[P1] Liệu các thị trường tăng trưởng nhanh ở Châu Á có thể lấy lại vận tốc sau Đại dịch?

08 Thg 04

Kent Wertime, đồng Giám đốc điều hành của Ogilvy châu Á, đưa ra quan điểm của mình về các xu hướng hiện tại và những xu hướng trong tương lai khi châu Á vượt qua khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh không chắc chắn của nền kinh tế toàn cầu đang gia tăng, báo cáo mới của Ogilvy lập luận rằng 12 quốc gia tăng trưởng nhanh - chiếm hơn một nửa dân số thế giới - sẽ định hình lại tăng trưởng toàn cầu trong tương lai. Một tỷ người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu mới xuất hiện tại 12 quốc gia trong thập kỷ tới sẽ tạo ra một thời điểm quan trọng khi tầng lớp trung lưu chuyển từ thiểu số thành đa số dân số tại các thị trường này.

Cuối cùng, tốc độ này sẽ định hình lại cuộc sống hàng ngày cho nhiều người tại các thị trường “mới nổi” ở Nam Á và Đông Nam Á, chẳng hạn như Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Việt Nam, Indonesia và Philippines.

Tuy nhiên sau đó đại dịch xuất hiện đã làm đảo ngược tiến trình đối với nhóm người tiêu dùng trung lưu mới nổi. Các doanh nghiệp bị thu hẹp, du lịch giảm sút, tăng trưởng chững lại, và sự gia tăng của bất bình đẳng kinh tế toàn cầu (trước đây là do thu nhập của tầng lớp trung lưu mới nổi tăng lên). Khi các chỉ số kinh tế quan trọng suy giảm, các thị trường tăng trưởng nhanh của châu Á đã phải đối mặt với một số tác động xấu.

Khi chúng ta bước vào năm thứ hai của đại dịch, có rất nhiều câu hỏi về thiệt hại mà đại dịch đã gây ra đối với mô hình tăng trưởng toàn cầu, con đường của sự phục hồi và liệu nền kinh tế có thể trở lại hoàn toàn bình thường hay không. Trọng tâm của những cân nhắc này xoay quanh câu hỏi: Liệu các thị trường tăng trưởng nhanh (Velocity Markets) ở châu Á có lấy lại được tốc độ tăng trưởng và quay trở lại con đường chuyển đổi của vài thập kỷ trước hay không?

Theo quan điểm của Kent Wertime, tốc độ tăng của người tiêu dùng trung lưu mới nổi ở châu Á sẽ quay trở lại. Các lực lượng mạnh mẽ trước đây đã góp phần gia tăng một vài tỷ người vào tầng lớp trung lưu toàn cầu và khả năng tăng thêm vài tỷ người trong tầng lớp này trong những năm tới là khả thi. Nhưng con đường quay trở lại và thời gian sẽ phụ thuộc vào các yếu tố chính đã thúc đẩy tăng trưởng trước đại dịch.

Một tỷ người tiêu dùng trung lưu mới nổi lạc quan vào tương lai

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ước tính thiệt hại toàn cầu bởi ảnh hưởng của đại dịch từ 5.5% đến 8.7% GDP thế giới vào năm 2020 tương đương từ 4.8 đến 7.8 nghìn tỷ USD. Hiện tại, nhiều dự báo cho thấy thiệt hại toàn cầu trong năm 2021 có thể giảm xuống trong khoảng từ 3.6% đến 6.3% tổng sản phẩm quốc nội (tương đương khoảng 3.1 đến 5.4 nghìn tỷ USD).

Tại châu Á, đại dịch gây thiệt hại lớn hơn ước tính thiệt hại GDP toàn cầu, trong khoảng từ 6,0 đến 9,5% vào năm 2020, nhưng những nỗ lực của chính phủ các nước trong việc ngăn chặn đại dịch có thể làm giảm bớt tác động đến kinh tế ở mức từ 3,6 - 6,3% trong năm nay. Nam Á - tâm điểm của sự tăng trưởng dự kiến ​​của người tiêu dùng trung lưu trong thập kỷ tới đã phải chịu tác động lớn một cách không tương xứng.

Ảnh: brandinginasia

Có nhiều yếu tố tác động đến nền kinh tế, từ chi tiêu tiêu dùng nội địa đến xuất khẩu, du lịch, đầu tư trực tiếp nước ngoài, mức độ can thiệp và kích thích của chính phủ. Tất cả các yếu tố này đã làm thay đổi các thị trường tăng trưởng nhanh trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, mấu chốt của một số thị trường tăng trưởng nhanh là sự suy giảm của ngành du lịch và các nền kinh tế phi chính thức.

Khu vực kinh tế phi chính thức chiếm 1/3 GDP của các nền kinh tế đang phát triển. Người ta ước tính rằng lao động phi chính thức trên toàn cầu bị mất 60% thu nhập trong tháng đầu tiên của đại dịch. Cuộc khủng hoảng đã phá hủy sinh kế của hơn 218 triệu lao động phi chính thức ở Đông Nam Á, chiếm từ 51% đến 90% lực lượng lao động phi nông nghiệp ở các quốc gia trong khu vực này.

Lao động phi chính thức chịu tác động nặng nề bởi đại dịch. Ảnh: VOV

Tỷ trọng doanh thu du lịch trong tổng giá trị kinh tế giữa các thị trường châu Á là khác nhau. Nhưng rõ ràng đây vẫn là yếu tố chính dẫn đến sự suy giảm của nền kinh tế và cũng có liên quan đến việc cắt giảm việc làm của nữ giới trong thời kỳ đại dịch. Sự phục hồi của cả việc làm trong khu vực phi chính thức và du lịch, khi Covid-19 được kiềm chế, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong sự phục hồi của nền kinh tế.

Bất chấp những thách thức gần đây, có nhiều lý do để tin tưởng vào khát vọng và sự lạc quan của người tiêu dùng trung lưu mới nổi. Trong thời gian xảy ra đại dịch, nhiều thị trường tăng trưởng nhanh nói chung đang tiến tới điểm tipping point (điểm bùng phát hay điểm tới hạn) mà tại đó tầng lớp trung lưu địa phương sẽ chiếm phần lớn dân số. Điều này được xác định trên cơ sở sức mua của họ tại thị trường địa phương.

Tầng lớp trung lưu mới ở châu Á ngày càng gia tăng. Ảnh: baoquocte

Sự dịch chuyển của người tiêu dùng vào tầng lớp trung lưu sẽ mở rộng khả năng chi tiêu, lối sống và kỳ vọng của người tiêu dùng. Chẳng hạn như Trung Quốc, nơi mà hai thập kỷ qua đã mang lại những thay đổi mang tính kiến ​​tạo trong chủ nghĩa tiêu dùng và lối sống tại đất nước này. Giải trí, đặc biệt là phòng vé Trung Quốc và du lịch đều có sự bùng nổ trong nhiều năm.

Sự trỗi dậy của xã hội kỹ thuật số tại Trung Quốc đã tạo ra một cuộc cách mạng thương mại điện tử, thúc đẩy nhiều hoạt động kinh tế hơn và thúc đẩy chu kỳ thay đổi cho hàng trăm triệu người. Những lợi ích có thể nhìn thấy của việc hòa nhập kinh tế đã không bị mất đi đối với tầng lớp trung lưu mới nổi. Những khát vọng cơ bản của họ đã không bị dập tắt, ngay cả khi sự tiến bộ của họ bị chậm lại trong đại dịch.

Phụ nữ thúc đẩy sự phát triển và thay đổi của châu Á

Nếu phải lựa chọn một yếu tố duy nhất chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng, thì đó là phụ nữ. Hiện nay, chúng ta cần phải công nhận vai trò quan trọng của phụ nữ trong nền kinh tế và với tư cách là những người định hình xã hội.

Sự gia tăng ổn định trong trình độ học vấn của nữ giới trong nhiều thập kỷ là nền tảng cho sự vươn lên của phụ nữ. Ở một số thị trường, phụ nữ đã bắt đầu vượt xa nam giới về trình độ học vấn. Điều này đã dẫn đến việc có nhiều phụ nữ ở nơi làm việc hơn, một số giữ các vị trí cấp cao hơn trong doanh nghiệp, mặc dù vẫn còn tồn tại một khoảng cách ở nhiều thị trường.

Việc trao quyền cho phụ nữ đã tác động nhiều đến văn hóa doanh nghiệp. Phụ nữ ngày càng có tinh thần khởi nghiệp kinh doanh, chẳng hạn như tận dụng phương tiện truyền thông xã hội để tiến hành kinh doanh thông qua bán hàng trên mạng xã hội.

Phụ nữ  đang được trao nhiều quyền hơn. Ảnh: brandinginasia

Phụ nữ - cả trực tiếp với tư cách là người mua hàng và gián tiếp với tư cách là người có ảnh hưởng - đều có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra hoạt động kinh tế và thúc đẩy thay đổi xã hội. Chi tiêu của phụ nữ thúc đẩy nền kinh tế tiêu dùng nhưng cũng có tác động quan trọng mang tính chu kỳ lâu dài hơn vì phụ nữ thường tận dụng thu nhập toàn thời gian và bán thời gian để tái đầu tư vào việc chăm sóc và xây dựng gia đình, cung cấp học phí, giúp đỡ người thân hoặc mua các vật dụng giúp ích trực tiếp cho gia đình họ.

Nói một cách khái quát, phụ nữ là lực lượng quan trọng trong sự thay đổi của nền kinh tế và xã hội châu Á.

Trên toàn cầu, 58% phụ nữ có việc làm làm việc trong các công việc phi chính thức - một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, 140 triệu việc làm toàn thời gian cũng có thể bị mất bởi Covid-19 và lao động nữ có nguy cơ bị mất việc làm cao hơn 19%. Thêm vào đó, sự bất bình đẳng xã hội trước đại dịch, chẳng hạn như chênh lệch lương giữa các giới vẫn tồn tại dai dẳng tại nhiều quốc gia. Trên toàn cầu, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, 70% nhân viên y tế và những người tham gia ứng cứu đầu tiên là phụ nữ.

Phụ nữ chiếm tỷ lệ lớn trong nền kinh tế phi chính thức. Ảnh: thukyluat
 

Theo UN Women, khoảng chênh lệch lương trong lĩnh vực y tế là 28% cao hơn nhiều so với mức chênh lệch lương chung là 16%. Ngoài ra, Tổ chức Gates và UN Women đều dự đoán rằng khoảng cách giàu nghèo giữ phụ nữ và nam giới đã tăng lên do Covid-19.

Đến năm 2021, cứ 100 nam giới từ 25 đến 34 tuổi sống trong tình trạng nghèo cùng cực (mức sống dưới 1,90 USD một ngày) thì sẽ có 118 phụ nữ trong tình trạng tương tự, khoảng cách dự kiến ​​sẽ tăng lên 121 phụ nữ trên 100 nam giới vào năm 2030.

Tốc độ phục hồi của nền kinh tế phụ thuộc vào sự tham gia trở lại của phụ nữ trong các công việc chính thức và phi chính thức, và sự tiếp tục tham gia của họ với tư cách là các doanh nhân. Vai trò nền tảng của giáo dục cũng sẽ rất quan trọng đối với tương lai. Do đó, phải đảm bảo rằng các cô gái trẻ có thể trở lại trường học càng sớm càng tốt vì theo lo ngại của UNESCO khoảng 11 triệu phụ nữ và trẻ em gái có khả năng nghỉ học vĩnh viễn do đại dịch.

Trong đại dịch, phụ nữ thường đóng vai trò là người chăm sóc chính. Thông qua mạng xã hội, họ tiếp tục đóng vai trò tích cực và có tiếng nói trong việc bình luận xã hội. Nhờ khả năng sáng tạo và trình độ chuyên môn sẵn có, họ đã tìm kiếm và tạo ra nhiều hoạt động kinh tế mới. Ngoài ra, một số quốc gia đã nhận ra tầm quan trọng của việc hỗ trợ phụ nữ trong Covid-19.

Ví dụ, Ấn Độ - một quốc gia có tình trạng bất bình đẳng giới vô cùng nghiêm trọng cũng đang thực hiện nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ cho phụ nữ. Cụ thể, chính phủ Ấn Độ đã chuyển tiền mặt qua hệ thống thanh toán và nhận dạng kỹ thuật số cho 200 triệu phụ nữ sau khi khủng hoảng xảy ra. Phụ nữ kiên cường. Vì vậy, bất chấp những tác động tạm thời do đại dịch gây ra, phụ nữ sẽ tiếp tục tạo ra tốc độ trong sự phục hồi, và tiếp tục thúc đẩy sự thay đổi trong tương lai ở châu Á.

Tạm kết

Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và vai trò ngày càng quan trọng của phụ nữ có tác động mạnh mẽ đến tốc độ tăng trưởng và phục hồi của nền kinh tế châu Á sau đại dịch. Trong phần tiếp theo hãy cùng tìm hiểu thêm 2 yếu tố quan trọng khác trong hành trình lấy lại tốc độ của châu Á.

Lương Hạnh - MarketingAI

Theo brandinginasia

>> Có thể bạn quan tâm:

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.