Tâm lý học tiêu dùng: Names (tên của chúng ta) được tận dụng trong Marketing như thế nào?

28 Thg 11
Content Writer

Content Writer

Thanh Thanh

Bạn đã bao giờ cảm thấy hạnh phúc khi ai đó gọi tên bạn một cách gần gũi và thân thuộc chưa? Đối với mỗi người, tên là một phần quan trọng của bản thân, là điểm xuất phát của sự cá nhân hóa. Trong thế giới tiếp thị ngày nay, những người làm kinh doanh hiểu rằng việc tận dụng tên của khách hàng có thể tạo nên những trải nghiệm đặc biệt và tác động mạnh mẽ. Vậy names (tên của chúng ta) được tận dụng trong Marketing như thế nào?

1. Cách sử dụng tên gọi mỗi người trong những tình huống thực tế

Chắc hẳn, nhiều người đã từng cảm thấy thích thú khi nhận được dòng thông điệp từ các ứng dụng đặt xe vào ngày mưa: "Xin chào Ngọc, có vẻ như trời đang mưa. Bạn muốn chúng tôi đặt xe an toàn cho bạn không?" Hay vào mỗi buổi chiều, sau những giờ làm việc căng thẳng, ứng dụng giao hàng nhắc nhở: "Chào Huy, bạn có đang cảm thấy đói không? Chúng tôi có nhiều lựa chọn đặt món ngon miệng ngay bây giờ!"... Sự sáng tạo trong cách tích hợp tên người dùng, cùng với thông điệp linh hoạt dựa trên từng thời điểm tạo nên một trải nghiệm không chỉ cá nhân hóa mà còn giúp người dùng cảm thấy như đang tương tác với một trợ lý ảo riêng của mình.

Tâm lý học tiêu dùng: Names (tên của chúng ta) được tận dụng trong Marketing như thế nào? - Ảnh 1.

Thông báo đẩy (Push notifications) từ các ứng dụng giao hàng và đặt xe là ví dụ điển hình cho sự cá nhân hóa trong thời đại công nghệ. Những thông điệp ngắn gọn với tên gọi của từng người mang đến dấu ấn riêng và trở thành ấn tượng đầu tiên với khách hàng.

Cách sử dụng tên gọi tinh tế cũng được tận dụng khi thương hiệu tiếp xúc và chăm sóc khách hàng. Khi mua sắm online, cửa hàng giao nhầm món hàng cho bạn. Sau khi liên hệ với bộ phận chăm sóc hàng, điều mà bạn cảm thấy hài lòng và ấn tượng nhất chính là việc nhân viên CSKH đã chào bằng chính tên của bạn, thậm chí các tin nhắn, email hướng dẫn về cách đổi trả hàng, hay lời cảm ơn sau đó cũng đều sử dụng tên của bạn.

Tâm lý học tiêu dùng: Names (tên của chúng ta) được tận dụng trong Marketing như thế nào? - Ảnh 2.

Khi một thương hiệu hay cá nhân sử dụng tên của bạn trong các bài đăng, bình luận, hoặc thậm chí là trong các cuộc trò chuyện trực tuyến sẽ tạo ra một cảm giác gần gũi. Bạn không chỉ là một con số thống kê được ghi nhớ bởi ID đơn hàng mà là một vị khách hàng thực thụ trong số hàng triệu vị khách mà họ tiếp xúc mỗi ngày.

2. Tâm lý học về tên

Tâm lý học về tên hay còn được gọi là "onomastics" là một lĩnh vực nghiên cứu tâm học và ngôn ngữ học tập trung vào cách mà tên có thể ảnh hưởng đến tâm trạng, tư duy và hành vi của con người. Nghiên cứu chỉ ra rằng, khi chúng ta nghe ai đó gọi tên quen thuộc, não bộ sẽ giải phóng ra hai hormone là serotonin và dopamine. Đây là hai hormone chịu trách nhiệm cho cảm giác hạnh phúc và khích lệ. Điều này giúp giải thích tại sao việc gọi tên của một người bạn hay người nổi tiếng mà bạn hâm mộ có thể kích thích tâm trạng và tạo ra một liên kết tích cực.

Chẳng hạn nếu bạn là fan hâm mộ của BlackPink, khi tên họ được nhắc đến sẽ khiến bạn thực sự hào hứng: Ôi, Black Pink à? Mình cũng là fan cuồng Blackpink này!!! Như vậy, việc nhắc đến tên của một người bạn biết sẽ khiến não bộ trở nên hưng phấn hơn.

Tâm lý học tiêu dùng: Names (tên của chúng ta) được tận dụng trong Marketing như thế nào? - Ảnh 3.

Tuy nhiên, những lợi ích này không chỉ giới hạn trong việc gọi tên bất kỳ ai. Các nghiên cứu còn chỉ ra rằng não trái của chúng ta sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn khi nghe tên của chính mình được nhắc đến so với tên của người khác. Giả sử, bạn đang trong một cuộc trò chuyện với một người, việc họ luôn đề cập đến tên bạn trước mọi vấn đề sẽ khiến bạn cảm thấy vô cùng quen thuộc và gắn bó. Đặc biệt là trong marketing, khi thương hiệu hoặc doanh nghiệp sử dụng tên của khách hàng trong các tương tác, từ email cho đến cuộc gọi điện thoại chăm sóc khách hàng, họ không chỉ xây dựng một mối liên kết với khách hàng mà còn kích thích một phản ứng tích cực từ não bộ. Việc này làm tăng khả năng nhớ và tạo ra một trải nghiệm tương tác sâu sắc hơn. Điều này thực sự mang lại ý nghĩa trong lĩnh vực tiếp thị và quảng cáo, nơi mục tiêu chính là tạo ra một kết nối không chỉ về sản phẩm hay dịch vụ mà còn về cảm xúc và nhận thức cá nhân. Bằng cách tận dụng tên của khách hàng, thương hiệu có thể đạt được sự cá nhân hóa tối đa, tăng cường mối quan hệ gắn bó với khách hàng, từ đó, xây dựng lòng trung thành, tạo ra hiệu quả tiếp thị tích cực.

3. Bước vào tâm trí người tiêu dùng

Trong bối cảnh môi trường quảng cáo bị chi phối bởi vô vàn thông tin khác nhau, làm thế nào để nội dung của bạn “bắt” được vào tâm trí của khách hàng? Lúc này, cá nhân hóa chính là chìa khóa giúp nội dung của thương hiệu kết nối với từng cá nhân và tạo ra trải nghiệm độc đáo. Gọi tên người dùng, tự động điều chỉnh nội dung theo lịch sử tìm kiếm, hay tùy chỉnh trải nghiệm qua các kênh truyền thông đều là cách để làm cho người dùng cảm thấy gần gũi và thích thú. Chẳng hạn như “chào Huyền…” hay “Huyền à, hôm nay bạn muốn tìm kiếm điều gì?”...

Một email chào đón với tên của bạn, hay một trang web nhớ lịch sử tìm kiếm của bạn để tạo ra nội dung cá nhân hóa, tất cả đều nhằm mục đích tối ưu hóa trải nghiệm người dùng. Bằng cách này, không chỉ nội dung mà cả trang web hoặc ứng dụng của bạn đều trở nên hấp dẫn và thân thiện, khiến người dùng cảm thấy họ không chỉ là một con số trong hệ thống mà còn là một phần quan trọng và được quan tâm. Điều này tạo ra một sự gắn bó mạnh mẽ, giúp nội dung của bạn nổi bật và đánh bại sự chán chường do quảng cáo và thông tin nền.

Nhưng đó chưa phải là tất cả, nếu bạn chưa thực sự tin, hãy cùng nhìn lại thành công của hai chiến dịch cá nhân hoá bằng tên điển hình dưới đây.

3.1. Chiến dịch và sản phẩm “Share a Coke” của Coca-Cola

"Share a Coke" không chỉ là một chiến lược truyền thông mà còn là một hành trình thú vị, nơi thương hiệu Coca-Cola trở thành bức tranh cá nhân hóa cho mỗi người tiêu dùng. Từ việc gắn tên cá nhân lên sản phẩm, chiến dịch đã mở ra cơ hội được thể hiện bản thân và chia sẻ trải nghiệm của bản thân với cộng đồng xung quanh. Chẳng hạn, khi một khách hàng chia sẻ một chai Coca-Cola có khắc tên của mẹ mình trên đó, họ sẽ cảm thấy mình đang thể hiện tình cảm với mẹ chứ không phải đang quảng cáo cho nhãn hàng. “Share a Coke” đã chạm đến điểm ngọt ngào khi giúp người tiêu dùng trở nên nổi tiếng chỉ sau một vài thao tác đơn giản.

Tâm lý học tiêu dùng: Names (tên của chúng ta) được tận dụng trong Marketing như thế nào? - Ảnh 4.

Ra mắt lần đầu tiên vào năm 2011 tại đất nước của những chú chuột túi Australia, chiến lược đã đem về chiến thắng vang dội với hơn 250 triệu lon Coca gắn tên được bán trên 20 quốc gia chỉ trong một mùa hè ngắn ngủi.

3.2. Chiến dịch OreoID - Tạo bánh theo sở thích riêng

Thay vì chỉ đơn giản là giới thiệu sản phẩm, nhờ vào chiến dịch OreoID, thương hiệu đã mở rộng trải nghiệm của khách hàng bằng cách khuyến khích họ tự tay sáng tạo chiếc bánh Oreo theo sở thích cá nhân. Người tiêu dùng có thể thỏa sức thay đổi màu sắc của lớp kem phủ, lựa chọn màu sắc bánh yêu thích trong 7 màu gợi ý của thương hiệu là đỏ, cam, vàng, xanh lam, xanh lá, tím, trắng hoặc hồng. Thậm chí, khách hàng còn có thể thêm ảnh hoặc văn bản lên trên mặt trước của chiếc bánh để sở hữu một chiếc bánh độc nhất vô nhị cho mình. Quá trình này không chỉ tạo ra một sản phẩm cá nhân mà còn tạo nên một cộng đồng sáng tạo, nơi mà người hâm mộ Oreo chia sẻ ý tưởng và hình ảnh trên các nền tảng truyền thông xã hội, tăng cường tương tác và tạo ra một liên kết đặc biệt với thương hiệu. Đặc biệt, việc tương tác trực tiếp với người tiêu dùng thông qua việc chế tạo bánh còn giúp Oreo xây dựng một liên kết cá nhân hóa với khách hàng, không chỉ là một thương hiệu mà còn là một phần của cuộc sống hàng ngày của họ.

Chiến dịch OreoID không chỉ thành công trong việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm mà còn là một mô hình tốt cho cách thương hiệu có thể kết hợp giữa sự sáng tạo, tương tác cộng đồng và cá nhân hóa để xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ với khách hàng.

4. Cách sử dụng tên trong marketing: Cá nhân hóa (personalization)

Tựu chung lại, việc sử dụng names (tên của chúng ta) trong marketing chính là một chiến lược cá nhân hoá. Cá nhân hoá hay personalization là một xu hướng mạnh mẽ của marketing hiện đại. Chiến lược tập trung vào việc tùy chỉnh trải nghiệm khách hàng dựa trên thông tin và hành vi cá nhân, giúp tạo ra một trải nghiệm cá nhân và gắn bó sâu sắc hơn giữa khách hàng và thương hiệu.

Sử dụng trực tiếp tên gọi trong các kênh tương tác với khách hàng là một chiến lược hiệu quả để tạo ra trải nghiệm cá nhân hóa và thân thiện:

  • Qua email: Gửi email cá nhân hóa bằng cách sử dụng tên của khách hàng để tạo sự gần gũi và tương tác cá nhân.
  • Qua thiệp khi gửi hàng: Đính kèm một tấm thiệp cảm ơn khi đóng gói hàng với tên của khách hàng, tạo ra một trải nghiệm độc đáo và gần gũi.
  • Qua điểm chạm tư vấn trên các nền tảng thương mại điện tử (Lazada, Shopee…): Tùy chỉnh gợi ý sản phẩm dựa trên lịch sử mua sắm và quan tâm của khách hàng trên các nền tảng thương mại điện tử.
  • Qua telesale: Gọi điện thoại cá nhân hóa, sử dụng tên và thông tin cá nhân để tạo ra một trải nghiệm giao tiếp tích cực và cá nhân hóa.

Personalization không chỉ giúp tăng cường tương tác giữa khách hàng và thương hiệu mà còn tạo ra sự gắn kết mạnh mẽ và tăng cường độ tin cậy. Trong thời đại quảng cáo ngày nay, sự cá nhân hóa đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút và giữ chân khách hàng trong một thị trường cạnh tranh và đầy cạm bẫy thông tin.

Kết luận

Các chiến lược như sử dụng tên trong email marketing, gọi tên trong giao tiếp trực tiếp, hay thậm chí tùy chỉnh quảng cáo dựa trên tên đều là những cách tinh tế để tạo sự gần gũi và tăng cường mối quan hệ với khách hàng. Một biến đổi nhỏ nhưng có thể tạo ra sự thay đổi lớn, làm cho khách hàng cảm thấy không chỉ là một con số mà còn là một phần quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp.

Thanh Thanh - MarketingAI

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.