Nhìn lại các chiến dịch marketing chào đón năm mới xuất sắc nhất của Trung Quốc

05 Thg 02

Hầu hết chúng ta đều sẽ vui mừng khi cuối cùng năm 2020 "sóng gió" đã qua nhưng đối với các nhà tiếp thị, năm cũ kết thúc để lại những thách thức không nhỏ. Người tiêu dùng đang ngày một thông minh hơn, số hóa và hiện đại hơn. Điều đó đồng nghĩa, các nhà tiếp thị cần tiếp cận họ một cách khôn ngoan và tự nhiên hơn nữa. 

Để chào đón năm mới và chuẩn bị cho một năm 2021 "bội thu", hãy cùng nhìn lại một số chiến dịch marketing viral nhất tới từ các thương hiệu đình đám của Trung Quốc và xem các chiến dịch này hoạt động ra sao khiến người tiêu dùng buộc phải "móc hầu bao" của họ. 

Gucci x Disney collab

Năm 2020 theo lịch Trung Quốc là năm con chuột. Giống như lợn, chuột là một sinh vật biểu thị cho sự xui xẻo trong văn hóa Trung Quốc, chúng gắn liền với sự lây lan của dịch bệnh, sự tàn phá mùa màng. Do đó, nhiều nhà tiếp thị thường "né tránh" con vật này khi gắn chúng vào chiến dịch marketing trong năm mới.

Tuy nhiên, có một số thương hiệu vẫn thành công khi khai thác con vật này. Và đoán xem ai dám can đảm như vậy?

Trong chiến dịch Lunar New Year 2020, Gucci đã hợp tác với Mickey để trang trí khuôn mặt chú chuột Mickey lên nhiều loại sản phẩm của họ, từ quần áo may sẵn đến túi hành lý. Và Mickey - thần tượng của hàng triệu trẻ em trên khắp thế giới bỗng trở thành tâm điểm.  Một chiến dịch tiếp thị KOL với quy mô lớn khi kết hợp với Ni Ni - đại sứ thương hiệu Gucci tại Trung Quốc và Mr Bags - blogger thời trang có tầm ảnh hưởng lớn đã mặc bộ sưu tập của Gucci, quay quảng cáo ngay tại Disneyland.

Gucci cũng tạo một số store nhỏ mang tên "Gucci Pins" đặt tại một số thành phố nổi tiếng ở Trung Quốc nhằm giới thiệu những trải nghiệm thực tế tăng cường tới người dùng. Chẳng hạn như "chiếc gương mê hoặc" tạo hình tai chuột Mickey 3D lên người chơi.

Vậy liệu cuối cùng, Gucci có thể cảm hóa những định kiến của người dân Trung Quốc về loài chuột không? Những con số thống kê đã chứng minh điều này. Hai bài đăng WeChat của Gucci được liên kết với chiến dịch đều có hơn 100.000 lượt xem mỗi bài. Thẻ hashtag của thương hiệu #HappyCNYwithGucci cũng đã được xem 2,7 tỷ lần và được 1,7 triệu người thảo luận trên Weibo.

Chiến dịch Gucci x Disney có giá trị tác động truyền thông cao nhất (trị giá 11,2 triệu đô la) trong mùa lễ 2020, theo dữ liệu từ Launchmetrics.

Sản phẩm 5G của McDonald

Là một trong những quốc gia dẫn đầu toàn cầu về công nghệ 5G, Trung Quốc đã có hơn 88 triệu người dùng 5G vào cuối tháng 7/2020. Có nhiều sự thay đổi mang tính cách mạng mà 5G sẽ mang lại, ví dụ như ô tô tự điều khiển và thành phố thông minh. Do đó, rất nhiều thương hiệu muốn tận dụng sự kiện này để marketing quảng bá sản phẩm mới. Ví dụ như khi McDonald’s tung ra một loạt các quảng cáo khó hiểu về việc phát hành “sản phẩm 5G”, mọi người chỉ biết vò đầu bứt tai: liệu chuỗi thức ăn nhanh này có phải sắp phát hành một chiếc điện thoại thông minh mới không?

Đương nhiên, người tiêu dùng Trung Quốc bị hấp dẫn bởi quảng cáo "kỳ quặc" này. Thậm chí buổi ra mắt sản phẩm của McDonald's  đạt hơn 1 triệu người xem trên nền tảng phát trực tuyến video Bilibili.

Nhưng hóa ra sản phẩm mới chẳng liên quan gì đến công nghệ cả mà là... gà rán. McDonald's chỉ muốn giới thiệu tới người dùng “McCrispy Chicken” - một combo 3 phần gà rán. Thế còn 5G thì sao? Hóa ra trong tiếng Trung, từ "gà" được đọc là "ji", từ này còn có nghĩa là công nghệ, chưa kể  từ “ji” phát âm rất giống “G”.

Theo McDonald's, sản phẩm McCrispy Chicken mới đã được áp dụng 5 "công nghệ": có kích thước lớn, độ giòn, độ ngọt, độ tươi và hương vị.

Chiến lược của hãng đồ ăn nhanh này đã tạo độ buzz trong suốt thời gian quảng bá cho đến khi ra mắt sản phẩm. Sự hài hước, dễ thương này khiến người tiêu dùng rất thích thú trong khoảng thời gian cao điểm của đại dịch, thậm chí rất nhiều người Trung Quốc bày tỏ mong muốn được dùng thử sản phẩm gà rán mới.

>> Xem thêm: TOP những chiến dịch marketing viral nhất thế giới năm 2020 

The Merino Sisters

The merino sisters là dòng len cao cấp của Úc. Nhu cầu tiêu thụ dòng len này vẫn tiếp tục tăng không ngừng ở Trung Quốc. Trong bối cảnh đại dịch và suy thoái kinh tế lan rộng, cường quốc tỷ dân hiện nhập khẩu 83% lượng len kẹp hàng năm từ Úc - tăng 9% so với cùng kỳ năm 2019.

Những con số ấn tượng này đạt được một phần do sự hỗ trợ từ Woolmark Company của Australian Wool Innovation (AWI). Ngoài ra chiến dịch quảng cáo cực kỳ viral giúp quảng bá sợi dệt mùa đông theo một cách hài hước và thời trang cũng góp phần giúp con số tiêu thụ len không ngừng tăng.

Chỉ riêng đoạn clip giới thiệu đã tăng vọt 2 triệu lượt xem trong vòng 24 giờ đầu tiên trên Weibo. Đoạn quảng cáo chính thức được đăng trên trang thương mại điện tử hàng đầu Tmall đạt hơn 230 triệu views. Một nỗ lực không tồi cho chiến dịch thương hiệu đầu tiên của AWI tại Trung Quốc.

Video với sự xuất hiện của nam diễn viên kiêm ca sĩ nổi tiếng Loura Lou. Anh vừa là người tiêu dùng, vừa là một tín đồ thời trang cao cấp, sành điệu của Trung Quốc đang tìm kiếm những loại sợi len tốt nhất cho mùa đông tới. Mặc dù Lou không gây ấn tượng với những người giàu có và nổi tiếng trước đó nhưng nhờ có The Merino sisters, anh đã chiến thắng và vượt qua mọi lời chỉ trích cùng sự thừa nhận rằng The Merino sisters rất đặc biệt.

Chiến dịch của AWI’s Merino Sisters sử dụng sự hài hước để giáo dục người tiêu dùng Trung Quốc về chất lượng của len Merino Úc cao cấp. Mỗi chú cừu xuất hiện trong video thể hiện một đặc tính khác nhau của len, bao gồm sự mềm mại, co giãn khi chơi thể thao và có thể giặt bằng máy giặt.

Với việc Trung Quốc đang phục hồi nhanh nhất và quan trọng nhất sau COVID trên thế giới, chiến dịch này đã chứng minh được sức hút thành công với người tiêu dùng trực tuyến ngày một "khó tính" của Trung Quốc.

Dior - Designer of Dreams

Thị trường luxury brands vẫn tiếp tục tăng mạnh tại Trung Quốc vào có vẻ năm 2021 sẽ phát triển hơn nữa khi ngày càng nhiều dân số bước vào tầng lớp trung lưu giàu có. Dior đã nắm bắt được nhu cầu này và thúc đẩy mức độ nhận biết thương hiệu rất lớn thông qua một chiến dịch thành công. Triển lãm tại thành phố Thượng Hải mang tên "Christian Dior: Designer of Dreams" trung bày những tác phẩm độc đáo từ Dior đã trở thành tâm điểm của truyền thông.

Đạt được gần 700 triệu lượt xem từ hashtag #ChristianDiorDesignerofDreams trên Weibo, các nhà tiếp thị lựa chọn nội dung video hấp dẫn, kết hợp dàn âm thanh hoàn hảo dưới sự cố vấn của các Tastemaker - người định vị xu hướng văn hóa Trung Quốc.

Ngoài ra, các chuyến tham quan ảo từ đại sứ thương hiệu Angelababy và Sophie Zhang cũng góp phẩn đẩy mạnh lưu lượng truy cập lớn cho chiến dịch. Cuộc triển lãm bom tấn này cũng khuyến khích một làn sóng lớn nội dung do người dùng tạo (UGC content) trên mạng xã hội.

Chiến dịch của Dior cho chúng ta thấy, một marketing campaign thành công không chỉ cần hình ảnh và video sản xuất chất lượng cao để thu hút người mua sắm mà còn phải kết hợp với cách kể chuyện sinh động để tạo hiệu ứng lan truyền.

Hải Yến - MarketingAI 

Theo blog.sinorbis

>> Có thể bạn chưa biết: Hành trình các thương hiệu bán lẻ hàng đầu châu Á tạo “sức bật” từ Covid-19

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.