Trào lưu sống xanh: Bạn đã hiểu đúng và đủ?

18 Thg 06

Trào lưu sống xanh, một lối sống nhân văn đang được truyền thông trong nước hết mực lăng xê. Thế nhưng, đáng chú ý hiện nay, là việc các nhãn hàng đang quá lạm dụng trào lưu này, đưa ra những chiến dịch chạy theo xu hướng nhất thời mà không hề nhắm tới mục đích dài hạn là xây dựng một lối sống, tư tưởng bảo vệ môi trường cho người tiêu dùng. Đây là lý do khiến cho trào lưu này khó có thể chạy đường dài được, vậy từ bao giờ mà cá nhân hóa lại trở nên đáng quan ngại như vậy?

Thay đổi hành vi mua hàng của người tiêu dùng là tốt, nhưng với trào lưu sống xanh đã là đủ?

Trào lưu sống xanh có từ bao giờ?

Rất khó đưa ra một dấu mốc chính xác để trả lời câu hỏi sống xanh có từ bao giờ. Sống xanh, bắt nguồn từ hồi chuông kếu cứu cấp thiết đến từ môi trường, đầu tiên là tại các nước công nghiệp phát triển, với sự tăng gia sản xuất, phát triển công nghệ, hạ tầng, phương tiện, hiện đại hóa... Dần dần, các nước đang phát triển cũng hứng chịu những biến đổi của khí hậu, thiên tai, cạn kiệt tài nguyên. Tại Việt Nam, chỉ từ đầu thế kỷ 20 thì người dân mới ý thức được vấn đề bảo vệ môi trường.

(Nguồn: NVHTN)

Sống xanh được nhiều người dân coi như là tiêu chuẩn sống văn minh, hiện đại, hạn chế lượng rác thải bằng nhựa tối đa, cùng với đó là những hành vi bảo vệ môi trường như phân loại rác, sử dụng nguyên liệu tự nhiên, trồng cây xanh, bảo vệ động vật quý hiếm. Thế nhưng, phải đến những năm gần đây, khi mà các công cụ Internet và mạng xã hội truyền thông phát triển cực thịnh, thì vấn đề này mới được đề cập cụ thể và quyết liệt. Bắt nguồn từ trào lưu "Challenge for change" (Thử thách cho sự thay đổi), thì giới trẻ mới bắt đầu cuống cuồng chứng minh cho bàn dân thiên hạ thấy ý thức bảo vệ môi trường. Chính từ đây, mà rất nhiều người, nhiều bộ phận người dân quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, chính bởi vậy một trào lưu mới đang dần nở rộ từ đầu 2019 cho tới nay.

Trào lưu gây sốt đầu năm 2019 #Challengeforchange (Nguồn: Kenh14)

Thay đổi hành vi mua hàng bằng cách Cá nhân hóa là tốt nhưng chưa thực sự hiệu quả?

Personalized (cá nhân hóa) đang là triết lý kinh doanh của nhiều thương hiệu trên thị trường hiện nay. Rất nhiều chiến dịch, sản phẩm được tạo ra dùng để phục vụ cho những nhu cầu đang ngày càng gia tăng của người dân. Có thể thấy, việc quan tâm đến hành vi và cách sống của khách hàng giúp cho nhiều thương hiệu đạt được sự quan tâm nhất định, cũng như đánh giá cao của thị trường. Nó không chỉ giúp gia tăng doanh số, mà còn định vị thương hiệu trong lòng người tiêu dùng!

Với trào lưu sống xanh này, thì việc cá nhân hóa những sản phẩm cho người dân được nhiều hãng thực hiện. Từ những thương hiệu ngành F&B cho tới những thương hiệu FMCG, chiến lược này đa phần sử dụng Packaging thân thiện với môi trường, phân hủy dễ dàng trong tự nhiên. Các hãng cà phê đang khuyến khích khách hàng của mình sử dụng những ly bằng chất liệu cứng như: Inox, nhôm, thủy tinh, nhựa cứng... Hay thay vì sử dụng ống hút bằng nhựa thì ống hút inox, ống hút tre, gạo được "nâng tầm" vị thế.

Poster chiến dịch về sống xanh của Highlands Coffee 

Thế nhưng, cá nhân hóa kiểu này liệu có thể đã giáo dục tốt cho người tiêu dùng về ý thức bảo vệ môi trường hay cũng chỉ là trào lưu nhất thời đem danh tiếng, lợi nhuận về cho nhãn hàng mà thôi? Rất nhiều nhãn hàng, hay các bên truyền thông đang hiểu sai lệch cũng như áp đặt vấn đề sống xanh vào tư tưởng của người dân. Việc sử dụng ly có thể sử dụng nhiều lần là cực kỳ tốt, những chương trình upsize khi mang cốc của mình đến như Highland đang làm, hay giảm giá khi sử dụng bình của mình của Starbucks, đang có hiệu quả và tính tuyên truyền khá cao. Thế nhưng, để khẳng định đây là con đường lâu dài để trào lưu sống xanh có thể trụ lại được trong ý thức người dân thì không thể, trước những thú vui luôn biến đổi của khách hàng.

Rất nhiều chuyện dở khóc dở cười được diễn ra, như việc người dân mang cả bát ô tô, thau đến để được một thương hiệu cà phê Upsize. Hay việc, mua những sản phẩm có bao bì bằng chất liệu thân thiện với môi trường, nhưng sau khi mang về lại xách bằng... túi Nilon! Câu hỏi đặt ra cho các nhãn hàng F&B là, liệu cá nhân hóa người dùng bằng cốc riêng chính chủ, thu hút được lợi nhuận giúp cho một lượng không nhỏ cốc nhựa thải ra môi trường được giảm thiểu, nhưng nó đã mang giá trị nhân văn thực sự nào chưa? người tiêu dùng sau một loạt tác động từ truyền thông đã hiểu đúng và đủ sống xanh là gì? Hay chỉ là giảm thiểu nhựa mà thôi?

(Nguồn: Tuổi trẻ)

Theo khảo sát của MarketingAI thì có đến 90% người được hỏi, nghĩ rằng Sống xanh là không sử dụng nhựa! Tư tưởng như vậy là đúng, nhưng chưa đủ. Vấn đề đáng nói ở đây là, mọi người đang hiểu thiếu về trào lưu sống xanh, nhựa không có lỗi, lỗi nằm ở cách con người sử dụng nhựa và xử lý rác thải chưa đúng cách! Các nhãn hàng hiện nay, đang đổ lỗi cho nhựa, và việc khuyến khích người mua hàng sử dụng đồ của mình cũng chỉ như là một chiến dịch nhất thời được nhiều người sống xanh thực sự cảm thấy không hài lòng. Đúng, nhựa là chất liệu không thể phân hủy và rất cần được hạn chế sử dụng nhưng có thể tái chế, vậy còn các rác thải khác, việc thay cốc nhựa bằng cốc giấy chẳng phải là góp phần chặt phá thêm hàng nghìn cây xanh để đưa vào sản xuất hay sao? Khói bụi, nước thải từ các nhà máy và phương tiện giao thông làm ảnh hưởng trực tiếp đến bầu khí quyển chúng ta đang hít thở từng ngày thì thế nào? Sống xanh là 1 phạm trù rất rộng và có nhiều điều phải chú ý hơn thế chứ không nên chỉ tập trung vào nhựa. Các nhãn hàng hiện tại đang truyền thông không triệt để, cẩu thả, khiến cho trào lưu này đang có phần hơi sai lệch và bị làm lố.

Cứ thử nhìn, một chiến dịch mà Coca-Cola tạo ra, chiến dịch OOH của hãng với những biển quảng cáo tuyên truyền rằng mọi người nên vứt rác đúng nơi quy định gắn với hình ảnh nhận diện thương hiệu. Đây mới đúng và đủ với 2 chữ "Sống xanh", không cần quá phô trương mà vẫn đạt được hiệu quả mong muốn khi người dân vừa dễ chịu với quảng cáo này, mà hình ảnh thương hiệu được lồng ghép khéo léo. Hãng đã cho thấy rằng, sống xanh không chỉ là chuyện riêng tôi hay anh, mà nó là việc mà tất cả chúng ta cần phải làm. Chẳng cần đến những việc cao xa, hay "khua chiêng gõ mõ" rằng tôi bảo vệ môi trường, tôi có cốc, bát của riêng tôi, thì ngay từ vấn đề nhỏ nhất là vứt rác đúng nơi quy định, bạn đã làm được chưa?

Quảng cáo ngoài trời của Coca-Cola gây sốt vì tính nhân văn (Nguồn: Unique Outdoor Agency)

Kết

Lâu lắm rồi xã hội mới có một trào lưu mà được sự hưởng ứng của đại đa số người dân đến vậy. Thế nhưng cách mà các thương hiệu làm hiện nay tại Việt Nam, chưa thật sự đúng và triệt để để trào lưu sống xanh có thể đi được đường dài? Hãy nhớ rằng, sống xanh không chỉ là chuyện của một cá nhân mà nó là vấn đề của cả cộng đồng, có lẽ chúng ta đang tập trung đổ lỗi cho chất liệu mà quên mất cái cần hướng đến là hành vi của con người trong xã hội này, vì vậy đừng vì lợi nhuận trước mắt mà bỏ quên giá trị cốt lõi bên trong các nhãn hàng nhé!

Xem thêm: Quảng cáo về sống xanh – lạm dụng cảm xúc tội lỗi Xem thêm: Denim – ngành hàng đi đầu trong vấn đề “xanh hóa” của ngành dệt may Việt Nam

Thắng Nguyễn - MarketingAI

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.