Tiềm năng ngành dược phẩm phát minh tại thị trường Việt Nam

24 Thg 07

Trong thời gian gần đây, ngành Y tế - Chăm sóc sức khỏe đang trên đà phát triển mạnh. Đây cũng là lĩnh vực được mọi người quan tâm nhiều nhất kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu. May mắn thay tại Việt Nam, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ cùng những biện pháp y tế mạnh mẽ và hiệu quả đã giúp đất nước 97 triệu dân này kiểm soát được dịch bệnh và là tấm gương mẫu mực cho nhiều quốc gia khác trên thế giới học hỏi. Cũng nhờ vậy mà Việt Nam trở thành điểm đến cho các nhà đầu tư mới về một thị trường đầy an toàn và tiềm năng, là cơ hội lớn để hiện thực hóa tiềm năng phát triển của ngành y tế Việt Nam trong lĩnh vực dược phẩm phát minh.

Tiềm năng ngành dược phẩm phát minh tại thị trường Việt Nam

Từ lâu, Việt Nam đã là thị trường được nhiều quốc gia ''để mắt'' đầu tư, trong đó phải kể đến sự giúp đỡ của Liên minh châu Âu (EU) nói chung và Chính phủ Anh nói riêng trong việc hợp tác và hỗ trợ về nghiên cứu khoa học, các dự án quản lý về bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm...

Đặc biệt trong khoảng thời gian từ năm 2012-2017, EU đã cung cấp, hỗ trợ tài chính hơn 1 tỷ Euro cho ngành y tế Việt Nam, đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng lực ngành y tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, y tế dự phòng… sự đầu tư này đã được Việt Nam đền đáp xứng đáng với những thành công ban đầu trong nỗ lực phòng chống Covid-19.

Trong lĩnh vực dược phẩm phát minh, nghe có vẻ mới lạ nhưng thực chất, lĩnh vực này đã và đang tạo ra nhiều giá trị kinh tế lớn cho xã hội. Theo báo cáo mới công bố gần đây của KPMG Việt Nam cho thấy, thị trường dược phẩm tại Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh với tổng giá trị tăng từ 2,7 tỷ USD trong năm 2015 lên đến 3,6 tỷ USD vào năm 2018 với tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) là 10,6% dựa vào sự tăng trưởng trong giai đoạn phát triển từ 2015 đến 2017. Đây cũng là cơ hội phát triển mạnh cho ngành công nghiệp dược phẩm với hơn 44.000 người lao động đang làm việc trong lĩnh vực này.

Việc dễ dàng tiếp cận và tận dụng công nghệ thông tin trong thời đại số hóa sẽ kiến tạo cơ hội giúp gia tăng tốc độ tăng trưởng của ngành dược phẩm Việt Nam.

Nguồn: Vietnam+

Vượt qua những khó khăn và thách thức của khuôn khổ pháp lý, thị trường Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế bởi lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực từ địa chính trị quốc gia.

Đây cũng là cơ hội tăng trưởng kinh tế xã hội thông qua các khoản đầu tư vào công nghệ cao cùng nguồn lao động khỏe mạnh, là bước tiến quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như môi trường kinh doanh, pháp lý. Không chỉ vậy, việc phát triển ngành dược phẩm phát minh còn giúp nâng cao năng lực nhân sự y tế của đội ngũ y học trong nước, tăng trưởng các hoạt động nghiên cứu, phát triển và trở thành trung tâm trong khu vực về ngành dược phẩm.

Nguồn: Vietnam+

Mở rộng khả năng tiếp cận với các loại thuốc tiên tiến và chăm sóc y tế chất lượng cao sẽ đảm bảo Việt Nam đáp ứng các mục tiêu phát triển đầy tham vọng của mình, giúp hình thành một môi trường kinh doanh dài hạn, cải thiện khả năng chữa bệnh cho bệnh nhân cũng như tham vọng đạt được các giá trị từ ngành dược phẩm phát minh. Tuy nhiên để đạt được điều đó, cũng cần một hướng đi mạnh mẽ và đầy quyết đoán từ Chính phủ, đặc biệt là ưu tiên cho hoạt động phát triển ngành dược phẩm phát minh để lĩnh vực này thực sự trở thành một trong những ngành quan trọng trong thập kỷ tới.

>> Xem thêm: Ảnh hưởng của Covid-19 lên ngành dược phẩm Việt Nam 2020
Tạm kết

Những nỗ lực không ngừng của ngành y tế Việt Nam trong việc kiểm soát và khống chế dịch bệnh phần nào đã được đền đáp xứng đáng với sự ghi nhận và khâm phục của bạn bè quốc tế. Đó cũng là cơ hội cho y tế Việt Nam thu hút nguồn đầu tư hơn nữa để xây dựng và phát triển ngành dược phẩm phát minh trong thời gian tới. Với các thương hiệu dược phẩm, đây cũng là hướng phát triển đầy tiềm năng cho các nhãn hàng cân nhắc đầu tư để ''đi trước đón đầu'' xu hướng dược phẩm chính trong tương lai.

Phương Thảo - MarketingAI

Tổng hợp

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.