuyến khích khách hàng chia sẻ nội dung với gia đình và bạn bè. Theo thống kê của Wyzowl, 76% người dùng cho biết họ sẽ chia sẻ video về thương hiệu với bạn bè của họ nếu video đó mang tính giải trí. Bởi vậy, đây là một cách hay để mang lại nhiều khách hàng tiềm năng hơn cho doanh nghiệp, đồng thời giúp cải thiện nhận thức và tăng sự gắn kết với thương hiệu.

4.2. Influencer Marketing tiếp tục được đầu tư

Khi hợp tác với những người có sức ảnh hưởng trong ngành, các doanh nghiệp có thể thúc đẩy tương tác với khách hàng và xây dựng lòng tin về thương hiệu. Theo khảo sát của Hubspot, 84% các nhà tiếp thị cho biết năm 2024 họ sẽ tăng mức đầu tư vào influencer marketing. Con số này cũng gần bằng năm ngoái (89%).

Hubspot cũng khuyến nghị rằng doanh nghiệp nên bắt tay với các micro-influencer có 10,000 đến 100,000 người theo dõi. Mặc dù số lượng follower không lớn nhưng họ lại có ưu thế là gần gũi hơn với người theo dõi và có khả năng tạo ảnh hưởng mạnh mẽ trong các lĩnh vực ngách, từ đó mang đến thành công cho các chiến dịch thương hiệu.

4.3. Ứng dụng các công nghệ như AI, VR và AR

Trong thời đại công nghệ 4.0, các công nghệ như AI, VR và AR ngày càng phát triển mạnh mẽ và được ứng dụng rộng rãi trong nhiều chiến dịch marketing, trong đó có cả marketing thương hiệu. Khi được hỏi, 88% nhà tiếp thị dự định sẽ đầu tư thêm vào công nghệ AI và 15% có kế hoạch sử dụng nó lần đầu tiên. Trí tuệ nhân tạo có thể giúp các nhà tiếp thị sáng tạo nội dung về thương hiệu, chẳng hạn như viết bài blog trên trang web, viết nội dung ngắn trên mạng xã hội, cũng như tạo CTA trên trang đích và viết mô tả sản phẩm.

Ngoài ra, các công nghệ mới như VR và AR cũng giúp doanh nghiệp xây dựng hình ảnh tích cực và kéo gần khoảng cách với nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu là những người trẻ tuổi, thuộc thế hệ gen Z - thế hệ còn được gọi với tên Thế hệ AR. Ngoài ra, đây là những yếu tố “wow” giúp tên tuổi của thương hiệu được lan tỏa theo cách truyền miệng hoặc trên các nền tảng mạng xã hội.

Ứng dụng các công nghệ như AI, VR và AR

4.4. Xây dựng cộng đồng trực tuyến

Xây dựng cộng đồng trực tuyến cũng là một xu hướng mà các marketer nên cân nhắc khi thực hiện marketing một thương hiệu. Phương pháp này giúp thúc đẩy tương tác giữa doanh nghiệp với khách hàng bằng cách tạo ra một không gian giao tiếp hai chiều.

Để xây dựng thành công cộng đồng trực tuyến, doanh nghiệp cần sản xuất các nội dung chất lượng và mang tính tích cực. Ngoài ra, cần thường xuyên cập nhật thông tin mới, tương tác với khách hàng qua các nền tảng mạng xã hội và phản hồi nhanh chóng các câu hỏi, yêu cầu của khách hàng.

5. Một số lưu ý khi triển khai marketing thương hiệu

Để các chiến lược marketing quản trị thương hiệu có thể phát huy tối đa hiệu quả, giúp nâng cao giá trị doanh doanh nghiệp và xây dựng lòng tin với khách hàng, marketer cần lưu ý một số điểm sau:

  • Nghiên cứu thị trường: Để triển khai một chiến dịch marketing thương hiệu thành công, việc nghiên cứu về thị trường là vô cùng quan trọng. Hoạt động này bao gồm việc phân tích đối thủ cạnh tranh cũng như hiểu rõ về đối tượng khách hàng mục tiêu. Ngoài ra, việc nắm bắt được xu hướng và nhu cầu của thị trường cũng giúp doanh nghiệp xây dựng được một chiến lược hiệu quả và phù hợp.
  • Xây dựng thông điệp nhất quán: Thông điệp thương hiệu là cốt lõi của bất kỳ chiến dịch marketing nào. Nó phản ánh giá trị cốt lõi và bản sắc của thương hiệu, đồng thời là điểm nhấn để thu hút khách hàng. Bởi vậy, thông điệp của thương hiệu cần nhất quán, phản ánh giá trị của thương hiệu, dễ dàng khơi gợi cảm xúc và phù hợp với đối tượng khách hàng.
  • Tối ưu hóa chiến dịch: Sau khi triển khai chiến dịch thương hiệu, doanh nghiệp cần liên tục đánh giá và điều chỉnh để đảm bảo hiệu quả của chiến dịch. Sau khi phân tích và thu thập dữ liệu về hiệu suất chiến dịch, doanh nghiệp có thể triển khai tiếp các bước tối ưu về nội dung, các kênh truyền thông, trải nghiệm người dùng…

Tổng kết

Marketing thương hiệu là một phần quan trọng trong chiến lược marketing của các doanh nghiệp. Bất kể doanh nghiệp hay cá nhân nào cũng đều nên thực hiện chiến lược brand marketing hoặc marketing thương hiệu cá nhân ngay từ đầu để tạo sự khác biệt trên thị trường và để lại dấu ấn tích cực trong mắt mọi người.

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.