Tỷ phú Phạm Nhật Vượng và hành trình gây dựng nên đế chế hùng mạnh Vingroup

01 Thg 08

Nếu để đánh giá thương hiệu nào mang độ phủ quốc dân nhất tại Việt Nam thì Vingroup sẽ được liệt kê đầu tiên. Theo đó, Vingroup hiện tại đang thâu tóm rất nhiều ngành tại thị trường nội địa, "xúc tu" của tập đoàn này đi đến đâu là đạt được thị phần cao đến đó, từ ngành bất động sản tới ngành bán lẻ, bệnh viện... Đứng sau loạt thành công đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng là cái tên được nhắc tới nhiều nhất.

Chính bởi tư duy kinh doanh, cùng tầm nhìn xa về "khoảng không" của thị trường, ông đã chèo lái con thuyền Vingroup đạt hết thành tựu này đến thành tựu khác. Theo thống kê mới nhất từ Forbes, ông chủ Vingroup đứng thứ 239 với khối tài sản 8,1 tỷ USD, và hiện đang là người giàu nhất Việt Nam. Vậy tiểu sử của Phạm Nhật Vượng như thế nào, cùng MarketingAI đi tìm hiểu xem, hành trình từ "Zero đến Hero" của ông chủ kín tiếng bậc nhất Việt Nam này nhé.

Phạm Nhật Vượng - Con người làm thay đổi cả bộ mặt của nền kinh tế Việt Nam

Phạm Nhật Vượng sinh năm 1968 tại Hà Nội, thế nhưng gốc của vị tỉ phú này lại ở Hà Tĩnh. Chẳng ai biết được con người sinh ra trong bối cảnh lịch sử Việt Nam chịu thất bại nặng nề trong cuộc tổng tấn công Tết  Mậu Thân 1968 lại có thể thay đổi bộ mặt kinh tế của Việt Nam trong thế kỷ 21. Cha của ông làm việc trong không quân Việt Nam, còn mẹ của ông mở một quán trà đá vỉa hè nhỏ tại Hà Nội. Cả bầu trời tuổi thơ, và nguồn thu nhập của gia đình ông xoay quanh quán trà đá của mẹ khi Việt Nam lập lại hòa bình vào năm 1975.

(Nguồn: Soha)

Với trí thông minh sẵn có khi còn học tập tại trường THPT Kim Liên - Hà Nội, một ngôi trường cấp 3 danh tiếng Hà Thành, sau khi kết thúc thời phổ thông lên đại học. Ông được 1 suất học bổng du học ngành kinh tế tài nguyên tại Moscow - Liên Xô thời bấy giờ. Chính cuộc du học này đã là bước ngoặt, thay đổi cuộc đời ông và cả nền kinh tế Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp thì cùng lúc Liên Xô sụp đổ, chính sự kiện này đã là cơ hội lớn cho Phạm Nhật Vượng phát triển tầm nhìn con người ông. Và "đế chế" Vingroup bắt đầu những bước đi từ đây!

Hành trình thần kỳ từ " Mivina" cho tới "Vingroup" của hiện tại!

Mivana - Khởi nghiệp bằng mì gói

Chính bối cảnh kinh tế, chính trị thời lúc bấy giờ đã khiến cho Phạm Nhật Vượng nung nấu ý tưởng sẽ tạo nên một thương hiệu mì Việt Nam trên xứ người. Thế nhưng, mọi việc ban đầu bắt đầu từ việc ông đi vay mượn số tiền 10.000 USD và mở một nhà hàng Việt tại Kharkov mang tên "Thăng Long". Sau khi đi vào hoạt động ổn thỏa, ông quyết về Việt Nam và lên ý tưởng sẽ mua một dây chuyền mì ăn liền và cái tên "Mivana" từ đó ra đời.

Những sản phẩm thời bấy giờ của Mivana (Nguồn: doisongphapluat)

Sản phẩm lúc đó được người dân bản địa nơi đây rất đón nhận, Technocom là tên công ty của Phạm Nhật Vượng, và lĩnh vực kinh doanh chính của ông chính là sản phẩm mì gói. Thật bất ngờ, sản phẩm mì gói được người dân Ukraine đón nhận nhiệt tình, vào thời điểm đó hãng mì Mivana trở thành sản phẩm "thần thánh" tại quốc gia Đông Âu này. 

Thế nhưng sau 17 năm hoạt động, Technocom chính thức bán mình cho Nestle vào năm 2010 với giá 150 triệu USD và tỷ suất lợi nhuận lên tới 30-50%. Sự kiện này khá bất ngờ, khi các nhà phân tích tài chính nhận định, doanh thủ của Technocom mỗi năm lên tới 100 triệu USD, và hãng cũng đi đầu tư vào rất nhiều công ty tại Việt Nam.

Vinpearl ra đời - "Mầm non" để hình thành nên đế chế Vingroup hiện tại

Có lẽ, sẽ chẳng ai nghĩ Phạm Nhật Vượng sẽ có được ngày hôm nay, khi Tỷ phú này từng một lần tuyên bố: "Sẽ nghỉ hưu khi kiếm được 2 triệu USD", thế nhưng đúng là số trời định. Trong 1 lần về Việt Nam, ông nhận thấy đây là thị trường cực kỳ tiềm năng để phát triển du lịch, thêm vào đó, việc chưa một doanh nghiệp nào nhảy vào nơi đây khiến nước nhà như là một "khoảng trống" rất dễ để kinh doanh. Ngay lập tức, vào năm 2000, ông đã đầu tư Bất Động Sản và bắt đầu bằng dự án Vinpearl tại Nha Trang. Ông muốn biến một hòn đảo nhỏ còn sơ khai ngoài khơi thành một khu nghỉ dưỡng sang trọng. 

Từ Vinpearl Nha Trang (Nguồn: Divui)

Tiếp đó, là một loạt những dự án để đưa cái tên Vingroup hình thành và trở nên cực kỳ nở rộ, thống trị thị trường kinh doanh tại Việt Nam. Trong năm tiếp theo đó, ông khai trương trung tâm thương mại đầu tiên tại Thủ Đô đó là Vincom Bà Triệu, đây được coi là cú nổ súng đầu tiên tại thị trường thương mại BĐS, mà hiện nay Vingroup đang nắm giữ gần như tuyệt đối. 

Chưa dừng ở đó, ông tiếp tục xây thêm nhiều dự án bất động sản cao cấp tại Hà Nội, trong đó có Vincom Village. Vincom, công ty bất động sản thương mại và nhà ở của Vượng, đã lên sàn chứng khoán từ năm 2007. Khi đó, ông duy trì Vinpearl như một công ty riêng chuyên về nghỉ dưỡng cao cấp. Năm ngoái, Phạm Nhật Vượng gộp hai công ty này thành Vingroup.

Cho tới Landmark81 - Biểu tượng mới của Tp. Hồ Chí Minh (Nguồn: VietDaily)

Cho tới những năm gần đây, khi BĐS đang có những dấu hiệu của sự bão hòa, ngay lập tức Vingroup mở một loạt các thị trường khác nhau. Vinmart tại thị trường bán lẻ, Vinmec lĩnh vực y tế, Vinschool lĩnh vực giáo dục hay thậm chí Vinfast với màn ra mắt hoành tráng năm ngoái khi hoàn thành ước mơ của người Việt với việc tự sản xuất và thương mại hóa Ô tô.... Điểm chung là tất cả các sản phẩm của tập đoàn này đều bắt đầu bằng chữ VIN, đây là từ viết tắt của 2 chữ "Việt Nam". Phạm Nhật Vượng muốn khẳng định rằng, tập đoàn của ông là đại diện cho cả một nền kinh tế phát triển thịnh vượng bậc nhất trong khu vực và trên thế giới. Ông khẳng định rằng những dự án của ông sẽ đưa Việt Nam trở thành một "Con rồng" tại Châu Á như cách mà Hàn Quốc đã làm được. Vị tỷ phú không muốn mình bị so sánh và ví như là "SamSung của Việt Nam", mà Vingroup là Vingroup, là một tập đoàn của Việt Nam!

Vingroup hiện đang là tập đoàn số 1 tại Việt Nam (Nguồn: Vingroup)

Thành quả được đền đáp xứng đáng 

Năm 2019, theo thống kê mới nhất gần đây của Forbes, thì Phạm Nhật Vượng đứng thứ 239 người giàu nhất hành tinh với khối tài sản ước tính 8,1 tỷ USD. Đây cũng là vị tỷ phú duy nhất tại Việt Nam lọt top 300!

Để dễ hình dung, nếu mỗi ngày tỷ phú Phạm Nhật Vượng ăn chơi hết 1 tỷ VNĐ thì sẽ cần sương sương tới 513 năm để tiêu xài hết số tiền đó.

Bí mật của Phạm Nhật Vượng, theo Forbes, là đặt trọng tâm vào đối tượng khách hàng giống như ông. Đó là một thế hệ mới mong muốn có cuộc sống tốt hơn thế hệ cha mẹ. Những người này tạo ra một thị trường lớn cho các dự án bất động sản nằm ở các vị trí đắc địa, vì 60% trong tổng số dân 92 triệu người Việt Nam là dưới 40 tuổi. Ông không chỉ xây các khu căn hộ, nhà lô và biệt thự, ông còn xây bệnh viện, các tòa nhà văn phòng và trung tâm mua sắm để hỗ trợ các khu nhà ở. Ngoài ra, giữa lúc nhiều công ty bất động sản khác trì hoãn dự án, thì các dự án của ông luôn hoàn thành đúng thời gian. Tháp Vincom A chỉ mất thời gian 19 tháng để xây xong.

(Nguồn: Fobes)

Những thành quả mà ông đạt được là sự cố gắng, cũng như phẩm chất phát huy tối đa của một thần đồng "Kinh doanh". Từ hai bàn tay trắng, ông đã xây dựng nên một hình thái Kinh tế tại một quốc gia mà chỉ 30 năm trước đây thôi, vẫn là một mớ bòng bong, luẩn quẩn với "quan liêu bao cấp". 20 năm hình thành và phát triển, giờ khắp 63 tỉnh thành đi đâu cũng thấy một sản phẩm từ Vingroup, nhắc đến Vingroup người ta nghĩ đến ngay đến một thương hiệu uy tín, một công ty làm thay đổi cả bộ mặt của nền kinh tế Việt Nam. Đây như là "lớp trưởng" dẫn đầu, trao niềm cảm hứng cho hàng tá những Startup lớn nhỏ Việt Nam hình thành.

>>> Xem thêm: Chiến lược Marketing của Vinhomes: “Cỗ máy” kiếm tiền của Vingroup >>> Xem thêm: Chiến lược Marketing của Vinfast: Đây là sản phẩm giúp Vingroup nâng tầm vị thế?

Kết 

Phạm Nhật Vượng, một con người ít xuất hiện trên truyền thông, nhưng những gì mà ông làm thì khiến người khác phải Wow! lên. Chính ông đã là người tạo nên đúng nghĩa một nền kinh tế thị trường cho Việt Nam. Và chắc chắn một điều rằng, dù thay đổi thế nào thì con người này sẽ là một tấm gương, một biểu tượng cho sự cố gắng, phát triển của nền kinh tế Việt Nam đầu thế kỷ 21.

Thắng Nguyễn - MarketingAI

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.