Twitter đưa ra kế hoạch về chính sách tìm kiếm và xác định tin tức giả trên nền tảng

14 Thg 11

Vừa tháng trước sau khi đệ trình công khai chính sách về tin tức giả trên nền tảng, Twitter mới đây vừa tung ra những điều luật dự thảo về việc xử lý những nội dung như này cũng như giải quyết những mối lo ngại về những nội dung kỹ thuật số bị bóp méo sự thật. Tin tức giả đang trở thành mối lo ngại lớn nhất cho những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực tuyến, không chỉ riêng Twitter mà ngay cả những ông lớn như Google hay Facebook đều đang nỗ lực nghiên cứu ra những phương án nhằm khắc phục và giải quyết vấn đề này.

Twitter cùng nỗ lực phát hiện và ngăn chặn tin tức, nội dung sai sự thật

Phía đại diện của Twitter cũng giải thích thêm về việc này: Mọi người truy cập vào Twitter là để xem những gì đang xảy ra trên thế giới, vì vậy Twitter muốn người xem có được cái nhìn chính xác về bối cảnh của những nội dung mà họ đang nhìn thấy và tương tác. Những hành động mang tính đánh lừa hoặc gây nhầm lẫn cho mọi người thông qua các phương tiện truyền thông bị thao túng sẽ thể gây ra sự hiểu lầm và làm giảm đi tính toàn vẹn của một thông tin, nội dung.

Những vấn đề liên quan đến nội dung, tin tức giả vẫn đang là một bài toán nan giải hiện nay. Về phía Twitter, nền tảng mạng xã hội này đang lên kế hoạch để thực hiện một quy trình mới, trong đó sẽ bao gồm việc:

  • Đặt một thông báo bên cạnh những bài Tweet chia sẻ những nội dung tổng hợp sai lệch hoặc bị thao túng
  • Cảnh báo mọi người trước khi họ chia sẻ hoặc bấm Like những bài Tweet mang nội dung tổng hợp sai lệch hoặc bị thao túng
  • Thêm một đường link vào trong một bài báo hoặc bài Tweet - từ đó giúp người đọc hiểu được vì sao nội dung này lại bị cho là sai lệch hoặc bị thao túng

Dĩ nhiên những biện pháp này chỉ mang tính chất tương đối trong việc phát hiện, nhưng dù gì Twitter vẫn đang là người tiên phong trong việc đảm bảo rằng nền tảng này có những chính sách rõ ràng trong việc giải quyết những nội dung, thông tin giả mạo trước khi vấn đề này trở thành mối nguy lớn. Hiện nay, những thông tin sai lệch - hoặc những video bị cắt ghép/những bức hình hiển thị một người đang làm hoặc đang nói những gì họ không thực sự làm như vậy lại đang trở thành một thứ mới lạ, một thử nghiệm thú vị chứ mọi người chưa xem chúng như một vấn đề về bảo mật hay quyền riêng tư. Tuy nhiên nó sẽ trở thành mối lo ngại lớn trong tương lai, hãy thử nhìn vào ví dụ dưới đây khi chỉ với một ứng dụng đơn giản có thể cho phép những người nổi tiếng ưa thích xuất hiện vào một cảnh trong phim hoặc TV.

Thậm chí, những nội dung giả mạo kiểu như này còn đạt được độ “hoàn mỹ” tới mức có thể tích hợp hình ảnh liền mạch trong nội dung video

Bạn có thể tưởng tượng rằng nếu những công cụ kiểu như này bị đưa vào sử dụng với những mục đích sai trái như đóng giả một chính trị gia đưa ra một thông báo chính thức, điều này chắc chắn sẽ tác động đến cả cộng đồng và khiến họ tin rằng nó là thật

Tuy nhiên những nội dung kiểu như này hiển nhiên là giả mạo. Như video trên chắc chắn không phải cựu tổng thống Barack Obama phát biểu. Chắc chắn những nội dung kiểu như này sẽ còn xuất hiện trong tương lai và liệu người xem có thể phân biệt được và né tránh chúng hay không?

Những vấn nạn về “tin tức giả” mà chúng ta đang phải đối mặt trong thời gian gần đây còn là việc sử dụng những video hay hình ảnh cũ để kích động phản ứng từ cộng đồng mạng và đây mới là mối lo ngại lớn nhất. Điển hình như đoạn video dưới đây xuất hiện trên Facebook khoảng 1 năm về trước về vụ việc một người đàn ông Hồi giáo đang phá hoại một tác phẩm điêu khắc Thiên chúa giáo tại Ý

twitter fake news

Có thể thấy video này sở hữu hơn 1 triệu lượt xem và được chia sẻ lại bởi rất nhiều tài khoản Facebook và đa số họ đều viết những bình luận tiêu cực giống như trên hình. Chỉ có điều, đây hoàn toàn không phải video về một người tị nạn Hồi giáo phá hoại một bức tượng tôn giáo ở Ý. Video này thực chất là về một sự cố xảy ra tại Algeria hồi 2017 - người đàn ông đã tấn công bức tượng trên đài phun nước Ain El Fouara vì nó khắc họa lại hình ảnh một người phụ nữ khỏa thân, mà anh ta đã tin là không đứng đắn. Bản thân bức tượng này cũng bị phá hoại nhiều lần bởi chính lý do trên vì Algeria là một quốc gia có dân số đa phần theo Hồi giáo và họ đều coi bức tượng này là đáng khinh bỉ

Tuy nhiên điều trớ trêu ở đây là sự thật này lại không được thể hiện qua đoạn video này. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mọi người có xu hướng chia sẻ những nội dung mà bản thân họ cho là đúng và như vậy sẽ ít khả năng thông tin này được kiểm chứng. Khi điều này đã đang xảy ra thì chắc chắn những thông tin, nội dung sai sự thật sẽ càng trở nên tồi tệ và gây ra những hậu quả kinh khủng hơn trong tương lai.

>>> Đọc thêm: YouTube bị tạo áp lực xóa quảng cáo truyền thông nhà nước Trung Quốc vì lan truyền thông tin sai lệch

Tạm kết

Có thể ở thời điểm hiện tại những nội dung, thông tin như này chưa gây ra những hậu quả lớn thế nhưng chắc chắn nó sẽ trở thành vấn đề trong tương lai. Chính vì như vậy, những động thái của Facebook, Google hay Twitter xử lý vấn đề này sẽ là một tín hiệu tích cực. Bởi lẽ trong vài năm tới đây, nó sẽ không chỉ là những đoạn video từ quá khứ được cắt ghép để kích động xã hội, mà nó còn có thể là những thông báo, phát biểu từ các chính trị gia - dù họ không hề thực sự nói như vậy, từ đó có thể ảnh hưởng đến quyết định bỏ phiếu của các cử tri. Phía Twitter cũng đưa ra thông báo rằng nền tảng này sẽ còn tiếp tục nghiên cứu và rà soát lại những chính sách về nội dung giả mạo trong những tháng tới. Một lần nữa, thông tin và nội dung giả mạo là vấn đề nghiêm trọng và là một yếu tố quan trọng mà các nền tảng mạng xã hội cần xem xét.

Tuấn Anh - MarketingAI

Theo Socialmediatoday

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.