Nhận định của CMO về ảnh hưởng của COVID-19 lên hoạt động marketing 1 năm qua

22 Thg 03

Đã gần một năm trôi qua kể từ ngày đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng tại Mỹ. Các CMO của các tập đoàn lớn của quốc gia này đã bắt đầu nhìn lại, đánh giá và quyết định chuyển đổi chiến lược ứng biến  trong thời kỳ khủng hoảng. Việc phải lên kế hoạch trong bối cảnh không chắc chắn khiến các CMO phát mệt vì phải đối mặt với những tình huống “không thể dự đoán trước". Điều đó buộc họ phải có những sách lược phù hợp và tối ưu nhất với tình thế hiện nay. 

Hoa Kỳ sắp đánh dấu một năm sống dưới đại dịch COVID-19, trong bối cảnh đó, các nhà tiếp thị buộc phải dành sự quan tâm nhiều hơn đến những thay đổi nhanh chóng đã diễn ra trong ngành công nghiệp marketing suốt 1 năm qua, vì nhiều khả năng, những thay đổi đó sẽ tồn tại vĩnh viễn và ảnh hưởng đến cách làm marketing sau này của các thương hiệu. Nếu như các nhà lãnh đạo hy vọng rằng thế giới sẽ sớm đạt được những tiến bộ trong việc đánh tan đại dịch thì các nhà tiếp thị lại lo lắng rằng, sau khi vượt qua cuộc khủng hoảng đã khiến 500.000 người chết tại quốc gia này, người tiêu dùng sẽ phải trở lại với cuộc sống đầy mệt mỏi và đầy cạnh tranh trước đó mà họ không hề mong muốn.

Việc vật lộn với COVID-19 không hề khiến một ngày làm việc của các CMO trở nên thảnh thơi hơn chút nào, thậm chí, trong giai đoạn mà các tiến trình chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại đang ngày càng trở nên rõ ràng thì họ - những CMO đến từ các thương hiệu lớn như Gap, Chipotle, General Mills,... đã buộc phải nhanh chóng củng cố các hoạt động doanh nghiệp để sẵn sàng hơn với nhịp sống bình thường như trước. Nghiên cứu cho thấy, nhiều CMO sẽ cố gắng kết hợp trải nghiệm thực tế với các bộ kỹ năng digital mà họ đã thành thạo trong thời gian vừa qua, đồng thời duy trì sự tập trung vào việc xây dựng cộng đồng và đặt sự đồng cảm, thấu hiểu lên thành ưu tiên hàng đầu trong những ngày đen tối nhất của đại dịch.

Amy Fuller, giám đốc marketing và truyền thông tại Accenture cho hay: “Các lệnh giới nghiêm và phong tỏa đã làm gia tăng căng thẳng, lo lắng và mang đến những điều tiêu cực khác cho cuộc sống của người dân. Những cảm xúc đó giờ đây đã trở thành một phần tất yếu và tồn tại lâu dài trong bối cảnh hiện nay - không chỉ đối với hoạt động marketing, mà còn đối với tất cả các hình thức truyền thông và quan trọng nhất là đối với con người.”

"Sự đồng cảm và lòng trắc ẩn sẽ là một phần không thể thiếu trong hộp công cụ mới của marketing suốt chặng đường về sau", cô nói thêm.

Tuy nhiên, dù đã liên tục sửa đổi và điều chỉnh chiến thuật marketing trong suốt 12 tháng qua, nhưng các CMO vẫn phải đối mặt với những rủi ro và cân nhắc mới trong giai đoạn này. Sự chuyển hướng sang marketing cộng đồng, một xu hướng đã được nhiều CMO công nhận trong buổi phỏng vấn này, đã và đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn khi lệnh cách ly tại nhà đã khiến người tiêu dùng gia tăng thất vọng và có những phản ứng dữ dội với các thương hiệu. Đây cũng là những thách thức đã được đưa ra trong một báo cáo của Viện Người tiêu dùng Kearney. Để đối phó với vấn đề này, các marketers cần phải cẩn thận và biết cách cân bằng hơn khi đối mặt với sự nhạy cảm của người dùng và những tiến bộ trong công nghệ (tức là vừa biết cách tận dụng công nghệ để nghiên cứu người dùng nhưng cũng vừa đảm bảo không xâm phạm quyền riêng tư của họ), đặc biệt là khi áp dụng chiến lược marketing theo hướng dữ liệu và thương mại điện tử, vì thói quen mua sắm online của người dùng đã được thúc đẩy mạnh mẽ bởi COVID-19.

Đây là những nhiệm vụ lớn đối với bất kỳ CMO nào trong giai đoạn hiện nay, nhưng nó không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để các CMO thể hiện vai trò của mình trong việc đưa các doanh nghiệp, tổ chức “vượt bão” thành công. Một báo cáo chính thức gần đây đến từ công ty tư vấn Clear của Tập đoàn M&C Sattchi đã chỉ ra rằng, hơn 50% CMO cho rằng ảnh hưởng của họ đã tăng lên trong suốt thời kỳ diễn ra đại dịch, trong khi đó chỉ có 5% nói rằng ảnh hưởng của họ đã giảm đi. 

Ivan Pollard, CMO toàn cầu tại General Mills, cho biết: “Đại dịch đã đưa marketing trở lại vị thế trọng tâm trong các hoạt động của công ty. Nó cũng khiến cho những lời bàn tán về việc không cần CMO hoặc marketing nữa lắng xuống một chút trong toàn ngành."

Trách nhiệm thay đổi

Đại dịch COVID-19 đã giúp giải quyết triệt để những yêu cầu đấu tranh mà các CMO đang phải đối mặt. Nếu như trước kia, các CMO thường xuyên phải đấu tranh giữa việc nên đáp ứng mục tiêu bán hàng ngắn hạn hay hướng tới dự án xây dựng thương hiệu dài hạn, thì giờ đây, họ không cần phải đau đầu về vấn đề này nữa. Việc cân bằng hai nhiệm vụ đó trong năm 2020 đã định hình lại cách thức hoạt động của các CMO theo những cách quan trọng khác nhau. 

Mary Alderete, CMO của thương hiệu thời trang nổi tiếng Gap cho biết: “Đại dịch đòi hỏi các doanh nghiệp phải đánh giá lại toàn bộ những kiến thức và kỹ năng mà họ có trong hộp công cụ marketing, đồng thời nghĩ ra những phương án mới nhằm ứng phó linh hoạt với những điều kiện thay đổi liên tục của thị trường. Đối với riêng Gap, chúng tôi đã phải xoay vòng chiến lược nhanh chóng và nhạy bén để sáng tạo nên những cách truyền tải nội dung khác nhau, đồng thời cũng như cải thiện tốc độ kinh doanh trên các kênh online trong thời gian giãn cách vì dịch bệnh.”

Gap tận dụng dịch bệnh để định vị lại hình ảnh thương hiệu (Ảnh: Thedrum)

Alderete nói thêm: “Doanh nghiệp luôn phải tìm cách đáp ứng và hòa nhập với tư duy của người tiêu dùng mà bạn biết đấy, điều đó đã thay đổi liên tục kể từ khi đại dịch xuất hiện, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và tác động lên cả sự phát triển của gia đình.”

"Đại dịch đã đưa marketing trở lại vị thế trọng tâm trong các hoạt động của công ty.”

Ivan Pollard

CMO toàn cầu tại General Mills

Chiến lược của Adlerete tại Gap là biểu tượng cho việc các CMO đã tận dụng COVID-19 để đánh giá lại hoạt động marketing của công ty theo hướng tổng quát hơn như thế nào. Bản thân Adlerete đã hướng đội ngũ marketing của mình mình tập trung vào các hoạt động sáng tạo và xoay chuyển thông điệp của công ty nhằm ưu tiên các giá trị thương hiệu, các cách tiếp cận theo hướng câu chuyện hơn là marketing sản phẩm thuần túy. Adlerete muốn khôi phục lại vị thế của Gap là một thương hiệu giàu truyền thống, luôn kế thừa và phát huy những giá trị tinh hoa của văn hóa thương hiệu trong quá khứ, chứ không phải chăm chăm vào push sale sản phẩm.  

Cách CMO mới của Gap định vị lại thương hiệu mang tính biểu tượng trong bối cảnh phải vật lộn để tìm chỗ đứng trong ngành may mặc 

Còn quá sớm để khẳng định rằng liệu sự thay đổi trong tư duy này có giúp Gap - một thương hiệu giàu truyền thống đang gặp khó khăn có thể cải thiện kết quả kinh doanh hay không, nhưng trước mắt, các nhà tiếp thị đã cảm nhận được những luồng gió mới rõ ràng hơn từ đại dịch, giúp họ trang bị lại kiến thức cũng như thiết lập lại mục tiêu cho các chiến dịch.  

Trong khi đó, CMO của Bumble - Dominic Gallello lại nhấn mạnh tầm quan trọng của một cộng đồng bình đẳng và lành mạnh. Anh nói: “Đại dịch đã củng cố thêm tầm quan trọng của việc cam kết thực hiện các sứ mệnh của thương hiệu thông qua hành động thực sự chứ không chỉ là những lời nói suông đơn thuần. Chúng tôi đã chứng kiến cộng đồng Bumble của mình vật lộn ra sao với cảm giác cô đơn khi phải ở nhà liên tục nhiều ngày, do những lệnh giới nghiêm suốt kỳ đại dịch. Điều này đã tạo động lực gấp đôi cho chúng tôi trong việc tạo ra một thế giới mới, nơi tất cả các mối quan hệ đều lành mạnh và bình đẳng."

Bumble - Ứng dụng kết nối tựa như Tinder được sáng lập bởi nhân viên cũ của chính Tinder (Ảnh: Kênh 14)

Sự chuyển đổi trong tư duy sáng tạo cũng được phản ánh rõ trong việc lập kế hoạch truyền thông, với việc chuyển sang sử dụng các dịch vụ Internet và không dây đang phát triển nhanh hơn bao giờ hết, đồng thời sự tương tác với các dịch vụ phát trực tuyến (streaming) và mạng xã hội cũng bùng nổ với tốc độ cao. Một số thương hiệu toàn cầu như PepsiCoChipotle đã tăng tốc độ chuyển đổi số khỏi các phương tiện truyền thống như TV tuyến tính trong những tháng gần đây.

CMO của ChipotleChris Brandt đã chia sẻ về câu chuyện của thương hiệu như sau: "Phần lớn công việc của tôi là tìm những ra vị trí hiển thị phù hợp với thương hiệu của mình. May mắn thay là thương hiệu của chúng tôi đã có những hoạt động tích cực trên mạng xã hội và thậm chí còn lấn sân vào lĩnh vực gaming từ trước đó, nên việc truyền hình tuyến tính và các chương trình truyền thống đang giảm dần vị thế đã giúp chúng tôi đứng trước cơ hội lớn để đẩy mạnh gấp đôi các hoạt động marketing online trên các kênh digital.” Không chỉ sử dụng các trang mạng xã hội truyền thống như Facebook, Instagram, chuỗi nhà hàng Chipotle còn “bắt trend” toàn cầu khi gia nhập nền tảng TikTok, giúp thúc đẩy doanh số bán hàng digital tăng lên 174,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 46,2% tổng doanh thu năm 2020 - một con số vô cùng khả quan. 

Challenge nổi tiếng của Chipotle trên TikTok có tên #ChipotleLidFlip

"Tôi không biết rằng điều này có được coi là một trách nhiệm công việc khác hay không, nhưng khả năng chuyển đổi trạng thái doanh nghiệp theo xu hướng và hiểu người tiêu dùng thực sự muốn gì… sẽ giúp các doanh nghiệp tăng tốc rất nhanh trên thị trường cạnh tranh hiện nay”, Brandt nói thêm.

Trên thực tế, Chipotle đã đầu tư nhiều hơn vào digital ngay cả khi COVID-19 còn chưa xuất hiện, điều đó đã giúp thương hiệu ứng phó linh hoạt hơn với những tình huống bất ngờ xảy ra và vẫn thúc đẩy được doanh thu trong bối cảnh các dịch vụ ăn uống trực tiếp đã bị đóng cửa. 

Giống như nhà hàng, khách sạn, thời trang cũng là ngành bị ảnh hưởng nhiều bởi COVID-19. Rothy's - một thương hiệu thời trang bán hàng theo cách tiếp cận D2C đã chia sẻ rằng, họ đang hướng nguồn lực nhiều hơn vào các hoạt động marketing truyền miệng (WOM), một chiến thuật có lợi cho công ty trong bối cảnh các hoạt động ngoài trời thường xuyên bị gián đoạn.

"Hơn 50% lượng truy cập khách hàng mới của thương hiệu là thông qua sự giới thiệu của bạn bè và gia đình. Điều đó cho thấy phần trăm tăng trưởng doanh thu do marketing truyền miệng đã tăng lên rất nhiều trong năm qua, bất chấp các lệnh cấm “shelter-in-place orders”. Đây là điều mà chúng tôi đã không hề lường trước được khi mà mọi người còn không thể gặp mặt và tương tác trực tiếp với nhau như trước. Nhưng thật may mắn, chúng tôi đã đầu tư rất nhiều vào marketing truyền miệng trước khi đại dịch xuất hiện  và nó đã trở thành một minh chứng tuyệt vời cho sức mạnh của cộng đồng”, Elie Donahue, Phó Chủ tịch cấp cao về marketing của Rothy’s cho biết trong một email gửi tới Marketingdive. 

Rothy's - thương hiệu startup giày đã chinh phục trái tim của nữ công tước Anh (Ảnh: sống mới)

Có thể nói, đại dịch đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi của không ít doanh nghiệp. Việc người dùng chuyển sang mua sắm online đã buộc các thương hiệu phải thực hiện những bước nhảy vọt mà có lẽ chính họ cũng không ngờ tới trước khi COVID-19 xảy ra. Sự sụp đổ của cookie của bên thứ 3 đã trở thành một vấn đề được bàn tán rất nhiều trong bối cảnh hiện nay, khi các thương hiệu đều đang tìm cách nhắm mục tiêu theo hướng dữ liệu trên các kênh kỹ thuật số vì ảnh hưởng của COVID-19. 

"Tất nhiên, người tiêu dùng vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Nhưng giờ đây, dữ liệu và phân tích cũng quan trọng không hề kém, nó hướng dẫn chúng tôi nên làm thế nào ở bước tiếp theo. Cụ thể, dữ liệu và phân tích giúp chúng tôi xác định được vị trí, thời điểm và cách thức tương tác với người tiêu dùng”, Pollard chia sẻ về chiến lược của General Mills, một công ty cũng đã chứng kiến doanh số bán hàng tăng đột biến trong đại dịch. Chiến lược của General Mills có tên là chiến lược Tăng Tốc (Accelerate) với mục tiêu chính là đặt trọng tâm vào xây dựng các thương hiệu và năng lực có mục đích hơn trong thương mại điện tử. Chiến lược được ra mắt vào tháng 2 năm ngoái - chỉ một tháng trước khi COVID-19 làm rung chuyển Hoa Kỳ và đạt được những hiệu quả tích cực.  

General Mills vạch ra chiến lược Tăng Tốc vào năm 2021 với 4 trụ cột chính, nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường và vượt qua các đối thủ tiềm năng 

Pollard cho biết: “Chúng tôi đang gia tăng đáng kể mức đầu tư vào các phương tiện thương mại điện tử và tăng tỷ trọng chi tiêu vào các nền tảng kỹ thuật số khác, đồng thời duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trên truyền hình. Chúng tôi không đặt mục tiêu cụ thể cho tỷ lệ đầu tư vào các phương tiện truyền thống và digital khác nhau. Thay vào đó, chúng tôi ứng biến linh hoạt theo nhu cầu của người dùng, nghiên cứu xem họ ở kênh nào nhiều hơn và từ đó chọn ra phương tiện tốt nhất để tiếp cận tới họ.”

Ngược dòng thời gian và nhìn lại quá khứ

Dù các thương hiệu đã thể hiện được khả năng phục hồi đáng kinh ngạc để vượt qua thời kỳ tối tăm nhất của đại dịch, nhưng rõ ràng, năm 2020 vẫn là một năm bất ổn với những gián đoạn không lường trước được. Còn nhớ ở thời điểm đầu khi đại dịch mới bùng phát, nhiều thương hiệu đã chọn cách rút lại ngân sách đầu tư cho marketing hoặc đầu tư một cách an toàn hơn, khiến cho việc truyền tải thông điệp của thương hiệu bị gián đoạn trong một thời gian dài. Giờ đây, khi nhìn lại điều đó, một số CMO đã cho rằng đáng lẽ ra lúc đó họ nên tham vọng hơn. 

“Tôi nghĩ đáng lẽ ra tôi nên dũng cảm và tin tưởng vào bản thân hơn”, Pollard nói, "Chúng tôi đã ứng biến rất nhanh với những biến động của thị trường và tập trung tốt hơn vào tương lai, đặc biệt là với thương mại điện tử và việc thích ứng với các hành vi xu hướng của người tiêu dùng. Áp lực sẽ lại đến từ bên ngoài, nhưng nó sẽ không ảnh hưởng đến hành vi phục vụ của chúng tôi tới khách hàng, tôi tin là vậy."

"Tôi không biết rằng điều này có được coi là một trách nhiệm công việc khác hay không, nhưng khả năng chuyển đổi trạng thái doanh nghiệp theo xu hướng và hiểu người tiêu dùng thực sự muốn gì… sẽ giúp các doanh nghiệp tăng tốc rất nhanh trên thị trường cạnh tranh hiện nay.”

Chris Brandt

CMO tại Chipotle

Đối với một số thương hiệu khác, họ cho rằng bản thân đáng ra nên tự điều chỉnh tốt hơn. Thay vì lập một kế hoạch dài hạn, một kế hoạch truyền thông và sản xuất ngắn hạn và sẵn sàng ứng phó với những thay đổi là tiêu chuẩn trong marketing hiện nay, nhất là khi tình trạng kiệt sức đang gia tăng. Báo cáo của Clear đã xác định cuộc khủng hoảng "chảy máu chất xám" đang nổi lên trong ngành, với chưa đầy 1/5 các nhà tiếp thị cấp cao được khảo sát cho biết họ mong muốn chuyển lên CMO càng sớm càng tốt. Nguyên nhân được cho là do khối lượng công việc quá nhiều và họ phải chạy nước rút liên tục. 

Cùng với khối lượng công việc nặng nề là thiếu sự tương tác trực tiếp. Việc tách biệt công việc khỏi cuộc sống gia đình ngày càng trở nên khó khăn. Môi trường làm việc tại nhà, các cuộc họp vô tận và những lần thảo luận công việc qua Zoom hay các ứng dụng mạng xã hội khác như Slack là hoàn toàn xa lạ so với những cuộc họp tại văn phòng. 

Fuller - Trader của công ty dịch vụ chuyên nghiệp toàn cầu Accenture chia sẻ suy nghĩ của mình về một năm qua: "Cuộc khủng hoảng vẫn sẽ tiếp diễn, nhưng có một số bài học sẽ được áp dụng mãi mãi cho các thương hiệu và doanh nghiệp, đó là sự cần thiết trong việc tìm ra tính nhân văn của thương hiệu và nâng tầm nó."

Điều đó nói lên rằng, các CMO đóng vai trò quan trọng trong việc tái tạo lại các yếu tố con người trong hoạt động tiếp thị. CMO của Rothy'sDonahue đã nhấn mạnh rằng, một trong những hướng đi ý nghĩa nhất mà cô ấy đã làm trong một năm qua đó là quản lý tốt hơn các hoạt động truyền thông nội bộ. Quan điểm này đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình của các CMO khác. 

"Sự thay đổi đáng kể nhất là trong phong cách lãnh đạo của tôi. Tôi thấy mình dễ bị ảnh hưởng khi các thành viên trong nhóm cảm thấy không chắc chắn về những gì họ làm”, Bumble's Gallello nói, "Điều ấy thôi thúc tôi cần phải trò chuyện và tìm ra giải pháp làm việc chung sao cho hợp lý, giúp xóa tan đi tình trạng mơ hồ đó. Điều này thực sự quan trọng nếu bạn muốn gây dựng một team lành mạnh, có động cơ mà mục tiêu rõ ràng.”

Đa dạng và hòa nhập là một chủ đề khác nhận được nhiều sự quan tâm sau các cuộc biểu tình hàng loạt vào mùa hè năm ngoái liên quan đến vấn đề công bằng chủng tộc. Đó là một lĩnh vực mà các CMO đang ngày càng chú trọng khi nhiều thương hiệu tìm cách đưa các thông điệp nhân văn, phù hợp với mục tiêu của họ vào các hoạt động nội bộ. Chẳng hạn như Gap, thương hiệu này đã ký Cam kết 15 phần trăm thúc đẩy các nhà bán lẻ cam kết dành 15% không gian kệ hàng của họ cho các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Người da đen.

Cam kết 15% của Gap

Alderete cho biết: “Trong năm qua, thay vì chỉ tập trung vào việc sáng tạo nội dung, chúng tôi đã nhìn xa hơn thế và hướng tới việc xây dựng cộng đồng cho thương hiệu, thúc đẩy những bước chuyển mình có ý nghĩa và khuếch đại tiếng nói nhân văn để thu hẹp khoảng cách giữa các thế hệ và nền văn hóa.”

Chủ nghĩa tiêu dùng rầm rộ sẽ quay trở lại sau khi các lệnh giới nghiêm được dỡ bỏ

Các CMO kỳ vọng rằng các loại vắc xin sẽ phát huy được hiệu quả và sẽ không có điều gì bất ngờ xảy ra ảnh hưởng đến việc quay trở lại cuộc sống bình thường của họ nữa. 

Khi các lệnh giới nghiêm được nới lỏng thì cũng là lúc các thương hiệu có thể tiến xa hơn trong hoạt động marketing. Một số chiến lược được áp dụng trong thời kỳ đại dịch sẽ được duy trì, chẳng hạn như tập trung vào sự nhanh nhẹn hay lập các kế hoạch truyền thông & sản xuất theo ngắn hạn để sẵn sàng xoay vòng liên tục. Nhưng bản thân các sản phẩm có thể sẽ đa dạng và phong phú hơn khi các thương hiệu chuẩn bị cho việc quay trở lại với chủ nghĩa tiêu dùng rầm rộ, đặc biệt là trong các lĩnh vực như du lịch, một lĩnh vực đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

CMO Brandt của Chipotle nói về sự phục hồi này như sau: “Tôi nghĩ rằng vắc xin sẽ chỉ giúp loại bỏ một số gông cùm và hạn chế, nhưng như thế là đủ để chúng tôi nói về rất nhiều điều thú vị mà thương hiệu có. Sẽ không có những giới hạn về quy trình sản xuất và người dùng sẽ được xuất hiện ở nhiều nơi hơn, điều đó giúp chúng tôi khôi phục lại tương tác giữa thương hiệu và người tiêu dùng, hay thậm chí là tương tác của chính những nhân viên trong công ty. Tất cả những điều đó đều thực sự rất thú vị."

Các tín hiệu ban đầu cho thấy một số chiến thuật tiếp thị bị ảnh hưởng bởi đại dịch như OOH và tiếp thị dựa trên trải nghiệm, đã sẵn sàng cho sự trở lại, mặc dù vẫn có những điều chỉnh để nhận ra mọi người đang dành nhiều thời gian hơn trong không gian kỹ thuật số.

Các CMO cho rằng, chiến lược thích hợp trong trường hợp này chính là kết hợp cả hai kênh truyền thống và kênh digital, kết hợp cuộc sống thực và ảo với nhau để khám phá một cách tiếp cận hoàn toàn mới, mang lại trải nghiệm thú vị cho người dùng. 

Kết

Cột mốc tròn 1 năm đánh dấu ngày COVID-19 bùng phát tại Mỹ là thời điểm thích hợp để các CMO nhìn lại và đánh giá hoạt động marketing trong một năm qua, đồng thời định hướng cho các hoạt động trong thời gian tới. Đại dịch là lời cảnh tỉnh cho tất cả các thương hiệu, vì vậy, thay vì lên các chiến lược dài hạn như trước đây, một kế hoạch truyền thông và sản xuất ngắn hạn và sẵn sàng ứng phó với những thay đổi là tiêu chuẩn trong marketing hiện nay.

Tô Linh - MarketingAI

Theo Marketingdive

>> Có thể bạn quan tâm: Gartner: Các CMO sẽ thận trọng hơn với các chiến lược tăng trưởng mới vào năm 2021

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.