Ngành công nghiệp Influencer Marketing sẽ thay đổi như thế nào vào năm 2021?

16 Thg 12

Năm 2020 là một năm trọng đại, đánh dấu một thập kỷ phát triển mới với những niềm hi vọng lớn lao. Nhưng một sự kiện chấn động đã làm thay đổi tất cả. Đã lâu rồi người ta không thấy thế giới bị “chao đảo” đến thế và tất cả mọi người đều đang tìm kiếm ra lối đi để định hướng cho bản thân trong thực tế mới lạ này.

Đối với riêng ngành Marketing nói chung và Influencer Marketing nói riêng, nhu cầu bắt nguồn từ thực tại này đã thúc đẩy tất cả các marketers phải đi tìm kiếm câu trả lời cho chính mình và khách hàng, về cách làm sao để duy trì sự lạc quan và tích cực trong nghịch cảnh và phát triển trong một thế giới mà các nhu cầu và hành vi mới đang nổi lên. 

Khi nhìn về tương lai, các công ty đang phát triển cần tập trung vào 3 dự đoán hàng đầu dưới đây để làm tốt hơn các hoạt động Influencer Marketing vào năm 2021. Với làn sóng thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ và các sự kiện xã hội, dự kiến rằng, Influencer Marketing sẽ trải qua bước chuyển biến đáng kể và đánh dấu một bước ngoặt phát triển lớn trong năm tới này.

Đế chế xã hội của Facebook và Google sẽ bắt đầu sụp đổ

Năm 2020 là một năm mà các nền tảng thống trị của Google và Facebook hiện nay là Youtube và Instagram đã đạt đến đỉnh điểm phát triển. Trong bối cảnh mà mức độ tương tác trên các nền tảng này gia tăng đáng kể trong năm vừa qua, nhiều thương hiệu cũng cho biết chi phí CAC (chi phí doanh nghiệp bỏ ra để có được 1 khách hàng) trên các nền tảng Programmatic ads (quy trình tự động trong việc mua và bán quảng cáo trên digital ads inventory) cũng liên tục tăng.

Trong thời gian cách ly, các nền tảng mạng xã hội đã nhanh chóng tạo ra nhiều sự chú ý mới, nhưng càng về sau, lòng tin của người dùng dành cho họ ngày càng suy giảm. Khi các bằng chứng chồng chất xuất hiện tố cáo các nền tảng này đã không tuân thủ quy định chặt chẽ về việc kiểm duyệt nội dung, và việc “những ông lớn” đã thông đồng với nhau để bịt miệng những người lên tiếng chỉ trích đã khiến người tiêu dùng bắt đầu mất niềm tin và cho rằng các công ty này đã không còn phù hợp với lợi ích của họ.

Ngay cả trước khi ngừng hoạt động vào tháng 4 năm 2019, một cuộc khảo sát của YouGov cho thấy chỉ có 19% người dùng tin tưởng Facebook và 13% người dùng tin tưởng Google và những lo ngại về quyền riêng tư đã khiến cho các chỉ số này chỉ có nước tăng lên chứ không giảm.  Kết quả là, nhiều quảng cáo của các thương hiệu đã bị lọc ra bởi các công cụ chặn quảng cáo hoặc được ngầm hiểu thông qua nhận thức tâm lý. Điều đó đã khiến cho một số người tiêu dùng và nhà sáng tạo nội dung chuyển sang sử dụng các nền tảng cho phép nhiều quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm hơn.

Niềm tin của người dùng đối với một số ông lớn công nghệ đang dần "vỡ vụn" (Ảnh: YouGov)

Sự phát triển bùng nổ của TikTok và các “bản sao hoàn hảo” của nó như Reels của Instagram, Spotlights của Snapchat hay Fleets của Twitter đã báo hiệu về một nhu cầu chưa từng được đáp ứng ở các nền tảng hiện tại, liên quan đến tính xác thực và sự tự phát trong việc phát hành các nội dung. Cụ thể, khi các nền tảng xã hội như Facebook hay Google luôn cho rằng người dùng phải “show” ra bộ mặt tốt nhất của mình, thì sự xuất hiện của TikTok và tính tự phát của nó đã phá vỡ hoàn toàn quy chuẩn này.

Trong khi đó, sự bùng nổ của ứng dụng Parler đến từ Rumble trong thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Mỹ cũng đã báo hiệu thêm một làn sóng phản đối dữ dội khác đến từ người dùng đối với việc kiểm duyệt nội dung. Chúng ta đều biết, các công ty như Facebook và Twitter đã từ chối kiểm duyệt nội dung do những người bảo thủ đăng tải và thường chỉ ra điều khoản dịch vụ của họ khi một tài khoản vi phạm quy tắc. Và khi những người bảo thủ đó khó chịu về việc nội dung bị gắn nhãn hoặc bị ẩn, họ sẽ sẵn sàng chuyển sang sử dụng các nền tảng khác đáp ứng được nhu cầu của họ. Tháng 11 vừa qua, Parler đã đứng đầu App Store về lượt tải về với hơn 8 triệu thành viên. Rumble cho biết họ dự đoán 75 triệu đến 90 triệu người sẽ xem video trên trang web của họ vào tháng 11 vừa qua, tăng so với 60,5 triệu của tháng trước.

Parler đứng đầu về lượt tải về tại Apple Store vào tháng 11/2020 (Ảnh: MacDailyNews)

Trong tình cảnh này, cách Facebook và Google thích ứng với dòng chảy thời đại sẽ định hình lại lượng đế chế mà họ có thể giữ lại được. Nhưng dù thế nào, những thiệt hại là điều không thể tránh khỏi.

Năm 2021 sẽ chứng kiến ​​sự gia tăng ngày càng nhiều của những nhà sáng tạo đa nền tảng, khiến cho việc khám phá, lên chiến lược, đo lường và phân bổ của các thương hiệu trở nên phức tạp hóa hơn nhiều. Các nền tảng mới cũng mang lại cơ hội mới, với việc nhận được nhiều đánh giá tốt nhất từ người dùng và tạo điều kiện cho các ngôi sao đang lên có thể dễ dàng đạt được sự nổi tiếng sớm nhất trong vòng đời của nền tảng xã hội.

Các giải pháp rõ ràng về ROI sẽ là điều không thể thiếu

Năm 2020 đã mang đến một áp lực mới cho các marketers trên toàn thế giới. Việc phải trải qua quãng thời gian bất ổn kéo dài và ngày càng nghiêm trọng, cũng như nguy cơ phải đối mặt với một trong những cuộc suy thoái kinh tế lớn nhất trong một thế hệ đã khiến các thương hiệu không còn đủ khả năng để duy trì những chiến dịch “linh tinh” với “ngân sách xa xỉ” mà ROI thu về lại vô cùng đáng ngờ nữa. Thay vào đó, họ cần cẩn thận và suy tính kỹ càng hơn về vấn đề "thiệt, hơn" khi lên kế hoạch cho các chiến dịch tập trung.

Có thể nói, quãng thời gian khó khăn này chính là một thử thách lớn cho các doanh nghiệp mài giũa trí óc và nếu marketers nào có thể vượt qua và phát triển mạnh trong thời điểm này, thì họ sẽ là những người có thể trả lời được cho câu hỏi: điều gì thực sự đem đến kết quả và tìm kiếm ra được bằng chứng cho những tác động.

Trên thực tế, việc đo lường các tác động ngày nay đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. Như bạn đã biết, GDPR (Quy định về bảo mật dữ liệu chung) đã giúp cho các công ty dễ dàng hơn trong việc từ bỏ không tham gia cookie, trong khi đó, các tính năng bảo mật mới của Apple cũng đã sẵn sàng loại bỏ tính năng theo dõi trong ứng dụng để mua quảng cáo. Các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng này sẽ cấm thương hiệu thu thập các dữ liệu quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình phân bổ mục tiêu trong các chiến dịch digital hiện nay, bao gồm cả các chiến dịch Influencer Marketing.

Quy định về bảo mật dữ liệu khiến cho việc đo lường các tác động của thương hiệu trở nên khó khăn hơn (Ảnh: Internet)

Vậy cụ thể, nó sẽ ảnh hưởng như thế nào và các doanh nghiệp cần phải làm gì cho các chiến dịch Influencer Marketing trong tương lai?

Nghiên cứu chỉ ra rằng, ngay cả khi theo dõi được chính xác hành vi của người dùng thì tỷ lệ chuyển đổi trực tiếp từ việc theo dõi này cũng chỉ chiếm một phần nhỏ trong giá trị đầy đủ mà một chiến dịch Influencer Marketing có thể đem lại. Một nghiên cứu khác của Google cũng cho biết, tỷ lệ chuyển đổi thực sự trong một chiến dịch Influencer Marketing cao hơn ít nhất năm lần tỷ lệ mà việc theo dõi liên kết (tracking link) đem lại sau 1 tuần khởi động. Sự thụt xa về hiệu quả này thậm chí còn không tính đến những ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý người tiêu dùng mà một chiến dịch Influencer Marketing có thể làm được.

Điều đó có nghĩa là gì? Có vẻ như các doanh nghiệp đã bỏ qua những ảnh hưởng về tâm lý mà chỉ quan tâm đến việc theo dõi hành vi người dùng qua các liên kết và số liệu. Trên thực tế, ảnh hưởng của Influencer Marketing đến tâm lý người dùng sẽ chỉ được thể hiện rõ ràng trong vài tháng sau đó và thông qua các kênh mà tiếp thị liên kết không thể theo dõi.

Vì vậy, trong năm 2021 tới này, để đạt được mục đích đo lường ROI hiệu quả, các thương hiệu phải lên kế hoạch trong một khuôn khổ toàn diện, giải quyết đầy đủ không chỉ tác động hành vi mà Influencer Marketing tạo ra mà còn cả tác động tâm lý.

Influencer Marketing sẽ phát triển bùng nổ

Influencer marketing đã ra đời từ lâu và thật dễ hiểu khi nó được coi là một miền tây hoang dã - nơi vừa nguy hiểm nhưng cũng vừa giàu tài nguyên mà sự “vô pháp vô thiên” của nó khiến cho cơ hội khai thác giá trị chỉ có thể mở ra với một số ít người đã chuẩn bị từ trước và biết tiếp cận một cách khôn khéo.

Việc không có đủ những feedback cần thiết cho một tiêu chuẩn đo lường ROI nhất định đã khiến cho việc định giá một Influencer trở nên bất định và thay đổi rất nhiều. Nhưng ngay cả khi mà vấn đề đo lường đã được giải quyết thì vẫn có một thực tế không thể tránh khỏi đó là kết quả do các Influencers cung cấp là rất khác nhau, với 1% top Influencer hàng đầu có thể đóng góp tới 50% kết quả của chiến dịch. Nhưng làm thế nào để tìm ra những người có trong 1% đó và đảm bảo rằng họ sẽ đem lại hiệu suất cao cho một thương hiệu nhất định thì quả thực là một thách thức lớn?

Tuy nhiên, nếu vấn đề này có thể được giải quyết, và các thương hiệu có thể đánh giá chính xác giá trị tiềm năng mà một Influencer có thể đem lại cho một chiến dịch, thì Influencer Marketing sẽ giành chiến thắng thuyết phục. Điều này có nghĩa là gì? Tức là khi mà thương hiệu có thể dự đoán chính xác lợi nhuận tiềm năng mà một Influencer có thể đem lại, thì họ có thể ra một mức giá hợp lý cho cả 2 bên, một mức giá mà cả thương hiệu và Influencer đều thu được lợi nhuận chứ không phải khiến ít nhất một trong hai bên cảm thấy bị lừa gạt hoặc thất vọng. Việc tìm ra những Influencer đem lại giá trị tốt nhất cho thương hiệu sẽ giúp các marketer tự tin hơn trong việc chuyển ngân sách sang cho họ và tạo ra một thị trường phát triển thịnh vượng của những Influencer làm việc uy tín và có hiệu quả cao. Và nền kinh tế Influencer sẽ bước sang một trang mới, huy hoàng và rực rỡ hơn.

Trên thực tế, nền kinh tế Influencer hiện nay vẫn đang còn khá hoang sơ vì chúng ta vẫn chưa tìm ra cách để bẻ khóa năng lực của nó. Nhưng cuối cùng thì vấn đề này cũng đã được lôi ra ánh sáng và chúng ta buộc phải giải quyết nó.

Có tới hơn 100 triệu Influencer ngoài kia để các thương hiệu lựa chọn. Thị trường Influencer ngày càng mở rộng và chưa bao giờ người ta thấy các thương hiệu có nhiều người sẵn sàng chờ đợi và ủng hộ họ đến thế, chỉ cần họ có thể tìm thấy đúng người. Công cụ AI sẽ hỗ trợ các thương hiệu điều đó. Sự phát triển vượt bậc và khả năng dễ tiếp cận của công nghệ này đang giúp ích rất nhiều cho các thương hiệu trong việc khai thác hiệu quả sự dồi dào của thị trường ngoài kia.

Trong khi đó, công nghệ thị giác máy tính và NLP (lập trình ngôn ngữ tự nhiên) sẽ giúp cho việc tìm hiểu mô hình cảm xúc của những Influencers thông qua nét mặt của họ và việc theo dõi lòng trung thành của khách hàng trở nên dễ dàng hơn. Đây là 2 tín hiệu vô cùng quan trọng mà 2 công nghệ trên có thể cung cấp được trong vô số insights khác nó có thể thu thập tự động và theo quy mô lớn.

Phần cuối cùng là những nghiên cứu đang được thực hiện liên quan đến các ảnh hưởng về thần kinh và tâm lý mà Influencer Marketing có thể đem lại. Phân tích bản chất của những ảnh hưởng đó thành các lực lượng và yếu tố cụ thể - những thứ có thể đo lường chặt chẽ và khai thác theo hướng sáng tạo để giúp ích hơn cho quá trình triển khai các hoạt động marketing.

Với một ngành công nghiệp sở hữu vô vàn các nhà sáng tạo quan trọng như vậy, sự hiểu biết tâm lý của chúng ta là đủ trưởng thành để xác định được các lực lượng và yếu tố đó, đồng thời, công nghệ Machine Learning cũng đủ mạnh để suy luận và đánh giá các thành phần của sự ảnh hưởng trên quy mô lớn. Vậy là, các công cụ cần thiết để "mở khóa" năng lực thật sự của Influencer Marketing cuối cùng cũng đã ở trong tầm tay của các thương hiệu. Và dự báo, năm 2021 sẽ là năm của những bước đột phá, giải phóng sức mạnh và lợi nhuận mà Influencer Marketing có thể đem lại cho các thương hiệu đang phát triển.

Tô Linh - MarketingAI

Theo Thedrum

>> Có thể bạn quan tâm: Tại sao tính xác thực lại quan trọng trong Influencer Marketing? Nghệ thuật dụng KOLs sao cho “chuẩn” trong thời đại số

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.