Như Nước Dùng Thơm Ngát Trên Tô Phở - PR Cho Ẩm Thực - Nhà Hàng

29 Thg 11

 #Cứ ăn là phải ngon - Nghệ thuật PR cho ẩm thực - Nhà Hàng

Mỗi người có một lựa chọn khách nhau khi đi nhà hàng, thưởng thức ẩm thực, chính vì vậy mà phải tùy thuộc vào phong cách của tiệm để viết PR đến đúng đối tượng người dùng. Còn nói là khó bởi vì, làm sao để mình trở nên khác biệt, làm sao để mạnh hơn so với đối thủ cạnh tranh, khi mà khắp nơi giờ đây đều thấy những tiệm trà bánh cafe'' trang hoàng đẹp mắt. Đó là một thách thức lớn với những người làm Marketing, PR hay Quảng cáo cho quán cafe''.

Nhân tiện viết bài này mới nhớ, hôm trước đọc báo có vị nào đó gợi ý rất hay: Nếu cụ Nguyễn Tuân còn sống, hãy mời cụ làm đại sứ du lịch Việt Nam? Vì sao thế? Vì cụ viết về món ăn Việt hay quá, vì ông Phillip Kohler - Cha đẻ của marketing hiện đại từng gợi ý phát triển du lịch Việt Nam thành bếp ăn của thế giới! Mà tả món ăn thì cụ Nguyễn là số một. Cụ tả bằng chữ, không cần hình, thế mà những liên tưởng của cụ như một bát nóng hổi, bốc hơi nghi ngút và đậm hương thịt bò, cứ như người ta có thể lấy đũa gắp chữ, tưởng tượng là ăn no phở. Cụ viết về phở thế này:

Phở còn tài tình ở chỗ mùa nào ăn cũng thấy có ý nghĩa thâm thúy. Mùa nắng, ăn một bát, ra mồ hôi, gặp cơn gió nhẹ chạy qua mặt, qua lưng, thấy như giời quạt cho mình. Mùa đông lạnh, ăn bát phở nóng, đôi môi tái nhợt chợt thắm tươi lại.”

Có đoạn cụ lại viết: “Giờ có gánh phở đỗ bên bờ hồ này, thì tớ đả luôn sáu bát!”

Đó là văn phong cụ Nguyễn Tuân, cụ tả món ăn mà nghe cả tiếng dao chặt, tiếng đũa lạnh cạch và vị hành hăng, ớt cay xộc lên trong trí tưởng tượng. Tôi biết một vị khác: Cụ Băng Sơn- người yêu ẩm thức đến nỗi có cả cuốn sách riêng cụ viết cho những món ăn vặt vãnh Hà Nội. Văn phong cụ Sơn mềm so với cụ Nguyễn Tuân, có chút gì đó thư thái, nhẹ nhàng. Cụ viết về bún chả:

“ Một nẹp (hay mẹt) bún chả cô bưng vào nhà cho khách gồm có một bát con lưng lửng thứ nước chấm đã pha bằng nước mắm thật ngon, thêm nước lọc, dấm, đường, đu đủ xanh vuông vắn, miếng ớt đỏ bỏ hết hạt như chiếc thoi hồng rỗng ruột, hạt tiêu đen mờ chìm lẫn dưới đáy. Rập rờn chìm nổi trong nước chấm ấy là mấy miếng chả miếng, chả băm đã cháy cạnh, màu cánh gián, vừa chín tới, thơm phức. Cạnh nó là lồng khồng ít rau sống gồm rau muống Sơn Tây xanh lá mạ, chẻ nhỏ, xoăn tít như nỗi lòng đầy tâm sự, chen vào đấy là tía tô tím thẫm, kinh giới nuột nà, ngổ ba lá đầy hương đồng nội, rau mùi ta loăn xoăn, rau húng Láng thơm dịu, đôi khi còn có lá mùi tàu cạnh răng cưa thơm mạnh. Đương nhiên phải có bún.”

Chiều nay rảnh, mình đọc lại vài tùy bút của cụ Băng Sơn, mấy bài viết ngắn của cụ Nguyễn Tuân, cụ Thạch Lam. Các cụ viết tài hoa quá mình khen cũng thừa, mình chỉ thấy các cụ có chung một điểm: Tả món ăn chẳng cụ nào nói đến từ “ngon”, thế mà có ai đọc mà không tứa nước miếng với những câu chữ chi tiết gợi cảm đủ cho 5 giác quan them thuồng thưởng thức.

Vớ một bài bất kỳ về nhà hàng trên mạng, mình cũng ngại đếm từ ngon nhưng chắc là nhiều.

Các cụ viết tùy bút xưa, đăng báo được vài đồng, đến bây giờ con cháu đọc vẫn thèm rỏ dãi. Chúng mình bây giờ viết bài PR cho ẩm thực đất nước, cho nhà hàng, bét cũng lấy công 2 triệu/bài. Thế mà đọc xong không ai nhớ có buồn không?

#Ít chữ nhiều hình

Thật ra ít chữ nhiều hình mà hình đẹp, chữ cô đọng mà câu nào câu đó cứ như kéo người ta gập báo lại đi ăn hoặc bốc máy gọi điện đặt bàn thì cũng đẹp. Nhưng mình hơi buồn là trăm phần trăm chúng ta viết bài PR bây giờ hình rất nhiều và rất xấu, nói xấu cũng hơi ngoa - mình nói là hình giống nhau vậy!

Con cá, con tôm cùng một kiểu bày: Nhà hàng Việt thì bày tròn tròn phủ rau mùi rau thơm, thêm bông hồng cà chua đỏ lè ở giữa, trông rất ra dáng “bông hoa cà chua”, còn hiệu quả thẩm mỹ thì mình không thấy. Nhà hàng Âu thì đĩa trắng, cốc rượu vang song sánh, đèn vàng, người đẹp ngồi liếc mắt đưa tình (có thể có hoặc không). Ngôn ngữ viết của các bài viết trên đều như trên cả, càng đọc càng thấy “ngon”.

Image result for ẩm thực hà nội

Có một nghịch lý dành cho quan điểm “ít chữ nhiều hình”, Ogilvy – ông vua quảng cáo nước Mỹ cho rằng bạn nên đầu tư vào câu chữ, và ông không ngại một bài quảng cáo dày đặc chữ. Ogilvy có quan điểm marketing vô cùng thực tế: Những người đã bỏ thời gian đọc bài viết của bạn, sẽ mua hàng của bạn (nếu bài viết của bạn đủ hấp dẫn). Hình ảnh có thể hỗ trợ bạn trong việc đem lại sự chú ý của khách hàng trong 1s đầu tiên, thì thứ kéo dài đến 5p chính là những câu chữ sinh động, nhảy múa.

Vậy lần tới, bạn hãy thử một bài viết với câu chữ là nền tảng, ảnh chụp là trung tâm, mà trung tâm thì không cần nhiều nhưng cần thể hiện linh hồn cả bài viết và đủ hấp dẫn để khách hàng không lật báo/ di chuột sang trang khác.

#Địa chỉ, bao nhiêu là đủ?

Thêm một điều khá hay ho khi tôi nói đến, mọi người đều công nhận nhưng hiếm có ai đủ dũng cảm để theo ý tưởng này, phần nào đó mọi người vẫn thích đi đường vòng một chút. Có nghĩa là bỏ thêm tiền mua vài bài PR, đăng thêm với hy vọng mọi người đọc xong nhớ được dòng địa chỉ được đóng ô phía dươi bài viết như tờ rơi quảng cáo thực phẩm chức năng.

Vậy điều đó là gì? Đơn giản lắm, bạn bỏ ô địa chỉ đi, chỉ cần ghi ngắn gọn tên nhà hàng, địa chỉ có thể để nếu bạn muốn an toàn (nhưng nhỏ thôi) và số hotline. Vì tôi chắc chắc có đọc xong họ cũng chả nhớ, mà có có nhớ là nhớ tên nhà hàng rồi lại google map tìm đường, hiếm ai đọc báo nhớ như in địa chỉ, trừ khi nơi đó gắn với liên kết nào đó với khách hàng.

Tôi thường lồng ghép địa chỉ và tên nhà hàng trong bài PR, sau này khi tách bài ra làm quảng cáo facebook hay đăng tải lên website đều rất tiện, địa chỉ vẫn có, lồng ghép khéo léo, tên nhà hàng đọc lên cùng bài viết không mang tính thương mại. Khách đọc chỉ nghĩ đên món ăn, rồi yêu luôn nhà hàng lúc nào không biết.

Kết luận ở đây là, bạn dành khoảng không ít ỏi của 800 từ bài PR cho trọn vẹn món ăn của bạn: Từ nguyên liệu, cách chế biến, hương vị hay cách thưởng thức độc đáo (chẳng hạn ăn bằng tay) bạn có thể viết về bất kỳ điều gì bạn muốn, miễn là bạn gửi đúng thông điệp tới khách hàng. Mỗi bài viết giống như một món ăn, nguyên liệu để tạo nên món ăn là do bạn quyết định, nhưng hãy nhớ rằng “địa chỉ” là một thứ mắm đặc trưng, bạn điểm một chút người ta nhớ lâu, ăn quen lại đến. Bạn trộn quá nhiều, khách hàng không “ngửi” được, và nếu bạn để riêng bát mắm một góc? Sự thật phũ phàng: Không phải ai cũng biết món đặc sản này.

Hãy thử phân tích một ví dụ về bài PR quán Ốc - một thức ăn dân dã của người Việt Nam: 

Thưởng thức ốc Sài Gòn ngon đúng điệu ngay giữa lòng Hà Nội

 

untitled

Ngon mắt: Điều đầu tiên phải kể đến, là bài viết sử dụng phần lớn đến 70% hình ảnh, video so với khối lượng chữ viết, gây sự hấp dẫn và hứng thú cho người đọc ngay từ khi lướt mắt quá. Tiêu chí "ngon mắt" đã được đáp ứng.

Ngon tai: Mở đầu bằng lối hành văn đậm vị, ngay từ tiêu đề: "ốc Sài Gòn", "ngon đúng điệu", "giữa lòng Hà Nội", đây là một kỹ thuật rất tuyệt vời trong PR mà Kênh 14 đã sử dụng rất khéo, gợi nhắc cho người đọc biết ngay rằng: À, đây là món ốc có địa chỉ ở Hà Nội, người đọc HCM thì sẽ rất đỗi tự hào vì ẩm thực của vùng đất mình đã bay ra thủ đô. Không cần sốt sắng in đậm, in nghiêng địa chỉ, tên quán, website, mà chỉ cần từ từ gợi nhắc, người đọc sẽ tò mò và tự tìm kiếm thông tin về địa chỉ.

Những nội dung viết cũng chỉ ngắn gọn thôi, chủ yếu đánh mạnh vào phần nhìn và cảm nhận, nên những lời viết cũng rất súc tích và trau chuốt để lột tả hết vị ngon của Ốc Dì Tú. Trời đông mà đọc những dòng này thì còn ngại ngần gì nữa?

"Trong khi Ốc Hà Nội giản dị một món luộc hấp cùng sả, lá chanh thì ở Sài Gòn lại là cả một “đại tiệc” đủ món với trên dưới chục kiểu chế biến, mỗi kiểu lại đem lại những hương vị riêng chua, cay, mặn, ngọt... đủ cả. Chỉ cần đi qua một hàng ốc thôi, ngắm nhìn những chú ốc béo vàng ruộm óng ánh được bày biện trên đĩa, hay hương thơm từ bơ tỏi ngào ngạt nức mũi… thì cũng đủ khiến cho cái bụng phải râm ran vì đói."

Và ngay sau đó chính là lúc để giới thiệu về vị trí đắc đại của Ốc Dì Tú: "Rất dễ nhận ra với tấm biển sáng trưng, Ốc Dì Tú nằm ngay ngắn trong khuôn viên của khu biệt thự Pháp cổ kính. Vừa thoáng mát sạch sẽ, lại vừa ở vị trí “đắc địa” trên con phố Quán Thánh hướng ra Hồ Tây lộng gió."

Món ăn, nhất thiết phải đi từ vị ngon, từ chất lượng. Đó là cái không thể bỏ qua, dù cho viết bằng trời biển đi chăng nữa. Chính vì vậy mà chủ đề chính của bài PR này vẫn phải là giới thiệu về các món ăn làm từ Ốc, khơi gợi cảm giác thèm thuồng, muốn rủ ngay bạn bè phi tới Ốc Dì Tú để thưởng thức. Chỉ gói gọn trong một bài viết ngắn như vậy thôi mà để lại mãi sự tiếc nuối, sự muốn đi ăn của độc giả.

Bài viết về Ốc Dì Tú được lựa chọn đặt trên tiểu mục Xem - Ăn - Chơi trong chuyên mục Đời sống của Kênh 14, một mục rất hot và nhận được sự quan tâm của rất nhiều các bạn trẻ. Việc lựa chọn đặt bài PR ở đâu cũng là một vấn đề đáng bàn tới. PR tạo hiệu quả sâu hơn so với quảng cáo trên truyền hình chẳng hạn, lại với chi phí thấp hơn, nên việc đặt bài trên trang báo phù hợp cũng là việc quan trọng. Thông thường đối tượng của thương hiệu sẽ trùng với đối tượng của những trang báo, ví dụ như về giới trẻ sẽ có Kênh 14, độ tuổi trưởng thành, dân văn phòng sẽ có Afamily, Dân trí...

Hiện nay, nhu cầu thưởng thức ẩm thực đã tăng lên cao, không chỉ là ăn uống mà nó còn là thưởng thức, như một loại nghệ thuật tinh túy. Chính vì vậy, những không gian đẹp, những món ăn detox ít đạm hay phong cách phục vụ đẳng cấp sẽ là ưu điểm rất tốt để thương hiệu có thể lựa chọn đưa vào bài PR, quảng bá thêm danh tiếng tốt đẹp của mình.

Bài viết có sử dụng một phần tư liệu từ Blog brandtaste.wordpress

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.