Táo Quân dưới góc nhìn truyền thông: Cách nắm bắt insight và chiến lược tiếp thị theo thời điểm đáng nể

09 Thg 02

“Thiếu Táo Quân thì còn gì là Tết” - Đó là câu nói rất quen thuộc đối với người Việt Nam vào mỗi dịp Tết đến Xuân về. Trải qua hơn 20 phát sóng, dù có rất nhiều chương trình Tết mới, nhưng Táo Quân (Gặp nhau cuối năm) vẫn là một gia vị Tết không thể thiếu trong truyền thống, thói quen của người Việt Nam. Dưới góc nhìn của marketer, Táo Quân cũng là một “thương hiệu” rất thành công trong việc chiếm trọn khoảnh khắc đêm giao thừa của người dân. Cùng nhìn lại những bài học truyền thông đắt giá cho các thương hiệu từ Táo Quân nhé!

Nắm bắt insight ngày Tết của người dân không kém cạnh thương hiệu nào

Cũng giống như các thương hiệu, Táo Quân hiểu và đáp ứng rất tốt insight của người dân vào thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

1. Tâm lý thích nhìn lại của người dân:

Tâm lý thích nhìn lại là một hiệu ứng tâm lý rất phổ biến của con người vào những thời điểm như cuối năm, cuối thập niên,.... Khi kết thúc một giai đoạn nào đó, chúng ta thường có xu hướng sống chậm lại và nhìn lại một hành trình đã qua của bản thân. Việc “nhìn lại” khiến người dân thích thú, bởi nó mang lại một cảm giác hoài niệm, cùng sự thỏa mãn khi đạt được những thành tựu, vượt qua những khó khăn trong một năm đã qua. Có thể thấy, sức mạnh của tâm lý này qua các chiến dịch Wrapped của Spotify, Google Year in Search của Google,...

Tâm lý đặc biệt này cũng được Táo Quân khai thác rất hiệu quả trong suốt 20 năm qua. Táo Quân được xây dựng như một chương trình tổng kết, ghi lại sự kiện nổi bật trong một năm của xã hội. Với Táo Quân, người dân có thể ngồi lại bên gia đình và cùng nhìn lại một năm đã qua ngay trước khoảnh khắc giao thừa đêm 30. Bởi vậy, Táo Quân giống như một bản recap quen thuộc đối với đông đảo người dân Việt Nam. Cứ mỗi mùa Táo Quân đến, dân tình lại xôn xao bàn tán và dự đoán xem những sự việc nào, scandal nào sẽ được các “Táo” nhắc tới trong buổi chầu Táo Quân.

Nắm bắt insight ngày Tết của người dân không kém cạnh thương hiệu nào

2. Kết hợp yếu tố giải trí

Giải trí là một yếu tố quen thuộc nhưng chưa bao giờ hết hiệu quả trong marketing của thương hiệu. Với Táo Quân cũng vậy. Chương trình này được yêu thích bởi các yếu tố hài hước, châm biếm, mang lại cho người xem cảm giác vui vẻ, thoải mái trong năm mới. Bởi vậy, những clip từ Táo Quân luôn viral trên khắp các mạng xã hội trong những ngày Tết.

Sử dụng yếu tố “thời điểm”, biến một chương trình hài Tết thành một văn hóa không thể thiếu đêm giao thừa

Bật VTV theo dõi Táo Quân trong lúc chờ đón giao thừa đã trở thành một thói quen, một văn hóa ngày Tết của nhiều gia đình. Dưới góc một của một thương hiệu, Táo Quân đã thành công chiếm trọn khoảnh khắc chờ đón năm mới trong đêm 30.

Sử dụng yếu tố “thời điểm”, biến một chương trình hài Tết thành một văn hóa không thể thiếu đêm giao thừa

Từ tên chương trình “Gặp nhau cuối năm”, tới concept Ông Công Ông Táo về chầu sau một năm ,... tất cả đều gắn liền với thời điểm “cuối năm” và được thực hiện bền bỉ xuyên suốt nhiều mùa Tết qua. Việc hiện diện đúng thời điểm chờ đón năm mới, cùng với sự nhất quán trong concept, mới mẻ trong cách thể hiện, đã khiến Táo Quân đi sâu vào nhận thức, thói quen của người tiêu dùng. Từ đó, Táo Quân đã định vị thương hiệu là một món ăn tinh thần, một nét văn hóa không thể thiếu trong khoảnh khắc chờ đón năm mới của người dân. Cách thức định vị theo yếu tố văn hóa này giúp các thương hiệu tạo ra kết nối sâu sắc hơn với khách hàng, giống như Kinh Đô - Biểu tượng của bánh kẹo ngày Tết, hay Kit Kat - Thương hiệu gắn liền với thông điệp may mắn trong thi cử của học sinh,...

Trong đó có thể thấy, thành công của Táo Quân cũng như Kinh Đô, Kit Kat đều đến từ một yếu tố quan trọng đó là “thời điểm”. Táo Quân gắn liền với khoảnh khắc đêm 30, Kinh Đô gắn liền với thời điểm Tết,... việc gắn liền với một thời điểm, khoảnh khắc cụ thể nào đó trong cuộc sống giúp thương hiệu trở nên thân quen và gần gũi với khách hàng hơn bao giờ hết. Chiến lược này được gọi là Moment-based Marketing, một con đường giúp thương hiệu đi sâu vào những khoảnh khắc trong cuộc sống của người tiêu dùng.

Nội dung sinh động, phù hợp với mọi đối tượng

Mặc dù đã phát sóng tới hơn 20 năm nhưng Táo Quân vẫn là một chương trình được yêu thích bởi mọi thế hệ trong gia đình, không chỉ ông bà, bố mẹ và cả thế hệ trẻ như Gen Z, Gen Y. Bởi, những nội dung bên trong Táo Quân luôn được kết hợp đa dạng từ văn hóa, đặc trưng của nhiều thế hệ. Từ những nội dung sâu sắc về kinh tế, xã hội, phù hợp người trưởng thành, đến những nội dung giải trí, bắt trend mang đậm màu sắc GenZ,.... Vì vậy, mọi thế hệ trong gia đình đều có thể cùng nhau ngồi lại xem Táo Quân, người lớn tuổi cũng dễ dàng bắt nhịp và giới trẻ cũng không hề cảm thấy nhàm chán. Điều này giúp Táo Quân có thể tiếp cận đông đảo khán giả và phủ sóng rộng rãi hơn.

Nội dung sinh động, phù hợp với mọi đối tượng

Mảnh đất vàng để quảng cáo của nhiều thương hiệu

Với hơn 645,5 triệu đồng cho 30 giây quảng cáo trên Táo Quân 2024, có thể nói Táo Quân là chương trình truyền hình có mức giá quảng cáo đắt đỏ bậc nhất hiện nay. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều thương hiệu sẵn sàng chi ra hàng trăm triệu tới hàng tỷ đồng để có thể xuất hiện trên chương trình này. Riêng trong năm 2023, mức doanh thu quảng cáo của Táo Quân đã lên tới 28 tỷ đồng.

Để khiến các nhãn hàng chi ra số tiền khủng tới vậy, Táo Quân chắc chắn phải mang lại những giá trị tương xứng. Trước tiên phải kể đến khung giờ phát sóng quá đỗi lý tưởng của Táo Quân. Đêm 30 là thời điểm mà phần lớn các gia đình sẽ ngồi lại cùng nhau xem truyền hình, vì vậy đây là một khung giờ vàng để thương hiệu có thể tiếp cận đông đảo, đa dạng tệp khách hàng. Trong khi đó, Táo Quân lại là chương trình chủ chốt của VTV trong thời gian này, nổi bật hơn hẳn so với các chương trình khác. Và cuối cùng là sức ảnh hưởng sâu sắc của Táo Quân sẽ giúp thương hiệu dễ dàng gây ấn tượng và gần gũi hơn với người tiêu dùng Việt.

>>> Xem thêm: Thay vì sử dụng music marketing, nhiều thương hiệu chọn lối đi khác biệt trong chiến dịch truyền thông mùa Tết 2024

Lời kết:

Đã qua hơn 20 năm phát sóng, nhưng Táo Quân vẫn là một món ăn tinh thần không thể thiếu với đông đảo người tiêu dùng Việt Nam, từ thế hệ ông bà, cha mẹ, cho tới những bạn trẻ 9X, 10X. Từ phía người làm truyền thông, Táo Quân cũng là một case study rất đáng học hỏi trong việc nắm bắt insight khách hàng và thực hiện chiến lược tiếp thị theo thời điểm. Cùng đón chờ Táo Quân 2024 và nhìn lại những bài học ấn tượng từ chương trình này nhé!

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.