Các thương hiệu FMCG nên triển khai hoạt động khuyến mãi trong mùa lễ hội như thế nào?

13 Thg 10

Mùa lễ hội cuối năm 2021 sắp đến, các thương hiệu FMCG cần làm gì để hoạt động khuyến mãi vừa hiệu quả vừa đem lại ý nghĩa cho người tiêu dùng?

Hiện tại, chúng ta đã cùng nhau trải qua năm thứ hai của đại dịch Covid-19, nhiều hoạt động đã thay đổi và các thương hiệu buộc phải nhanh chóng điều chỉnh để thích ứng. Và mùa lễ hội cuối năm sắp tới đây chính là thời điểm “vàng” để các thương hiệu bứt phá doanh số.

Dưới đây là một số cách giúp các công ty ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) thực hiện các chương trình khuyến mãi mùa lễ hội dễ dàng và nhanh chóng nhất để đạt được mục tiêu doanh thu tiềm năng.

Lựa chọn hình thức khuyến mãi phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng 

Hoạt động khuyến mãi và giảm giá là giải pháp kích cầu được các công ty sản xuất và nhà bán lẻ đặc biệt chú trọng và yêu thích, nhất là trong các ngày lễ lớn trong năm. Ví dụ, trong dịp Tết Nguyên đán 2020 tại Trung Quốc, số lượng các chương trình khuyến mãi đã tăng lên 17% so với các tuần trước đó.

Mặc dù khuyến mãi và giảm giá là một trong những cách thức kích cầu, thúc đẩy doanh số bán hàng hiệu quả nhất, nhưng đôi khi kết quả lại không được như các thương hiệu mong muốn bởi vẫn còn xảy ra tình trạng “lãng phí khuyến mãi”.

Tết Nguyên đán là thời điểm bùng nổ mua sắm trong năm. Ảnh: tapchitaichinh

Không có cách tiếp cận chung nào cho tất cả các chương trình khuyến mãi, giảm giá bởi vì phản ứng của người tiêu dùng là khác nhau tùy thuộc vào từng hình thức khuyến mãi và danh mục sản phẩm. Chẳng hạn, các sản phẩm chăm sóc, vệ sinh các nhân như kem đánh răng và sữa rửa mặt sẽ tạo được doanh số cao hơn khi áp dụng chương trình khuyến mãi theo combo, ghép đôi; nhưng hình thức này lại không quá hiệu quả với loại thức ăn nhẹ, vì chúng thường có xu hướng bán tốt hơn khi được giảm giá.

Do đó, để không lãng phí ngân sách cho hoạt động khuyến mãi của mình và thúc đẩy doanh số bán hàng dịp lễ hội, các thương hiệu FMCG và nhà bán lẻ cần tạo các chương trình khuyến mãi đáp ứng đúng nhu cầu của người tiêu dùng, đúng sản phẩm với cơ chế phù hợp.

Ý tưởng an toàn cho sản phẩm tiêu dùng tại gia mùa lễ hội

Mặc dù tình hình dịch bệnh đã tạm lắng xuống hay chỉ bùng phát ở một số khu vực nhất định, nhưng sự quan tâm của người tiêu dùng về vấn đề sức khỏe và an toàn sẽ luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của họ. Điều này càng thể hiện rõ hơn trong các dịp lễ, cho dù nhu cầu tăng cao nhưng không vì thế mà họ “xuề xòa” trong chi tiêu mua sắm. Vì vậy, các nhà bán lẻ và nhà sản xuất nên xem xét và cân nhắc về những quảng cáo sản phẩm chất lượng, an toàn, tiện dụng mùa lễ hội.

Tiêu dùng tại nhà sẽ tiếp tục thúc đẩy doanh số FMCG mùa lễ hội cuối năm

Thay vì tặng các sản phẩm giấy khô, giấy ướt như mọi năm, bạn nghĩ như thế nào về ý tưởng tặng kèm nước rửa tay cho người dùng mùa lễ Giáng sinh năm nay? Bằng cách thay đổi những sản phẩm trong các chương trình khuyến mãi combo, ghép đôi sao cho phù hợp với chủ đề lễ hội, khuyến khích người tiêu dùng trải nghiệm, các thương hiệu FMCG có thể nhanh chóng kết nối với thói quen hiện nay của người dùng.

Chương trình khuyến mãi với các sản phẩm tốt cho sức khỏe

Xu hướng ăn uống healthy được thúc đẩy mạnh mẽ và ngày càng trở thành “phương châm sống” của nhiều người tiêu dùng. Do đó, các thương hiệu nên tận dụng xu hướng này để triển khai chương trình khuyến mãi những sản phẩm tốt cho sức khỏe để tăng cường hệ thống miễn dịch, ăn uống lành mạnh.

Ngoài ra, thị trường Hard seltzer (loại thức uống có ga, thường mang hương trái cây với nồng độ cồn khoảng 4,5-7 độ và có hàm lượng calo dưới 100) đang có xu hướng phát triển và mở rộng nhanh chóng tại nhiều thị trường trên toàn cầu. Các thương hiệu có thể xem xét khuyến mãi những loại thức uống này thay cho đồ uống có cồn và nhiều calo hiện đang sử dụng.

Thị trường các sản phẩm Hard seltzer ngày càng trở nên sôi động

Tạo nhiều lựa chọn khuyến mãi với từng cực thu nhập

Giới hạn về quy mô tụ tập và tạm thời ngừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu đã tác động mạnh đến doanh số của các sản phẩm phục vụ cho các bữa tiệc, buổi tụ họp như đồ uống có cồn, nước ngọt, đồ tráng miệng,...

Vào những dịp này, người tiêu dùng có ngân sách tiêu dùng thoải mái sẽ lựa chọn chất lượng hơn số lượng, do đó các thương hiệu cao cấp sẽ được ưu tiên lựa chọn hơn.

Theo thói quen chi tiêu, có thể chia người tiêu dùng thành hai nhóm:

  • Người tiêu dùng bị ảnh hưởng tài chính, chi tiêu khó khăn bởi đại dịch
  • Người tiêu dùng chi tiêu được đảm bảo, rất ít hoặc không bị tác động về mặt kinh tế do dịch.

Do đó, các thương hiệu có thể triển khai chương trình khuyến mãi hấp dẫn với kích thước lớn và giá cả phù hợp để thu hút nhóm người tiêu dùng chi tiêu khó khăn. Còn nhóm người tiêu dùng có chi tiêu được đảm bảo, thương hiệu nên tập trung vào các sản phẩm cao cấp, đảm bảo nhu cầu “chiều chuộng” bản thân của họ.

Thu hút nhóm người tiêu dùng “thông thái” sẵn sàng chi tiêu khi tìm thấy giá trị

Mặc dù một bộ phận người tiêu dùng buộc phải thắt chặt ngân sách do tác động của đại dịch, nhưng nhóm người tiêu dùng chi tiêu đảm bảo vẫn sẵn sàng đối đãi và chi trả cho bản thân trong mùa lễ hội sắp tới nếu họ nhận thấy giá trị của sản phẩm đó.

Tuy nhiên, nhóm người tiêu dùng “thông thái” này vẫn có mức độ nhạy cảm rất lớn đối với chương trình khuyến mãi của một số danh mục đặc biệt như bia, rượu. Chẳng hạn, trong dịp Tết Nguyên đán tại Malaysia, bia và rượu vang là một trong những danh mục có doanh số tăng lên rất cao khi được áp các khuyến mãi.

Có rất nhiều hình thức khuyến mãi đem lại hiệu quả ngoài giảm giá. Khuyến mãi theo gói dựa trên số lượng mua (như mua 2 sản phẩm tặng một phần quà) cũng rất phổ biến đối với người tiêu dùng mua sắm mùa lễ hội. Các nhà bán lẻ và nhà sản xuất có thể sử dụng hình thức tương tự cho những sản phẩm cao cấp để phục vụ nhóm khách hàng thoải mái trong chi tiêu này.

Các hình thức khuyến mãi mua theo số lượng đem lại hiệu quả rất tốt cho các thương hiệu FMCG

Đánh giá lại chiến lược thương mại điện tử của thương hiệu

Sự đón nhận của người tiêu dùng đối với thương mại điện tử và khâu hậu cần được cải thiện đã giúp các thương hiệu và nhà bán lẻ phục vụ tốt hơn nhu cầu mua sắm đa kênh của khách hàng. Để tận dụng xu hướng tiêu dùng ngày càng “số hóa” này trong dịp lễ hội sắp tới, các thương hiệu FMCG cần chú trọng hơn nữa đến mức độ sẵn có của sản phẩm với mức giá và hình thức khuyến mãi hấp dẫn.

Thị phần và doanh số thương mại điện tử tiếp tục tăng và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, ngoài ra người tiêu dùng luôn lên kế hoạch mua sắm trước lễ hội. Vì vậy, hãy đảm bảo xây dựng các chiến lược quảng cáo thương mại điện tử phù hợp với thực tế và nhu cầu hiện nay của người tiêu dùng.

Nhà sản xuất và bán lẻ cần làm gì tiếp theo?

Khi độ phủ tiêm chủng vaccine tiếp tục tăng lên, chúng ta có thể kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của ngành FMCG và bán lẻ trong thời gian tới. Tuy nhiên, trạng thái “bình thường” sẽ không thể trở lại nhanh như mong đợi. Do vậy, các nhà bán lẻ và nhà sản xuất cần bắt đầu hành động và lên kế hoạch ngay từ bây giờ thay vì chỉ đưa ra phản ứng một cách thụ động. Đó cũng chính là chìa khóa giúp các thương hiệu FMCG mạnh mẽ hơn để đối mặt với những thách thức bất ngờ trong tương lai.

Lương Hạnh - MarketingAI

Theo Nielsen IQ

>> Có thể bạn quan tâm: Xu hướng nổi bật ngành F&B Việt Nam năm 2021
Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.