Thị trường bán lẻ Việt 2018: sôi động hơn bao giờ hết

15 Thg 03

Ngành bán lẻ hiện là một trong những ngành có sức tăng trưởng lớn nhất hiện nay ở nước ta với chỉ số tăng trưởng ngành 63,7% chỉ trong 3 năm từ 2016-2017. Doanh số bán lẻ Việt chạm mốc gần 129 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2016. Theo hãng tư vấn A.T Kearney, chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (Global Retail Development Index-GRDI) của Việt Năm nằm trong top 10 với vị trí thứ 6 . Điều này cho thấy, thị trường bán lẻ nước ta đang hấp dẫn và đầy tiềm năng hơn bao giờ hết.

thị trường bán lẻ việt nam
Ảnh: Global media

Sự tham gia của các “ông lớn ngành bán lẻ” nước ngoài

Với tiềm năng phát triển của ngành bán lẻ, các hãng bán lẻ nước ngoài cũng muốn chen chân đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Từ ngày 12/4/2016, Tập đoàn Alibaba đã chính thức sở hữu Lazada, trang thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á. Sự kiện này đã đánh dấu sự lấn sân của một tập đoàn bán lẻ lớn vào thị trường Việt. Giao dịch bao gồm khoản đầu tư 500 triệu USD vào vốn chủ sở hữu mới phát hành của Lazada và mua lại cổ phần của một số cổ đông của Lazada, tổng giá trị đầu tư của Alibaba là khoảng 1 tỷ USD.

Mới đây nhất, ông lớn Amazon sẽ chính thức gia nhập thị trường Việt Nam trong tháng 3. Trước mắt, trong tháng 3, Amazon sẽ khởi động một chương trình hợp tác cùng Hiệp hội thương mại điện tử để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Thông qua chương trình này, các doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm rõ cách thức để đưa hàng hóa của mình bán trên Amazon, xuất khẩu sang các thị trường quốc tế.

(Ảnh: Viettimes.vn)
 

Các hãng bán lẻ của các nước phát triển cũng đã và đang mở rộng hệ thống cửa hàng bán lẻ. Riêng chuỗi Family Mart của Nhật Bản đã có tới 130 cửa hàng tại Việt Nam, và dự định mở thêm 700 cửa hàng nữa vào năm 2020. Một hãng bán lẻ đình đám khác từ Nhật Bản là 7-Eleven cũng đã “đổ bộ” vào Việt Nam vào tháng 6 năm ngoái với kế hoạch phát triển 100 cửa hàng trong vòng 3 năm và 1.000 cửa hàng trong vòng 1 thập kỷ tới.Thương hiệu Lotte Mart của Hàn Quốc cũng lên kế hoạch mở 60 cửa hàng tại Việt Nam đến năm 2020. Thêm vào đó, chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất Hàn Quốc cũng đã bắt đầu “tấn công” thị trường Việt,  với tham vọng mở 2.500 cửa hàng trên toàn quốc trong 10 năm tới

 

Sự phát triển của ngành hàng bán lẻ đặc biệt phát triển mạnh mẽ ở các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini bởi đây là 2 hình thức đòi hỏi vốn không cao, khả năng thu hồi vốn nhanh và thủ tục đăng kí doanh nghiệp nhanh chóng. Hiện nay, thị trường bán lẻ Việt đã có 800 siêu thị, 150 trung tâm mua sắm, 9.000 chợ truyền thống và khoảng 2,2 triệu nhà bán lẻ đang hoạt động trên thị trường Việt.

Với 1,760 cửa hàng tiện lợi, dân số Việt Nam ở khoảng 90 triệu người thì trung bình có 1 cửa hàng trên 54.400 người dân. Trong khi đó, ở nước láng giềng Trung Quốc, cứ khoảng 24.900 dân lại có 1 cửa hàng. Còn con số ở Nhật Bản là 1 cửa hàng/2.300 người dân, ở Hàn Quốc là 1 cửa hàng/2.100 người dân. Đây chính là những con số lý giải vì sao A.T. Kearney nhận địn, thị trường bán lẻ ở Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.

Xem thêmThị trường chuỗi bán lẻ dược phẩm đã biến chuyển ra sao?

Các cửa hàng bán lẻ của nước ngoài ồ ạt tràn vào Việt Nam

Trong xu thế hội nhập, việc các nhà bán lẻ nước ngoài “đổ bộ” vào Việt Nam, là động lực phát triển cho ngành bán lẻ trong nước, nhưng cũng sẽ tạo thách thức trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Theo nhận định của Savills Việt Nam, nhìn một cách tổng quát, thị trường bán lẻ Việt Nam đã có sự mở cửa, nhưng với các doanh nghiệp ngoại, để sớm xâm nhập vào thị trường tiềm năng này, các nhà bán lẻ nước ngoài chủ yếu tập trung vào mua bán, sáp nhập. Thực hiện chiến lược này giúp họ nhanh chóng đặt chân vào thị trường Việt Nam nhờ có sẵn sự hỗ trợ, hạ tầng của đối tác cũ. Ngoài ra, họ sẽ dễ dàng hơn vì không bị vướng mắc nhiều vấn đề thủ tục pháp lý, giấy tờ… như thành lập doanh nghiệp, trung tâm thương mại mới. Bên cạnh đó, cách này cũng giúp họ an toàn hơn khi có được lượng khách ổn định từ đối tác cũ. Nếu so với những hình thức đầu tư truyền thống, thì chiến lược này giúp tiết kiệm cả tiền, công sức lẫn thời gian.

Với sức mạnh về tài chính, kinh nghiệm, các nhà bán lẻ ngoại đang dần lấn át trên thị trường Việt Nam. Theo ước tính của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, khoảng 50% thị phần bán lẻ Việt Nam thuộc về doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, con số trên thực tế có thể cao hơn.

Trong khi doanh nghiệp trong nước đang loay hoay tìm lối đi, thì doanh nghiệp nước ngoài lại có định hướng rõ ràng là mở rộng quy mô, chiếm lĩnh thị phần. Theo ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia về lĩnh vực bán lẻ, không thể lơ là trong việc phát triển thị trường bán lẻ. Nhìn vào câu chuyện thị trường bán lẻ hiện đại sẽ thấy, các hệ thống siêu thị hiện đại của nước ngoài như Lotte, Aeon, MM Mega Market (Metro), BigC… đang dần chiếm ưu thế.

 

Cảnh báo cho thị trường bán lẻ online

(Ảnh: thuongtruong.com)

Thương mại điện tử hiện đang là xu hướng tất yếu cho mọi ngành hàng và tất nhiên là không loại trừ ngành hàng bán lẻ. Vậy nên, các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam kinh doanh ngành bán lẻ cần cảnh giác sự “lấn sân” ở các doanh ngiệp nước ngoài. Vì thế, chuyên gia này cho rằng, đợi sau khi nước ngoài chiếm phần lớn thị trường mới lo thì sẽ không kịp.

Với tình hình hiện nay, Chính phủ cần phải tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư hấp dẫn, kinh doanh lành mạnh, tạo ra khả năng cạnh tranh càng lớn để thúc đẩy doanh nghiệp cạnh tranh, thúc đẩy hàng hóa cạnh tranh. Bản thân doanh nghiệp, doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp sản xuất phải nỗ lực để nâng cao sức cạnh tranh. Thế nhưng, vai trò của người tiêu dùng là rất quan trọng. Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng cần tiếp tục đồng hành để cùng phát triển.

Bên cạnh đó, cũng cần khuyến khích các tập đoàn lớn trong nước đầu tư phát triển thị trường thương mại điện tử vì đây là xu hướng tất yếu của cả thế giới.

Ngọc Mai - MarketingAI

Theo vov.vn

Xem thêmKhi người tiêu dùng quyết định mô hình bán lẻ  
Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.