Thị trường trà sữa Việt Nam: Liệu "đế chế" này vẫn đang giữ ngôi vương?

19 Thg 06

Thị trường trà sữa vẫn luôn là điểm nóng trên thị trường, khi mà hiện nay số thương hiệu trà sữa, cũng như các cửa hàng đang ngày một gia tăng. Quay lại thời điểm 2 năm về trước, đây được xem là ngành hàng "hot" nhất ngành F&B với mức tăng trưởng 200%. Thế nhưng, tại thời điểm hiện tại khi mà mùa hè đang là mùa "Cá kiếm" của nhiều thương hiệu giải khát, thị trường trà sữa Việt Nam liệu còn đủ sức hút để cạnh tranh?

Thị trường trà sữa Viêt Nam: "Đế chế" liệu đã bão hòa?

Thị trường trà sữa Việt đã bước qua giai đoạn tăng trưởng, và dần đi vào ổn định, trở về 2 năm trước, tăng trưởng "nóng" đến 200%. Thì hiện nay,  theo đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường trà sữa Việt Nam có tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 20% và đã đạt quy mô gần 300 triệu USD từ 2 năm trước.

Để nói, thị trường này đã thực sự hết hot hay chưa, thì chắc chắn câu trả lời là chưa hề có dấu hiệu suy giảm. Nếu như một thời, trà chanh, đá me tạo ra một xu hướng trong thời gian ngắn. Thế nhưng trà sữa lại khá ổn định, khi các hãng đang dần chuyên nghiệp hóa mình lên và "chơi lớn" trong việc mở rất nhiều chi nhánh ở nhiều tỉnh thành.

Dingtea có lẽ vẫn đang là ông trùm của ngành trà sữa Việt Nam, mặc dù nó chỉ phủ sóng nhiều nhất ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Thế nhưng, với chiến lược Marketing tập trung hóa điểm phân phối thì thương hiệu hiện đang có 89 cửa hàng trên toàn quốc. Xếp sau Dingtea là một loạt các thương hiệu như TocoToco (61 cửa hàng), Gong Cha (15 cửa hàng), Trà Tiên Hưởng (47 cửa hàng). Thêm vào đó những thương hiệu Việt cũng gia tăng sự cạnh tranh với sự xuất hiện của Phúc Long – một thương hiệu Việt rất được ưa chuộng (16 cửa hàng), Hoa Hướng Dương (18 cửa hàng), Bobapop (49 cửa hàng)… Cả nước có hơn 1.500 quán trà sữa với khoảng 100 thương hiệu đang cạnh tranh khốc liệt; con số này có xu hướng tăng nhanh do một loạt thương hiệu lớn vừa gia nhập thị trường.

Nếu xét về xu hướng qua từng năm, thì Trà sữa vẫn luôn có sức hút riêng của mình. Thị trường này đã tạo ra một loạt những xu hướng về đồ uống giải khát qua từng năm, 2017 với "trà sữa kem Cheese", 2018 với "sữa tươi trân châu đường đen", và 2019 là "trà sữa nướng". Các thương hiệu trà sữa luôn biết cách làm mới bản thân, đưa được khách hàng đến với những trào lưu do mình tự tạo ra khiến họ luôn muốn thử và trải nghiệm. Đây là chiêu thức đánh vào "tâm lý thử cái mới" của khách hàng. Với mỗi một xu hướng qua từng năm, mặc dù nó chỉ tạo được sự hưởng ứng trong thời gian ngắn, nhưng cũng giúp các hãng đem về khối lượng doanh thu, cũng như danh tiếng vô cùng lớn.

Chính bởi yếu tố đó, mà nhiều thương hiệu trà sữa nổi tiếng từ Đài Loan - cha đẻ của thức uống này, đã cập bến Việt Nam. Điển hình như: Tenren, Gongcha, The Alley, R&B, Sharetea, Heekcaa... Đến nay, dù thị trường đã qua thời gian phát triển "phi mã", nhưng đây vẫn là ngành hàng được giới trẻ, đặc biệt là Gen Y, Gen Z hết sức ưa chuộng. Vì thế, chẳng lý nào mà các thương hiệu này không chớp thời cơ để giành miếng bánh thị phần về cho mình.

Liệu thị trường trà sữa Việt có thể sánh ngang với cà phê?

Nếu để nói thức uống nào vẫn luôn giữ vững vị thế, thì cà phê luôn là "top-of mind" của nhiều người tiêu dùng. Việt Nam là quốc gia có sản lượng sản xuất cà phê lớn thứ 2 trên thế giới, thì sức tiêu thụ của sản phẩm này cũng có xu hướng tăng khá rõ rệt. Đó là chưa kể đến, với một quốc gia mà hạt cà phê được xếp vào dạng ngon nhất thế giới, thì không chỉ người dân, mà khách du lịch cũng ưa cà phê Robusta do Việt Nam sản xuất ra.

Quay lại với Trà sữa ở Việt Nam, theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội... đã hình thành những chuỗi trà sữa chuyên nghiệp, phong cách, sáng tạo. Từ món uống phổ biến tại Hồng Kông, Đài Loan… trà sữa trở thành thức uống thời thượng, được "biến tấu" thêm các loại trân châu, thạch, trái cây (topping) và đang là thức uống phổ biến của giới trẻ.

TS Đào Duy Khương, chuyên gia tư vấn phân phối và bán lẻ, cũng cho rằng trà sữa có thể phổ biến như cà phê. Tuy nhiên, cà phê và trà là thức uống truyền thống trong khi trà sữa tập trung nhiều vào giới trẻ tại các thành thị. Hành vi mua của nhóm khách hàng này thường theo xu hướng, do vậy trà sữa phải thay đổi liên tục để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. TS Khương nêu thực trạng hiện tượng một số cửa hàng trà sữa đóng cửa trong thời gian gần đây và cho rằng đó không phải là dấu hiệu cho thấy thị trường trà sữa đang chững lại mà trong kinh doanh, việc mở - đóng cửa hết sức bình thường.

Kết luận

Có thể thấy rằng, năm 2019 thị trường trà sữa Việt Nam có dấu hiệu giảm nhiệt hơn so với 2 năm về trước. Thế nhưng, nếu so sánh với các mặt hàng khác trong tổng thể ngành F&B, thì trà sữa vẫn có mức tăng ổn định và đáng ngưỡng mộ. Chính vì vậy, đây vẫn là một đế chế bền vững và có thể sẽ ngang bằng với cà phê trong vài năm tới.

Thắng Nguyễn - MarketingAI

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.