Thực tế tăng cường đã thay đổi ngành công nghiệp bán lẻ như thế nào?

30 Thg 10

Trong vài năm qua, thực tế tăng cường (AR) được cho là một giải pháp hữu ích có tính giá trị cao, đặc biệt là trong ngành bán lẻ. Trên thực tế, 75% người tiêu dùng mong đợi các nhà bán lẻ cung cấp trải nghiệm thực tế tăng cường để họ có thể tối đa hóa trải nghiệm bằng những thông tin ảo. Trong khi có nhiều cách AR sẽ chuyển đổi bán lẻ trong những năm tới, hãy cùng MarketingAI tìm hiểu thực tế tăng cường đã thay đổi ngành công nghiệp bán lẻ như thế nào và bạn sẽ cần chuẩn bị những gì để đối phó với cơn bão AR sắp đổ bộ.

Thực tế tăng cường đã thay đổi ngành công nghiệp bán lẻ như thế nào?

Thử đồ trên những sản phẩm 3D

Trên thực tế, một cửa hàng trưng bày những sản phẩm được đóng gói sẵn một cách cẩn thận có thể ngăn cản khách hàng trải nghiệm sản phẩm, đặc biệt là với ngành hàng giày thể thao. Một vài thương hiệu đang sử dụng AR để giải quyết thử thách này. Ví dụ, ứng dụng LCST Lacoste AR của Lacoste cho phép khách hàng trải nghiệm phương pháp thử giày ảo mà như thật. Kể từ khi phát hành, hơn 30.000 người dùng đã tương tác với các sản phẩm trong ứng dụng.

Sephora, trong khi đó, tạo ra một ứng dụng nghệ sĩ ảo được thiết kế để có thể hiển thị khuôn mặt người dùng thay đổi sau khi dùng những sản phẩm trang điểm. Khi nhìn vào màn hình, bạn có thể dùng thử những sản phẩm của thương hiệu Sephora để xem có phù hợp với mình không thông qua màn hình máy ảnh của điện thoại.

Đến cuối năm 2018, các thiết bị di động ước tính sẽ chiếm 27% tổng doanh số bán lẻ thương mại điện tử của Mỹ. Trong mùa lễ, người mua sắm bận rộn sẽ chuyển sang các thương hiệu như Lacoste và Sephora để đảm bảo rằng họ thích giao diện của sản phẩm trước khi mua hàng trực tuyến. Bằng cách cung cấp một giải pháp thay thế có thể so sánh được với trải nghiệm tại cửa hàng, bạn có thể thu hút nhiều đối tượng khách hàng tiềm năng hơn.

Người dùng có thể dùng thử những sản phẩm của thương hiệu Sephora trên điện thoại (Ảnh: VRScout)

>>> Xem thêm: Công nghệ tăng cường thực tế ảo AR đóng vai trò gì trong mua sắm trực tuyến?

Thử sản phẩm 3D trong ngôi nhà của chính bạn

Thông thường, trải nghiệm tại cửa hàng không giúp khách hàng trực quan hóa sản phẩm phù hợp với họ như khi họ ở nhà mình. Một trong những cách lớn nhất AR sẽ chuyển đổi ngành bán lẻ chính là cung cấp cho khách hàng cơ hội để xem sản phẩm trong nhà trước khi mua hàng.

Ví dụ, Magnolia Market hợp tác với nhóm AR của Shopify để tạo ra một ứng dụng cho phép khách hàng xem các sản phẩm của thương hiệu sẽ trông như thế nào khi đặt trong ngôi nhà của họ. Thực tế tăng cường giúp khách hàng hình dung các sản phẩm của Magnolia Market để quyết định xem các sản phẩm có phù hợp với các đồ nội thất hiện có hay trong căn phòng hay không?

Tương tự, Home Depot đã phát hành ứng dụng Project Color vào năm 2015, cho phép người dùng xem màu sơn trông như thế nào trong một căn phòng. Công nghệ AR xem xét ánh sáng, đồ vật và toàn bộ nội thất trong căn phòng phòng, vì vậy bạn có thể có được một chân dung thực tế về màu sơn sẽ trông như thế nào trong cuộc sống thực.

Cả hai ứng dụng Mangolia Market và Home Depot đều cho phép người dùng gửi hình ảnh qua văn bản hoặc trên phương tiện truyền thông xã hội để lấy ý kiến ​​của bạn bè trước khi mua hàng.

Khi nhiều cửa hàng bán lẻ cải thiện dịch vụ cung cấp bằng các ứng dụng thực tế tăng cường, doanh nghiệp nào không ứng dụng kĩ thuật này sẽ trở nên thua thiệt. Giữa hai thương hiệu, một bên cung cấp cho bạn hình ảnh sản phẩm hiển thị như thế nào trong căn hộ và một thương hiệu không, thì bạn sẽ chọn thương hiệu nào?

Magnolia Market hợp tác với nhóm AR của Shopify để tạo ra một ứng dụng cho phép khách hàng xem các sản phẩm của thương hiệu sẽ trông như thế nào khi đặt trong ngôi nhà của họ (Gif: Medium)

Thu thập thông tin trong cửa hàng

Ngày nay, gần 60% người mua sắm tra cứu thông tin sản phẩm và giá cả trong khi sử dụng điện thoại di động của họ trong các cửa hàng. Thực tế tăng cường có thể cung cấp một giải pháp quan trọng để đáp ứng nhu cầu này của người mua sắm.

Có một số thông tin sản phẩm mà người mua sắm khá ngại ngùng khi một nhân viên bán hàng - các câu hỏi như, "Khách hàng khác nghĩ gì về sản phẩm này?" AR có thể lấp đầy khoảng trống này. Ví dụ: American Apparel đã tạo ứng dụng AR cho phép khách hàng quét dấu tại cửa hàng và lấy thông tin sản phẩm, bao gồm đánh giá của khách hàng, tùy chọn màu sắc và đặt giá ngay trên ứng dụng đó.

Ngoài ra, người dùng ứng dụng có thể xem video của các mô hình mặc các sản phẩm của American Apparel và gửi sản phẩm cho bạn bè nếu họ nghĩ rằng bạn bè của họ thích nó.

Mặc dù người dùng có thể tìm thấy thông tin này trực tuyến mà không cần ứng dụng AR, nhưng thực tế tăng cường giúp thu hẹp khoảng cách giữa mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến, tạo trải nghiệm gắn kết hơn. Để giúp khách hàng của bạn tìm thấy những gì họ cần dễ dàng hơn, bạn có thể cân nhắc sử dụng dịch vụ AR tại cửa hàng.

Ứng dụng có thể xem video của các mô hình mặc các sản phẩm của American Apparel và gửi sản phẩm cho bạn bè nếu họ nghĩ rằng bạn bè của họ thích nó (Ảnh: Trigger Global)

Sử dụng phòng thay đồ ảo

Các phòng thay đồ, đặc biệt là trong mùa mua sắm bận rộn, có thể là một rào cản đối với người mua sắm. Đôi khi, một người mua sắm có thể mua một món hàng, thử nó ở nhà, và trả lại nó chỉ để tránh phòng thử đông nghịt người.

Nếu bạn định sử dụng AR, bạn sẽ muốn suy nghĩ về cách biến trải nghiệm khách hàng của bạn trở nên thoải mái hơn. Topshop, ví dụ, hợp tác với AR Door và sử dụng công nghệ cảm biến chuyển động Kinect để tạo ra một phòng thay đồ ảo cho khách hàng tại cửa hàng ở Moscow. Bằng cách đứng trước máy ảnh, khách hàng có thể thấy các mặt hàng quần áo trông như thế nào trên cơ thể họ mà không cần phải cố gắng thay đồ hoặc chen chúc vào những phòng thử.

Tương tự, Timberland đã tạo phòng thử ảo của riêng mình tại Phòng trưng bày Moktow vào năm 2014. Sử dụng Kinect, phòng thử đồ của Timberland cho phép khách hàng xem thân thể họ trông như thế nào trong những bộ trang phục nhất định.

Lý tưởng nhất, AR có thể giúp bạn thu hút nhiều khách hàng hơn, bao gồm cả những người mua sắm đang vội vã hoặc chán nản vì đám đông người trong phòng thử. Để đáp ứng nhiều khách hàng hơn, bạn có thể cân nhắc việc kết hợp các phòng thử đồ ảo vào cửa hàng của mình.

Topshop sử dụng công nghệ cảm biến chuyển động Kinect để tạo ra một phòng thay đồ ảo cho khách hàng tại cửa hàng ở Moscow (Ảnh: Internet)

Kết

Đối với mỗi doanh nghiệp, việc quan trọng nhất khi áp dụng AR vào doanh nghiệp chính là xem xét các khả năng AR sẽ phù hợp với khách hàng như thế nào, sẽ giúp gia tăng trải nghiệm của khách hàng ra sao? Để tạo chiến lược lâu dài bền vững, bạn cần chú trọng vào khách hàng, chứ không phải mục tiêu kinh doanh thu hút sự tò mò của người tiêu dùng.

Nguồn: Hubspot 

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.