Tổng kết 2018: Tại sao 2018 lại là năm của thương mại điện tử Đông Nam Á?

04 Thg 12

Từ trước đó, 2018 đã được dự đoán là năm hứa hẹn sự tăng trưởng của thương mại điện tử tại khu vực Đông Nam Á. Đây cũng chính là khu vực được mệnh danh là "mỏ vàng" cho ngành thương mại điện tử. Năm 2018 chuẩn bị khép lại, đúng như dự đoán đó, đây chính là năm phát triển rực rỡ của ngành thương mại điện tử tại các quốc gia Đông Nam Á.

2018 - Năm của thương mại điện tử Đông Nam Á

Theo báo cáo e-Conomy Southeast Asia 2018 mới nhất của Google và Temasek có trụ sở tại Singapore, nền kinh tế kỹ thuật số ở Đông Nam Á đang trên đà tăng trưởng mạnh. Ước tính, thương mại điện tử tại Đông Nam Á sẽ đạt 240 tỷ Đô la vào năm 2025, cao hơn 40 tỷ Đô la so với các ước tính trước đó.

2018 - Năm của thương mại điện tử Đông Nam Á (Ảnh: HostPapa)

Báo cáo cũng cho biết nền thương mại điện tử ở Đông Nam Á đạt điểm tăng mạnh năm 2018 với động lực nhờ vào số lượng người dùng Internet trên các thiết bị di động tại các quốc gia trong khu vực gia tăng nhiều nhất trên thế giới. Bên cạnh thương mại điện tử thì phương tiện trực tuyến, du lịch trực tuyến và dịch vụ gọi xe có tốc độ tăng với tốc độ chưa từng thấy.

Kết quả là, nền kinh tế Internet của khu vực sẽ đạt 72 tỷ USD trong năm nay, có nghĩa là nó sẽ tăng gấp đôi kể từ năm 2015.

Những yếu tố chính từ người tiêu dùng trẻ và sự tăng trưởng của thiết bị di động đang ảnh hưởng đến hầu hết mọi quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên vẫn có một số thách thức để phát triển, đặc biệt là thanh toán kỹ thuật số.

Sự đầu tư vào thương mại điện tử

Báo cáo e-Conomy Southeast Asia 2018 cho biết, niềm tin của nhà đầu tư trong khu vực đang tăng lên. Thực tế, từ đầu năm nay, Alibaba đã đầu tư mạnh tay rót thêm 2 tỷ USD vào nền tảng thương mại điện tử Lazada ngay sau thông tin có sự xuất hiện của ông lớn bán lẻ thương mại điện tử Amazon. Trước đó, vào tháng 4/2016, Alibaba đã mua 51% cổ phần của Lazada với giá 1 tỷ USD, đẩy tổng mức đầu tư của họ vào thị trường Đông Nam Á lên hơn 2 tỷ USD. Mục đính chính là giúp tập đoàn này mở rộng hoạt động kinh doanh ra toàn khu vực Đông Nam Á.

Alibaba đầu tư mạnh tay vào khu vực Đông Nam Á qua Lazada (Ảnh: media1)

Trong một tuyên bố, Alibaba cho biết việc đầu tư vào Lazada chính là việc nhấn mạnh niềm tin vào triển vọng tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á, là chìa khóa cho kế hoạch phát triển toàn cầu của mình.

Lucy Peng - chủ tịch của Lazada, cho biết:

"Với một dân số trẻ, thâm nhập di động cao và chỉ 3% doanh thu bán lẻ của khu vực hiện đang trực tuyến, chúng tôi cảm thấy rất tự tin để tăng trưởng gấp đôi tại Đông Nam Á"

Bùng nổ ngày hội mua sắm

Năm nay cũng là lần đầu tiên nền tảng thương mại điện tử Lazada mang đến sự hưng thịnh của ngày hội mua sắm Singles Day vào ngày 11/11 đến sáu quốc gia Đông Nam Á: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam.

Lazada cho biết có 20 triệu người tiêu dùng trong khu vực đã hưởng ứng và mua sắm vào ngày 11/11. Các thương hiệu nổi tiếng như trong ngành mỹ phẩm có Maybelline và L''Oréal Paris, thương hiệu sữa Enfa và thương hiệu điện thoại thông minh RealMe là các thương hiệu có sự tham gia mạnh mẽ vào dịp ngày hội mua sắm này.

Ngày hội mua sắm thúc đẩy hành vi mua sắm cao của người tiêu dùng tại Đông Nam Á trên nền tảng thương mại điện tử (Ảnh: The Singapore Women''s Weekly)

Điển hình là tại Việt Nam, nhiều thương hiệu như Shopee và Tiki cũng bùng nổ ngày hội mua sắm 11/11 và mang lại được sự thành công lớn.

Bên cạnh Singles'' Day, ngày hội mua sắm Black Friday vừa qua cũng đã diễn ra vô cùng "rầm rộ" thu hút hàng triệu người tham gia mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử.

Các chính sách thúc đẩy Thương mại điện tử từ Chính phủ các quốc gia tại Đông Nam Á

Tại nhiều quốc gia, chính phủ đã tham gia để mở ra một kỷ nguyên thương mại điện tử mới. Tại Malaysia, chính phủ đưa ra các sáng kiến ​​của nhằm tăng cường mua sắm trực tuyến.  Tại Thái Lan, chính phủ nước này có nhiều cải tiến về ​​kỹ thuật số để thúc đẩy tăng trưởng và đã giới thiệu một dịch vụ chuyển tiền gọi là PromptPay. Tại Việt Nam, thủ tướng đã công bố kế hoạch trong năm 2016 để phát triển thương mại điện tử trong bốn năm tới. Các doanh nghiệp trực tuyến đang phát triển một lần nữa nhờ vào người tiêu dùng trẻ và thiết bị di động. Tuy nhiên do cơ sở hạ tầng chưa phát triển đồng bộ nên Logistics vẫn là một thách thức lớn. Sự đầu tư của chính phủ về điều kiện đường xá, giao thông cũng thúc đẩy và hỗ trợ cho thương mại điện tử.

Theo: AdWeek

Ngọc Mai - MarketingAI

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.