ROE là gì? Vì sao ROE có ý nghĩa quan trọng trong kinh doanh?

Theo các bạn ROE là gì? ROE quan trọng với doanh nghiệp như thế nào? Có thế nói, việc lời lãi, hoàn vốn, làm sao để thu được % lợi nhuận cao nhất là bài toán cân não với các...

Theo các bạn ROE là gì? ROE quan trọng với doanh nghiệp như thế nào? Có thế nói, việc lời lãi, hoàn vốn, làm sao để thu được % lợi nhuận cao nhất là bài toán cân não với các nhà đầu tư. Để đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, các nhà tư cần kết hợp nhiều chỉ số để đánh giá tổng thể các hoạt động kinh doanh, tránh trường hợp đi những "nước cờ" sai, dẫn đến thua lỗ. Và lúc này, chỉ số ROE sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra đánh giá trực quan, toàn diện nhất. Vậy bạn đã biết chỉ số ROE là gì chưa?

Trong bài viết dưới đây, hãy cùng MarketingAI tìm hiểu chi tiết các thông tin về khái niệm chỉ số ROE cũng như mối quan hệ giữa ROE và các chỉ số tài chính khác nhé!

Chỉ số ROE là gì?

ROE là viết tắt từ cụm Return On Equity -có nghĩa là lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu hay lợi nhuận trên vốn.

Đây là chỉ số nhằm đo lường mức độ hiệu quả của việc sử dụng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Ví dụ, bạn bỏ tiền của chính mình ra để mở một quán ăn, trong 12 tháng sản sinh một số tiền lời nhất định. Thì ROE sẽ là tỷ số của tiền lời / tiền vốn mà bạn bỏ ra. Đơn vị tính ROE là %.

Chỉ số ROE là gì?

Khái niệm ROE là gì? Cách tính ROE trên báo cáo tài chính

Công thức tính chỉ số ROE

Công thức chung:

ROE = x 100%

Trong đó, lợi nhuận sau thuế là thu nhập ròng dành cho cổ phiếu thường, vốn chủ sở hữu là tổng số vốn của chủ đầu tư.

Ví dụ:

Doanh nghiệp X có lợi nhuận ròng sau thuế là 20.000.000đ, vốn chủ sở hữu là 100.000.000đ.

=> Áp dụng công thức, ta có: ROE = 20.000.000/100.000.000 = 0,2 hay 20%

Có nghĩa là, doanh nghiệp X bỏ ra 1 đồng vốn kinh doanh, thu về 0.2 đồng lợi nhuận.

Ý nghĩa của chỉ số ROE là gì?

Chỉ số ROE thể hiện mức độ sử dụng vốn hiệu quả của doanh nghiệp. Nói cách khác, nó giúp chủ đầu tư tính xem, với 1 đồng vốn bỏ ra, doanh nghiệp sẽ thu về được bao nhiêu đồng lợi nhuận.

Doanh nghiệp duy trì chỉ số ROE ổn định ở mức cao là dấu hiệu tích cực cho thấy việc kinh doanh có hiệu quả. Tuy nhiên, chỉ số cao hay thấp, bao nhiêu là hợp lý thì cần phải phân tích kỹ hơn bởi nó phụ thuộc tương tối vào mức độ trung bình của ngành nghề mà doanh nghiệp đang hoạt động.

Chẳng hạn, với ngành hàng tiêu dùng có tính phòng thủ cao thì chỉ số ROE dao động ở mức 15,4%.

Hay hoặc ngành công nghệ thông tin - quy mô tài sản tương đối nhỏ so với doanh thu thì chỉ số ROE dao động vào khoảng trung bình 22% hoặc lớn hơn.

Ý nghĩa của chỉ số ROE là gì?

Ý nghĩa của ROE là gì trong doanh nghiệp? Mối quan hệ giữa ROA và ROE (Ảnh: massageishealthy.com)

Chỉ số ROE như thế nào là tốt?

Theo quy chuẩn quốc tế đánh giá một công ty có đủ năng lực tài chính thì chỉ số ROE phải đạt mức tối thiểu 15%.

Theo tiêu chí trong phương pháp lựa chọn cổ phiếu CANSLIM của nhà đầu tư huyền thoại William J. O'Neil thì ROE của doanh nghiệp cũng phải tối thiểu đạt 15%.

Tuy nhiên, ROE không chỉ xét trong một năm riêng lẻ mà nên đánh giá trong ít nhất là 3 năm. Nếu doanh nghiệp duy trì ROE >=20% và kéo dài chỉ số này liên tục trong 3 năm thì mới đủ sức thuyết phục và có chỗ đứng vững chắc trên thương trường.

Như vậy, ROE >=15% (điều kiện duy trì tối thiểu trong 3 năm) mới được đánh giá là doanh nghiệp làm ăn hiệu quả.

Bên cạnh đó, chủ sở hữu cùng cần xem các yếu tố tác động đến ROE để phân tích. Chỉ số ROE tạo nên từ tích của 3 yếu tố gồm: lợi nhuận biên, vòng quay tài sản và đòn bẩy tài chính.

Từ việc phân tích 3 yếu tố tạo nên chỉ số ROE, nhà đầu tư sẽ có cái nhìn tổng quan nhất. Khi ROE tăng, hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp cũng tăng, nhà đầu tư sẽ dự đoán được ROE những năm tiếp theo và đánh giá cổ phiếu khả quan hơn. Ngược lại, ROE giảm, nhà đầu tư sẽ đánh giá cổ phiếu thấp hơn.

Tóm lại: ROE >=15% + ROE ngày càng tăng + Duy trì tối thiếu 3 năm => Doanh nghiệp tốt.

>> Xem thêm: ROI là gì

Ví dụ minh hoạ về chỉ số ROE

Sau khi đã hiểu ROE là gì cũng như cách tính chỉ số ROE, hãy cùng xem một vài chỉ số ROE của các doanh nghiệp nổi tiếng sau đây nhé.

Chỉ số ROE của Vinamilk

Chỉ số ROE của Vinamilk

Roa là gì? Eps là gì? Chỉ số ROE, ROA, EPS, BV, P/E của Vinamilk

Có thể thấy, ROE của Vinamilk dao động luôn trên mức 30%, từ năm 2013 đến 2016 lần lượt là 37,24%, 30,84%, 37,15% và 41,73%.

Điều đó có nghĩa, vốn cổ đông do Vinamilk sử dụng rất hiệu quả và ổn định. Đây cũng là lý do giải thích vì sao giá cổ phiếu của VNM luôn tăng trưởng tốt trên thị trường và là cổ phiếu xứng đáng nắm giữ dài hạn.

Không chỉ có VNM, chỉ số ROE của các cổ phiếu như WCS, MWG, HGP, FPT, DSN... cũng rất tốt. Vấn đề nằm ở việc chúng ta có mua được với mức giá hợp lý hay không thôi.

Hệ số ROE cổ phiếu của FLC

Hệ số ROE cổ phiếu của FLC

P/E là gì? BV là gì? Hệ số ROE, ROA, EPS, BV, P/E của FLC

Chỉ số ROE của FLC luôn <15%, chứng tỏ tập đoàn này chưa thực sự sử dụng vốn hiệu quả. Nhưng nếu chỉ nhìn vào ROE thì nó cũng nét tăng trưởng tích cực.

Tuy nhiên đây không phải một nơi đáng để đầu tư dài hạn. Các cổ phiếu như KLF, HAI, ART, ROS... chỉ nên làm cổ phiếu lướt sóng hoặc đánh bạc.

Mối quan hệ giữa ROE và các chỉ số tài chính khác

Chỉ số ROE và ROA hay đi kèm với nhau. Chúng ta đã biết ROE là gì, vậy thì cùng tham khảo luôn xem ROA là gì nhé!

ROA là viết tắt của Return on Assets, hay còn gọi là tỷ số lợi nhuận trên tài sản. ROA thể hiện hiệu quả của doanh nghiệp trong việc sử dụng tài sản để kiếm lời.

Công thức: ROA = (Lợi nhuận sau thuế/Tài sản) * 100%

Nếu như mẫu số trong công thức của ROE là vốn chủ sở hữu thì ROA là tài sản. Tài sản là tổng số tài sản hiện có của doanh nghiệp, bao gồm vốn của chủ sở hữu và nợ.

Mối liên hệ của 2 chỉ số này tạo ra công thức:

Đòn bẩy tài chính = ROE/ROA = Tổng tài sản / Vốn của chủ sở hữu

Đòn bẩy tài chính là yếu tố để đánh giá một doanh nghiệp có hoạt động tốt hay không. Một doanh nghiệp phát triển thường có đòn bẩy tài chính ở mức rất thấp hoặc mức hợp lý.

Ví dụ:

Công ty X có: ROE = 20%, ROA = 15%

Công ty Y có: ROE = 25%, ROA = 5%

Dựa theo công thức đòn bẩy tài chính (với điều kiện tài chính, lĩnh vực kinh doanh của 2 công ty là như nhau) thì công ty X sẽ được đánh giá cao hơn công ty B dù B có chỉ số ROE cao hơn.

Tuy nhiên, đòn bẩy tài chính cũng phụ thuộc vào ngành nghề mà công ty đang kinh doanh. Ví dụ bên ngân hàng có chỉ số ROE cao trong khi ROA rất thấp, bởi bản chất của ngân hàng là hưởng lợi từ sự chênh lệch lãi suất lợi nhuận giữa tiền người gửi và tiền cho vay hoặc đầu tư. Đối với ngành này, chỉ số ROE cao hơn ROA gấp 10 lần là bình thường.

Trong kinh doanh, ROE công thức sẽ bằng: Lợi nhuận biên x Vòng quay tài sản x Đòn bẩy tài chính

Do đó, nếu muốn tăng chỉ số ROE, doanh nghiệp phải tăng ít nhất 1 trong 3 chỉ số trên:

  • Lợi nhuận biên = thu nhập sau thuế/doanh thu

Để tăng lợi nhuận biên, doanh nghiệp cần tăng khả năng cạnh tranh, cắt giảm chi phí đầu tư.

  • Vòng quay tài sản = doanh thu của doanh nghiệp/tổng tài sản

Để tăng chỉ số vòng quay tài sản, doanh nghiệp cần tạo ra nhiều doanh thu hơn bằng cách kết hợp kinh doanh nhiều lĩnh vực. Ví dụ, cùng là một quán cà phê, sáng bạn có thể bán kèm đồ ăn sáng, trưa bán cơm văn phòng và tối tổ chức các lớp học kèm tiếng anh hoặc kỹ năng khác. Như vậy, cùng một tổng tài sản là quán cà phê, doanh thu của bạn có thể nhân 3 nhờ kinh doanh kết hợp.

  • Đòn bẩy tài chính = Tài sản / Vốn của chủ sở hữu

Để tăng chỉ số đòn bẩy tài chính, doanh nghiệp có thể vay thêm vốn đầu tư. Nếu mức lãi suất vay nợ không vượt quá tổng tài sản của doanh nghiệp -> số tiền vay đầu tư đã có hiệu quả.

Mối quan hệ giữa ROE và các chỉ số tài chính khác

Ảnh: dinhnghia.com

Những lưu ý về chỉ số ROE bạn nên biết

Nếu như thấy rõ được bản chất của ROE là gì thì doanh nghiệp không nên quá coi trọng chỉ số ROE mà nên kết hợp với các chỉ số tài chính khác để có cái nhìn tổng quát và hiệu quả hơn.

Chỉ số ROE hoàn toàn có thể bị can thiệp nếu doanh nghiệp mua lại cổ phiếu quỹ để làm giảm vốn chủ sở hữu. Lúc này, lợi nhuận không đổi nên ROE sẽ tăng lên. Hoặc doanh nghiệp có thể sử dụng thủ thuật kế toán nhằm tăng ROE. Chỉ số ảo này sẽ khiến các nhà đầu tư "sa vào bẫy" khi chỉ tập trung vào ROE để tìm kiếm cổ phiếu.

Ngoài ra, còn rất nhiều các phân khúc khác có thể đầu tư, không nhất thiết chỉ dựa vào chỉ số ROE cao.

Lời kết

Trên đây, MarketingAI chúng tôi đã giúp các bạn hiểu rõ cơ bản về chỉ số ROE là gì và tầm quan trọng của chỉ số ROE trong kinh doanh. Tóm lại, ROE là một chỉ số quan trọng đối với các nhà đầu tư. Nếu phân tích và đánh giá chỉ số một cách đúng đắn sẽ mang lại hiệu quả đầu tư cao cho doanh nghiệp. Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu ROE là gì cũng như giải đáp thắc mắc về các ý nghĩa, mối liên hệ của chỉ số này trong công việc kinh doanh. Chúc bạn sớm đưa ra những quyết định đúng đắn hơn trong đầu tư!

Hải Yến - MarketingAI 

Tổng hợp

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.