Truyền thông THẬT mùa dịch bệnh Covid-19, tưởng dễ mà khó!

12 Thg 03

Tính tới thời điểm này, dịch bệnh Sars-Cov-2 đã lan tới hơn 106 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến cho 121.361 người nhiễm bệnh và con số tử vong thì lên tới 4.375 người. Khi tình hình dịch bệnh bắt đầu cho thấy những dấu hiệu tích cực tại ổ dịch lớn nhất thế giới, Trung Quốc, thì trái ngược với tình cảnh đó, Sars-Cov-2 đã bùng phát và hoành hành tại các nước Châu Âu phát triển như Ý, Anh, Đức,... Bộ Y Tế thế giới (WHO) cũng như Bộ Y Tế của hơn 100 quốc gia trên thế giới đang vô cùng tích cực và nghiêm túc trong công tác phòng dịch nhằm sớm ổn định tình hình đại cục, trước khi nó gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế các nước. Đóng góp một phần không nhỏ trong công tác phòng dịch, liệu truyền thông có đã và đang làm những gì và có làm tốt vai trò của nó trong mùa dịch bệnh căng thẳng hiện giờ không? Truyền thông THẬT liệu có đang chiếm thế thượng phong hay đang để những tin tức GIẢ lên ngôi, “đè đầu cưỡi cổ”? Hãy cùng tìm hiểu về truyền thông mùa dịch bệnh của các tổ chức, chính phủ các nước trên toàn cầu trong bài viết dưới đây của MarketingAI nhé!

Truyền thông tên gọi

Ngay từ khi bắt đầu xuất hiện tại Trung Quốc vào ngày 31 tháng 12 năm 2019, dịch bệnh Sars-Cov-2 đã được truyền thông Trung Quốc gọi với tên Dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới, viết tắt NCP. Dịch bệnh cũng có những tên gọi không chính thức như Virus corona Vũ Hán hay Virus viêm phổi Vũ Hán, do dịch được bùng phát ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc và bắt đầu lây lan nhanh chóng sau đó.

Vậy đâu mới là tên gọi chính thức của dịch bệnh này? Theo Bộ Y tế, WHO công bố tên chính thức cho loại virus gây ra sự bùng phát của dịch Covid-19 (trước đây gọi là 2019-nCoV) và căn bệnh mà nó gây ra. Cụ thể, bệnh được gọi là bệnh virus corona (Covid-19). Còn tên virus gây bệnh là virus corona-2 gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV-2). Bộ Y tế cho biết virus và bệnh thường có tên khác nhau.

Chủ tịch WHO công bố tên chính thức của loại virus corona chủng mới trong buổi họp tại Thụy Sỹ vào tháng 2/2020 (Nguồn: DW)

Theo lời Chủ tịch WHO, ông Ghebreyesus nói trong cuộc họp báo tại Geneve, Thụy Sỹ, thì WHO, Tổ chức Nông nghiệp thực phẩm và Sức khỏe động vật đã phải nghĩ ra một tên gọi mới, dễ phát âm, không đề cập đến vị trí địa lý, loài động vật, cá nhân, nhóm người. Và thế là cái tên SARS-CoV-2 này ra đời, nhưng có vẻ...nó cũng không được dễ đọc cho lắm. Ngoài ra, Theo WHO, việc sử dụng yếu tố SARS vào tên gọi có thể gây ra những hệ lụy không lường khi vô tình tạo ra sự sợ hãi không cần thiết cho nhiều người dân, đặc biệt là châu Á - những người đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch SARS năm 2003. Vì lý do đó cùng nhiều vấn đề liên quan, WHO đã sử dụng tên gọi Virus là Covid-19 để truyền thông tới công chúng.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, liệu tên gọi của loại dịch bệnh này có quan trọng đến thế không khi công tác phòng dịch mới là điều được đặt lên trên cả, như lời Phó thủ tướng, Chủ tịch Uỷ ban Phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam, ông Vũ Đức Đam nói trong bài phát biểu gần đây, rằng: “Tôi thì vẫn hay gọi quen là Corona. Và như tôi cũng nói vui, khi tôi về các vùng quê, người ta gọi là sô cô la. Tôi nghĩ thì cũng không sao cả. Dù gọi như thế nào, chúng ta cũng đang đứng trước một dịch bệnh rất khủng khiếp.” Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng Bạn Chỉ đạo phòng quốc gia chống, chống dịch bệnh COVID 19 (Nguồn: thanhnien)

Truyền thông cách vệ sinh tay sạch sẽ

Nếu nói về truyền thông trong mùa dịch thì không thể không nhắc đến bài hát truyền thông Ghen Cô Vy nức tiếng cả thế giới dạo gần đây, mà Việt Nam đã tạo ra để truyền thông cho việc vệ sinh tay sạch sẽ mùa dịch bệnh.

>>> Xem thêm: “Ghen Cô Vy” - bài hát chủ đề phòng chống dịch Covid 19 của Việt Nam gây bão sóng truyền hình thế giới

Thông điệp vệ sinh tay sạch sẽ nhanh chóng lan truyền với tốc độ chóng mặt, phủ sóng khắp các trang mạng xã hội cũng như lan tới cả các show truyền hình nổi tiếng trên thế giới,  nhờ giai điệu vui tươi, ca từ thú vị của bài hát và đặc biệt là vũ điệu rửa tay vô cùng dễ thương. Người ta còn ví rằng, bí quyết phòng dịch của Việt Nam đến từ chính âm nhạc.

Vũ Điệu Rửa Tay nức tiếng cộng đồng mạng thời gian vừa qua (Nguồn: YouTube Quang Đăng)

Nhưng trước khi ra đời Ghen Cô Vy, CDC (Mỹ) cũng đã chỉ ra cách “độc” để phòng chống COVID-19, đó là vừa rửa tay vừa...hát. Cơ quan y tế này khuyên mọi người nên rửa tay với xà phòng diệt khuẩn ít nhất 20s trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi hắt hơi sổ mũi. Để có thể ước lượng đủ thời gian, CDC còn khuyên mọi người hãy hát 2 lần bài hát Happy Birthday trước khi kết thúc việc rửa tay, để con virus phần nào cảm thấy được an ủi trước khi “ra đi” trên nền nhạc bài hát Chúc mừng sinh nhật nổi tiếng này.

Khuyến nghị này của CDC nhanh chóng được hưởng ứng bởi nhiều chính trị gia hay “chủ xị” các show truyền hình nổi tiếng trên thế giới.

MC nổi tiếng Ellen hướng dẫn cách rửa tay đúng cách đầy thú vị (Nguồn: YouTube Ellen Show) 

Truyền thông cách chào hỏi mới

Trước tình hình dịch bệnh vô cùng nghiêm trọng hiện nay thì việc giữ vệ sinh sạch sẽ thôi là chưa đủ mà bạn còn cần phải tránh tụ tập nơi đông người, cũng như là tránh tiếp xúc bằng tay nếu như không bắt buộc.

Điều đáng nói ở đây là dù dịch bệnh vẫn đang hoành hành nhưng các cuộc họp quan trọng vẫn đang diễn ra thế giới, và đây là cách các chính trị gia chào hỏi lẫn nhau khi không dùng cái bắt tay nữa.

Thủ tướng Đức Angela Merkel “bị” từ chối bắt tay trong một buổi họp gần đây (Nguồn: The Guardian)

Hay là thú vị hơn trong trường hợp này, khi Mark Rutte đã kết thúc một cuộc họp báo công bố "chính sách không bắt tay" để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, bằng cách bắt tay với một quan chức y tế. Nhận ra sự hớ hênh của mình, thủ tướng Hà Lan đã thốt lên: 'Xin lỗi, chúng ta không thể làm điều đó nữa!'

 

Truyền thông theo cách của… Bộ Y Tế Việt Nam

Truyền thông là một môn nghệ thuật và người làm truyền thông ở Việt Nam không cần phải là một nghệ sĩ. Đó có thể là ba mẹ chúng ta, là bác hàng xóm, là cô bán hàng vỉa hè,... miễn sao là họ nhiệt tình, cộng thêm một chút hiểu biết là được. Bởi thực ra, nguyên tắc của truyền thông rất đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm được, đó là phải truyền thông SỰ THẬT. Sự thật thì mới làm nên giá trị, bất kể là chiếc loa phường, một kênh truyền hình hay một bài post trên mạng xã hội.

“Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì. Nhưng một nửa sự thật sẽ không còn là sự thật nữa” là câu nói đúng trong trường hợp này. 

Ở thời đại mà tin giả còn tràn lan hơn gấp nhiều lần tin thật, người ta nghe thấy, biết là tin giả nhưng mà vẫn muốn tin thì việc Bộ Y Tế tạo được sự lan truyền tích cực bằng Ghen Cô Vy hay vô số cách thức khác như, kết hợp cùng với Bộ thông tin và truyền thông giúp cho các thông tin ĐÚNG và CHÍNH XÁC được lan truyền một cách NHANH NHẤT đến người dân, thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook,.., hay thậm chí là SMS của từng người được coi là một cách thức truyền thông vô cùng hiệu quả và "thấm đẫm tình người". Nhiều người còn trêu đùa rằng, họ nhận được tin nhắn quan tâm từ Bộ Y Tế còn nhiều hơn cả... người yêu.

Những tin nhắn quan tâm đầy cảm động đến từ Bộ Y Tế Việt Nam (Nguồn: Baomoi.com)

Thời đại mạng xã hội lên ngôi như hiện nay, các trang Fanpage chính thông như Thông tin chính phủ, Thời sự VTV... cũng cập nhật thông tin chính xác và nhanh nhất (Nguồn: FB)

Dù nói thế nào, nhìn từ góc độ Marketing mà nói, những gì Bộ Y Tế và các cơ quan ngôn luận của Việt Nam đang làm được đánh giá là đi đúng hướng. Và công thức truyền thông được rút ra ở đây đó là không phải áp dụng những chính sách trừng phạt để dập tắt tin giả, mà hãy làm TIN THẬT phải HAY và HẤP DẪN hơn TIN GIẢ, để khán giả chỉ bận quan tâm tới tin thật và tránh "sa lầy" vào đống tin giả vô cùng thừa thãi kia.

Tạm kết

Trong bối cảnh mà Facebook đứng hoàn toàn về phía các cơ quan chính quyền trên thế giới, theo như lời CEO Mark Zuckerberg viết trong bài post mới đây: “Chúng tôi tập trung vào việc đảm bảo mọi người đều có thể truy cập thông tin đáng tin cậy và chính xác. Điều này rất quan trọng trong bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào, và nó đặc biệt quan trọng hơn khi các tin tức phòng ngừa dịch bệnh sẽ giúp bạn tránh khỏi những nguy cơ lây lan nguy hiểm. Nếu tìm kiếm từ khóa coronavirus hay covid19 trên Facebook, bạn sẽ thấy một cửa sổ bật lên đưa bạn tới trang tin về bệnh Covid-19 của Bộ y tế để giúp bạn tìm hiểu và năm bắt những thông tin mới nhất”, thì việc làm của Bộ Y Tế Việt Nam xứng đáng nhận được “ngàn tim”.

>> Xem thêm:
Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.