Thế hệ biết biến trí tuệ nhân tạo thành “Con sen” của mình sẽ không bị loại bỏ trong kỷ nguyên số và sẵn sàng làm chủ thế giới

28 Thg 03

Đó là một trong số những chia sẻ từ Ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại Học FPT trong buổi CSMO x VSMCamp Summit 2023 đầu năm 2024 cho cục diện việc làm và xu hướng mới đang diễn ra trong thời đại mà A.I đang phát triển mạnh mẽ.

Bối cảnh: Sự chuyển dịch về lực lượng lao động khi AI xuất hiện

Elon Musk từng nói “Ai làm chủ AI thì người đó làm chủ thế giới”. Còn bây giờ chúng ta phải nói “AI đang làm chủ thế giới”. Trong một thập kỷ vừa qua, thế giới chứng kiến tốc độ phát triển cấp số nhân của khoa học công nghệ, cuộc đổ bộ của AI vào trong mọi lĩnh vực đời sống.

Năm 2011, Yuval Noah Harari xuất bản cuốn “Sapiens: Lược sử về loài người”. Harari thực sự là một người vĩ đại khi ông không dùng từ “những kẻ thất nghiệp” mà là “những kẻ vô dụng” (useless class). Tại thời điểm đó, mọi người không hiểu tại sao lại là “những kẻ vô dụng”, nhưng đến hôm nay đã thực sự hiểu. “Những kẻ vô dụng” là những người đã từng được học tập, trưởng thành, có kinh nghiệm làm việc, có vị trí xã hội nhất định nhưng ngày nay không biết phải làm gì, bị loại khỏi lực lượng lao động. Họ tạo ra một tầng lớp mới “những kẻ vô dụng” và ngày càng đông.

Harari chỉ ra rất rõ, 2/5 lực lượng lập trình viên, 1/3 nhân viên văn phòng, 2/3 nhân viên marketing...có thể sa thải mà không ảnh hưởng gì đến công việc. Đầu tiên phải kể đến hai lĩnh vực đi đầu trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo là ngân hàng và tài chính, đã ứng dụng chat bot (máy hội thoại) và voice bot ( rô - bốt giọng nói) trước khi có Chat GPT. Trong lĩnh vực marketing (quảng bá, tiếp thị) hầu hết các sản phẩm doanh nghiệp làm ra hiện nay đều có sự can thiệp của trí tuệ nhân tạo. Ở mức thấp nhất là dùng các công cụ AI tham gia vào việc tạo lập dự án, ý tưởng, kịch bản hình ảnh, video marketing… Những công cụ như Chat GPT, Gemini, Mid Journey… cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ với mức kinh phí có hạn gia nhập được các sân chơi lớn. Đó là hai minh hoạ rõ nét nhất có thể thấy sự chuyển dịch, ứng dụng AI trong việc việc tăng hiệu suất, rút bớt thời gian, giảm chi phí trong công việc.

Theo tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) sẽ có khoảng 800 triệu người trong tổng số 4 tỷ người ở lứa tuổi lao động vào năm 2030 sẽ bị mất việc vào tay rô-bốt. Đến năm 2023, chúng ta phát hiện ra rằng, “những kẻ vô dụng” không chỉ xuất hiện tại tầng lớp người lao động tay chân, với 2,7 triệu công nhân Việt Nam làm trong các nhà máy may, da giày, lắp ráp điện tử...bị máy móc và AI thay thế. Mà cả hàng triệu người thuộc giới “cổ cồn trắng” (useless expert class, là những chuyên gia, nhà hoạch định với chi phí quá lớn) vốn tự tin rằng chúng ta có học và làm những việc mà AI không thể thay thế, sẽ là tầng lớp bị Super AI thay thế nhanh chóng nhất.

Đến năm 2030, 50% người lao động trên thế giới là GenZ, 80% giao dịch mua hàng trên thế giới do GenZ thực hiện. Thế hệ Z ngày nay hiểu biết và áp dụng nhanh chóng các thành tựu khoa học công nghệ. Cộng với sự lên ngôi của Generative AI (trí tuệ nhân tạo tổng quát), có một công thức được ông Hoàng Nam tiến tạo ra: Gen AI + GenZ = X. Human. Đây chính là thế hệ Z trong tương lai - những người khai thác và tận dụng thế mạnh của AI để phục vụ cho công việc của mình.

Bối cảnh: Sự chuyển dịch về lực lượng lao động khi AI xuất hiện

Phân khúc khách hàng không còn, Siêu cá nhân hóa (Hyper Personalization) mới là yếu tố quyết định

Có một số khái niệm sẽ dần dần không còn đúng và được thay thế bởi những quan điểm mới. Ví dụ điển hình nhất về “phân khúc khách hàng”. Ngày nay khái niệm phân khúc khách hàng trở nên mơ hồ và chung chung. Hai vị khách hàng cùng lứa tuổi, cùng thu nhập sẽ có hai trải nghiệm hoàn toàn khác nhau khi sử dụng cùng một sản phẩm, dịch vụ. Và điều này là hoàn toàn bình thường.

Uniqlo trong một báo cáo thống kê cho biết, điều bất ngờ nhất là phần lớn đàn ông lớn tuổi đều thích mặc đồ lót có màu (trong khi quan niệm truyền thống nghĩ rằng họ sẽ sử dụng các màu sẫm, trắng, đen). Hoá ra chúng ta không hề hiểu hết được khách hàng của mình và việc tự tạo ra các “phân khúc khách hàng” sẽ đánh đồng những tệp khách hàng cần được phục vụ riêng. Chính vì điều này mà ngày nay, việc siêu cá nhân hóa (hyper personalization) đến từng khách hàng mới là yếu tố quyết định.

Dần dần, một công ty trang sức sẽ không còn chuyện sản xuất một kiểu dáng nhẫn thành hàng chục, hàng trăm chiếc nữa mà mỗi khách hàng sẽ sở hữu một chiếc nhẫn hoàn toàn khác nhau. Thay vì chọn một mẫu mã sẵn có, khách hàng nói yêu cầu của mình, trí tuệ nhân tạo có thể thêm cái này, bớt cái kia cho đến khi vừa ý. Sau đó hệ thống AI sẽ lập tức điều khiển máy cắt khắc tự động chế tác nhẫn ngay tại chỗ. Siêu cá nhân hoá đến từng khách hàng sẽ là xu thế bán hàng và marketing trong tương lai và cũng là xu hướng được nhiều marketers hay doanh nghiệp hướng đến.

Đọc thêm bài viết liên quan về:

Tại sao Hyper Personalization siêu cá nhân hoá được coi là tương lai của quảng cáo?

Một quán phở, cho dù nổi tiếng và đắt khách đến đâu, ông chủ cũng chỉ có thể nhớ được sở thích của khoảng 200 khách hàng. Vượt khỏi con số trên, tất cả các hệ thống bán hàng và marketing truyền thông đều khó lòng phục vụ chu đáo được. Những gì chúng ta đang làm hiện mới chỉ giải quyết được đến mức phân khúc khách hàng. Còn nếu muốn biết hành trình khách hàng (customer journey); hành vi của khách hàng trước, trong và sau khi mua hàng; cách để siêu cá nhân hóa đến từng khách hàng...cần phải dùng AI giải quyết và tạo ra những trải nghiệm “con người” nhất.

Siêu cá nhân hoá đến từng khách hàng là xu thế bán hàng và marketing trong thời gian tới. Dự kiến đến năm 2028, Elon Musk sẽ bán người yêu robot (girlfriend robot). Cô ấy sẽ có tất cả những điều mà đàn ông mơ ước, ví dụ như ngồi yên không nói gì, có ngoại hình, có trình độ kỹ thuật như các bộ phim, có khả năng nếu ăn, nghe lời, giặt giũ tốt hơn cả máy giặt… Nhưng ELon Musk sẽ không chuẩn bị được hay AI sẽ không thể thay thế được những ánh mắt đến ánh mắt, đi từ trái tim đến trái tim, bàn tay ấm, cái vỗ vai, ôm hôn… khi cần thiết. Những điều liên quan đến hành động, cảm xúc, hành động kết nối từ trái tim đến trái tim con người (human touch, heart touch) thì AI không thể làm được.

Điều đó có nghĩa là AI đã và đang có tác động lớn tới các doanh nghiệp, nhờ AI, nhờ công nghệ, càng ngày quá trình bán hàng, tiếp thị sẽ ngày càng nhân bản hơn, được cá nhân hoá và khai thác triệt để hơn. Tuy nhiên những yếu tố và khoảnh khắc liên quan đến con người (human touch) vẫn là chìa khoá chính để thành công.

Marketers và doanh nghiệp cần làm gì?

Yuval Noah Harari từng nói: “Là một sử gia, tôi tin vào khả năng thay đổi. Hằng số duy nhất trong lịch sử nhân loại chính là sự thay đổi”. Tuy nhiên, chúng ta đều sợ thay đổi hoặc chúng ta quá thành công để thay đổi. Thành công nối tiếp thành công sẽ khiến chúng ta nghĩ rằng “tôi luôn luôn đúng”, “tôi làm lãnh đạo và tôi đã biết tất cả”. Rất nhiều doanh nghiệp vĩ đại đã sụp đổ bởi vì ở đó có những nhà lãnh đạo không dám thay đổi. CEO của Nokia từng chia sẻ: “Khi kiểm tra lại chúng tôi thấy chúng tôi không làm sai điều gì”. Nhưng Nokia lại sụp đổ.

Các nhà lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp đứng ngoài lề sự phát triển của AI và nghĩ rằng “mọi thứ đang tốt, tại sao phải thay đổi” chính là sai lầm lớn cho sự thụt lùi sau này. Sống chung với AI là cách tốt nhất để tồn tại trong kỷ nguyên phát triển vượt bậc của AI sắp tới. Nhiều trường đại học cấm không cho sinh viên dùng AI, nhiều doanh nghiệp e ngại các sản phẩm từ AI tạo thành. Nếu muốn nâng cao hiệu suất làm việc, giải phóng những công việc thủ công trước kia bằng tool sẵn có, nhanh hơn, đúng ý hơn thì hãy biến tất cả ứng dụng AI thành “con sen” cho bạn. Bạn cần sống chung với AI, ứng dụng AI càng nhiều càng tốt và biến tất cả sự đe doạ trở thành cơ hội.

Do đó, để trở thành người lãnh đạo của tương lai cần có ba tiêu chí:

  • [1] Hiểu biết về công nghệ;
  • [2] Hiểu sâu sắc về con người;
  • [3] Hiểu được trí tuệ nhân tạo sẽ làm gì trong tương lai.

Như vậy, nhà lãnh đạo trong kỷ nguyên AI phải là “nhà lãnh đạo thích ứng” đảm bảo 5 tiêu chí: Tư duy hợp nhất (Human – AI); Tư duy dự báo; Tư duy dẫn dắt, huấn luyện; Tư duy thích ứng linh hoạt; và Trí tuệ xúc cảm mới (EQ).

Với các bạn sinh viên, marketers trẻ ngày nay nên chuyển sang học tập 5 chiều với:

  • [1] Học từ lãnh đạo, đồng nghiệp;
  • [2] Học từ thầy
  • [3] Học từ người trẻ, bạn bè;
  • [4] Tự huấn luyện;
  • [5] Học từ trí tuệ nhân tạo.

Cho nên, nhiệm vụ quan trọng nhất của các trường đại học ngày nay không chỉ là cung cấp kiến thức mà còn phải trang bị khả năng tự học, tự nghiên cứu, tự phát triển cho sinh viên. Như vậy mới đảm bảo được sự phát triển lâu dài và khả năng tỏa sáng của sinh viên trong tương lai. Từ đó, người trẻ sẽ có tri thức, kiến thức vượt trội thế hệ hiện tại.

Chia sẻ từ ông Hoàng Nam Tiến

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.