Một năm "đại hạn" với ngành bán lẻ và thương mại điện tử Việt Nam

31 Thg 12

Trong những ngành hàng có sức tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam trong vài năm qua thì bán lẻ và thương mại điện tử là 2 cái tên được nhắc tới nhiều nhất. Trong khi thị trường bán lẻ đã xuất hiện tại Việt Nam từ rất lâu và có dấu hiệu bão hòa, thì thương mại điện tử mới chỉ nở rộ từ năm 2016 với hàng loạt những tên tuổi mới gia nhập. Thế nhưng, bước sang năm 2019 chúng ta đã thấy được một năm "đại hạn" của 2 thị trường này, hãy cùng MarketingAI tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây!

Ngành thương mại điện tử càng về cuối năm càng buồn

Nếu phải kể đến ngành hàng nào có nhiều biến động nhất trong năm 2019 vừa qua thì thương mại điện tử sẽ được nhắc tới đầu tiên. Kể từ khi các "đại gia" xâm chiếm thị trường Việt, cuộc đua đốt tiền chính thức bắt đầu với sự "nhúng tay" của Shopee, Lazada. Sau đó, các tên tuổi đình đám từ trong và ngoài nước cũng tham gia vào cuộc đua tốn kém đầy tham vọng này với Adayroi của Vingroup, Lotte.vn của tập đoàn Lotte, Sendo của FPT và Tiki.... Thị trường bắt đầu hình thành nên cuộc đua tranh rất khốc liệt nhằm thu hút thị phần, và ngành thương mại điện tử được xem là điểm nóng hơn cả. Đây chính thức trở thành "cuộc đua đốt tiền" giữa các "ông lớn".

Thế nhưng, năm 2019 chứng kiến những tin tức không mấy tốt đẹp khi mà những thương hiệu lớn như Adayroi, Lotte.vn, Vuivui.com (Thế giới di động), Robin chính thức đóng cửa. Theo những nguyên nhân ban đầu thì hoạt động kinh doanh của những thương hiệu này chẳng mấy hiệu quả, thêm vào đó lượng truy cập hay doanh thu đem lại cũng chẳng hề đúng như những kỳ vọng của chủ đầu tư. Đây chính là nguyên do chính dẫn đến sự lụi tàn của những "đế chế" một thời được kỳ vọng sẽ phát triển tại thị trường Việt.

Adayroi và Lotte.vn trước khi đóng cửa đều có tỷ lệ truy cập rất thấp (Nguồn: Iprice)

Có thể thấy được, Adayroi là tên tuổi duy nhất đáng chú ý trong danh sách này khi đây là "đứa con" đến từ nhà VinGroup. Kể từ khi được ra mắt vào năm 2015, hãng được kỳ vọng sẽ thành công như những dự án trước đó cùng công ty. Thế nhưng, sau 4 năm hoạt động hãng còn chưa cán mốc nổi 10 triệu lượt truy cập hàng tháng và hụt hơi so với những đối thủ khác trên thị trường.

Robin.vn và Lotte.vn là 2 cái tên mặc dù chưa bao giờ được đánh giá cao trên thị trường khi còn chưa bao giờ lọt nổi Top 5 những trang có lượt Visits nhiều nhất. Nhưng, dù sao đây cũng là 2 cái tên tầm trung của ngành TMĐT, và sự ra đi của tên tuổi này cùng với Vuivui.com của Thế giới di động tạo ra một bức tranh tổng thể khá ảm đạm trong năm 2019.

(Nguồn: InvestGo)

Hiện tại, Sendo có lẽ là cái tên gây nhiều bất ngờ nhất khi mà vào quý 3/2019, theo những thống kê từ Iprice thì "chiến binh" của FPT đã vươn lên vị trí thứ 2 khi vượt qua Lazada, thậm chí là Tiki. Xét về lượt truy cập thì Sendo gây khá nhiều bất ngờ khi tăng 2 bậc từ vị trí thứ 4 lên thứ 2 trong quý vừa rồi.

Sau sự xáo trộn trong bảng xếp hạng, cũng như vươn lên mạnh mẽ từ các trang thương mại điện tử Việt Nam đã minh chứng rằng mọi bất ngờ đều có thể xảy ra trong tương lai. Trong bối cảnh người Việt bắt đầu hình thành thói quen mua sắm online, cùng với đó là lượng đầu tư dồi dào từ các công ty nước ngoài do vậy, nhiều tên tuổi nổi lên trong tương lai là điều dễ hiểu. Bởi theo báo cáo của Google và Temasek, quy mô thị trường thương mại điện tử sẽ tăng trưởng 43%/năm, đạt 15 tỷ USD vào năm 2025. Khi đó, Việt Nam sẽ là thị trường lớn thứ 2 Đông Nam Á, sau thị trường đông dân Indonesia với con số dự kiến 53 tỷ USD.

"Cuộc đua đốt tiền" đang để ám chỉ đến các thương hiệu ngành thương mại điện tử, rất nhiều cái tên tham gia để thực hiện những chiến dịch truyền thông "uy hiếp" người dùng hiện nay. Tiki, Shopee, Lazada đang là 3 cái tên đi đầu trong việc này, dù các hãng đều báo thua lỗ hoặc chưa thu về nhiều lãi nhưng thị trường TMĐT vẫn có rất nhiều tiềm năng bởi nó sẽ là xu hướng của tương lai, có cơ hội lớn để thu về lợi nhuận cao.

Ngành bán lẻ nhiều biến động suốt 1 năm qua

Kể từ khi Việt Nam mở cửa kinh tế vào năm 2000 thì mô hình bán lẻ mới xuất hiện và sau 19 năm, theo thống kê của Nielsen thì kênh bán lẻ hiện đại (bao gồm các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, chuỗi siêu thị) đang vượt trội so với những kênh bán lẻ truyền thống trước kia. Chính sự phát triển nhanh chóng của thị trường đã tạo ra một ngành bán lẻ phát triển rực rỡ như ngày hôm nay với rất nhiều thương hiệu gia nhập. Điều này tạo ra một thị trường cạnh tranh hoàn hảo trong nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, trong năm 2019 vừa qua, bán lẻ là một trong những ngành có nhiều biến động hơn cả. Đầu tiên phải kể đến việc Big C của Central Group (Thái Lan) tái cấu trúc một số ngành hàng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Để đáp ứng được chiến lược mới này của hãng, ngành may mặc Việt Nam được xem là bất lợi nhất khi thương hiệu này ngừng nhập các mặt hàng khi bắt đầu tái cấu trúc. 

Auchan của Pháp có lẽ là sự kiện đáng tiếc nhất trong năm qua, khi mà hãng bán lẻ đến từ quốc gia châu Âu này dừng hoạt động tại Việt Nam. Sau đó, Saigon Co.op tuyên bố sẽ thầu lại 18 chuỗi siêu thị của Auchan tại Việt Nam sau đó.

(Nguồn: Zing.vn)

Có lẽ điều gây nhiều bất ngờ nhất phải kể đến thương vụ của VinGroup với tập đoàn Masan khi 2 cái tên này bắt tay với nhau. Cụ thể, VinCommerce sẽ sáp nhập 2 cái tên đang hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ là Vinmart, Vinmart+ vào Masan trong bối cảnh 2 thương hiệu này đang hoạt động rất tốt và không ngừng gia tăng doanh số về cho Vingroup. Thế nhưng, Vingroup phải hy sinh đứa con của mình để dồn toàn lực vào cho công nghệ và sản xuất ô tô trong những năm tiếp theo. Một thông tin thú vị khác là Vinmart cũng thâu tóm chuỗi siêu thị tiện lợi Shop&Go vào tháng 4 và Queenland Mart vào tháng 9 năm nay. Đây chính là 2 thương vụ khiến hệ thống bán lẻ của Vin gia tăng sức mạnh trong năm 2019 này.

Theo những thống kê của Nielsen thì hiện tại thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn nằm trong tay của người Việt khi mà 3 tên tuổi lớn trên thị trường đều là tập đoàn Việt bao gồm: VinCommerce (2600 cửa hàng), Bách Hóa Xanh (1006 cửa hàng), Saigon Co.op (620 cửa hàng). 

Mặc dù có nhiều biến động như vậy nhưng nhìn chung đây vẫn là một thị trường cực kỳ tiềm năng trong năm tới. Sự chuyển dịch từ bán lẻ truyền thống sang các chuỗi bán lẻ hiện đại sẽ chính là thứ ta sẽ nhìn thấy trong năm tới. 

Tạm kết

Bán lẻ và thương mại điện tử chính là 2 ngành liên quan mật thiết đến nhau, nó sẽ bổ trợ rất nhiều cho hoạt động của nhau. Thị trường bán lẻ Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển vàng, cũng như E-commerce đang có những bước định hình trong năm vừa rồi. Theo một số chuyên gia, xu hướng bán lẻ trong các năm tiếp theo là mô hình "new retail", trong đó áp dụng dữ liệu và công nghệ để nâng cao trải nghiệm khách hàng trên môi trường trực tuyến và điểm bán lẻ. 

Thắng Nguyễn - MarketingAI

 
Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.