Sự trỗi dậy của mô hình S-commerce: Thương hiệu nào đã tận dụng thành công?

30 Thg 11

Có một sự thật hiển nhiên rằng, trong thời đại kỷ nguyên số phát triển như vũ bão hiện nay, ai “nắm thóp” được công nghệ, người đó thắng. Theo một nghiên cứu của cơ quan tiếp thị kỹ thuật số ODM Group, 74% người tiêu dùng phụ thuộc vào mạng xã hội để đưa ra quyết định mua hàng. Điều này mang lại một cơ hội to lớn để các thương hiệu tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng tiềm năng hơn và thu lợi nhuận cao hơn trên mạng xã hội. Và xu hướng S-commerce trở thành vũ khí đắc lực cho các thương hiệu trong cuộc đua ấy. Đã có rất nhiều brands lớn thành công với mô hình này như ASOS, Pink Lily, MVMT...

Sự trỗi dậy của S-commerce

Hiểu đơn giản, S-commerce là cách mà doanh nghiệp sử dụng mạng xã hội để tiếp cận khách hàng, gia tăng trải nghiệm mua sắm của họ. S-commerce là social commece, kết hợp giữa 2 cụm: social media (mạng xã hội) và eCommerce (TMĐT)

Từ hot girl bán quần áo trên Instagram đến mẹ bỉm sữa bán giày dép trên Facebook… tất cả những hoạt động này đều là S-commerce. 

Hình thức mua sắm trực tuyến đã thực sự trở thành xu hướng trong những năm gần đây. 60% người dùng Instagram cho biết họ tìm kiếm sản phẩm từ nền tảng này, 30% khách hàng muốn mua và thanh toán ngay trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter,...

>>> Có thể bạn quan tâm: E-commerce là gì

Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay mong muốn có thể ứng dụng mô hình S-commerce vào kinh doanh bởi thực tế nó mang lại vô vàn lợi ích, từ kích cầu mua sắm, tăng lượng đơn hàng, tạo tương tác với người dùng, tinh giản nhiều công đoạn bán hàng… 

Tại Trung Quốc, thị trường S-Commerce đạt mốc 170 tỷ USD vào năm 2018. Các nền tảng S-commerce  như Xiaohongshu hay Pinduoduo đều khá phổ biến với người dùng ở đất nước tỉ dân. Họ có thể đăng sản phẩm lên trên tài khoản và những người dùng khác có thể trực tiếp mua sản phẩm đó bằng một cú click vào phần được tag trên bài post. Thống kê năm 2018, có hơn 30 triệu người sử dụng hình thức kinh doanh này, tăng hơn 50,2 % so với 2017, theo China Daily.

Các trang web phổ biến nhất hiện nay khi nói đến thương mại xã hội là Instagram, Twitter, Pinterest và Facebook. Một nghiên cứu từ Shopify cho thấy Instagram có giá trị đơn hàng trung bình cao nhất trong số “bốn trang web lớn” về thương mại xã hội. Thật vậy, Facebook đang vượt lên trên nhiều đối thủ về dữ liệu mà họ có về người dùng.  Các tính năng báo cáo của gã khổng lồ này cho phép các công ty tinh chỉnh thông điệp và nhắm mục tiêu của họ tới đối tượng mục tiêu chính xác nhất.

Năm 2018, thị trường S-commerce Việt Nam ghi nhận đà tăng trưởng 30% mỗi năm, theo báo cáo của Google&Temase. Có thể thấy, S-commerce đang trở thành vũ khí đột phá phục vụ hiệu quả cho các doanh nghiệp trong thời gian tới, khi mạng xã hội và thương mại điện tử vẫn đang trên đà thống lĩnh mọi xu hướng marketing. 

>> Xem thêm: Nhìn lại các quảng cáo OOH thành công nhất thế giới năm 2020 bất chấp “bão” Covid-19

Case study về các thương hiệu sử dụng S-commerce thành công

ASOS

Asos là trang web bán lẻ thời trang nổi tiếng tại Anh được ưa chuộng trên thế giới. Khi mới bắt đầu marketing trên facebook, thương hiệu này đã quyết định làm cho các bài đăng trở nên thu hút, sống động hơn bằng cách sử dụng những bức ảnh đậm với màu sắc tươi sáng, bố cục hài hòa. Qua đó, ASOS đã nhận được nhiều hơn gấp đôi mức độ tương tác các bài đăng không có ảnh bằng cách tận dụng triệt để tính năng của facebook. 

Họ cũng có một kênh online channel nổi tiếng, As Seen on Me. Người dùng chia sẻ ảnh họ mặc sản phẩm của ASOS trên các trang mạng xã hội như Instagram và Facebook bằng cách sử dụng hashtag #asseenonme. Sau đó, cửa hàng sẽ thêm các liên kết giao dịch vào các mặt hàng nổi bật và hiển thị chúng cùng với ảnh trên kênh của họ.

Pink Lily Boutique 

Một ví dụ chiến dịch thành công khác có thể kể đến Pink Lily Boutique. Nhà bán lẻ thời trang dành cho phụ nữ này sở hữu kênh Instagram có 250.000 người theo dõi, là công cụ đắc lực hỗ trợ công việc kinh doanh và mang về hàng triệu đô la mỗi tháng. 

Bí mật của Pink Lily là gì? Đầu tiên, họ thường xuyên tìm kiếm phản hồi từ những khách hàng theo dõi brands, chẳng hạn như hỏi họ có cảm thấy hài lòng với màu sắc của chiếc váy họ đã đặt hay không. Pink Lily đăng tối đa câu hỏi mười lần một ngày, cung cấp cho mọi người nội dung mới và nhiều lý do hơn để quay lại trở lại ghé thăm trang cá nhân của họ. 

Ngoài ra thương hiệu cũng tổ chức các cuộc thi ảnh, kêu gọi mọi người chia sẻ và gắn thẻ bạn bè tham gia để giành được các phụ kiện và trang phục miễn phí. Những người đăng ảnh tự mặc trang phục của cửa hàng với thẻ #pinklilystyle sẽ được giới thiệu trên trang nhất của kênh thương hiệu của họ. Cách tiếp cận này đã giúp họ thu hút hơn 25.000 lượt truy cập mỗi ngày qua Instagram và thu về hơn 600 đơn đặt hàng mỗi ngày.

MVMT Watches khai thác Pinterest

MVMT Watches đã khai thác sức mạnh của các ghim quảng cáo trên Pinterest với mục đích nhằm tăng tỷ lệ chuyển đổi và mang lại giá trị cao nhất cho mỗi đơn đặt hàng mà họ nhận được từ bất kỳ nguồn lưu lượng truy cập nào. 

Hình ảnh sản phẩm được hãng lựa chọn cẩn thận sao cho thu hút lượt click từ khách hàng nhất, sau đó sẽ điều hướng trực tiếp họ đến trang thanh toán cho sản phẩm đó. Khách có thể tùy chỉnh thời gian và đặt vào giỏ hàng chỉ trong vài giây. Một chiến dịch kéo dài ba tháng đã mang lại lượng truy cập Pinterest tăng gấp 12 lần và hơn 11.000 lượt bán hàng cho MVMT Watches.

Đối với người tiêu dùng, để mua sản phẩm thuận tiện và dễ dàng, không gì tốt hơn việc tiếp cận trên những nền tảng mà họ dành nhiều thời gian cho chúng nhất. Mô hình thương mại xã hội S-commerce đã chứng minh sự vượt trội và hiệu quả so với mô hình marketing truyền thống bằng những kết quả, con số tăng trưởng thuyết phục. 

Hải Yến - MarketingAI

Tham khảo fourthsource

> Có thể bạn chưa biết: Giải mã 5 chiến dịch social media marketing chiến thắng vang dội 

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.