Vì sao nội dung do người tạo (UGC) lại là trọng tâm của Marketer hậu đại dịch Covid19?

08 Thg 05

Chúng ta đang trải qua rất nhiều sự thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng, cũng như cách mà khách hàng tương tác với các thương hiệu và với nhau. Tất cả đã thay đổi và diễn ra trong khoảng thời gian vô cùng ngắn, tất cả đều đến từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Một số thống kê dưới đây đã mô tả chính xác thực trạng này, cũng như sự thay đổi về quy mô mà các thương hiệu đang phải đối mặt:

  • Số đơn hàng trên các nền tảng thương mại điện tử đã tăng 108%
  • Lượng người dùng hoạt động hàng ngày của Facebook đã tăng 27%, ở YouTube là 15% và TikTok là 15%
  • 42% số người tiêu dùng tin rằng cách mua sắm của họ sẽ thay đổi đáng kể

Khi bối cảnh xã hội đang nằm trong tình trạng phong tỏa, mọi người giờ đây hoạt động trên môi trường Internet năng nổ hơn bao giờ hết. Điều này đã kéo theo phần lớn những hoạt động mua sắm, giải trí chuyển dịch hoàn toàn sang những kênh Digital. Việc đóng cửa những cửa hàng không thiết yếu đã tạo nên sự đột biến trong mua sắm trực tuyến, thúc đẩy sự chuyển dịch vốn đã phát triển vô cùng mạnh mẽ của người tiêu dùng sang những nền tảng thương mại điện tử. Đồng thời, những hoạt động giao tiếp và giải trí xã hội cũng đã chuyển sang những nền tảng mạng xã hội.

Thực ra xu hướng này không có gì quá mới mẻ, thậm chí đã xuất hiện từ vài năm về trước thế nhưng trong thời gian này nó đã bùng nổ mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cũng rất có khả năng rằng xu hướng này vẫn còn tiếp diễn mạnh mẽ trong tương lai. Đời sống xã hội hậu đại dịch chắc chắn sẽ không còn giống như thời điểm trước khi đại dịch diễn ra nữa. Chính vì vậy, để các thương hiệu có thể thành công vào giai đoạn sau đại địch, họ cần phải suy nghĩ lại cách hoạt động và vận hành doanh nghiệp. Khi có sự thay đổi diễn ra, chắc chắn nó sẽ kéo theo những thách thức mới, tuy nhiên việc chuyển dịch liên tục trong một thị trường cạnh tranh khắc nghiệt cũng sẽ tạo ra vô vàn những cơ hội mới để phát triển. 

Sự cần thiết sẽ thúc đẩy sự đổi mới và ngược lại, đổi mới là cần thiết

Với tình trạng như hiện nay, hàng loạt doanh nghiệp đã phải đột ngột cắt giảm ngân sách quảng cáo của mình, đồng thời người tiêu dùng cũng hạn chế việc chi tiêu của họ. Tất cả đã ép buộc Marketer phải nhanh chóng chuyển hướng ưu tiên của mình, đồng thời đánh giá lại phương thức tiếp cận và kết nối phù hợp nhất với người tiêu dùng bây giờ. Chính vì vậy, chuyển dịch sang kết nối trực tuyến, thúc đẩy tương tác trên nền tảng Digital là điều cần thiết cho sự thành công của doanh nghiệp. 

Việc tạo ra những hình ảnh trực quan sinh động, hấp dẫn vẫn luôn là một yếu tố thiết yếu cho sự thành công của bất kỳ chiến lược Digital Marketing nào, dù vậy khi ngân sách bị cắt giảm, khiến cho nguồn lực cũng bị giảm sút theo đã làm cho công việc của Marketer trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. May mắn thay, giải pháp có thể nằm trong thông điệp mà rất nhiều người đã chia sẻ - Tất cả chúng ta cùng nhau trải qua vấn đề này. Ngày nay, tất cả chúng ta đều là những nhà sáng tạo nội dung. Mỗi ngày, vô vàn người dùng vẫn tạo ra và chia sẻ những bức hình hay những video trên khắp các nền tảng mạng xã hội, trong đó có cả những trải nghiệm cá nhân về thương hiệu. Dạng nội dung này chính là nội dung do người dùng tạo ra (UGC) và nó là thứ mà những khách hàng tiềm năng luôn tìm đến cũng như tin tưởng vào.

Ở bất kỳ điểm nào trong hành trình mua hàng của người dùng sau đại dịch, những nội dung do người dùng tạo ra sẽ luôn là một công cụ bền vững, tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả để các thương hiệu sử dụng, giúp xây dựng lòng tin, tăng trưởng doanh thu và củng cố mối quan hệ lâu dài với khách hàng.

Cơ hội cho thương hiệu trong bối cảnh sau đại dịch

Niềm tin

Trong giai đoạn mà mọi thứ đều không thể lường trước như hiện nay, chắc chắn người tiêu dùng sẽ tìm đến những người, những tổ chức và những thương hiệu mà họ cảm thấy an tâm và tin tưởng nhất. Sau khi đại dịch này qua đi, các thương hiệu sẽ cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc chiếm lại và củng cố niềm tin của người tiêu dùng, từ đó xây dựng được mối quan hệ lâu dài với họ và đưa họ trở thành những khách hàng trung thành. Trong đó, cách hiệu quả nhất để tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng chính là mang lại cho họ những trải nghiệm chân thực, kết nối nhất. Nói dễ hiểu hơn đó chính là khoe với họ những khách hàng vui vẻ khác. Theo một khảo sát của Nielsen Research, có tới 92% người tiêu dùng tin vào những nội dung do người dùng tạo ra, nhiều hơn bất kể định dạng nội dung nào khác.

Xác thực xã hội (Social Proof)

Sau khi xã hội dần quay trở lại nhịp sống ban đầu và hoạt động bình thường, các thương hiệu cần phải tìm cách để cung cấp những xác thực và người tiêu dùng hướng tới. Không khách hàng nào muốn mình trở thành “chuột bạch thí nghiệm”, hầu hết trong số họ đều cần một sự xác thực từ phần lớn người dùng khác đã trải nghiệm, sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của thương hiệu trước khi đích thân họ sử dụng (ví dụ: du lịch, đi ăn uống ở nhà hàng, mua sắm)

Doanh nghiệp cần phải cân nhắc việc làm thế nào để thể hiện ra hoạt động trở lại của những khách hàng cũ, từ đó tạo ra sự tự tin trong tâm trí khách hàng. Nội dung do người dùng tạo ra là một cách hiệu quả để mang đến cho khách hàng những xác thực trên mạng xã hội chân thực nhất. Thực tế, 87% mọi người đều đồng ý rằng những bài đăng trên mạng xã hội ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ, 56% trong số đó dựa vào những đánh giá để đưa ra quyết định mua hàng trực tuyến nhanh hơn. Con số này là cao hơn rất nhiều nếu so sánh với những bức hình minh họa hay phần mô tả sản phẩm thông thường (16%). Khi được hỏi về dạng nội dung UGC cụ thể mà khách hàng quan tâm nhiều nhất, những bức hình đánh giá hay phản hồi từ người dùng thực là những gì mà họ yêu cầu nhiều nhất.

Mối quan hệ với khách hàng

Dù ngân sách đã phải cắt giảm, nguồn tài nguyên bị hao hụt, tuy nhiên nhu cầu về nội dung trên các kênh Digital lại cao hơn bao giờ hết. Chính vì điều này, các thương hiệu nên cân nhắc việc thay đổi quan niệm của họ về một “nội dung hoàn hảo” và thay vào đó, tìm đến những yếu tố “con người” hơn để thể hiện tốt hơn khía cạnh chân thực, từ đó củng cố được mối quan hệ với khách hàng.

Để dễ hiểu hơn, một tác dụng phụ nhưng đáng chú ý của việc phong tỏa chính là gỡ bỏ đi "vỏ bọc công sở" của mọi người. Trớ trêu thay, khi mọi người cùng ngồi với nhau trong một phòng họp, tất cả chúng ta đều nghiêm chỉnh, cứng nhắc và rất “doanh nghiệp”. Tuy nhiên khi họp qua Zoom, chúng ta sẽ phải chấp nhận những hoàn cảnh khác nhau như có người họp nhưng quên không trang điểm, hay là cảnh những ông bố/bà mẹ đang họp nhưng đằng sau là những đứa trẻ đang quậy phá. Dù nó có trớ trêu như nào, tất cả chúng ta đều phải chịu đựng nó mà không có bất kỳ sự lựa chọn nào khác. 

(Nguồn: Medium)
>> Xem thêm: 6 mẹo giúp cải thiện và tối ưu UGC trên Instagram

Tất cả chúng ta đều là những con người thật, sống trong thế giới thật và không phải máy móc và robot vì chúng ta có cảm xúc. Chính vì điều này đã mở rộng thêm cách để thương hiệu tiếp cận, giao tiếp với khách hàng. Hãy tìm đến những cách giao tiếp trực tiếp hơn, chân thực hơn và minh bạch hơn. Đây đều là những cách tuyệt vời cho những Brand Marketer, bởi lẽ nó đồng nghĩa với việc họ có thể thay đổi quan điểm về sự hoàn hảo ở đây, bổ sung thêm những yếu tố con người thay vì làm mọi thứ quá máy móc. Các Marketer có thể giải quyết khoảng cách ngày càng lớn giữa việc tạo nội dung và nhu cầu bằng cách nắm lấy nội dung mà khách hàng của họ đang tạo ra, từ đó sẽ giúp cho doanh nghiệp không chỉ giảm được chi phí sản xuất nội dung, đồng thời sẽ giúp tạo điều kiện kết nối thực tế, củng cố mối quan hệ với khách hàng, đồng thời tăng hiệu suất truyền thông trên các kênh mạng xã hội lên đáng kể.

Tuấn Anh - MarketingAI

Theo Socialmediatoday

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.