Những khó khăn trước mắt khi VinPearl Air gia nhập ngành hàng không?

11 Thg 07

Nhiều ngày nay dư luận không ngừng xôn xao với thông tin Vinpearl Air ra mắt. Đó là một tín hiệu đáng mừng cho người tiêu dùng được có thêm những lựa chọn phù hợp hơn với túi tiền trong ngành dịch vụ vận tải vô cùng đắt đỏ này. Tuy nhiên, ngành hàng không hiện nay đã và đang chứng kiến sự đổ bộ cực kỳ mạnh mẽ từ các thương hiệu khác nhau. Đây được xem như là "điểm bão hòa" của một ngành hàng, nếu Vinpearl Air ra mắt thì sẽ có những khó khăn gì trước mắt có thể thấy được. Hãy cùng MarketingAI tìm hiểu những điều dưới đây!

Sự cạnh tranh cực kỳ gay gắt!

Nếu như thương trường là chiến trường, thì những ngày này ngành hàng không được ví như "chảo lửa", nơi mà các hãng biết vào là rủi ro cao nhưng vẫn cố để tranh một chỗ đứng. Hiện nay, cục diện thị trường ngành hàng không đang chứng kiến sự có mặt của 5 hãng chính bao gồm: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Bamboo Airlines, Vasco Airlines. Trước mắt, theo những báo cáo nửa đầu năm 2019, thì thị trường vẫn đang là sân chơi giữa 2 đối thủ chính là Vietnam Airlines và Vietjet Air.

Thị trường đang chứng kiến thế trận riêng của Vietjet Air và Vietnam Airlines (Nguồn: VietnamBiz)

Tiếp đến, nếu nói đến những đối thủ tiềm năng thì Bamboo Airways đang là một ẩn số, khi chỉ mới xuất hiện nửa cuối năm 2018 thôi đã thu về 1,8% "miếng bánh thị phần" của toàn ngành. Vietravel Airlines hay Thiên Minh Airlines cũng sẽ là anh em đồng hao sắp tới gia nhập thị trường cùng lúc với Vinpearl Air. Sức cạnh tranh sẽ vô cùng gay gắt, khi đất chật người đông, với cung nhiều hơn cầu thì các hãng hàng không sẽ phải cực kỳ cố gắng trước sức ép từ các đối thủ để có một chỗ đứng nhất định trên thị trường.

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Thống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không của ĐH Bách Khoa TP.HCM nhận định thị trường hàng không trong nước cơ bản đã được phân chia với hai doanh nghiệp nắm phần lớn thị phần là Vietnam Airlines và Vietjet Air. Vì thế, hãng bay mới sẽ cạnh tranh bằng cách giành thị phần hiện tại của các hãng hiện hữu chứ khó có thể tạo ra thị trường mới. Chính vì thế, điều mà VPA thấy được khó khăn trước mắt là sự cạnh tranh sẽ gay gắt, vừa phải bổ nhỏ thị phần của 2 đại gia VNA và VJ, vừa phải đối mặt với những đối thủ cùng Launching với mình.

Xem thêm: “Kém miếng khó chịu”: Vingroup gia nhập ngành hàng không với Vinpearl Air

Nguồn nhân lực chưa đáp ứng đầy đủ

Hiện nay nguồn nhân lực ngành hàng không được báo cáo đang bị thiếu hụt rất nhiều ở các mảng khác nhau. Theo Cục Hàng không Việt Nam, nếu tính cả số nhân lực kế hoạch năm 2019, lực lượng giám sát viên an toàn hàng không đã ký hợp đồng với cơ quan này chỉ đảm bảo quản lý tối đa 256 tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam, thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế. Đây không phải vấn nạn của riêng Việt Nam, mà ở nhiều quốc gia khác cũng vậy, khi mà nhân lực cho ngành hàng không đang bị thiếu hụt cực lớn, không đủ để phục vụ cho tần suất lớn các chuyến bay. Đó chính là lý do dẫn đến vụ delay "huyền thoại" của Vietjet vừa rồi.

Ngoài thách thức về tuyển dụng phi công, ngành hàng không dân dụng cũng phải giải quyết các vấn đề tương tự với các vị trí nhân lực khác, như: Kiểm soát không lưu, nhân viên bảo trì và các kỹ thuật viên khác. Ngành hàng không dân dụng phải làm tốt hơn để thu hút và giữ chân các nhân lực lành nghề cần thiết cho ngành trong những thập kỷ tới.

(Nguồn: Tinh tế)

Ông Tống cho biết thị trường vận chuyển hàng không đặc biệt ở chỗ nhu cầu hành khách được xác định khá chắc chắn dù tốc độ tăng trưởng khá cao trong thời gian qua. Mặt khác, khả năng đáp ứng của các hãng hàng không cũng xác định được và kế hoạch phát triển năng lực của các hãng để đáp ứng nhu cầu gia tăng của thị trường cũng được công khai. Tập đoàn Vingroup đã quyết định hợp tác với CAE Oxford Aviation Academy để thành lập Trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao Ngành Hàng Không (VinAviation School) và Trung tâm huấn luyện bay Vinpearl Air (VPA Training Centre) tại Việt Nam. Học viện sẽ đào tạo phi công và thợ máy nhằm đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam và khu vực; góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực phi công và kỹ thuật bay. VinAviation School đào tạo phi công, thợ máy cơ bản theo tiêu chuẩn CAAV và tiêu chuẩn quốc tế được FAA và EASA công nhận tại Việt Nam; chỉ tiêu dự kiến là 400 phi công và thợ máy/năm.

"Có tiền cũng chưa chắc đào tạo phi công được. Tôi nghĩ nếu làm được Việt Nam đã làm lâu rồi. Rất nhiều người muốn làm mà vẫn chưa làm được"

Đại tá phi công Nguyễn Thành Trung, nguyên Phó tổng giám đốc Vietnam Airline 

Ngành nào cũng rất cần tiền. Hàng không lại cần rất nhiều tiền. Nhưng không phải chỉ nhiều tiền là làm được. Tiền rất quan trọng nhưng yếu tố về con người quan trọng hơn. Có tiền mà không có con người thì không làm được gì. Kế hoạch của Vingroup là cực kỳ tốt, không thể phủ nhận những cố gắng của hãng để cải thiện hoàn toàn bộ mặt của ngành hàng không tại 1 quốc gia. Vingroup từ trước tới nay được mệnh danh là "phù thủy", khi có thể làm thay đổi bộ mặt của cả 1 ngành hàng, từ bất động sản, tới bán lẻ, hay thậm chí là sản xuất ô tô dân dụng. Thế nhưng, với một tập đoàn chưa hề có kinh nghiệm về ngành hàng không như Vingroup thì chắc chắn nó sẽ có nhiều điều hạn chế, và sẽ còn cả một chặng đường dài phía trước để đi, nếu muốn phục vụ tốt cho cả một thương hiệu hàng không của mình.

Hạ tầng còn quá nghèo nàn

Sự phát triển của hạ tầng cũng chưa thực sự đủ để có thể đáp ứng được những nhu cầu về ngành hàng không tại Việt Nam. Sân Bay Long Thành đang được xây dựng để giảm tải bớt lượng khách mà sân bay Tân Sơn Nhất đang phải chịu, thế nhưng khoảng cách từ Long Thành về tới trung tâm Tp. Hồ Chí Minh cũng là một bài toán đặt ra về sự tiện lợi đối với khách du lịch. Hay sân bay Nội Bài dù nâng cấp đến mức tối đa, nhưng với sự phát triển như vậy cũng chưa đủ để có thể đáp ứng, mặc dù sân bay tại Vân Đồn được đánh giá có sức chứa và tiêu chuẩn cực kỳ cao, thêm nữa khoảng cách từ Quảng Ninh đến Hà Nội cũng được rút ngắn từ 4 tiếng xuống còn 1,5 tiếng.

(Nguồn: Sun Group Hạ Long)

Hạ tầng giao thông công cộng cũng là một nỗi lo với cả một quốc gia, khi mà tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông mất tận hơn 10 năm còn chưa thấy mặt mũi đâu, hay Metro trung tâm Sài Gòn còn đang ngổn ngang. Liệu nếu có đủ cung từ các hãng hàng không, hạ tầng từ các sân bay tỉnh khác đủ đáp ứng, nhưng hạ tầng từ đó vào đến trung tâm Hà Nội hay Tp. Hồ Chí Minh, hay thậm chí các tỉnh lân cận còn quá nghèo nàn, thì Vinpearl Air sẽ làm gì để giải quyết được điều đó. VJ hay VNA đang nắm chắc thị phần ở các tuyến bay HN - HCM, thì Vinpearl Air sẽ phải chọn thị trường ngách, những nơi mà còn chưa khai thác các chuyến bay tới, thì mới hy vọng có thể lấy được thị phần được. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng như vậy liệu đã đủ với 1 quốc gia mà có tới 15 triệu khách du lịch/ năm, và tăng mạnh mẽ qua từng năm hay chưa?

>>> Xem thêm: Chiến lược Marketing Mix của Vietravel

Kết luận

Vinpearl Air có những cơ hội và thách thức riêng cho mình, mặc dù đã thành lập và có những hoạt động đầu tiên cho mình. Nhưng Vingroup hãy nhớ rằng để có một thị phần tốt trong tổng thể 1 ngành hàng thì sẽ cả một chặng đường dài phía trước mà hãng sẽ phải đối mặt. Các khó khăn kể trên là những điều thấy được trước mắt, nhưng chắc chắn nó còn cả những điều chưa được khám phá ra hết trong quá trình thực hiện. Cùng chờ xem, với bản lĩnh và kinh nghiệm của "con nhà có điều kiện" thì Vinpearl Air sẽ làm cách nào luồn lách vào miếng bánh thị phần hiện tại của ngành hàng không?

Thắng Nguyễn - MarketingAI

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.