Những xu hướng số mới tại Đông Nam Á định hướng trạng thái bình thường mới tiếp theo

07 Thg 08

Đông Nam Á trước nay vẫn luôn là một trong những khu vực có nền kinh tế số sôi động nhất thế giới, nơi chứng kiến mức độ tăng trưởng về lượng người dùng Internet và Người tiêu dùng số vô cùng đáng hứa hẹn. Sự phát triển này đã tạo ra cơ hội cho mọi loại hình kinh doanh, biến khu vực này trở thành động lực tăng trưởng của thế giới.

Năm ngoái, trong bài báo cáo: Tận dụng làn sóng số: Chinh phục người tiêu dùng số thuộc Thế hệ khám phá ở Đông Nam Á, Facebook và Bain & Company đã chia sẻ về sự xuất hiện của người tiêu dùng số ở Đông Nam Á, và tác động của nó trong việc thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển các mô hình thích ứng cho một tương lai số.

(Nguồn: Internet)

Giờ đây, khi những ngày nửa cuối năm 2020 đang đến gần, và thế giới cũng đang bước vào một giai đoạn “bình thường mới” khác, chúng ta cần phải xem xét lại những phát hiện đó và tự đặt ra câu hỏi rằng: Trong suốt một năm qua, điều gì đã thay đổi và điều gì đã xảy ra? Liệu tương lai của các công ty sẽ dịch chuyển như thế nào? Và để kết thúc, chúng tôi đưa ra 6 chủ đề tiêu dùng mới nổi ở Đông Nam Á có liên quan đến những người tiêu dùng số - nhóm đối tượng đã mua hàng trực tuyến trong suốt 6 tháng qua. Cùng MarketingAI nhìn nhận xem những xu hướng đó đã “nở rộ” hay “chìm sâu” trong giai đoạn 6 tháng đầu năm vừa qua, dựa trên những phát hiện từ báo cáo mới nhất nhé.

1. Việc mua sắm các vật dụng thiết yếu chuyển sang trực tuyến

Trong Báo cáo Tận dụng làn sóng số, các chuyên gia đã nhìn ra cơ hội lớn của các công ty Đông Nam Á trong việc rút ngắn khoảng cách với kênh bán lẻ trực tuyến, chủ yếu trong các lĩnh vực như quần áo, phụ kiện và chăm sóc cá nhân, dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 25% đến 30% mỗi năm. Ngoài ra, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, một trong những cơ hội lớn nhất chưa được khai thác cho chi tiêu trực tuyến nằm ở các cửa hàng tạp hóa: một thị trường có giá trị lên đến 350 tỷ USD tính riêng ở thị trường Đông Nam Á, với tỷ lệ thâm nhập 0,3% trong khu vực, đặc biệt là khi so sánh với Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với các ngành hàng khác.

Chuyển nhanh đến quý 2 năm 2020. Khi các doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch theo nhu cầu của thị trường “bình thường mới”, tốc độ chuyển đổi sang mua hàng trực tuyến đã gia tăng chóng mặt, chủ yếu là trên các mặt hàng nhu yếu phẩm. Việc nhiều người ở nhà hơn đã hình thành nhu cầu tăng cao về nhu yếu phẩm trong thời gian ngắn, trên cả kênh bán hàng online lẫn offline.

Thật vậy, trong môi trường hiện tại, ít nhất 44% người tiêu dùng số trên khắp Đông Nam Á đã chi tiêu nhiều hơn cho các mặt hàng đóng gói và đồ tươi sống trên các cửa hàng tạp hóa online. Xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục được duy trì. Khảo sát cho thấy, trong số những người đã mua nhiều hàng hơn kể từ tháng 4, có ít nhất 80% cho biết họ sẽ tiếp tục mua hàng tạp hóa trực tuyến ngay cả trong tương lai, khi đại dịch kết thúc.

“Rõ ràng, các cửa hàng tạp hóa trực tuyến đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng cao trong thời gian qua. Trong khi các mặt hàng tươi sống đã tăng doanh số lên gấp 3-4 lần thì các mặt hàng nhu yếu phẩm, đồ đóng gói tăng ít nhất hai lần”, Tổng giám đốc Fairprice On cho biết

“Việc các cửa hàng đồ tươi sống chuyển sang bán hàng online là một thay đổi lớn khi nó có khả năng thúc đẩy sự thay đổi trực tuyến tương tự cho nhiều danh mục sản phẩm khác, có liên hệ mật thiết với các mặt hàng đó”, Giám đốc điều hành ASEAN-5 Kimberly Clark chia sẻ

2. Khám phá các ứng dụng mới đang phát triển mạnh mẽ

Người tiêu dùng đang dần chuyển sang sử dụng các thiết bị số nhiều hơn để lấp đầy khoảng thời gian rảnh rỗi khi phải tự cách ly tại nhà. Do đó, việc sử dụng và áp dụng các ứng dụng số khác nhau đang ngày càng phát triển và có khả năng duy trì lâu dài - một xu hướng mà các chuyên gia đã dự báo từ trước trong báo cáo tiêu dùng số Đông Nam Á trước đây.

Trên toàn khu vực, 85% số người được hỏi cho biết họ đã thử trải nghiệm các ứng dụng số mới trong Q1 năm nay. Tuy nhiên, không phải tất cả các ứng dụng đều đạt được hiệu quả sử dụng như nhau. Các ứng dụng có lượt người tải về và sử dụng lâu dài gia tăng nhiều nhất là mạng xã hội, video streaming và ứng dụng nhắn tin, tiếp theo là thương mại điện tử, phân phối thực phẩm và nền tảng thanh toán số.

85% Người tiêu dùng số trên khắp Đông Nam Á đang thử trải nghiệm các ứng dụng số mới.

“Tỷ lệ người tiêu dùng số mới đã gia tăng đáng kể trong vài tháng qua, chủ yếu do nỗ lực của chính phủ trong việc khuyến khích mọi người mua sắm trực tuyến”, Khánh Ngô Phó chủ tịch tập đoàn Tiki phát biểu.

David Python, CEO & Co-founder của Carium cũng chia sẻ thêm: “Tương tác số hóa cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm nhiều chiến lược tương tác với người dùng hơn. Các tương tác xã hội và giao tiếp đạt hiệu quả điểm chạm cao như - email, mạng xã hội, văn bản hoặc trò chơi điện tử - sẽ trở nên rất đáng gờm khi được kết hợp xuyên suốt trong hành trình khách hàng.”

Khi phân chia đối tượng hướng đến theo nhóm tuổi, các danh mục như mạng xã hội, video streaming và ứng dụng nhắn tin tiếp tục dẫn đầu xu thế, khi đạt được mức tăng trưởng gần như tương tự nhau về lượng người sử dụng ở tất cả các nhóm tuổi. Trong khi đó, ở nhóm đối tượng trung niên (từ 25 đến 54 tuổi), các ứng dụng có mức sử dụng tương đối cao hơn là thương mại điện tử, giao thực phẩm và ứng dụng thanh toán số. Ở nhóm đối tượng khác là thanh thiếu niên từ 18 đến 24 tuổi, các ứng dụng dẫn đầu là video ngắn, âm nhạc và game.

“Lượng người bán hàng online trên tất cả các danh mục sản phẩm đã tăng hơn gấp đôi khiến cho quá trình dịch chuyển sang nền tảng TMĐT diễn ra có phần gấp gáp. Thương mại điện tử giờ đây không chỉ bó hẹp trong phạm vi giới trẻ nữa, nó đã lan rộng ra nhiều nhóm đối tượng khác. Thậm chí, những người 40-50 tuổi cũng sẵn sàng mua sắm online nhiều hơn”, Magnus Ekbom, Giám đốc phụ trách chiến lược của Lazada cho biết.

3. Chất lượng tương xứng với giá tiền là cân nhắc quan trọng

Trong bài nghiên cứu Tận dụng làn sóng số năm 2019, Facebook đã đưa ra kết luận rằng, chỉ có 22% người tiêu dùng Đông Nam Á quan tâm đến vấn đề giá trị đồng tiền khi mua hàng, chiếm một phần nhỏ trong chi tiêu trực tuyến.

Nhưng ở thời điểm quý 2 năm 2020 hiện nay, đã có một sự thay đổi đặt ra đối với việc mua hàng dựa trên giá trị đồng tiền trên thị trường, do sự xuất hiện của chủ nghĩa bảo thủ. Xét trên toàn Đông Nam Á, 57% người dân cho rằng “chất lượng tương xứng với giá tiền” là một trong số 3 cân nhắc hàng đầu của họ khi mua hàng. Tỷ lệ này ở mỗi quốc gia ở khác nhau, trong đó rõ rệt nhất là ở Thái Lan và Singapore, hai quốc gia cho thấy 70% người dân chú trọng đến yếu tố “giá trị đồng tiền” khi mua hàng.

Head of Digital của Matahari cho biết: “Khách hàng giờ đây rất coi trọng giá trị đồng tiền họ bỏ ra có tương xứng với chất lượng sản phẩm thu về hay không. Đặc biệt là nhóm khách hàng ở nông thôn, họ suy nghĩ rất kỹ trước khi bỏ tiền ra mua một thứ gì đó. Những nhóm đối tượng như vậy thường thích lên mạng mua sắm để nhận được nhiều ưu đãi hấp dẫn hơn. Nó đảm bảo cho họ có thể mua sắm theo kế hoạch thay vì phô trương hay đi mua sắm sắm xung quanh.”

Xu hướng đó nhiều khả năng vẫn sẽ phát triển trong thời gian tới, vì người Đông Nam Á nói chung đều đang hy vọng họ sẽ bớt sống “vật chất” hơn, tiết kiệm nhiều hơn và mua bảo hiểm trong trạng thái “bình thường mới” hiện nay. Khi so sánh với những người có cùng độ tuổi ở Hoa Kỳ, trung bình người dân Đông Nam Á có khả năng tiết kiệm nhiều hơn gấp đôi, nhằm để phòng cho những tình huống bất ngờ cần đến tiền, hay dùng để mua bảo hiểm.

4. Các thương hiệu đáng tin cậy đang trên đà phát triển

40% người dùng ở Đông Nam Á gần đây đã lựa chọn tin dùng các thương hiệu lâu năm (2 tuần trước cuộc khảo sát), trong khi con số này ở Mỹ và Trung Quốc chỉ là ~20%.

Người tiêu dùng số tại Đông Nam Á luôn sẵn sàng thử nghiệm các thương hiệu mới. Thói quen mua hàng của họ chủ yếu được thúc đẩy bởi cảm hứng và sự cởi mở trong việc khám phá thế giới số, hay còn gọi là thuật ngữ “Thế hệ khám phá” mà Facebook đã sử dụng trong báo cáo trước đây của mình.

Thế nhưng năm nay, khi Facebook tiếp tục tiến hành nghiên cứu sâu hơn các loại nhãn hiệu được người tiêu dùng lựa chọn mua - thì kết quả cho thấy rằng, đa phần mọi người đều dành sự yêu thích mạnh mẽ cho các thương hiệu lâu đời và có độ uy tín cao. 42% phần trăm cho biết họ đã mua hàng nhiều hơn từ các thương hiệu lâu đời trong khoảng thời gian gần đây. Điều này được lý giải là do các thương hiệu lâu đời luôn chiếm được niềm tin lớn nơi khách hàng. Không những thế, họ còn sở hữu chuỗi cung ứng mạnh mẽ, đủ để đảm bảo rằng các sản phẩm luôn có sẵn và có mặt trên khắp cả nước.

Nói đến vấn đề làm sao để có thể thực hiện các chiến dịch bán hàng hoàn hảo trên cả 2 kênh online và offline, thì tính khả dụng trên kênh là điều bắt buộc. Nghiên cứu cho thấy, cứ 3 người thì lại có 1 người đã chuyển sang mua của thương hiệu khác, khi họ không thể tìm thấy hàng của thương hiệu ưa thích của mình.

Sự thay đổi này diễn ra rõ rệt hơn trong một số mặt hàng đặc thù. Việc người dùng tin tưởng và chuyển sang sử dụng các thương hiệu thành lập lâu năm không chỉ diễn ra đối với các mặt hàng riêng lẻ như nước sát khuẩn tay, mà còn lan rộng ra nhiều danh mục sản phẩm khác. Trong số các nước Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia có xu hướng mua hàng từ các thương hiệu lâu đời lớn nhất.

Trưởng phòng Marketing thuộc Tập đoàn Robina toàn cầu cho biết: “Các thương hiệu lớn làm tốt hơn bởi họ luôn chuẩn bị sẵn tinh thần và tiềm lực để ứng phó với mọi hoàn cảnh. Bản thân chúng tôi cũng đã luôn cố gắng kiên nhẫn, lắng nghe nhu cầu từ người tiêu dùng trong quá trình tương tác với họ. Và kết quả là những sản phẩm của chúng tôi luôn được phân phối đến tay khách hàng nhờ những nỗ lực trong khâu bán hàng và chuỗi cung ứng.”

Mức độ yêu thích dành cho các thương hiệu thành lập lâu đời còn được phản ánh rõ rệt hơn đối với các siêu thị và đại siêu thị. Với ⅔ số người được hỏi ở Đông Nam Á nói rằng họ sẽ mua sắm thường xuyên hơn tại các siêu thị trong thời gian tới, nhiều khả năng thị trường này sẽ sớm trở lại. Lý giải cho điều này thì đa phần các siêu thị lớn đều có khả năng cung cấp hàng hóa tốt hơn, các mặt hàng luôn sẵn có với giá cả thì cạnh tranh hơn nhiều so với bên ngoài. Điều này đặc biệt có ích trong giai đoạn người dùng muốn mua nhiều hàng cùng một lúc hơn để tránh phải ra khỏi nhà nhiều lần (khả năng tải hiệu quả hơn)..

5. Sức khỏe và phúc lợi là “top of mind”

73% người dùng Đông Nam Á cho biết họ sẽ quan tâm đến vấn đề sức khỏe hơn khi một kỷ nguyên “bình thường mới” bắt đầu, trong khi tỷ lệ này ở Mỹ chỉ là 40%. (Nguồn ảnh: thuocdantoc)

Những cuộc thảo luận diễn ra trong vài tháng gần đây đã nhấn mạnh việc mọi người phải tập trung nhiều hơn vào các vấn đề liên quan đến tác động của sản phẩm lên sức khỏe, độ an toàn và môi trường.

Ở Đông Nam Á, 73% người được hỏi cho biết họ sẽ quan tâm về vấn đề sức khỏe hơn trong tương lai, cao gần gấp đôi so với con số 40% tại Mỹ. Đồng thời, ít nhất một nửa người dân cũng cho biết họ sẽ có ý thức về vấn đề môi trường hơn - ít nhất là tăng gấp đôi so với ở Mỹ.

54% người dùng Đông Nam Á cho biết họ sẽ ý thức hơn về vấn đề môi trường để thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, trong khi con số này ở Mỹ chỉ là 23% (Nguồn ảnh: tapchitaichinh)

Ở các nước như Philippines và Việt Nam, người tiêu dùng coi trọng vấn đề sức khỏe, sự bình yên hoặc trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp còn cao hơn giá trị đồng tiền.

“Xu hướng điều trị từ xa (telemedicine) và chăm sóc sức khỏe (healthcare) đang có tiềm năng phát triển rất lớn nhưng lại bị giới hạn về vấn đề nguồn cung. Các quy định điều chỉnh nên được tiến hành ngay khi các doanh nghiệp bắt đầu xây dựng giải pháp cho cơ hội chưa được khai thác này”, Rajan Anandan - Giám đốc điều hành của Sequoia Capital cho hay.

6. Người dân “ở nhà” và “không tiếp xúc” tiếp tục được duy trì

37% người dân đã hoặc đang sử dụng nhiều ứng dụng họp mặt từ xa hơn (Nguồn ảnh: ICTNews)

Trong vài tháng qua, thói quen tiêu dùng ở Đông Nam Á đã trở nên tập trung vào các thiết bị số ở nhà hơn khi họ không thể ra khỏi nhà quá nhiều. Hiện có tới 77% người dân tính trên toàn khu vực, có xu hướng chuẩn bị đồ ăn ở nhà một cách thường xuyên hơn, trong khi ít nhất 65% đang xem các chương trình TV phát sóng theo yêu cầu.

Hành vi này có khả năng sẽ tiếp tục duy trì vì người dân Đông Nam Á cảm thấy thuận tiện hơn khi làm việc tại nhà và sử dụng các ứng dụng họp mặt từ xa thường xuyên hơn. Ít nhất một phần ba số người được hỏi cảm thấy năng suất hơn khi làm việc tại nhà và quá trình đó giúp họ cải thiện sức khỏe tinh thần và giảm căng thẳng nhiều hơn.

Chỉ có 20% người dùng Đông Nam Á có khả năng đi ra ngoài (ví dụ: ăn / đi xem phim) sau khi lệnh giãn cách được gỡ bỏ, ít hơn nhiều so với 34% ở Mỹ. Tuy nhiên, đây vẫn là một sự thay đổi văn hóa lớn đối với ĐNÁ, thậm chí gần đây, lượng người muốn đi ra ngoài ăn tối hằng ngày đã cao gấp 1,5 lần so với người dân Mỹ.

Bên cạnh đó, những thay đổi và hành vi “không tiếp xúc” đã tăng lên. Thanh toán không tiếp xúc đang tăng mạnh ngay tại các thị trường ưu tiên sử dụng tiền mặt, trong khi các nhà cung cấp dịch vụ và dịch vụ thực phẩm thì phải đổi mới liên tục nhằm mang đến các lựa chọn mua bán không tiếp xúc.

(Nguồn: Now)

Ngay cả ở các thị trường mà tiền mặt thống trị như Đông Nam Á, các dịch vụ thanh toán không tiếp xúc, bao gồm cả thanh toán qua điện thoại di động, đã trở thành một ứng dụng quan trọng. Ví dụ, tại Philippines, GCash đã chứng kiến ​​khối lượng giao dịch tăng 30% kể từ tháng 3 và trở thành ứng dụng tài chính được tải xuống nhiều nhất trên Google Play.

“Khi nhiều công ty chấp nhận làm việc từ xa, số lượng các chuyến đi công tác cũng giảm dần ngay cả khi các lệnh hạn chế đã được dỡ bỏ”, Rajan Anandan - Giám đốc điều hành của Sequoia Capital đưa ra quan điểm.

“Việc giao dịch đã được chuyển sang nền tảng online, đặc biệt là với các mặt hàng tạp hóa, thực phẩm, kiều hối và hàng tiêu dùng nhanh. Theo thời gian, những cách thức kinh doanh mới sẽ xuất hiện. Nhưng hiện tại, tương lai của các doanh nghiệp đang nằm trong một hành trình khách hàng không tiếp xúc”, Joo Hock Chua - Giám đốc điều hành Vertex Ventures chia sẻ thêm

“Quy trình số hóa và hợp tác với các công ty có cùng chung chí hướng sẽ giúp các thương hiệu trở nên kiên cường hơn trong giai đoạn thích nghi với "bình thường mới". Khi lệnh giãn cách xã hội tiếp tục được duy trì, nhu cầu tiêu dùng tại nhà và sử dụng các mạng xã hội ảo tiếp tục tăng lên và làm nổi bật tầm quan trọng của nhóm người làm việc theo yêu cầu (gig workforce)”, Cheryl Goh - Trưởng phòng Marketing của Grab cho hay.

Các xu hướng vẫn đang phát triển, nhưng các công ty sẽ phải bắt đầu xem xét lại ý nghĩa lâu dài của nó. Tốc độ gia tăng chóng mặt của tiêu dùng số trên toàn khu vực Đông Nam Á khiến các doanh nghiệp phải thúc đẩy tính sẵn có của sản phẩm trên nền tảng online, và đảm bảo sản phẩm đó luôn được hiện diện trên đa dạng các kênh online, đặc biệt là thông qua các ứng dụng. Ví dụ, công ty tạp hóa Fairprice On đã tận dụng hàng tồn kho tại các cửa hàng outlet để tăng số lượng cửa hàng online lên con số gấp đôi, trong khi nhà bán lẻ Matahari của Indonesia thì chuyển trọng tâm kinh doanh sang hẳn các website trực tuyến và ứng dụng di động.

Hơn nữa, khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn có thể đặt ra một thách thức đối với các sản phẩm cao cấp và ngược lại, tập trung nhiều hơn vào các mặt hàng có giá trị. Sự chuyển hướng sang các thương hiệu thành lập lâu năm có nghĩa là mạng lưới các chuỗi cung ứng rộng lớn và đáng tin cậy sẽ có chỗ đứng lớn hơn trong niềm tin của người tiêu dùng. Cuối cùng, một số doanh nghiệp SMBs có thể xem xét đến việc tìm kiếm các đối tác đáng tin cậy trong ngành, như việc một số nhà cung cấp đã làm với Lazada.

Cuối cùng, khi người dùng tập trung vào lối sống “quanh quẩn tại nhà” và quan tâm nhiều hơn đến vấn đề sức khỏe, thì các công ty sẽ cần phải xây dựng lại chiến lược bán hàng tại nhà và giải quyết các mối quan tâm liên quan đến sức khỏe và sự an toàn. Ví dụ, đối với một công ty như Grab, họ sẽ phải phân bổ lại hệ thống các tài xế sao cho đảm bảo được số lượng đủ cung cấp thực phẩm cho người dân, cũng như tạo quỹ ứng phó lên đến 40 triệu đô la Mỹ, nhằm duy trì dịch vụ và các đối tác giao hàng của họ (khi cung cấp các thiết bị bảo vệ cá nhân, bảo hiểm và trợ cấp cho các doanh nghiệp địa phương).

Kết

Bình thường mới đặt ra những thách thức mới, nhưng nó cũng mang đến cho các công ty cơ hội để định hình lại tương lai của xã hội. Nó khởi đầu cho một hành trình mới của các doanh nghiệp, trong việc hình thành các mối quan hệ hợp tác mới, tăng cường khả năng phục hồi và nắm lấy tương lai số.

Tô Linh - MarketingAI

Theo Facebook for Business

>> Có thể bạn quan tâm: 7 ý tưởng Digital Marketing “cứu cánh” doanh thu trong bối cảnh đại dịch Covid-19
Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.