Nhìn lại những sự kiện lịch sử năm 2020 ảnh hưởng đến digital marketing 2021

27 Thg 01

Năm 2020, nhiều nhà tiếp thị đã dành hàng tuần, thậm chí hàng tháng để lập kế hoạch chiến lược tiếp thị kỹ thuật số, lên plan sản xuất video hay chạy các chiến dịch quảng cáo trả tiền cực kỳ hoành tráng. Và khi Covid-19 xuất hiện, mọi thứ đều "đổ sông đổ bể" trong chớp mắt.

2020 là năm của sự thích nghi, đấu tranh tồn tại - không loại trừ bất kỳ mảng nào, ngay cả digital marketing. Ngân sách bị cắt giảm, mọi cánh cửa đều đóng lại, các doanh nghiệp phải vật lộn để trụ vững qua đại dịch. Những kế hoạch nay chỉ còn là những con chữ vô hồn trên mặt giấy.

Thế nhưng, mặt tích cực của điều này là nó đã khai phá các xu hướng mới, thúc đẩy một số xu hướng sẵn có và kéo dài chúng qua năm 2021. Vậy những biến cố lịch sử nào trong năm qua có thể ảnh hưởng đến digital marketing plan 2021?

1. Đại dịch thúc đẩy lượng mua sắm trực tuyến tăng cao

Thói quen mua sắm online hay mua sắm tại các địa phương gần nhà vốn không quá được xem trọng trước đó, nhưng năm 2020 đã biến chúng trở thành các xu hướng thiết thực.

Khi nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa do tình trạng lockdown toàn thế giới, mua sắm trên các kênh thương mại điện tử gia tăng nhanh chóng. Theo Salesforce, doanh số bán hàng kỹ thuật số toàn cầu tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 181 triệu USD từ ngày 1 đến 14 tháng 12.

Dù lúc đầu, mua sắm online chỉ để hạn chế sự lây lan của virus nhưng sau đó, xu hướng này đã trở thành thói quen của người tiêu dùng. Trên thực tế, một báo cáo do Shopify công bố cho thấy, 81% người tiêu dùng có kế hoạch tiếp tục mua sắm trực tuyến ngay cả khi dịch đã được kiểm soát.

Trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ đang loay hoay tìm cách trụ vững, mua hàng nội địa bỗng trở thành "chiếc phao cứu cánh" khi được chọn làm xu hướng tiêu dùng chính.

Trong một báo cáo của Shopify, hơn 57% người mua đang tìm kiếm các doanh nghiệp địa phương, là những brand độc lập để mua hàng và hỗ trợ họ. 61% người tiêu dùng có kế hoạch tiếp tục mua hàng từ các doanh nghiệp địa phương này trong tương lai.

Điều này ảnh hưởng gì đến chiến lược tiếp thị kỹ thuật số năm 2021?

Đối với các doanh nghiệp nhỏ, tập trung vào vị trí địa lý sẽ chiếm một vai trò lớn trong chiến lược marketing năm 2021. Người tiêu dùng đang có xu hướng mua hàng nội địa, đo đó, các địa phương cần làm nổi bật vị trí cửa hàng để họ dễ dàng tìm kiếm hơn.

Các marketers nên thiết lập quảng cáo nhắm mục tiêu tới khu vực địa lý, cập nhật Google My Business bao gồm thông tin liên quan chuẩn SEO như địa chỉ, giờ hoạt động, câu hỏi thường gặp, số điện thoại và đánh giá.

Ngoài ra nếu đang bán các sản phẩm online, hãy đầu tư vào thương mại điện tử dài hạn, xem xét các cơ hội để tối ưu hóa trang web. Tận dụng lợi thế của việc người tiêu dùng muốn mua hàng tại địa phương  bằng cách đầu tư vào trải nghiệm khách hàng cũng là một phương pháp không thể bỏ qua.

2. Người tiêu dùng chi tiêu mua sắm trực tuyến nhiều hơn 22% cho ngày Black Friday, Cyber Monday

Black Friday với hình ảnh hàng trăm nghìn người giẫm đạp lên nhau để săn sale đã là "quá khứ". Ngày nay, người tiêu dùng thay thế bằng những chiếc xe đẩy ảo chứa đầy những sản phẩm giảm giá trên các thương mại điện tử lớn.

Với việc người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến, các doanh nghiệp cũng nhanh chóng chuyển sang quảng cáo online để quảng bá sản phẩm, dịch vụ tới khách hàng.

Điều này ảnh hưởng gì đến chiến lược tiếp thị kỹ thuật số năm 2021?

Xu hướng mua sắm trực tuyến có thể là tương lai trong những ngày lễ lớn vào năm 2021. Điều này mang theo cả cơ hội lẫn thách thức:

  • Nhiều người tiêu dùng tìm mua các mặt hàng trực tuyến hơn
  • Có nhiều đối thủ cạnh tranh chuyển sang bán hàng trực tuyến hơn

Để giải quyết điều này, Pay ads sẽ là lựa chọn hàng đầu cho nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên để thiết lập các quảng cáo trả tiền không đơn giản. Chúng đòi hỏi thời gian để tạo ra hiệu quả. Do đó, các marketers cần tỉnh táo khi thiết lập kế hoạch vào tạo ngân sách cho các chiến dịch của mình, đặc biệt là khi đầu tư cho các chiến dịch quảng cáo dài hạn trong những năm tới vào chu kỳ mua sắm cao điểm.

3. Lượng người xem YouTube và Twitch tăng hơn 30%

Dẫu biết video là xu hướng phổ biến trong một thời gian dài trước đó, nhưng khi COVID-19 xảy ra, số lượng người dùng tiêu thụ video vẫn vượt ngoài con số dự đoán. Khi lockdown, nhiều người ở nhà hơn dẫn đến nhu cầu xem các dịch vụ phát trực tuyến thay thế hình thức giải trí khác tăng cao.

Nhiều creators trên YouTube báo cáo rằng lượt xem video của họ đã tăng 20-30%. Các nền tảng phát trực tiếp như Twitch và Facebook Live có lượng người xem tăng tương tự (~ 30%).

Điều này ảnh hưởng gì đến chiến lược tiếp thị kỹ thuật số năm 2021?

Người tiêu dùng sẽ tìm tới dạng video content đầu tiên để nghiên cứu lẫn giải trí. Theo thời gian, video sẽ ngày càng trở thành mảnh đất "béo bở" đối với các nhà tiếp thị kỹ thuật số. Các nền tảng video này là lựa chọn hoàn hảo để kết nối tốt hơn với khán giả. Do đó, tạo một kênh Youtube cho riêng mình sẽ là chiến lược không thể thiếu trong digital marketing plan 2021.

Vậy còn livestream thì sao? Làm cách nào để tương tác tốt hơn với khán giả khi đang phát? Các marketers có thể có thể sáng tạo một virtual live không gian làm việc của công ty, live Q&A với sự tham gia của các chuyên gia đều là những ý tưởng "không tồi".

>> Xem thêm: Chinh phục thị trường mobile game trên Youtube qua 3 chiến lược marketing hiệu quả

4. Online event lên ngôi khi các sự kiện trực tiếp bị hủy

Trong năm qua, các sự kiện trực tiếp buộc phải hoãn lại và chuyển sang các trải nghiệm ảo do ảnh hưởng từ Covid-19. Khi event online trở nên phổ biến, các nền tảng virtual event và meeting tool cũng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Đối với các nhà sản xuất sự kiện, cái khó khăn nhất là tìm các nền tảng với mức giá phù hợp trong khi những platform mới thì vẫn liên tục xuất hiện.

Ngoài ra, một số công cụ free do các tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực digital marketing cung cấp như Zoom, OnZoom của LinkedIn đã ra mắt virtual event được tích hợp sẵn trong các nền tảng.

Điều này ảnh hưởng gì đến chiến lược tiếp thị kỹ thuật số năm 2021?

Đối với nhiều người tiêu dùng tại thời điểm này, khả năng đi du lịch vào năm tới sẽ khó có thể xảy ra do những quy định nghiêm ngặt về phòng chống dịch của chính phủ.

Câu hỏi đặt ra là liệu xu hướng sự kiện ảo này có tiếp tục diễn ra vào năm 2021? Câu trả lời là có.

Trong một cuộc khảo sát được công bố bởi Condé Nast, 90% người được hỏi nói rằng ngay cả khi các sự kiện trực tiếp quay trở lại, họ vẫn sẽ quan tâm đến các dịch vụ ảo.

Các sự kiện ảo cũng đang dần phát triển và cải thiện. Các trải nghiệm không chỉ tạo sự linh động cho người tham gia mà còn rở nên thú vị và đáng giá hơn bao giờ hết. Dù chưa biết năm 2021 như thế nào nhưng chắc chắn rằng virtual event sẽ không bao giờ lỗi thời.

5. Bản cập nhật Google tháng 12 là sự kiện quan trọng nhất năm 2020 

Google’s December core update là một trong những bản cập nhật quan trọng được công bố gần đây. Bản cập nhật ra mắt vào ngày 3/12 và kết thúc vào 16/12.

Điều đặc biệt là các bản cập nhật này thường update chỉ từ 3-4 tháng thì riêng lần này, Google mất tới 7 tháng. Đây cũng là bản cập nhật có ảnh hưởng lớn hơn so với bản cập nhật vào T5/2020 và T1/2020.

Theo trang Search Engine Land, "Nhiều nhà tiếp thị đã trải qua các tác động tiêu cực lẫn tích cực với mức tăng hoặc giảm từ 10%-100% về organic traffic".

Google’s December core update đã ảnh hưởng tới 3 kết quả tìm kiếm hàng đầu, với số liệu biến động rơi vào khoảng 55% theo RankRanger và tăng từ 38% với bản cập nhật chính vào T5.2020.

Điều này ảnh hưởng gì đến chiến lược tiếp thị kỹ thuật số năm 2021?

Nếu bạn thấy lưu lượng truy cập của mình thay đổi, điều đó có nghĩa là trang web của bạn đã bị ảnh hưởng bởi Google’s December core update. Với nhịp độ cập nhật của Google, điều này có thể có nghĩa các nhà tiếp thị cần chuẩn bị một kế hoạch "dài hơi" hơn.

Nếu bạn thấy lưu lượng truy cập tăng vọt kể từ khi bản cập nhật ra mắt vào ngày 3 tháng 12, điều đó có nghĩa là bạn đang được Google ưu ái và chiến lược SEO đang hoạt động khá tốt. Hãy duy trì mức tăng trưởng này trong vài tháng tới.

Mặt khác, nếu bạn thấy lưu lượng truy cập giảm, thì không rõ 100% có thể do lỗi trang web của bạn hay không. Tuy nhiên, bạn nên phân tích dữ liệu và hiệu suất của mình trong vài tháng qua và xem cách có thể tối ưu hóa trang web của mình tốt hơn để khắc phục điều này.

6. "Đại chiến" Big Tech 

Trong suốt năm 2020, đã có một số trận chiến pháp lý quan trọng, các vụ kiện và thậm chí là lệnh cấm như các vụ kiện của Google, Facebook và TikTok.  Rõ ràng các cơ quan quản lý quốc gia và trên quốc tế đang đấu tranh để ngăn chặn sự "bành trướng" của các ông lớn công nghệ.

Bộ Tư pháp (DOJ) đã khởi kiện Google vì sự thao túng độc quyền trong không gian tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến. Facebook đối mặt với các vụ kiện tương tự vì chiến lược phi cạnh tranh từ Ủy ban Thương mại Liên bang. Tiktok đối mặt lệnh cấm từ Hoa Kỳ do lỗ hổng dữ liệu. Mặc dù các ông lớn Big tech này luôn đi trước cơ quan quản lý một bước nhưng các tổ chức chính phủ vẫn đang tìm cách bắt kịp họ nhanh chóng.

Điều này ảnh hưởng gì đến chiến lược tiếp thị kỹ thuật số năm 2021?

Với sức ảnh hưởng của Big tech thì tác động của các nền tảng này tới việc kinh doanh là rất lớn. Do đó, các marketers cần chú hơn những thông tin liên quan đến các công ty này. Đồng thời đánh giá các nền tảng công nghệ hiện tại mà doanh nghiệp sử dụng dể tránh bị thất thoát.

Việc thực hiện bất kỳ hành động chống đối nào với cuộc chiến pháp lý này là điều không khả thi. Hãy chắc chắc dữ liệu đã được lưu trữ an toàn và đảm bảo các kế hoạch dự phòng nếu có sự cố xảy ra.

Hải Yến - MarketingAI 

Theo impactplus

>> Có thể bạn chưa biết: 4 ông lớn công nghệ sẽ phải đối mặt với điều gì vào năm 2021?
Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.