Thế vận hội Tokyo 2020 bị hoãn đã mở ra 3 cơ hội độc đáo cho các thương hiệu

16 Thg 04

Trong bối cảnh mà tất cả các sự kiện thể thao khác đều đang phải đối mặt với những bất lợi vì dịch bệnh Covid-19, thì những người làm marketing cho Thế vận hội 2020 đã có thể tự tin lên kế hoạch và tận hưởng lợi thế hiếm hoi trong thời điểm hiện tại. Các marketers có thể kết nối tới các vận động viên và khai thác những câu chuyện của họ một cách không giới hạn.

Vào ngày 24/3, Ủy ban Olympic quốc tế đã tuyên bố Thế vận hội Olympic 2020 ở Tokyo sẽ chính thức bị hoãn và dời lại vào mùa hè năm 2021. Mặc dù các giải đấu thể thao trên thế giới đều đang gặp khó khăn và bị kìm chế ít nhiều, nhưng việc lần đầu tiên Thế vận hội bị hoãn trong kỷ nguyên hiện đại của các môn thể thao hiện nay đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo đáng lo ngại. Sự việc này cũng đã đẩy các marketer vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt, khi cố gắng lên kế hoạch cho các phương án thúc đẩy Thế vận hội diễn ra nhanh hơn, với tư cách là nhà tài trợ chính thức cũng như là các doanh nghiệp bên ngoài hệ sinh thái đó.

(Nguồn: Thethao247)

Tuy vậy, dù việc hoãn Thế vận hội sẽ gây ra những thay đổi mạnh mẽ về cả thời gian và tính thực tế của mọi chiến dịch Marketing, nhưng nó đã mang lại một cấu trúc mới mẻ hơn và từ đó, các môn thể thao nào đã bị hủy bỏ hoặc đình chỉ sẽ nhận được một cơ hội tuyệt vời hơn bao giờ hết.

Bóng rổ, bóng đá, bóng chày và các giải bóng đá lớn của châu Âu đều đã bị trì hoãn vô thời hạn, và mặc dù vẫn có những người lạc quan cho rằng mùa bóng sẽ được bắt đầu đúng thời điểm như mọi năm, nhưng sự nghi ngờ về điều đó vẫn đang gia tăng mỗi ngày. Dự thảo về việc Giải đấu Bóng Bầu dục Quốc gia (NFL) sẽ diễn ra vào ngày 23/4 đã được xác nhận, nhưng điều đặc biệt là giải đấu sẽ diễn ra mà không có người hâm mộ. Điều đó có nghĩa là, chừng nào mà cuộc khủng hoảng hiện tại của chúng ta còn diễn biến phức tạp thì lịch trình các giải đấu thể thao sắp tới vẫn chưa được xác nhận.

(Nguồn: NFL)

Thế vận hội Tokyo 2020 sẽ được hoãn lại vào năm sau và theo dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 23 tháng 7 đến ngày 8 tháng 8 năm 2021. Điều này giúp những người làm Marketing cho Olympic nắm được được kế hoạch cho riêng mình, với những ước tính thận trọng nhất cho thấy tình hình xã hội và các hoạt động văn hóa nghệ thuật sẽ tương đối trở lại bình thường trong khoảng thời gian một năm tới. Và vì thế, trong khi những người làm marketing ở các giải đấu thể thao khác đều đang phải đối mặt với tình trạng lấp lửng, thì những người làm việc cho Thế vận hội đều đã có thể tự tin tiến hành các kế hoạch của họ ngay tại thời điểm này.

(Nguồn: Techrum)

Các nhà tiếp thị cũng có thể tận dụng cơ hội độc đáo này để sáng tạo ra các nội dung thay thế chạy vào mùa hè năm 2020, tập trung vào chính các vận động viên, cũng như các sáng tạo liên quan đến trò chơi khác, vì khi đến tháng 7, người hâm mộ và những người tiêu dùng vẫn mong mỏi các nội dung gắn liền đến Đại hội Thể thao lớn nhất hành tinh này. Có 3 định hướng sáng tạo mà các thương hiệu cần suy nghĩ đến:

Dựa vào những câu chuyện và tính cách cá nhân của vận động viên

Các vận động viên Olympic, đặc biệt là những người thi đấu trong các môn thể thao ít phổ biến, đều khác biệt so với những đồng nghiệp thi đấu chuyên nghiệp khác ở chỗ, họ đều là những người vận động viên nghiệp dư đúng nghĩa. Lên kế hoạch cho suốt 4 năm trời với mong muốn đạt được thứ hạng và thành tích cao nhất tại Đại hội thể thao lớn nhất hành tinh Olympic. Để duy trì đam mê cũng như đảm bảo thu nhập để duy trì cuộc sống cũng như chi phí đào tạo trong khoảng thời gian 4 năm đó, những con người này đã phải nỗ lực làm những công việc khác có thu nhập cao hơn, như bán hàng hay các công việc hành chính khác. Với việc Thế vận hội 2020 bị hoãn lại, nhiều người đang phải gom góp, nhặt nhạnh khắp nơi để tự lực cánh sinh trong vài tháng tới.

(Nguồn: dantri)

Đây là điều mà các thương hiệu có thể khai thác. Mặc dù trọng tâm của hầu hết các chiến dịch Marketing trong vài tháng tới sẽ liên quan đến COVID-19 nhưng với lý do chính đáng này, các thương hiệu cũng nên xem xét đến việc hỗ trợ và nâng đỡ các vận động viên, những người có khả năng sẽ mất đi cơ hội thi đấu và thể hiện tài năng, và cả những cơ hội tài chính đáng kể mà họ đã lên kế hoạch và tính toán đến trong suốt 4 năm qua.

Nếu các thương hiệu có thể chạm đến đúng khía cạnh cần được khai thác, làm nổi bật những câu chuyện qua ống kính cá nhân một cách đầy cảm xúc và chân thật thì sẽ giúp cho những vận động viên này nhận được sự chú ý trong khoảng thời gian Olympic bị hoãn lại, đồng thời cũng đem đến cho người hâm mộ một dạng tư liệu nội dung liên quan đến Olympic - sự kiện thể thao mà họ vốn dĩ vẫn mong chờ sẽ diễn ra vào tháng 7 và tháng 8 năm nay.

Tận dụng khả năng hợp tác với các vận động viên đang hoạt động tích cực

Ngoài ra, việc hoãn các môn thi đấu cũng đã mở ra cơ hội cho các thương hiệu không phải là nhà tài trợ chính thức của Olympic năm nay được cộng tác với các tài năng của giải đấu. Theo truyền thống, Bộ luật 40 của IOC đã cấm các thương hiệu không phải là nhà tài trợ chính thức của Olympic làm việc với các vận động viên hiện tại trong Thế vận hội. Nhưng với việc IOC nới lỏng đáng kể các quy định của Quy tắc 40 vào năm 2020, các phương thức như ký kết và tách biệt các quy trình hợp đồng, đồng thời chỉ giới hạn việc ký kết đối tác thương hiệu giữa các vận động viên và những nhà tài trợ không chính thức, vẫn sẽ được áp dụng trong khoảng thời gian Olympic diễn ra. .

(Nguồn: Advertising Vietnam)

Mặc dù quy định này vẫn sẽ được duy trì vào năm 2021, nhưng với việc các môn thi đấu không được diễn ra trong năm nay, các thương hiệu giờ đây đã có quyền hợp tác với các vận động viên Olympic đang hoạt động tích cực trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 8 năm nay mà không bị hạn chế (hay bị điều chỉnh nghiêm ngặt). Điều này có nghĩa là các thương hiệu sẽ có thể làm việc với các vận động viên vẫn còn duy trì hoạt động tích cực theo các phương thức có ý nghĩa hơn trong suốt mùa hè 2020 này.

Nếu Thế vận hội Olympic vẫn giữ nguyên các kế hoạch theo quy định ban đầu, thì các thương hiệu sẽ không thể khai thác được độ nổi tiếng cũng như những câu chuyện cảm động của không ít các vận động viên ở đây. Nhưng giờ thì mọi chuyện đã khác. Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, các thương hiệu nên chú trọng vào các bảng điều khiển ảo và các buổi trò chuyện bên lề, kết nối các câu chuyện của vận động viên với các chủ đề liên quan đến ngành, đồng thời lưu trữ nó trên các nền tảng như Instagram Live để thúc đẩy các hoạt động tương tác với các VĐV (tuân thủ các biện pháp cách ly xã hội) và khai thác triệt để độ phủ cũng như sự nổi tiếng của họ.

Chạm đến lịch sử và hoài cổ

Cuối cùng, điều mà những người làm marketing cho Olympic cũng nên tận dụng đó chính là thời khắc lịch sử. Đây là hiện tượng đã được chứng minh hiệu quả trong rất nhiều các môn thể thao khác ở giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng này, mà với quy mô lớn hơn bất kỳ giải đấu thể thao hay sự kiện bất động sản nào - chính là những thời khắc lịch sử.

(Nguồn: baomoi)

Nhắc lại những sự kiện thể thao nổi bật đã diễn ra trong quá khứ đang tạo ra sự quan tâm lớn trong cộng đồng những người hâm mộ thể thao, những người đang cảm thấy "thiếu thốn" khi không có bất cứ giải đấu thể thao nào đang được tổ chức. Cuối mùa hè này, khi chúng ta bắt đầu kỷ niệm những sự kiện Olympic trong lịch sử, các marketer có thể tận dụng lợi thế bằng cách hợp tác với các vận động viên đã nghỉ hưu, hoặc những ngôi sao đang lên được truyền cảm hứng từ các tiền bối, để tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ trong khoảng thời gian này.

Khi chúng ta đang ngày càng đến gần hơn với thời điểm sẽ diễn ra Thế vận hội Olympic 2020 theo kế hoạch cũ, thì người hâm mộ vốn dĩ đã chờ đợi trong nhiều năm sẽ càng trông ngóng các nội dung có liên quan hơn để lấp đầy khoảng trống. Bằng cách tận dụng “sự thèm muốn” cũng như “nỗi nhớ” của người hâm mộ đối với Olympic, cùng với sự phát triển vượt bậc của digital content, các thương hiệu có thể nắm bắt thời điểm này để xoay vòng và lấp đầy khoảng trống.

Tạm kết

Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 bị hoãn lại không hẳn là khép đi hoàn toàn cơ hội của các thương hiệu. “Trong cái rủi có cái may”, các thương hiệu đều đã được Thế vận hội tạo điều kiện hơn, nhằm khai thác tối đa tiềm năng của các vận động viên ở thời điểm hiện tại, miễn sao đảm bảo những quy định về việc cách ly xã hội. Sự phát triển của Digital Marketing ngày được nâng cao, nếu các thương hiệu biết cách khai thác các nhân vật cùng những câu chuyện của họ, thì khoảng thời gian tháng 7-tháng 8 năm nay sẽ không còn nhàm chán khi thiếu vắng các môn thi đấu nữa.

Tô Linh - MarketingAI

Theo Adage

   
Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.