U23 Việt Nam: Bài học truyền thông "đắt giá" từ Hiếu Orion và Vietjet Air

12 Thg 02

Cơn bão chấn địa U23 Việt Nam đi qua không chỉ để lại những cung bậc cảm xúc vỡ òa cho người hâm mộ mà còn xoay quanh những lùm xùm về “báo giá” của thủ môn Bùi Tiến Dũng hay tranh cãi về cách thức tạo lan tỏa truyền thông bằng yếu tố sex đi cùng hình ảnh tuyển thủ trên chuyến bay của Vietjet. Sau tất cả, các marketer học được gì từ những bài học đắt giá về cách làm truyền thông?

 

Tóm tắt diễn biến việc tranh cãi về vấn đề bản quyền của thủ môn Bùi Tiến Dũng

Ngày 31/1: Một "bảng báo giá booking Bùi Tiến Dũng" áp dụng từ 1-2-2018 đã xuất hiện trên một số tờ báo và mạng xã hội. Đơn vị soạn thảo báo giá này là công ty truyền thông Orion Media.

Ngay lập tức, FLC Thanh Hóa, đội bóng chủ quản của Bùi Tiến Dũng đã có phản ứng gay gắt về vụ việc này. Đại diện CLB khẳng định: “Tất cả các cầu thủ trong diện đào tạo trẻ sẽ do CLB quản lý hình ảnh và phát ngôn trên truyền thông. Hiện tại FLC Thanh Hóa chưa ký kết bất cứ thỏa thuận hay văn bản nào cho phép một đơn vị khác được khai thác hình ảnh hoặc phát ngôn của thủ môn Bùi Tiến Dũng”.

FLC nói rằng sẽ khởi kiện công ty trên vì bản báo giá quảng cáo này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của cá nhân cầu thủ Bùi Tiến Dũng, tập thể đội U23 Việt Nam, đội bóng chủ quản FLC Thanh Hoá và cả nền bóng đá Việt Nam.

Chiều ngày 1/2 - Sự việc căng thẳng này đã tạm lắng xuống. Theo FLC Thanh Hóa, Tiến Dũng đã nhận sai khi có nhận thức chưa đầy đủ với việc kết nối với công ty trên mà không được sự đồng thuận của CLB chủ quản. Đồng thời thủ môn cũng đưa ra lời xin lỗi và hứa sẽ không để xảy ra chuyện tương tự. FLC thôi gửi đơn kiện.

2/2 Đại diện Orion Media - Hiếu Orion đã gửi lời xin lỗi chính thức tới FLC Football và các fan bóng đá cũng như fan của thủ môn Bùi Tiến Dũng thông qua bài đăng trên Facebook cá nhân

 

Bài học truyền thông từ sự kiện U23 Việt Nam

Nghề ‘buôn sao’: Mô hình kinh doanh mới đang được startup sở hữu Loa Phường, Trắng TV theo đuổi

Chuyện một cầu thủ sở hữu người đại diện hay được một công ty quản lý hình ảnh không phải điều quá lạ lẫm trên thế giới. Và nếu những điều này xuất hiện tại Việt Nam thì cũng là tín hiệu đáng mừng cho nền bóng đá chuyên nghiệp.

Nhưng khi bên thứ ba xen vào giữa cầu thủ với CLB và rồi xuất hiện bất đồng về mặt nào đó, đặc biệt là tiền bạc, mọi thứ sẽ rất dễ "quá mù ra mưa".

Orion Media là một hiện tượng kinh doanh truyền thông mới và bắt đầu nhận được sự chú ý. Công ty này hiện sở hữu một số kênh Youtube giải trí, hài hước như Trắng TV hay Loa phường… Mới đây nền tảng quản lý người nổi tiếng NAH của công ty này huy động được 200.000 USD trong vòng hạt giống từ các nhà đầu tư trong nước. Theo DealstreetAsia, những nhà đầu tư rót vốn gồm những nhà sáng lập của Cong Vang JSC, Boo Commercial JSC, Boomeran.

Mạng lưới này hoạt động theo hướng tập trung vào việc kết nối các thương hiệu, các nhà quảng cáo với những nhân vật nổi tiếng, có ảnh hưởng. Đơn vị này cũng xây dựng nhóm riêng dành cho người có hưởng trên Facebook và Instagram.

Theo chia sẻ của NAH, hiện có hơn 3.000 người nổi tiếng tham gia nền tảng này và 26 triệu lượt người theo dõi đồng thời làm việc với các thương hiệu lớn như Samsung, Honda, VNG. NAH chia thành 6 lĩnh vực lớn được khá đông đối tượng theo dõi bao gồm Game, Phim, Oto và xe máy, Bất động sản, Mẹ và bé, Nhà hàng. Hiện có một số blogger, người nổi tiếng tham gia và đăng bài quảng cáo như nhà văn Trang Hạ, Phan Hồ Điệp (mẹ của "thần đồng" Đỗ Nhật Nam), MC Phan Anh, MC Xuân Bắc,...

Ý tưởng kinh doanh của Orion Media hay NAH mới xuất hiện tại Việt Nam nhưng không quá xa lạ trên thế giới. Ví dụ tại Trung Quốc, những blogger đang được xem là làn gió mới đem lại những thay đổi của ngành thương mại điện tử nước này.

 

Lần đầu một loạt cầu thủ có đại diện truyền thông lập kịch bản "thả thính" một cách bài bản

Sau giải thi đấu thành công của U23 Việt Nam, trang cá nhân của những cầu thủ như Bùi Tiến Dũng, Lương Xuân Trường, Hà Đức Chinh… nhận được sự quan tâm đặc biệt. Với lượng fan lớn trên facebook cá nhân lên đến 2,7 triệu follower.

Hiếu Orion khẳng định theo như bảng báo giá thì thu nhập của Dũng chưa cao, chỉ bằng 1/3 ca sỹ nếu độc quyền nhãn hàng, bằng khoảng 1/2 diễn viên hài.

Mong muốn của họ có lợi cho các cầu thủ bởi thực tế là trước trận đấu U23 Châu Á rất hẻo, có cầu thủ trước trận đấu vẫn rao bán son. Vậy thì nếu như họ có được một công ty nào đó đứng ra bảo vệ và giành quyền lợi quảng cáo cho họ thì chúng ta hoàn toàn yên tâm rằng các cầu thủ của chúng ta sẽ an tâm mà đá bóng hơn.

“Nếu không có cuộc tranh luận nảy lửa này, biết đến bao giờ chúng ta mới bắt đầu có được sự quan tâm đúng mực đến hình ảnh của các cầu thủ?

Ở một thời đại mà nhân hiệu của người nổi tiếng có thể mang lại cho họ những giá trị kinh tế nhất định thì sao chúng ta chỉ cho phép các cầu thủ hưởng lương CLB? “ - Theo anh Hoàng Anh Tú (Trí Thức Trẻ)

Tại các nước phát triển luôn có những công ty quảng cáo giành quyền lợi cho cầu thủ như vậy và những công ty này là những kẻ đối đầu trực tiếp với CLB

Bên cạnh đó, Hiếu Orion còn cho rằng những cầu thủ trẻ này rất cần một cơ quan đại diện để định hướng vững cho tương lai và mong muốn các cầu thủ của U23 có được các đơn vị hỗ trợ về kinh doanh thương hiệu 1 cách chuyên nghiệp như OFT đang định làm. Qua việc này cho thấy Hiếu Orion quả là biết tận dụng cơ hội trong việc phản xả kinh doanh truyền thông.

“Lời xin lỗi chính thức” của Hiếu Orion trên trang cá nhân

Vietjet Air: “tâm bão” trong sự kiện đón U23 Việt Nam

Chiến dịch PR thông qua U23 Việt Nam của Vietjet Air bắt đầu từ ngày 22/1, trước trận bán kết gặp đội tuyển Qatar 1 ngày. Ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc điều hành Công ty CP Hàng không Vietjet, thông báo trên facebook cá nhân: "Tôi sẽ sơn hình HLV Park và toàn bộ đội tuyển U23 Việt Nam lên thân tàu bay nếu các bạn vô địch lần này".

Sau khi tuyển U23 thắng Qatar trên chấm phạt đền để đi vào chung kết gặp Uzbekistan, Vietjet càng đẩy mạnh chiến dịch truyền thông hơn. Những loạt bài PR dày đặc trên mặt báo lớn, nhỏ về việc Vietjet sẽ tăng cường bao nhiêu chuyến đến Thường Châu – Trung Quốc, sẽ chở những ai, hỗ trợ ai và hãng tích cực đồng hành cùng CĐV Việt Nam như thế nào.

Đỉnh điểm là ngày 26/1, họ thông báo là sẽ điều chuyên cơ đến Thường Châu đón tuyển U23 về nước sớm hơn nửa ngày theo kế hoạch. Với đề nghị từ Vietjet, Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã gửi công văn đến Tổng cục Thể dục thể thao đề nghị hủy vé máy bay chặng Thượng Hải – Hà Nội đã đặt trước đó tại Vietnam Airlines.

Theo lịch trình mới của Vietjet, các cầu thủ trong tuyển U23 Việt Nam sẽ phải di chuyển sớm hơn và bị rút ngắn thời gian nghỉ ngơi hồi phục sau trận chung kết đầy kịch tính trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt, nơi họ gần như cạn kiệt về thể lực.

Tai tiếng của Vietjet cũng bắt đầu từ chuyến bay này. Như thường lệ trước đây, mỗi khi có sự kiện gì, Vietjet hay đưa những người đẹp mặc bikini lên máy bay biểu diễn chào đón du khách. Lần này cũng thế.

 

Xem thêm bài về xu hướng U23 Việt Nam:

 

Scandal của Vietjet Air trong chuyến bay đón U23: Vô tình hay cố ý?

Động chạm tới văn hóa và hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam

Trước những chiến tích thần kì của đội tuyển U23 Việt Nam lọt vào chung kết, hình ảnh của các chàng trai như những người hùng trong hàng triệu con tim Việt, giữa sự theo dõi sát sao của người hâm mộ trên mạng xã hội, bất cứ động thái hay thông tin nào của các chàng trai cũng khiến các fans mong mỏi, hy vọng, tự hào và vui mừng. Thế nhưng, Vietjet lại xuất hiện trước bối cảnh đó bằng hình ảnh cô người một cô người mẫu ăn mặc sexy, đi lại uốn éo, ôm vai bá cổ các thành viên tuyển U23 Việt Nam trên máy bay thực sự rất phản cảm, không phù hợp với văn hóa, lối suy nghĩ của người Việt. Họ quên mất rằng, lúc đó Thường Châu đang rất lạnh, toàn bộ khách trên máy bay đều mặc áo ấm, hình ảnh người mẫu mặc bikini trông vô cùng lạc lõng.  

Vì đâu mà phẫn nộ càng thêm phẫn nộ?

Giữa hình tượng các cầu thủ trẻ trong độ tuổi 17 - 20, luôn được các cô gái ca ngợi bởi tài năng trẻ và vẻ đẹp trai, có duyên làm phái nữ xao xuyến thì việc cô người mẫu ăn mặc hở hang, tỏ ra thân mật khiến cho các chàng trai U23 tỏ ra ngượng ngùng. Điều này ảnh hưởng đến hình ảnh của các cầu thủ và Vietjet đưa yếu tố sex giữa bối cảnh long trọng nhằm tôn vinh các chàng trai đã châm ngòi cho việc bùng nổ tức giận của cộng đồng mạng

Thêm vào đó, nhân vật chính là các tuyển thủ U23 Việt Nam sau hàng loạt trận đấu căng thẳng, cả tinh thần và thể xác đều đang rất mệt mỏi, kèm theo đó là chút tiếc nuối vì đã vuột mất chức vô địch trong gang tấc... Tại thời điểm đó, mong muốn lớn nhất của họ là nhanh được về để gặp gia đình, hòa chung trong không khí tuyệt vời với người hâm mộ ở quê nhà.

Những bức ảnh rò rỉ chỉ là khởi điểm của scandal, sự giận dữ của cộng đồng mạng càng lên cao khi đọc status kèm ảnh của người mẫu Lại Thanh Hương đăng trên facebook. Đặc biệt, đỉnh điểm của sự chỉ trích là khi fanpage của Vietjet đăng tải lời xin lỗi của Tổng giám đốc Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo vào tối 28/1.

Nhiều ý kiến cho rằng, chính lời xin lỗi thiếu thành ý cùng sự bào chữa có phần vội vàng của nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam mới khiến khủng hoảng bùng phát.

 

Viral Marketing - Con dao hai lưỡi

Viral marketing chính là "con dao hai lưỡi" trong sự kiện PR của Vietjet, vừa tăng nhận thức thương hiệu nhanh, vừa tạo ra khủng hoảng không hồi kết.

“Với sự thăng hoa của bóng đá, chúng ta đoàn kết hơn, yêu thương nhau hơn và sống đẹp hơn. Chúng ta thậm chí là dễ bỏ qua những khác biệt, hay thậm chí là những vết hằn trong quá khứ. Nhưng tôi không nghĩ ta sẽ dễ chấp nhận những trò bẩn ăn theo” - Theo Ông Trần Bằng Việt, CEO Đông A Solutions

Việc Vietjet sơn lại một chiếc máy bay nhân dịp chiến thắng là một hành động PR khá tốt. Nhưng việc chơi trò bikini show lần nữa trong máy bay thì lại không sạch chút nào. Họ muốn lợi dụng vai trò biểu tượng của U23 Việt Nam để một lần nữa mong được lan truyền miễn phí trong cộng đồng.

Người ta thường sử dụng viral marketing vào giai đoạn đầu của quá trình truyền thông, khi cần nhiều người biết đến, chú ý đến sản phẩm, dịch vụ, và tốc độ càng nhanh, độ phủ càng rộng thì càng tốt.

Tuy nhiên, viral marketing như kiểu Vietjet làm với đội tuyển U23 lần này lại là chuyện khác. Bởi dù cũng tạo ra hiệu ứng phát tán, nhưng thông điệp được phát tán không đơn giản là sự ngộ nghĩnh, độc lạ, vì sexy... mà thông điệp là "Vietjet đã tấn công vào hero, hạ bệ thần tượng của người tiêu dùng".

Sự khác biệt giữa chiến dịch viral trước và sau của Vietjet?

Nếu như những chiến dịch viral trước của VJA có kiểm soát nội dung, kịch bản và thông tin tuyệt đối. Không có máy ảnh, camera lạ nào tại địa điểm quay, chỉ có những hình ảnh đã qua xét duyệt cẩn thận mới được "leak" ra ngoài. Thì lần này ngoài các cầu thủ U23 Việt Nam trên chuyến bay còn có nhiều người khác mà Vietjet lại không kiểm soát được, họ có quyền quay phim chụp ảnh phát tán lên mạng, nội dung viral không được duyệt và kiểm soát lại bị phát tán ra trước dẫn đến tai họa truyền thông. Dù đây là ý đồ vô tình hay cố ý, thì một lần nữa chúng ta cũng thấy Vietjet đã sai lầm nối tiếp sai lầm, một số khách hàng “chửi” nhưng vẫn sẽ sử dụng dịch vụ của Vietjet, một số khách hàng vốn thiện cảm với Vietjet sẽ một đi không trở lại.

Hà Nguyễn - MarketingAI

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.