Nền kinh tế kỹ thuật số ở Đông Nam Á sẽ đạt 1 nghìn tỷ đô vào năm 2030

15 Thg 11

Sau khi chứng tỏ khả năng phục hồi vào năm 2020, nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á đã chứng kiến sự hồi sinh trong năm 2021. Nhờ đó, nó được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn dự kiến và có thể đạt 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

“Thập kỷ kỹ thuật số của Đông Nam Á đã đến” - đây chính là lời khẳng định trong báo cáo mới nhất được công bố ngày 10/11/2021 về kinh tế số tại Đông Nam Á. 

Khái quát chung

Báo cáo có tên gọi “e-Conomy Southeast Asia (SEA) Report - Roaring 20’s: The SEA Digital Decade” (Báo cáo kinh tế Đông Nam Á - Những năm 20 bùng nổ: Thập kỷ số ở ĐNA), được thực hiện bởi Google, quỹ đầu tư Temasek của Singapore, và công ty tư vấn Bain & Company của Mỹ.  

Trong đại dịch Covid-19, công nghệ đã luôn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người dân Đông Nam Á vượt qua khó khăn. Nhưng theo báo cáo này, nền kinh tế kỹ thuật số đã sẵn sàng để đóng một vai trò to lớn hơn trong tương lai của khu vực so với những gì chúng ta tưởng tượng. 

Năm 2020, khu vực Đông Nam Á đã thể hiện ​​khả năng thích ứng khi đối mặt với đại dịch. Mọi người chuyển sang sử dụng Internet để đáp ứng nhu cầu hàng ngày theo những cách mới. Báo cáo năm nay cho thấy sự hồi sinh và hướng tới “những năm 20 bùng nổ”, nơi công nghệ sẽ mở ra những khả năng mới thú vị cho hàng trăm triệu người trong khu vực.

Báo cáo dự đoán rằng nền kinh tế kỹ thuật số sẽ đạt tổng giá trị hàng hóa 174 tỷ đô la vào cuối năm 2021, và tăng tốc đạt 363 tỷ đô la vào năm 2025, cao hơn nhiều so với ước tính 300 tỷ đô la của năm ngoái. 

Lần đầu tiên, Google cũng đưa ra dự báo rằng nền kinh tế kỹ thuật số tại Đông Nam Á có thể đạt giá trị 1 nghìn tỷ đô la vào cuối thập kỷ này. Sự tăng trưởng trên quy mô đó giúp khu vực được định hình là tương lai của công nghệ trên toàn cầu.

 

Dưới đây là một số vấn đề chính của báo cáo năm 2021, cũng như tầm nhìn về các yếu tố hỗ trợ sẽ đảm bảo cho khu vực Đông Nam Á đạt được tiềm năng to lớn của mình.

>>>Xem thêm: Nền kinh tế Internet 100 tỷ Đô tại thị trường Đông Nam Á (Phần 1)

Số người online sẽ tiếp tục tăng

Trong số 589 triệu dân của Đông Nam Á, 440 triệu người (hay 75%) đang online. Trong đó bao gồm 40 triệu người bắt đầu sử dụng Internet lần đầu tiên vào năm 2021. 

Có khoảng 350 triệu người Đông Nam Á là “người tiêu dùng kỹ thuật số”, nghĩa là họ đã mua hoặc sử dụng ít nhất một dịch vụ online. Kể từ khi đại dịch bùng phát, khu vực này đã có thêm 60 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số. Và sự thay đổi dường như vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại: 9/10 người bắt đầu sử dụng các dịch vụ online lần đầu vào năm 2020, sẽ tiếp tục sử dụng vào năm 2021.

Đông nam á có 440 triệu người dùng internetLàn sóng doanh nhân kỹ thuật số mới nổi

Internet đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp nhỏ của Đông Nam Á vượt qua đại dịch và lập kế hoạch cho tương lai. 

Để tiến hành báo cáo năm 2021, đội ngũ thực hiện đã trao đổi với 3.000 doanh nhân kỹ thuật số thuộc các doanh nghiệp nhỏ sử dụng công cụ kỹ thuật số, chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm hoặc bán lẻ. Các nhà nghiên cứu bị ấn tượng bởi nhiều trải nghiệm tích cực mà những người làm kinh doanh thu được từ khi chuyển sang hoạt động online. 

Ngày nay, 90% những người được hỏi chấp nhận thanh toán điện tử và 1/3 tin rằng họ sẽ không thể sống sót sau đại dịch nếu không có các hình thức trực tuyến. Trong 5 năm tới, 8 trong số 10 người dự đoán rằng hơn một nửa doanh số bán hàng của họ sẽ đến từ các nguồn trực tuyến.

sự phát triển của các nền tảng kỹ thuật số

Thương mại điện tử dẫn đầu sự hồi sinh 

Khi mọi người sử dụng Internet để mua ngày càng nhiều sản phẩm và dịch vụ, sự trỗi dậy của thương mại điện tử sẽ là trọng tâm tăng trưởng trong nền kinh tế kỹ thuật số ở khu vực. 

Báo cáo ước tính lĩnh vực thương mại điện tử có thể vượt 120 tỷ đô la về tổng số lượng hàng hóa (GMV) vào cuối năm 2021, và đạt 234 tỷ đô la vào năm 2025. Dịch vụ giao đồ ăn cũng đang phát triển nhanh chóng, với tổng cộng 71% người dùng internet đặt đồ ăn online. Các phương tiện truyền thông số sẽ ngày càng phát triển và được hỗ trợ bởi sự phổ biến ngày càng tăng của trò chơi điện tử.  

Ba lĩnh vực mới nổi đang phát triển nhanh hơn nhờ đại dịch Covid-19 gồm: công nghệ sức khỏe (HealthTech), công nghệ giáo dục (EdTech) và công nghệ tài chính (FinTech). Khi mọi người tìm kiếm sự thuận tiện và khả năng tiếp cận cao hơn, các lĩnh vực này dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng và trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế kỹ thuật số vào năm 2030.

Công nghệ giáo dục được xem là một trong ba lĩnh vực đang phát triển nhanh hơn bởi Covid-19.
Công nghệ giáo dục được xem là một trong ba lĩnh vực đang phát triển nhanh hơn bởi Covid-19.

Nguồn đầu tư dồi dào

Trên toàn bộ nền kinh tế kỹ thuật số tại Đông Nam Á hiện nay, đầu tư đang theo hướng đạt mức cao kỷ lục vào năm 2021. Giá trị các thương vụ trong khu vực là 11,5 tỷ USD ở nửa đầu năm 2021, so với 11,6 tỷ USD trong cả năm 2020. 

Hầu hết các khoản tài trợ (khoảng 60%) sẽ chuyển sang thương mại điện tử và các dịch vụ tài chính kỹ thuật số, nhưng sự phát triển của công nghệ y tế đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư: tài trợ cho lĩnh vực này đã tăng lên mức cao kỷ lục 1,1 tỷ đô la trong sáu tháng đầu năm, nhiều hơn tổng số 800 triệu đô la của năm 2020.

Và hiện vẫn có khoảng 14,2 tỷ đô la từ nhiều nguồn khác nhau, sẵn sàng đầu tư cho các startup mong muốn tìm kiếm sự hỗ trợ để phát triển các ý tưởng. 

Kết luận

Nền kinh tế kỹ thuật số trị giá 1 nghìn tỷ đô la vào năm 2030 có nghĩa là các dịch vụ trực tuyến được tiếp cận rộng rãi hơn, có nhiều việc làm hơn và các doanh nghiệp lớn mạnh hơn. 

Nó cũng sẽ chứng kiến ​​việc khu vực Đông Nam Á định hình những tiến bộ trong công nghệ cho toàn bộ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hơn thế nữa, đây cũng là điểm chung của các xu hướng kỹ thuật số trên toàn cầu. 

Nhưng để đảm bảo thập kỷ kỹ thuật số mang lại lợi ích cho nhiều người nhất có thể, chúng ta phải tập trung để có những hỗ trợ phù hợp.

Các ưu tiên trong những năm tới sẽ bao gồm việc thực hiện đúng các khuôn khổ quy định, đưa cơ sở hạ tầng dữ liệu vào hoạt động và đảm bảo nền kinh tế kỹ thuật số phát triển một cách công bằng. Ví dụ: bằng cách bảo vệ lợi ích của người lao động không chính thức và bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến.

Cam kết của Google là giúp xây dựng một nền kinh tế kỹ thuật số có thể mang lại lợi ích cho tất cả mọi người ở Đông Nam Á vào năm 2030. 

Stephanie Davis, Phó chủ tịch Google khu vực Đông Nam Á và Nam Á khẳng định: “Google muốn đóng góp vào việc tạo ra sự tăng trưởng có trách nhiệm và mang lại cơ hội kinh tế cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng tương lai của Internet cho khu vực này bằng cách cung cấp quyền truy cập toàn diện, an toàn cho các cộng đồng. Chúng tôi cũng sẽ hợp tác cùng các doanh nghiệp và chính phủ ở Đông Nam Á trên con đường hướng tới một nền kinh tế kỹ thuật số lớn hơn, tốt hơn.” 

>>> Có thể bạn quan tâm: Những điều cần biết về bản cập nhật MUM của Google

Trang Trịnh – MarketingAI

(Theo Google Blog)

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.