Thị trường Fast fashion Việt Nam: Có chính hãng mà hàng xách tay vẫn nở rộ?

14 Thg 01

Năm 2018 là một năm sôi động của các thương hiệu thời trang giá rẻ mở rộng "địa bàn" kinh doanh của mình tại Việt Nam. Cho đến năm nay 2019 sẽ là năm mà thị trường 90 triệu dân đón nhận cái tên thứ 3 mang tên Uniqlo. Tuy nhiên, mặc dù đã đáp ứng hầu như "cơn khát" đồ chính hãng, thế nhưng đồ xách tay từ các thương hiệu Fast fashion năm qua vẫn nổ rộ trên mặt trận Social Media. Vậy nguyên nhân do đâu và nguy cơ tiềm ẩn nào cho thị trường Fast fashion trong năm 2019 này?

Những nguyên nhân khiến bán hàng xách tay nở rộ tại thị trường Fast fashion Việt nam

Người bán online hoạt động tích cực hơn

Có lẽ, Social media là công cụ quyền năng tuyệt vời mà bất cứ thương hiệu nào cũng muốn sử dụng và đem về kết quả tốt nhất cho mình. Thế nhưng, tại Việt Nam tình cảnh này đang rơi vào nghịch cảnh khi cửa hàng chính hãng lại khá ảm đạm, còn những người bán hàng Order lại "tưng bừng" trên mạng xã hội. Với 87% thảo luận về thương hiệu thời trang ngoại liên quan đến việc Mua bán hàng (73% Mua bán hàng xách tay và 15% Mua bán quần áo đã sử dụng). Người tiêu dùng cũng nhắc về việc mua hàng hiệu thời trang trong các chuyến du lịch nước ngoài của mình (8% thảo luận). Chỉ có 4% thảo luận về việc mua hàng từ cửa hàng chính hãng trong nước.

Ngành thời trang là ngành rất dễ để tiếp cận người dùng trên Social Media, chính vì thế các thương hiệu luôn update tin tức, xu hướng thời trang trên mạng xã hội. Việc tạo ra những kênh Owned media để có thể lắng nghe khách hàng và định hình xu hướng là điều không thể thiếu. Hiểu là vậy nhưng tại Việt Nam dường như các thương hiệu chính hãng đang lép vế hơn những cá thể mua bán hàng xách tay. Chính sự hoạt động sôi nổi, cùng với đó sự thuận tiện cũng như tương tác tốt hơn đã khiến mặc dù đã có store chính hãng nhưng dường như mua bán hàng xách tay vẫn làm ăn ngon nghẻ.

Khai thác chưa triệt để những tiềm năng trên Social Media đến từ các nhãn hàng

Tại Việt Nam Social Media đang phát triển nở rộ, và quốc gia 90 triệu dân này được đánh giá là 1 trong những nước có tốc độ phát triển về mạng xã hội nhanh nhất trên thế giới: Những con số dưới đây rất ấn tượng mà các nhãn hàng tại thị trường Fast fashion phải quan tâm đến như:

  • 85.6% lượng thảo luận đến từ nữ giới, nam giới chiếm 14.4%
  • Độ tuổi trung bình trên Social Media chiếm nhiều nhất là từ 25-34 tuổi (57.4%), xếp sau là 18-24 tuổi (36.8%)
  • Hà Nội chiếm tỷ lệ cao nhất về lượng thảo luận với 36.1%, trong khi Hồ Chí Minh chiếm 30.8%

Những con số này chứng minh rằng, phụ nữ luôn là đối tượng có mối quan tâm lớn đến những thương hiệu thời trang. Họ luôn là đối tượng được các nhãn hàng quan tâm đến vì luôn thay đổi gu thời trang trong khi nam giới thường quan tâm đến những sản phẩm casual hơn như áo thun và đồ công sở, giới hạn trong 1 mối quan tâm nhất định.

Hà Nội và các tỉnh miền Bắc có thảo luận nhiều hơn về thời trang cao cấp hơn so với TP. Hồ Chí Minh là các tỉnh lân cận. Miền Bắc với đặc thù thời tiết lạnh, người dùng chuộng mua sản phẩm áo khoác giữ ấm có chất lượng cao nên họ thường chọn mua thương hiệu ngoại, uy tín. Mạng xã hội Việt Nam cho thấy những người dân ở những thành phố có thu nhập cao hơn quan tâm rất nhiều đến các thương hiệu Fast fashion ngoại nhập, thế nhưng "rõ ràng" là vậy thì các thương hiệu chính hãng Zara, H&M, Mango... vẫn chẳng thể làm gì và hầu như không có hoạt động hay thông điệp nào để "chinh phục" nhóm đối tượng này. Chính điều này làm cản trở những bước tiến của các thương hiệu thời trang nhanh, trong khi những người buôn hàng online cứ ngỡ là sẽ "lui về ở ẩn" khi các hãng gia nhập Việt Nam, thì vẫn bán đắt hàng nhờ vào sự nắm bắt được những tiềm năng về xu hướng sử dụng Social Media của người Việt.

Sự thuận tiện từ những Store chính thống là chưa đáng kể

Khi mà H&M vừa mới đặt chân vào thị trường Việt Nam, ngỡ tưởng sự khởi đầu khởi sắc với 24 nghìn lượt bình luận và sự tương tác, quan tâm đặc biệt sẽ giúp hãng vượt mặt các đối thủ khác. Thì chỉ sau 1 tháng, thảo luận về cửa hàng H&M giảm 85% xuống còn 3600 lượt bình luận. Người tiêu dùng thấy rằng các sản phẩm Order vẫn tạo được sự thuận tiện cho mình hơn những sản phẩm của cửa hàng chính hãng trong nước.

Dưới đây sẽ là những lý giải cho việc thảo luận về các thương hiệu ‘fast fashion’ là nội dung mua bán hàng xách tay:

Thị trường nước ngoài thường xuyên có những đợt giảm giá sâu, các mặt hàng thời trang khi xách tay về có giá rẻ hơn khi mua chính hãng tại cửa hàng - đó là lý do 48% thảo luận chọn mua hàng xách tay. Ngoài ra, chất lượng, mẫu mã sản phẩm xách tay được người dùng cho là tốt hơn so với trong nước (42% thảo luận). Một bộ phận khách hàng chọn mua hàng xách tay đơn giản vì ‘thích mua hàng online’ - 7% thảo luận hay thương hiệu ‘không có cửa hàng ở tỉnh’ - 3% thảo luận.

Người tiêu dùng luôn thông thái khi lựa chọn cho mình những sản phẩm chất lượng cao cùng giá hợp lý. Bên cạnh đó, hàng thời trang thương hiệu ngoại được xách tay từ nước ngoài thỏa mãn được tâm lý chuộng hàng ngoại của đại bộ phận người tiêu dùng Việt.

Vị thế của các thương hiệu Fast fashion trên Social media hiện nay

Hiện nay trên thị trường mạng xã hội Việt Nam thì Zara là thương hiệu nắm giữ được nhiều lợi thế nhất khi thu về 19000 lượt thảo luận trong khi H&M có 14 nghìn. Thế nhưng ngược lại thì Zara lại là thương hiệu có chỉ số cảm xúc thấp nhất với 0,5 trong khi H&M là 0.85. Zara có những chỉ số tiêu cực khá lớn trong khi H&M ngược lại khi hạn chế được điều này.

Đối với hoạt động trên Social Media, chỉ có H&M là đang hoạt động tích cực trên fanpage Việt Nam khi có kênh riêng tại thị trường tiềm năng này. Thế nhưng các thương hiệu còn lại như Zara, thậm chí là Mango dù gia nhập lâu cũng không hề có kênh riêng cho mình, điều này cho thấy sức yếu kém về tận dụng nền tảng vô cùng quyền năng này. Hơn thế nó cũng lý giải các chỉ số brand mention, sentiment score của H&M là khả quan nhất trong top 3 thương hiệu fast-fashion tại Việt Nam.

Trong thời điểm bùng nổ mạng xã hội, bất cứ khách hàng không hài lòng nào cũng có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn cho thương hiệu.Việc nắm bắt được Brand Health cho thương hiệu của mình sẽ giúp các hãng thời trang nắm bắt được tình hình thị trường, thu thập thông tin và gia tăng lượng chuyển đổi khách hàng, thu về miếng bánh thị phần nhiều nhất thông qua nền tảng này.

Kết luận

Có thể thấy rằng, thị trường Fast fashion đang có những sự đảo ngược hoàn toàn khi mà những tưởng khi các thương hiệu mở store tại Việt Nam, các cá nhân online hàng xách tay sẽ phá sản. Nhưng không, chính bởi sự yếu kém về tương tác trên Social Media đã khiến những người này vẫn trụ lại và phát triển mạnh mẽ. Mạng xã hội kênh truyền thông tất yếu cho các hãng thời trang khai thác thảo luận từ người dùng. Việc lắng nghe hành vi, sở thích hay xu hướng thời trang sẽ đem lại nhiều cơ hội cho thương hiệu trong việc chiếm cảm tình của khách hàng Việt.

Thắng Nguyễn - MarketingAI

Theo Younet Media

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.