Woowa Brothers gia nhập thị trường Việt Nam: Now và GrabFood chớ coi thường

30 Thg 01

Thị trường giao đồ ăn hiện nay tại Việt Nam đang nở rộ với rất nhiều những thương hiệu hiện diện. Đây được đánh giá là "miếng bánh" hết sức béo bở với các thương hiệu muốn tập trung khai thác tại đây, Now và GrabFood hiện đang là 2 cái tên đình đám chiếm thị phần nhiều nhất. Thế nhưng, trong thời gian tới "kỳ lân" của Hàn Quốc là Woowa Brothers chính thức nổ tiếng súng đầu tiên trong việc mở rộng thị trường tại quốc gia 90 triệu dân này.

Woowa Brothers - Công ty giá trị Tỷ đô của Hàn Quốc

Nếu như chúng ta biết thì văn hóa giao hàng tại Hàn Quốc đã phát triển từ hàng chục năm trở về trước từ thành thị đến nông thôn. Người dân ở xứ sở Kim chi này rất tự hào khi là nơi có nền công nghiệp giao đồ ăn nhanh phát triển hàng đầu trên thế giới, chính bởi lý do đó các công ty giao hàng tại quốc gia này được đánh giá là chuyên nghiệp và có dịch vụ hết sức bài bản. Woowa Brothers là một cái tên không hề tầm thường khi hội tụ cả ba yếu tố: sức mạnh tài chính, sức mạnh công nghệ và cả vị thế dẫn đầu thị trường Hàn Quốc hiện nay.

(Nguồn: koreabizwire.com)

Yonhap cho biết, nền tảng giao đồ ăn Beadal Minjok của Woowa Brothers đang dẫn đầu thị trường Hàn Quốc, chiếm hơn 50% thị phần trong nước, mặc dù phải cạnh tranh với hơn 40 đối thủ tại xứ kim chi. Hiện tại công ty này được đánh giá là "anh cả" ngành giao hàng đồ ăn nhanh tại thị trường Hàn Quốc sau khi kêu gọi 320 triệu USD trong năm vừa rồi và thương hiệu này được định giá lên tới 2,6 tỷ USD. Nếu như Woowa Brothers gia nhập thị trường Việt Nam thì đây sẽ được đánh giá là đối thủ cực kỳ "tiềm năng" của các hãng trước đó.

Thị trường Việt Nam sẽ ảnh hưởng như nào?

Việt Nam không chỉ chứng kiến sự đổ bộ của nhiều "Startup" từ các quốc gia trong khu vực, mà còn là điểm thu hút vốn khởi nghiệp trong 2 năm gần đây. Ông Nguyễn Mạnh Dũng, trưởng đại diện CyberAgent Ventures (CAV), quỹ đầu tư từ Nhật Bản nhận định trên tạp chí Forbes, việc các nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản tiến vào thị trường Việt Nam đã trở thành trào lưu.

Năm 2018 đánh dấu sự nở rộ rất lớn đến từ các thương hiệu có dịch vụ giao đồ ăn tận nơi. Bắt đầu từ Now của Foody.vn đến GrabFood của Grab hay gần đây là GoFood của Go-Viet.... Các dịch vụ này đã dần chiếm được thị phần lớn tại Việt Nam cũng như ghi vào đầu người tiêu dùng độ nhận diện rất lớn trong hơn 1 năm trở lại đây. Woowa Brothers sẽ phải chịu áp lực rất lớn đến từ những thương hiệu này nếu như muốn gia nhập và chiếm thị phần.

(Nguồn: Korea Bizwire)

Tuy nhiên, một điểm lợi thế của Woowa Brothers đó chính là những công nghệ, nền tảng và cả kinh nghiệm đi trước. Được xuất thân từ đất nước có xu hướng sử dụng giao hàng từ lâu, cho nên hãng chắc chắn hiểu được rằng những gì nên làm và phải khắc phục nếu muốn tấn công thị trường mới toanh như Việt Nam này. Bất lợi lớn nhất của hãng có lẽ là sự chậm chân và nằm ở Đông Á cho nên nét khác biệt về văn hóa cũng sẽ là rào cản lớn để hãng hiểu được "touch point" của khách hàng. Thế nhưng với bản lĩnh của thương hiệu tỷ đô thì Woowa Brothers vẫn nhận được sự quan tâm rất lớn và là đối thủ đáng gờm.

Trong năm 2019, khi Woowa Brothers cũng gia nhập thị trường Việt Nam mức độ cạnh tranh của hãng này với các công ty đã có mặt trước đó tại nước ta như GrabFood, GoFood và Now sẽ tăng cao. Các chương trình khuyến mãi, dịch vụ cũng theo đó mà tăng lên, người tiêu dùng sẽ có nhiều sự lựa chọn khác nhau. Thêm vào đó là chủ các cửa hàng thức ăn, đồ uống cũng sẽ thu về nguồn lợi nhuận rất lớn.

Xem thêm: Cuộc đua sôi nổi giữa thị trường giao thức ăn nhanh tại Việt Nam

Kết

Có thể thấy rằng thị trường Việt Nam nhận được sự quan tâm rất lớn từ các thương hiệu đến từ nhiều ngành nghề khác nhau mong muốn đầu tư vào. Woowa Brothers đang là ông trùm tại quê nhà, và vẫn đang nhòm ngó tới thị trường vô cùng tiềm năng như Việt Nam, sau những sự kiện này thì người tiêu dùng sẽ là những người hưởng lợi hơn cả. Hãy cùng chờ đón xem thương hiệu giao hàng đồ ăn số 1 Hàn Quốc này sẽ làm những gì tại Việt Nam và thị trường Đông Nam Á.

Thắng Nguyễn - MarketingAI

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.