Tổng quan tình hình ngành Thương mại điện tử ở Việt Nam

11 Thg 06

Thương mại điện tử ở Việt Nam xuất phát điểm khá khiêm tốn so với các thị trường khác, song cũng nên nhìn nhận những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp. Có thể nói từ ba năm trở lại đây, bức tranh Thương mại điện tử ở Việt Nam mới thực sự khởi sắc, mức độ mua sắm trực tuyến của người dân đang có những thay đổi lớn.

Bức tranh Thương mại điện tử ở Việt Nam

Thương mại điện tử Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng cạnh tranh rất khốc liệt. Theo một báo cáo của diễn đàn TheLEADER vào tháng 11/2017, Việt Nam, Thái Lan và Malaysia là những thị trường Thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Thị trường hàng hóa thông qua thương mại điện tử cũng đang mở rộng sang các thị trường mới. Điển hình là Thái Lan (+104%), Malaysia (+88%) và Việt Nam (+69%), nơi mà thương mại điện tử chỉ mới ở giai đoạn đầu nhưng đã ghi nhận những mức tăng trưởng đáng kể. Báo cáo của Kantar Worldpanel cũng cho biết, doanh thu hàng hóa thông qua các nền tảng thương mại điện tử của nhóm 3 nước này đã tăng 30% trong 12 tháng tính đến tháng 3/2017.

tổng quan nhành thương mại điện tử ở Việt Nam và trên toàn thế giới
(Ảnh: Kantar Worldpanel)

Cũng theo các thống kê dựa trên tình hình thương mại điện tử trên toàn thế giới, thương mại di động đang trở thành xu hướng và sẽ góp phần không nhỏ đến sự phát triển và thay đổi của các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử hiện nay.

Dân số trẻ của Việt Nam nằm trong số những người sử dụng thiết bị di động nhiều nhất trong khu vực. Trong khi đó, người tiêu dùng cũng dành nhiều thời gian trực tuyến hơn hầu hết các nước láng giềng. Nielsen, công ty nghiên cứu thị trường, ước tính rằng người dân Việt Nam dành gần 25 giờ online mỗi tuần, theo sát Philippines và Singapore.

thương mại điện tử ở Việt Nam
(Ảnh: Nielsen)

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang gặp một thách thức đặc biệt trong thị trường vận chuyển giao hàng, vì đường xá nghèo, tắc nghẽn giao thông và địa lý rộng lớn - hai thành phố lớn nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cách nhau hơn 1.600km. Bên cạnh đó, thách thức cho thương mại ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, là hệ thống hậu cần (Logistics). Ông Vũ Đức Thịnh, giám đốc quốc gia cho bộ phận hậu cần của Lazada, đang thử nghiệm việc sử dụng xe đạp và xe ba bánh điện ở Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á. Các công ty thương mại điện tử cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các cửa hàng bán lẻ đang được đầu tư mạnh và doanh thu tăng trong bối cảnh bùng nổ kinh tế bền vững, trong đó tổng sản phẩm quốc nội tăng hơn 7% mỗi năm.

Sự đổ bộ của các đại gia Trung Quốc

Tháng 4/2016, tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma đã chi 1 tỷ USD để mua lại 51% cổ phần tại Lazada, vốn được coi là Amazon của Đông Nam Á. Đến tháng 06/2017, Alibaba tiếp tục rót thêm 1 tỷ USD để nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần lên 83% tại start-up được định giá 3,15 tỷ USD này.

Tháng 11/2017, tập đoàn thương mại điện tử JD.com vốn đang cạnh tranh với Alibaba tại thị trường Trung Quốc đã rót 44 triệu USD vào công ty bán lẻ trực tuyến Tiki. Tiki trước đó là công ty liên kết của VNG với tỷ lệ sở hữu cổ phần tính đến 30/09/2017 là 38%.

Một doanh nghiệp nữa có ảnh hưởng gián tiếp từ Trung Quốc nữa là Shopee. Shopee là công ty con của SEA. Tháng 10/2017 vừa qua, SEA, trụ sở chính tại Singapore, trở thành công ty công nghệ đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á chào bán cổ phiếu trên NYSE, thương vụ IPO thu về 884 triệu USD. SEA có cổ đông lớn là Tencent, tập đoàn có giá trị vốn hóa vừa vượt qua mốc 500 tỷ USD, trên cả người khổng lồ Facebook.

(Ảnh: CafeF)

Như vậy những đại gia về công nghệ và thương mại điện tử của Trung Quốc thông qua việc sở hữu trực tiếp và gián tiếp đều đã có mặt tại Việt Nam. Mục tiêu lớn hơn của các tên tuổi này là cả thị trường Đông Nam Á rộng lớn với quy mô trên 640 triệu dân và tổng GDP đạt gần 2.600 tỷ USD. Với vị trí địa lý gần kề, các đại gia Trung Quốc không giấu tham vọng biến Đông Nam Á thành “sân sau”, bước đệm để bành trướng ra thế giới trước khi đối thủ Amazon (Mỹ) nhảy vào thị trường tiềm năng này.

…. và sự tham gia của những doanh nghiệp Việt

Tham gia sớm vào thị trường khốc liệt này phải kể đến FPT. Từ năm 2012, FPT đã phát triển trang thương mại điện tử Sen đỏ với tuyên bố thời điểm đấy là trở thành sàn thương mại điện tử số một Việt Nam. Đến giữa năm 2014, FPT bổ sung thêm 123mua.vn bằng cách mua lại từ VNG.

Tháng 08/2015, Vingroup ra mắt website A đây rồi sau hai năm thai nghén.

Tháng 01/2017, Thế giới di động cũng chính thức ra mắt trang thương mại điện tử Vuivui. Với thành công vượt bậc trong thị trường bán lẻ di động, điện máy, MWG cũng không giấu tham vọng trở thành trang thương mại điện tử số một Việt Nam. Tuy vậy nguồn lực của MWG hiện đang tập trung vào việc mở rộng chuỗi cửa hàng Bách hóa xanh nhiều hơn là cho thương mại điện tử.

(Ảnh: CafeF)

Các nền tảng thương mại điện tử ở Việt Nam được tìm kiếm nhiều nhất

Dữ liệu từ Google Trends trong năm 2017 cho thấy rằng tìm kiếm Lazada thống trị so với tất cả các công ty thương mại điện tử ở Việt Nam khác. Theo iPrice Map, Lazada là nền tảng thương mại điện tử ở Việt Nam hàng đầu về lưu lượng truy cập hàng tháng.

Thế Giới Di Động, đại lý bán lẻ hàng điện tử hàng đầu của Việt Nam, đã có sự gia tăng đột ngột về tìm kiếm trong dịp Tết Nguyên Đán. Bởi lẽ người dân có nhu cầu cao đối với các sản phẩm điện tử như điện thoại thông minh và máy tính bảng trong mùa mua sắm vào dịp Tết.

Shopee gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 6 năm 2016 và đã trở thành một trong 5 công ty khởi nghiệp thương mại điện tử ở Việt nam được tìm kiếm nhiều nhất. Tìm kiếm về Shopee tăng đáng kể trong sự kiện bán hàng trực tuyến 11.11 và 12.12 (ý tưởng ban đầu bởi Lazada).

Các thương gia thương mại điện tử ở Việt Nam như Sendo và Tiki, tìm kiếm cũng tăng gấp đôi vào Qúy 4 năm 2017. Những công ty địa phương này đang bắt kịp các công ty trong khu vực trong sự kiện bán hàng trực tuyến cuối năm như 11.11 và 12.12. Tuy nhiên, với nguồn tài trợ hiện tại từ JD.com, Tiki.vn tăng trưởng nhanh hơn đáng kể trong tương lai.

Các ứng dụng mua sắm phổ biến ở Việt Nam trong năm 2017

Ở Đông Nam Á, người dùng Việt Nam chi tiêu số tiền cao thứ hai trong thời gian trực tuyến của họ, sau Singapore. Có tới 95% người Việt Nam hoạt động trên thiết bị di động và 78% trong số họ sở hữu một chiếc điện thoại thông minh, theo Báo cáo thương mại điện tử di động của Nielsen. 79% người tiêu dùng Việt Nam sử dụng ứng dụng hoặc trang web dành cho thiết bị di động để tìm kiếm thông tin sản phẩm.

(Ảnh: Viettel Store)

Shopee đã giành chiến thắng thị trường này, trở thành ứng dụng mua sắm phổ biến nhất sau 2 quý. Trong Quý 1, Lazada là ứng dụng mua sắm hàng đầu trên cả 2 nền tảng Android và iOS. Tuy nhiên, trong quý 3 và Q4, Shopee đã vượt qua đối thủ cạnh tranh của mình để đảm nhiệm vị trí dẫn đầu. Một công ty cần lưu tâm đó là Lotte, được ra mắt vào Quý 2016 và đã nằm trong top 5 ứng dụng mua sắm hàng đầu tại Việt Nam.

Các ứng dụng mua sắm địa phương như Sendo và Thế Giới Di Động là những ứng dụng duy nhất của Việt Nam có thể cạnh tranh với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực.

Các cửa hàng thương mại điện tử phổ biến nhất trên Facebook

Việt Nam tỷ lệ sử dụng mạng xã hội cao nhất, với 48% và 46 triệu người dùng Facebook hoạt động hàng tháng - theo báo cáo số 2017 của Wearesocial và Hootsuite. Báo cáo cũng chỉ ra rằng Facebook là nền tảng truyền thông xã hội tích cực nhất ở Việt Nam với 51% người dùng internet trên Facebook. Hiện Lazada có số lượng người theo dõi Facebook cao nhất tại Việt Nam. Các công ty Việt Nam khác chiếm ưu thế trong số 5 doanh nghiệp hàng đầu còn lại.

Điện Máy Xanh - một thương hiệu của Thế Giới Di Động đang sở hữu Fanpage có với sự tương tác khá cao, do các chiến dịch Social Marketing sáng tạo đã từng đoạt giải thưởng. Video quảng cáo của Điện May Xanh trở thành video quảng cáo được xem nhiều thứ hai trên Youtube ở châu Á vào tháng 11 năm 2016.

Bên cạnh đó, các thương hiệu cũng đẩy mạnh hoạt động trong lĩnh vực Influencer Marketing, với sự xuất hiện của những người nổi tiếng hàng đầu. Lazada sử dụng hình ảnh ca sĩ Tóc Tiên. Sơn Tùng MTP là đại sứ thương hiệu của Shopee và Tiki hợp tác với Chi Pu.

(Ảnh: FB Shopee)

Tuy Việt Nam vẫn còn kém xa các thị trường khác về doanh số thương mại điện tử. Nhưng nếu xét về tăng trưởng thì Việt Nam là một trong số thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Hiện tốc độ tăng trưởng lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam khoảng 35%, cao gấp 2,5 lần Nhật Bản.

Trang Ami – MarketingAI tổng hợp

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.