Quảng cáo bia rượu đang gặp khó khăn với bước đi mới của Quốc hội

19 Thg 09

Ngành quảng cáo bia rượu đang gặp phải khó khăn khi đứng trước nguy cơ bị cấm quảng cáo với các sản phẩm bia rượu có trên 15 độ cồn. Quyết định chính thức được Quốc đưa ra lần đầu tiên với dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

(Ảnh: Internet)

Tình trạng báo động về thói quen sử dụng rượu bia của người Việt Nam

Trước đó, trong báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện ban soạn thảo cho biết việc sử dụng rượu, bia là thói quen tiêu dùng đã tồn tại lâu đời ở Việt Nam. Sử dụng rượu, bia ở liều lượng chừng mực có thể mang lại tác động tích cực. Tuy nhiên, do rượu, bia đều chứa cồn là chất gây nghiện, được Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) xếp vào nhóm chất gây ung thư có tác động lên hầu hết cơ quan trong cơ thể, nên sử dụng rượu, bia không đúng liều lượng có nguy cơ gây ra các tác động tiêu cực đối với sức khỏe.

Tại Việt Nam, thực trạng sử dụng rượu, bia đã ở mức báo động thể hiện qua 3 tiêu chí về mức tiêu thụ (nhất là ở nam giới), bao gồm cả số lượng tuyệt đối cũng như quy đổi về số lít cồn nguyên chất bình quân đầu người.

Cụ thể, theo Tổng cục thống kê, mỗi người dân Việt Nam (trên 15 tuổi) sử dụng tới 4,4 lít cồn nguyên chất trong năm 2014. Còn theo số liệu ước tính năm 2016 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) con số này lên tới là 8,3 lít, và Việt Nam đứng thứ 64/194 nước sử dụng rượu, bia nhiều trên thế giới.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ người uống rượu, bia đều gia tăng và tỷ lệ thanh niên, thiếu niên uống rượu, bia ở mức cao lên tới 70% với nam và 6% với nữ (trên 15 tuổi) vào năm 2010. Đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên 80,3% ở nam giới và nữ giới là 11,6%, trong đó, 44,2% nam giới uống ở mức nguy hại, tăng 1,76 lần so với năm 2010.

Người Việt Nam đang tiêu thụ một số lượng lớn bia hơi (Ảnh: Đời sống pháp luật)

Ban soạn thảo cũng đưa ra thống kê của WHO cho biết phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3-3,3% GDP của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, ước tính phí tổn kinh tế do rượu, bia gây ra ở mức thấp nhất (1,3% GDP) cũng gây thiệt hại khoảng 65.000 tỷ đồng. Riêng chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia của Việt Nam năm 2017 là gần 4 tỷ USD.

Quyết định từ phía Quốc hội

Chiều 17/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Thường trực Ủy ban cho hay Điều 9 dự thảo Luật chỉ quy định 2 trường hợp không được sử dụng, rượu, bia là: cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thời gian làm việc, nghỉ giữa ca và không được uống tại địa điểm cấm bán rượu, bia. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá tác động lại có nêu thêm các trường hợp không bán rượu cho người có biểu hiện say; phụ nữ có thai; người đang điều khiển phương tiện giao thông. Vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung các đối tượng này đồng thời bổ sung giải pháp cụ thể để đảm bảo tính khả thi với mọi “người lao động".

>>> Xem thêm: Sự tụt dốc của Habeco và bài học cho thương hiệu bia Việt

Ngành quảng cáo bia rượu đang gặp nhiều khó khăn hơn

Về quy định kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia hiện có 2 luồng ý kiến trái chiều. Một là nhất trí với quy định kiểm soát chặt chẽ việc quảng cáo, khuyến mại và tài trợ rượu bia để hạn chế khả năng tiếp cận rượu, bia.

Hai là việc dự thảo Luật kiểm soát chặt chẽ quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu bia sẽ ảnh hưởng đến việc đóng góp cho ngân sách nhà nước từ hoạt động quảng cáo. Ngành quảng cáo bia hơi đang góp phần không nhỏ cho GDP nước nhà. Không cần tranh cãi, ta cũng biết lượng tiêu thụ ở Việt Nam rất cao so với khu vực. Cùng với đó, nguồn kinh phí từ các doanh nghiệp rượu bia chắc chắn sẽ cắt giảm cho các hoạt động của nhà nước về việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao.

Từ nay Vodkca cá sấu có thể đối diện với nguy cơ bị cấm quảng cáo (Video: Trắng TV)

Để trả lời cho kiến nghị này, Thường trực Ủy ban cho hay tuy sẽ có phần nào tác động đến ngân sách Nhà nước và các hoạt động văn hóa nhưng đứng về góc độ sức khỏe và những chi phí phải bỏ ra cho việc điều trị bệnh có liên quan đến rượu, bia thì việc quy định kiểm soát quảng cáo rượu, bia là cần thiết.

Bên cạnh đó, nếu như Luật Thương mại chỉ cấm quảng cáo rượu từ 30 độ cồn trở lên thì Luật Quảng cáo năm 2015 đã đưa rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên thuộc danh mục cấm quảng cáo. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, với cùng 1 lượng rượu hay bia cùng một độ cồn trên 15 độ khi vào cơ thể sẽ có tác hại như nhau. Do vậy, Thường trực Ủy ban nhất trí với quy định “cấm quảng cáo rượu, bia trên 15 độ cồn”. Ngoài ra, quy định “mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân không được tài trợ bằng vật phẩm rượu, bia; có tên hình ảnh, sản phẩm rượu, bia trên vật phẩm tài trợ và trong hoạt động tài trợ và quảng cáo rượu trong hoạt động tài trợ” cũng được đề nghị nghiên cứu đưa ra.

>>> Xem thêm:  Tái hiện Lệnh cấm uống bia với quảng cáo “liều lĩnh” từ Budweiser

Kết

Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi, tương lai nghị quyết cấm quảng cáo đổi với bia rượu từ 15 độ trở lên sẽ sớm đi vào hoạt động và gây ra nhiều khó khăn cho các Marketer. Đứng trước dự thảo này, Marketer cần chuẩn bị sẵn tâm lý và hành trang để chiến đấu với những nghị quyết khó khăn sau này của Quốc hội. Ngoài ra, cũng cần điều chỉnh khéo léo nghệ thuật quảng cáo, thay vì chỉ những phương thức quảng cáo truyền thống, các doanh nghiệp bia rượu cần phải có nhiều chiến thuật thông minh hơn.

Nguồn: Zing News

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.