Quảng cáo cá nhân hóa là gì? 3 bước tạo quảng cáo giúp tăng tương tác

09 Thg 12

Khi lướt mạng xã hội, đọc một bài báo hay xem video trên YouTube, khách hàng có thể cảm thấy khó chịu khi bắt gặp những quảng cáo không phù hợp. Do đó, nhiều thương hiệu hiện nay đã sử dụng các quảng cáo cá nhân hóa để tăng sự hài lòng của khách hàng, từ đó thúc đẩy lượt mua. Vậy phương pháp này có hiệu quả như thế nào, hãy cùng Marketing AI khám phá trong bài viết dưới đây.

1. Quảng cáo cá nhân hóa là gì?

Quảng cáo cá nhân hóa là một hình thức tiếp thị được xây dựng dựa trên thông tin cụ thể của từng đối tượng người tiêu dùng. Thay vì chỉ sản xuất một nội dung chung chung cho toàn bộ đối tượng, quảng cáo cá nhân hóa sử dụng những dữ liệu như độ tuổi, giới tính, sở thích, lịch sử mua hàng…. để tăng mức độ liên quan của quảng cáo đối với người xem.

Một ví dụ kinh điển về tiếp thị hóa cá nhân là trường hợp của Target. Năm 2012, Target đã thực hiện một chiến dịch nhắm tới phụ nữ mang thai. Để tiếp cận nhóm khách hàng này, thương hiệu đã thiết kế điểm “dự đoán mang thai” (pregnancy prediction) dựa trên thay đổi trong hành vi mua sắm của họ, chẳng hạn như mua tủ lớn, chuyển sang dùng xà phòng không mùi… Từ các dữ liệu này, Target có thể dự đoán khách hàng nào đang hoặc chuẩn bị mang bầu, sau đó gửi các ưu đãi và quảng cáo liên quan đến sản phẩm mẹ và bé.

Quảng cáo cá nhân hóa là gì? 3 bước tạo quảng cáo giúp tăng tương tác- Ảnh 1.

2. Lợi ích của quảng cáo cá nhân hóa đối với khách hàng và doanh nghiệp

Quảng cáo cá nhân hóa là công cụ đắc lực giúp doanh nghiệp đạt hiệu quả marketing và tạo trải nghiệm mua sắm tích cực cho khách hàng.

Đối với doanh nghiệp:

  • Thúc đẩy tương tác: Quảng cáo cá nhân hóa phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu của khách hàng nên có thể thu hút sự chú ý của họ và thúc đẩy các hành động như nhấp vào quảng cáo, liên hệ với doanh nghiệp, chia sẻ thông điệp…
  • Tăng tỷ lệ chuyển đổi: Nhờ tiếp cận đúng đối tượng khách hàng, đồng thời chỉ hiển thị những thông tin, ưu đãi mà họ thực sự quan tâm và có khả năng mua, quảng cáo cá nhân hóa giúp doanh nghiệp tăng tỷ lệ chuyển đổi và cải thiện doanh số bán hàng. Một khảo sát của Gitnux đã khẳng định điều này khi công bố rằng 80% khách hàng cho biết nhiều khả năng họ sẽ mua hàng của các thương hiệu gửi các ưu đãi cá nhân hóa.
  • Tiết kiệm chi phí: Vì quảng cáo cá nhân hóa nhắm đến một đối tượng khách hàng cụ thể, có tiềm năng mua hàng nên doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí tiếp thị và tối ưu hóa hiệu quả của chiến dịch.
  • Tăng tỷ lệ khách hàng trung thành: Nhờ đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng, thương hiệu có thể tạo dựng mối quan hệ gần gũi với họ, từ đó làm tăng tỷ lệ khách hàng trung thành và giảm tỷ lệ mất khách.

Đối với khách hàng:

  • Tiết kiệm thời gian, sức lực: Quảng cáo cá nhân hóa giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và công sức vì có thể dễ dàng tìm được sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ quan tâm, không cần lọc qua những thông tin ít liên quan.
  • Tăng sự hài lòng: Khi nhận được những quảng cáo và ưu đãi phù hợp với nhu cầu của mình, khách hàng cảm thấy bản thân được quan tâm và hài lòng hơn với trải nghiệm mua sắm.

3. Cách xây dựng quảng cáo cá nhân hóa

Nhìn chung, việc xây dựng một quảng cáo cá nhân hóa sẽ trải qua 3 giai đoạn chính, bao gồm thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu và nhắm mục tiêu quảng cáo.

3.1. Thu thập dữ liệu về khách hàng

Thu thập dữ liệu về khách hàng là bước đầu tiên để xây dựng một quảng cáo cá nhân hóa phù hợp với từng đối tượng. Doanh nghiệp có thể sử dụng các công cụ phân tích website như Google Analytics để thu thập các thông tin giá trị về hành vi của người dùng, bao gồm thông tin nhân khẩu học, nội dung người dùng nhấp vào, lượng thời gian họ dành cho mỗi trang…

Lượt thích, chia sẻ, bình luận và theo dõi trên các trang mạng xã hội như Facebook, TikTok và Instagram cũng có thể giúp doanh nghiệp hiểu hơn về sở thích, thói quen và lòng trung thành của người dùng với thương hiệu.

Ngoài sử dụng các công cụ trực tuyến, doanh nghiệp có thể gửi mẫu khảo sát để khách hàng chia sẻ thông tin cá nhân cũng như đánh giá về sản phẩm, dịch vụ. Một cách tiếp cận phổ biến khác là tung ra các mã giảm giá, tài liệu, ebook… để đổi lấy thông tin khách hàng. Theo Capterra, có đến 85% người mua sẽ cung cấp email để lấy mã giảm giá. Lần lượt 70% và 60% cho biết họ sẽ chia sẻ giới tính và tên. Các thông tin cá nhân khác mà khách hàng có thể sẽ cung cấp bao gồm ngày sinh (48%), nghề nghiệp (43%) và địa chỉ nhà (32%).

Quảng cáo cá nhân hóa là gì? 3 bước tạo quảng cáo giúp tăng tương tác- Ảnh 2.

3.2. Phân tích dữ liệu và phân loại khách hàng

Bước tiếp theo, doanh nghiệp có thể tiến hành phân tích dữ liệu để xác định và phân loại khách hàng vào các nhóm cụ thể hơn, dựa theo các tiêu chí như nhân khẩu học, địa lý, hành vi…

  • Nhân khẩu học: Phương pháp này sẽ phân loại khách hàng vào các mục nhỏ hơn dựa theo tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp…. Ví dụ, phân khúc tuổi chia khách hàng thành thế hệ Millennials và gen Z. Phân khúc nghề nghiệp tập trung vào công việc và thâm niên của họ trong nghề.
  • Địa lý: Khách hàng sẽ có nhu cầu khác nhau tùy thuộc vào nơi họ sinh sống. Khi phân loại dữ liệu khách hàng theo địa lý, doanh nghiệp có thể cân nhắc các yếu tố như khí hậu (nóng hay lạnh), dân số (đông đúc hay thưa thớt), văn hóa…
  • Hành vi: Thương hiệu có thể phân tích hành vi trước đó của khách hàng để hiểu những hoạt động của họ trên trang web, như sản phẩm đã xem, giỏ hàng và quy trình thanh toán, từ đó phân loại khách hàng vào các nhóm phù hợp.

3.3. Nhắm mục tiêu quảng cáo

Sau khi đã phân loại khách hàng vào các phân khúc phù hợp, bước tiếp theo là tiến hành tạo quảng cáo cá nhân hóa cho từng phân khúc. Với mỗi phân khúc, thương hiệu nên cá nhân hóa thông điệp, nội dung, ưu đãi riêng... để phù hợp với sở thích và nhu cầu của từng đối tượng.

Ví dụ, nếu nhắm tới mục tiêu là đối tượng khách hàng trẻ tuổi, doanh nghiệp có thể sử dụng ngôn ngữ thân mật và hài hước. Còn với đối tượng lớn tuổi hơn, cách tiếp cận phù hợp là sử dụng ngôn ngữ trang trọng và tập trung vào giá trị cũng như lợi ích của sản phẩm.

Bên cạnh nội dung, chọn kênh hoặc nền tảng quảng cáo phù hợp cũng rất quan trọng. Thương hiệu có thể hiển thị quảng cáo trên trang web, mạng xã hội, email, hoặc ứng dụng di động… Kết hợp cả hai điều này, doanh nghiệp có thể mang đến trải nghiệm hấp dẫn và phù hợp với khách hàng, dẫn đến tỷ lệ nhấp cao hơn, tăng chuyển đổi và hỗ trợ duy trì mối quan hệ.

4. Các loại hình quảng cáo cá nhân hóa

Có nhiều loại hình quảng cáo cá nhân hóa mà doanh nghiệp có thể sử dụng để tiếp cận và tương tác với khách hàng mục tiêu. Dưới đây là một số loại hình phổ biến:

4.1. Quảng cáo hiển thị

Quảng cáo hiển thị hay Google Ads Display là một loại hình quảng cáo cá nhân hóa trực tuyến mà thông điệp kêu gọi hành động (CTA) được hiển thị trên các trang web khác nhau, thông qua hình ảnh, video, hoặc các định dạng khác. Những quảng cáo này thường được tích hợp vào các trang web thông qua các mạng quảng cáo hoặc hệ thống quảng cáo của các trang web đó.

Loại quảng cáo này có thể xuất hiện ở đầu, dọc hai bên website hoặc chính giữa nội dung mà người dùng đang xem. Nó cho phép doanh nghiệp cá nhân hóa nội dung và vị trí hiển thị của quảng cáo, đo lường và theo dõi hiệu suất thông qua tỷ lệ nhấp chuột (CTR), tỷ lệ chuyển đổi, và các chỉ số khác.

Quảng cáo cá nhân hóa là gì? 3 bước tạo quảng cáo giúp tăng tương tác- Ảnh 3.

4.2. Quảng cáo tìm kiếm

Quảng cáo tìm kiếm là một loại hình quảng cáo trực tuyến mà thông điệp của quảng cáo được hiển thị trong kết quả tìm kiếm của các công cụ tìm kiếm như Google, Bing.... Đây là một phần của dịch vụ quảng cáo trực tuyến được gọi là quảng cáo trên công cụ tìm kiếm (SEM - Search Engine Marketing). Ví dụ khi tìm kiếm “khách sạn”, những kết quả đầu tiên có gắn chữ “sponsored” (được tài trợ) mà Google trả về đều là quảng cáo tìm kiếm. Công cụ này thúc đẩy người dùng nhấp vào quảng cáo, gọi điện, nhắn tin… để tìm hiểu thêm thông tin.

Quảng cáo tìm kiếm giúp doanh nghiệp nhắm tới đối tượng khách hàng cụ thể bằng cách chọn từ khóa và cụm từ liên quan. Điều này giúp tối ưu hóa hiệu suất tiếp thị nhờ hiển thị quảng cáo phù hợp với những người dùng đang tích cực tìm kiếm sản phẩm hoặc dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp. Ngoài ra, Google Search cũng cho phép doanh nghiệp tùy chỉnh quảng cáo dựa theo các tiêu chí như vị trí địa lý, độ tuổi, giới tính, khung giờ… để đảm bảo thông điệp tiếp cận đúng đối tượng.

3.3. Quảng cáo trên mạng xã hội

Quảng cáo trên mạng xã hội là một loại hình quảng cáo trực tuyến được hiển thị trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter, LinkedIn.... Đây là một phần quan trọng trong chiến lược tiếp thị trực tuyến của nhiều doanh nghiệp do mạng xã hội là nơi có hàng triệu người dùng trực tuyến hàng ngày.

Với loại hình này, doanh nghiệp có thể dễ dàng thiết kế quảng cáo cá nhân hóa phù hợp với đối tượng khách hàng tiềm năng, đồng thời kết nối trực tiếp với họ. Thông qua việc theo dõi lượng truy cập và tương tác trên các tài khoản mạng xã hội, doanh nghiệp có thể biết thêm nhiều “insights” về khách hàng như sản phẩm mà họ quan tâm, những điểm họ chưa hài lòng…, từ đó điều chỉnh chiến lược marketing phù hợp.

Hình thức của quảng cáo mạng xã hội cũng rất đa dạng, bao gồm bài đăng, hình ảnh, video, carousels… và nhiều định dạng khác tùy thuộc vào nền tảng cụ thể.

Quảng cáo cá nhân hóa là gì? 3 bước tạo quảng cáo giúp tăng tương tác- Ảnh 4.

4.3. Quảng cáo email

Quảng cáo email hay email marketing là hình thức sử dụng email (thư điện tử) để giới thiệu, quảng cáo về sản phẩm, dịch vụ, duy trì mối quan hệ với khách hàng, nuôi dưỡng niềm tin với doanh nghiệp và xây dựng lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu. Nội dung của nó có thể bao gồm các bản tin (newsletter) được gửi hàng tuần hoặc tháng, thông điệp tiếp thị, ưu đãi sản phẩm, thông tin sự kiện hoặc nội dung giáo dục...

Khác với hình thức spam email (gửi email hàng loạt tới mọi khách hàng, khiến họ khó chịu và ít khi nhấp vào mail), email marketing tập trung vào đối tượng khách hàng mục tiêu đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, do đó mang lại hiệu quả cao hơn. Cụ thể, các nghiên cứu cho thấy email marketing được cá nhân hóa có thể tăng tỷ lệ mở email lên hơn 22%.

Để email marketing mang lại hiệu quả cao, doanh nghiệp có thể cá nhân hóa bằng cách sử dụng tên người nhận trong dòng chủ đề hoặc phần mở đầu của email, gửi email chứa thông tin về các sản phẩm hoặc dịch vụ mà khách hàng đã quan tâm hoặc mua trước đó, cung cấp thông tin về cửa hàng hoặc văn phòng gần nhất…

5. Những lưu ý để ứng dụng quảng cáo cá nhân hóa hiệu quả

Quảng cáo cá nhân hóa giúp thu hút khách hàng và tăng chuyển đổi. Tuy nhiên, hình thức này cũng tiềm ẩn những thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp chuẩn bị và có các biện pháp kịp thời.

5.1. Đảm bảo quyền riêng tư

Trước những lo ngại về bảo mật và quyền riêng tư, doanh nghiệp cần minh bạch về các dữ liệu được thu thập và cách sử dụng dữ liệu đó. Các hoạt động cụ thể có thể kể đến như cung cấp các chính sách bảo mật rõ ràng và ngắn gọn, cho phép khách hàng từ chối chia sẻ thông tin và tắt cá nhân hóa quảng cáo, đồng thời đảm bảo chỉ thu thập dữ liệu cần thiết cho chiến dịch.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần áp dụng các biện pháp bảo mật để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng và việc truy cập trái phép, dẫn đến rò rỉ thông tin. Điều này bao gồm việc sử dụng mã hóa dữ liệu, cập nhật các phần mềm bảo mật, thiết lập các biện pháp kiểm soát truy cập… Thông qua các biện pháp này, doanh nghiệp có thể đảm bảo rằng việc sử dụng quảng cáo cá nhân hóa không chỉ mang lại lợi ích kinh doanh mà còn bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng.

Quảng cáo cá nhân hóa là gì? 3 bước tạo quảng cáo giúp tăng tương tác- Ảnh 5.

5.2. Tạo thử nghiệm A/B và tối ưu hóa chiến dịch quảng cáo

Thử nghiệm A/B là một phương pháp thử nghiệm nhằm so sánh hiệu quả giữa hai phiên bản quảng cáo khác nhau (phiên bản A và phiên bản B). Mục tiêu của thử nghiệm này là xác định xem phiên bản nào có hiệu quả hơn trong việc thu hút khách hàng, tăng cường tương tác hoặc tăng tỷ lệ chuyển đổi.

Quá trình thử nghiệm thường bắt đầu bằng việc chọn một yếu tố cần thử nghiệm, ví dụ như tiêu đề, hình ảnh, mô tả sản phẩm, hoặc kêu gọi hành động (CTA). Sau đó, hai phiên bản quảng cáo được tung ra, mỗi phiên bản chỉ khác nhau ở một yếu tố duy nhất (ví dụ: phiên bản A có tiêu đề A, phiên bản B có tiêu đề B).

Từ các thông tin thu được về hiệu suất của 2 phiên bản, doanh nghiệp có thể điều chỉnh nội dung và hình thức của quảng cáo để cải thiện tính hiệu quả của chiến dịch và tối đa hóa ROI (tỷ suất hoàn vốn).

6. Xu hướng phát triển của quảng cáo cá nhân hóa

Cùng với sự phát triển của công nghệ, quảng cáo cá nhân hóa cũng ngày càng trở nên đa dạng với nhiều hình thức phong phú. Trong đó, phải kể đến việc ứng dụng các công nghệ AI, VR, AR để tạo quảng cáo thu hút và mang đến trải nghiệm độc đáo cho khách hàng.

6.1. Sử dụng AI để phân tích dữ liệu và đưa ra dự đoán

Doanh nghiệp có thể sử dụng AI để phân tích dữ liệu và hành vi của khách hàng khi tạo quảng cáo cá nhân hóa. Thuật toán AI có thể xử lý lượng lớn dữ liệu, bao gồm thông tin nhân khẩu học, lịch sử mua hàng, hành vi duyệt web và hoạt động trên mạng xã hội, nhờ đó giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về sở thích và hành vi của khách hàng.

Ngoài ra, bằng cách phân tích dữ liệu, thuật toán AI có thể dự đoán các xu hướng trong hành vi của khách hàng, chẳng hạn như loại sản phẩm họ quan tâm, thời gian họ có nhiều khả năng mua hàng nhất và các kênh họ thích sử dụng để liên lạc…. Từ các dự đoán này, thương hiệu có thể điều chỉnh quảng cáo cá nhân hóa và đề xuất các sản phẩm, dịch vụ hoặc nội dung phù hợp với nhu cầu của họ, đồng thời đảm bảo rằng thông điệp sẽ đến đúng đối tượng vào đúng thời điểm.

Quảng cáo cá nhân hóa là gì? 3 bước tạo quảng cáo giúp tăng tương tác- Ảnh 6.

6.2. Sử dụng công nghệ VR và AR để tạo quảng cáo thu hút, thúc đẩy tương tác

Công nghệ VR (thực tế ảo) và AR (thực tế tăng cường) giúp doanh nghiệp tạo ra các quảng cáo cá nhân hóa sống động và hấp dẫn, từ đó thúc đẩy khách hàng tương tác với quảng cáo và sản phẩm. Nếu như VR tạo ra một môi trường ảo hoàn toàn mới và đưa người dùng vào đó thì AR kết hợp các yếu tố ảo vào thế giới thực.

Các công ty có thể sử dụng công nghệ VR để tạo video quảng cáo 360 độ, giúp người tiêu dùng khám phá sản phẩm và dịch vụ từ mọi góc độ. Hình thức này thường được sử dụng để quảng cáo các mặt hàng có nhiều hình ảnh gây ấn tượng mạnh, chẳng hạn như ô tô, thời trang và bất động sản. Những video này cũng rất phù hợp để chia sẻ trên mạng xã hội, nhằm tăng độ hiện diện và độ thảo luận về thương hiệu.

Trong khi đó, công nghệ AR có thể tích hợp vào các quảng cáo trên mạng xã hội, như quảng cáo dưới đây của Michael Kors cho phép khách hàng trải nghiệm sản phẩm trực tuyến chỉ bằng vài nút nhấn. Ngoài ra, công nghệ này cũng thường được sử dụng cho các quảng cáo OOH, trên màn hình lớn ở những nơi đông người, như tại các ngã tư tấp nập hoặc trong khu trung tâm mua sắm. Những quảng cáo này dễ dàng thu hút sự chú ý của người đi đường, kích thích cảm xúc mạnh mẽ và tạo cảm giác gắn kết với thương hiệu.

Kết luận

Quảng cáo cá nhân hóa là một giải pháp hiệu quả để giúp doanh nghiệp tiếp cận đúng đối tượng khách hàng, tạo mối liên hệ gần gũi với họ, từ đó thúc đẩy tương tác và tăng lượt mua. Thông qua những gợi ý về cách xây dựng quảng cáo cá nhân hóa và các ứng dụng mới nhất của loại hình này, Marketing AI hy vọng thương hiệu có thể ứng dụng nó một cách hiệu quả để có những chiến dịch thành công.

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.