WTO là gì? Cập nhật thông tin chi tiết về WTO năm 2021

Được thành lập vào ngày 1/1/1995 và là một bước kế thừa và phát triển toàn diện của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT). WTO ra đời với những quy định và luật lệ riêng nhằm...

Được thành lập vào ngày 1/1/1995 và là một bước kế thừa và phát triển toàn diện của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT). WTO ra đời với những quy định và luật lệ riêng nhằm đảm bảo quyền lợi cho tất cả các nước thành viên tham gia cũng như hỗ trợ các nước thành viên trong việc lưu thông hàng hóa thương mại trên thế giới. Không thể phủ nhận những vai trò và đóng góp của tổ chức Thương mại thế giới WTO - một trong những tổ chức hàng đầu trên thế giới mà bất kỳ quốc gia và vùng lãnh thổ nào cũng đều nỗ lực để trở thành thành viên. Cùng cập nhật những thông tin mới nhất về WTO là gì? Những thông tin cập nhật mới nhất về tổ chức này thông qua bài viết dưới đây của MarketingAI.

WTO là gì?

WTO là viết tắt của cụm từ World Trade Organization. Đây là tổ chức thương mại thế giới được thành lập theo Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới vào ngày 15/4/1994. WTO chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/1995.

WTO là gì

WTO là gì? WTO là viết tắt của từ gì (Nguồn: GG Image)

WTO là tổ chức quốc tế duy nhất đề ra những nguyên tắc thương mại giữa các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trọng tâm của WTO chính là các hiệp định đã và đang được các nước đàm phán và ký kết, hoạt động như một diễn đàn nhằm đàm phán các hiệp định thương mại, giải quyết tranh chấp thương mại giữa các thành viên và hỗ trợ nhu cầu của các nước đang phát triển. WTO đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu theo hướng bền vững và bao trùm.

Tính đến hết năm 2019, WTO đã có 164 thành viên chính thức, 2 nước tham gia gần đây nhất là Afghanistan và Liberia (tháng 7/2016). Việt Nam gia nhập WTO vào ngày 7/11/2006, và được công nhận là thành viên chính thức của tổ chức này vào ngày 11/1/2007. Trở thành thành viên của WTO giúp Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng và mở rộng lưu thông hàng hóa, dịch vụ với các thành viên khác trong tổ chức, chiếm 87% GDP toàn cầu.

Sơ lược tổng quan về WTO wiki: 

-Thành lập: 1 tháng 1, 1995

- Trụ sở: Genève, Thụy Sĩ

- Ngân sách: 196 triệu franc Thụy Sĩ (khoảng 209 triệu USD) vào năm 2011.

- Lãnh đạo: Pascal Lamy

- Thành viên: 164 thành viên

- Nhân viên: 640

- Dịch vụ: Nhà sản xuất phim, nhà phân phối phim, Chương trình truyền hình

- Trang web: http://www.wto.org/

Cơ cấu tổ chức của WTO

WTO là một tổ chức hoàn chỉnh, bao gồm các cơ quan có thẩm quyền như:

  • Hội nghị Bộ trưởng: bao gồm các Bộ trưởng thương mại - kinh tế đại diện cho các nước thành viên, là cơ quan ra quyết định cao nhất của WTO.
  • Đại Hội đồng: bao gồm đại diện tất cả các thành viên, thực hiện các chức năng của Hội nghị Bộ trưởng.
  • Các Hội đồng thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, các vấn đề về sở hữu trí tuệ liên quan đến thương mại, các Ủy ban, nhóm công tác.
  • Ban Thư ký bao gồm Tổng Giám đốc WTO, 3 phó Tổng Giám đốc và các Vụ, Ban giúp việc với khoảng 500 nhân viên.

Cơ cấu tổ chức của WTO

Sơ đồ tổ chức của WTO. (Nguồn: WTO).

Trụ sở của Tổ chức Thương mại thế giới WTO

Trụ sở chính của Tổ chức Thương mại thế giới WTO đặt tại Geneva, Thụy Sỹ. Các Thành viên tham gia vào hoạt động của WTO thông qua phái đoàn đại diện. Những quyết định quan trọng nhất của WTO phải được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng (họp ít nhất 2 năm một lần) hoặc tại các cuộc họp của Đại hội đồng (cấp đại sứ, họp thường xuyên tại Giơ-ne-vơ).

Mỗi thành viên WTO có một phiếu biểu quyết và điều này hoàn toàn bình đẳng, không phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế hay mức niên liễm đóng góp. Các thỏa thuận của WTO phải được phê chuẩn ở tất cả nghị viện (Quốc hội) của các quốc gia thành viên.

Chi tiết cơ cấu tổ chức của Tổ chức Thương mại thế giới WTO

Hội đồng Chủ tịch
Hội đồng chung Đại sứ David WALKER (New Zealand)
Cơ quan giải quyết tranh chấp Đại sứ Dacio CASTILLO (Honduras)
Cơ quan đánh giá chính sách thương mại Đại sứ Harald ASPELUND (Iceland)
Hội đồng thương mại hàng hóa Đại sứ Mikael ANZÉN (Thụy Điển)
Hội đồng thương mại dịch vụ Đại sứ TAN Hung SENG (Singapore)
Hội đồng về các khía cạnh liên quan đến thương mại và quyền sở hữu trí tuệ Đại sứ Xolelwa MLUMBI-PETER (Nam Phi)
Ủy ban thương mại và môi trường Đại sứ Chad BLACKMAN (Barbados)
Ủy ban thương mại và phát triển Đại sứ Mohammad Qurban HAQJO (Afghanistan)
Tiểu ban về các nước kém phát triển Đại sứ Monique TG VĂN DAALEN (Hà Lan)
Uỷ ban về các hạn chế nhằm cân bằng cán cân thanh toán quốc tế Đại sứ Cheryl K SPENCER (Jamaica)
Ủy ban về các hiệp định thương mại khu vực Đại sứ Carlos FORADORI (Argentina
Ủy ban về Ngân sách, tài chính và Quản trị Đại sứ Manuel AJ TEEHANKEE (Philippines)
Tổ công tác về thương mại và chuyển giao công nghệ Đại sứ Rashidi SAID (Malaysia)
Nhóm công tác về thương mại, dư nợ và tài chính Đại sứ Rashidi SAID (Malaysia)
Ban đàm phán thương mại Tổng giám đốc Roberto AZEVÊDO (WTO)
Ủy ban thương mại Đại sứ Mohammad Qurban HAQJO (Afghanistan)

Các cơ quan được thành lập theo Ủy ban đàm phán thương mại 

Hội đồng

Chủ tịch
Nhóm công tác đàm phán về tiếp cận thị trường Đại sứ Didier CHAMBOVEY (Thụy Sĩ)
Nhóm công tác đàm phán về các quy tắc Đại sứ Santiago SILL (Colombia)
Hội đồng thương mại dịch vụ, phiên họp đặc biệt Đại sứ Zhanar AITZHANOVA (Kazakhstan)
Hội đồng về các khía cạnh liên quan đến thương mại, sở hữu trí tuệ, các phiên họp đặc biệt Đại sứ Alfredo SUESCUM (Panama)
Cơ quan giải quyết tranh chấp, phiên họp đặc biệt Đại sứ Kokou Yackoley JOHNSON (Togo)
Ủy ban nông nghiệp, phiên họp đặc biệt Đại sứ John Deep FORD (Guyana)
Ủy ban Thương mại và Môi trường, phiên họp đặc biệt Đại sứ Leopold SAMBA (Cộng hòa Trung Phi)
Ủy ban Thương mại và phát triển, phiên họp đặc biệt Đại sứ Kadra Ahmed HASSAN (Djibouti)

Các cơ quan của Hội đồng Thương mại Hàng hóa 

Hội đồng Chủ tịch
Ủy ban nông nghiệp Bà Christiane DALEIDEN DISTEFANO (Luxembourg)
Ủy ban về thực hành chống bán phá giá Bà Lenka USTROVÁ (Cộng hòa Séc)
Ủy ban định giá hải quan Ông Baroma Winega BAMANA (Togo)
Ủy ban cấp phép nhập khẩu Bà Carol TSANG (Hồng Kông, Trung Quốc)
Ủy ban tiếp cận thị trường Ông Christopher O'TOOLE (Canada)
Ủy ban về quy tắc xuất xứ hàng hóa Bà Uma Shankari MUNIANDY (Singapore)
Ủy ban bảo vệ  Bà Kinda DELLAR (Úc)
Ủy ban về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật Ông Daniel ARBOLEDA (Colombia)
Ủy ban về trợ cấp và các biện pháp đối kháng Bà Michèle LEGAULT DOOLEY (Canada)
Ủy ban về hàng rào kỹ thuật thương mại Ông Sung Hwa JANG (Hàn Quốc, Cộng hòa)
Ủy ban về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại Bà Tiziana ZUGLIANO (Ý)
Ban công tác về doanh nghiệp thương mại nhà nước Ông Kristian HENK (Áo)
Ủy ban mở rộng thương mại và các sản phẩm công nghệ thông tin Ông Kazunori FUKUDA (Nhật Bản)

Các cơ quan của Hội đồng Thương mại dịch vụ

Hội đồng Chủ tịch
Ủy ban Thương mại dịch vụ tài chính Ông Li DING (Trung Quốc)
Ban công tác về điều tiết trong nước Bà Shani GRIFFITH-JACK (Barbados)
Ủy ban về các cam kết chuyên trách Ông Tamas VATTAI (Hungary)
Ban công tác về các quy tắc GATS M. Zéphiryn Kvity GordNON (Bénin)

Chủ tịch Ủy ban các Hiệp định đa phương

Hội đồng Chủ tịch
Ủy ban Thương mại mua sắm máy bay dân dụng Bà Damaris CARNAL (Thụy Sĩ)
Ủy ban mua sắm chính phủ Ông Carlos VANDERLOO (Canada)

Ban thư ký của Tổ chức Thương mại thế giới WTO

Ban thư ký của WTO đặt tại Geneva với khoảng 550 nhân viên. Nhân viên của Ban thư ký do Ban thư ký tuyển dụng thông qua hình thức thi tuyển. Một trong những điều kiện bắt buộc là ứng viên phải thông thạo 3 ngoại ngữ là ngôn ngữ chính thức của WTO:  Anh, Pháp, Tây Ban Nha. Ban Thư ký làm việc với nhau một cách độc lập và không phụ thuộc vào bất kỳ chính phủ nào.

Ðứng đầu Ban thư ký là Tổng giám đốc. Tổng giám đốc của Tổ chức Thương mại thế giới WTO do Hội nghị bộ trưởng bổ nhiệm, quy định về quyền hạn, nghĩa vụ, điều kiện phục vụ và thời hạn phục vụ của Tổng giám đốc. Một nhiệm kỳ của Tổng giám đốc có thời gian là 4 năm. Tổng giám đốc sẽ bổ nhiệm các thành viên của Ban thư ký. Dưới Tổng giám đốc là các Phó tổng giám đốc. Các vụ chức năng của Ban thư ký trực thuộc Tổng giám đốc hoặc một Phó tổng giám đốc.

Nhiệm vụ chính của Ban thư ký:

  • Trợ giúp về mặt hành chính và kỹ thuật cho các cơ quan chức năng của WTO (các hội đồng, các uỷ ban, ...) trong việc đàm phán và thực thi các hiệp định;
  • Trợ giúp kỹ thuật cho các nước đang phát triển và kém phát triển;
  • Thống kê và đưa ra phân tích về tình hình, chính sách và triển vọng thương mại thế giới;
  •  Hỗ trợ các quá trình giải quyết tranh chấp và rà soát chính sách thương mại;
  • Tiếp xúc và hỗ trợ các nước thành viên mới trong quá trình đàm phán gia nhập; tư vấn cho các chính phủ muốn trở thành thành viên của WTO;

Nguyên tắc cơ bản của WTO

  • Nguyên tắc đãi ngộ quốc gia ( (National Treatment – NT):

Nguyên tắc này được hiểu là hàng hoá nhập khẩu, dịch vụ và quyền sở hữu trí tuệ nước ngoài phải được đối xử công bằng và không được phép kém chất lượng so với hàng hoá cùng loại trong nước. Trong khuôn khổ WTO, nguyên tắc NT chỉ áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ, các quyền sở hữu trí tuệ chưa áp dụng đối với cá nhân và pháp nhân.

  • Nguyên tắc tối huệ quốc (MFN): Đây là nguyên tắc pháp lý quan trọng nhất của WTO.

Nguyên tắc này được hiểu là các ưu đãi thương mại của một nước thành viên dành cho một nước thành viên khác cũng phải được áp dụng cho tất cả các nước thành viên khác trong WTO. Thông thường nguyên tắc MFN được quy định trong các hiệp định thương mại song phương, không có tính chất áp dụng tuyệt đối.

Nguyên tắc đãi ngộ quốc gia và nguyên tắc tối huệ quốc là hai nguyên tắc nền tảng quan trọng nhất của hệ thương mại đa phương nhằm đảm bảo các nước thành viên phải tuân thủ nghiêm túc những cam kết về mở cửa thị trường khi trở thành thành viên chính thức của WTO.

  • Nguyên tắc mở cửa thị trường:

Đảm bảo mở cửa thị trường cho hàng hoá, dịch vụ và đầu tư nước ngoài. Trong một hệ thống thương mại đa phương, khi tất cả các bên tham gia đều chấp nhận mở cửa thị trường của mình đồng nghĩa với việc tạo ra một hệ thống thương mại toàn cầu mở cửa.

Về mặt chính trị, nguyên tắc mở cửa thị trường thể hiện nguyên tắc tự do hoá thương mại của WTO, thể hiện nghĩa vụ có tính chất ràng buộc thực hiện những cam kết về mở cửa thị trường mà các nước thành viên đã chấp thuận khi đàm phán gia nhập WTO.

  • Nguyên tắc cạnh tranh công bằng:

Được thể hiện trong việc 'tự do cạnh tranh trong những điều kiện bình đẳng như nhau'' của các nước thành viên tham gia. Minh bạch các vấn đề về thương mại quốc tế, đảm bảo 'sân chơi' công bằng về thương mại quốc tế.

  • Nguyên tắc cắt giảm thuế quan và không sử dụng các biện pháp phi thuế quan.

Các nước thành viên WTO phải thống nhất thực hiện những nguyên tắc cơ bản nhằm xóa bỏ hoặc giảm bớt những rào cản của thương mại quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa lưu thông, thương mại phát triển.

>> Xem thêm: WIPO là gì? Cập nhật những thông tin mới nhất về WIPO

Nhiệm vụ của WTO là gì?

Tổ chức Thương mại thế giới WTO được thúc đẩy bởi các quốc gia thành viên và Ban thư ký để điều phối các hoạt động. Ban thư ký với hơn 600 nhân viên và các chuyên gia đến từ đa dạng các lĩnh vực như: luật sư, nhà kinh tế, nhà thống kê và chuyên gia truyền thông.... họ hỗ trợ các thành viên WTO nhằm đảm bảo các cuộc đàm phán diễn ra thuận lợi, áp dụng và thực thi đúng các quy tắc thương mại quốc tế.

Các nhiệm vụ chính của Tổ chức thương mại WTO gồm:

  • Quản lý việc thực hiện các hiệp định của WTO
  • Diễn đàn đàm phán về thương mại
  • Giải quyết các tranh chấp về thương mại
  • Giám sát các chính sách thương mại của các quốc gia
  • Trợ giúp kỹ thuật và huấn luyện cho các nước đang phát triển
  • Hợp tác với các tổ chức quốc tế khác.

Đàm phán thương mại

Wto đàm phán thương mại quốc tếWTO là gì? Đàm phán thương mại quốc tế. (Nguồn: Báo Hải quan)

Các hiệp định của WTO bao gồm hàng hóa, dịch vụ và sở hữu trí tuệ. Trong đó quy định các quy tắc tự do hóa và các ngoại lệ được phép, bao gồm các cam kết của từng quốc gia về vấn đề giảm thuế hải quan và các rào cản thương mại khác. WTO đặt ra các thủ tục để giải quyết tranh chấp cũng như đàm phán về thương mại của các nước thành viên.

Thực hiện và giám sát

Các hiệp định của WTO yêu cầu chính phủ của những nước thành viên phải minh bạch các chính sách thương mại của mình bằng cách thông báo cho WTO về các luật có hiệu lực và các biện pháp được thông qua. Các hội đồng và ủy ban của WTO sẽ đảm bảo các yêu cầu và các hiệp định của WTO phải được thực hiện đúng quy tắc. Tất cả các thành viên WTO phải trải qua sự kiểm tra định kỳ về các chính sách và thông lệ thương mại của họ, mỗi đánh giá này sẽ gồm các báo cáo của quốc gia liên quan và Ban Thư ký WTO.

Giải quyết tranh chấp

Ngoài việc là diễn đàn đàm phán các quy định thương mại, WTO còn có nhiệm vụ chính khác là giải quyết các tranh chấp giữa các nước thành viên liên quan đến việc áp dụng quy định của WTO. Tổ chức Thương mại thế giới WTO có quyền lực đáng kể trong việc thực thi các quyết định của mình thông qua việc cho phép áp dụng trừng phạt thương mại đối với thành viên không tuân thủ theo phán quyết của WTO. Một nước thành viên có thể kiện lên Cơ quan Giải quyết Tranh chấp của WTO nếu như họ thấy một nước thành viên khác đã vi phạm quy định của WTO.

Hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO bao gồm hai cấp: sơ thẩm và phúc thẩm.

Ở cấp sơ thẩm, tranh chấp sẽ được giải quyết bởi một Ban Hội thẩm Giải quyết Tranh chấp (thường gồm 3 đên 5 chuyên gia trong lĩnh vực thương mại liên quan). Ban Hội thẩm sẽ nghe lập luận của các bên và soạn thảo một báo cáo trình bày những lập luận này, kèm theo là phán quyết của ban hội thẩm. Nếu các bên tranh chấp không đồng ý với nội dung phán quyết của ban hội thẩm thì họ có thể thực hiện thủ tục khiếu nại lên Cơ quan phúc thẩm. Cơ quan này sẽ xem xét đơn khiếu nại và có phán quyết liên quan trong một bản báo cáo giải quyết tranh chấp của mình. Phán quyết của các cơ quan giải quyết tranh chấp nêu trên sẽ được thông qua bởi Hội đồng Giải quyết Tranh chấp. Báo cáo của cơ quan giải quyết tranh chấp cấp phúc thẩm sẽ có hiệu lực cuối cùng đối với vấn đề tranh chấp nếu không bị Hội đồng Giải quyết Tranh chấp phủ quyết tuyệt đối (hơn 3/4 các thành viên Hội đồng giải quyết tranh chấp bỏ phiếu phủ quyết phán quyết liên quan).

Trong trường hợp thành viên vi phạm quy định của WTO và không có các biện pháp khắc phục theo như quyết định của Hội đồng Giải quyết Tranh chấp, Hội đồng có thể ủy quyền cho thành viên đi kiện áp dụng các "biện pháp trả đũa" (trừng phạt thương mại). Những biện pháp như vậy có ý nghĩa rất lớn cho các thành viên tham gia tổ chức bởi đây được xem là con dao 2 lưỡi rất lợi hại. Nếu chúng được áp dụng bởi một thành viên có thế lực kinh tế mạnh như Mỹ hay Liên minh châu Âu (EU). Ngược lại, nếu bên đi kiện là quốc gia thành viên có tiềm lực kinh tế yếu trong khi thành viên vi phạm có tiềm lực kinh tế mạnh hơn sẽ gặp phải khó khăn và nhiều hệ quả tiêu cực trong thương mại quốc tế.

Xây dựng năng lực thương mại

Các hiệp định của WTO có điều khoản đặc biệt dành cho các nước đang phát triển, bao gồm thời gian dài hơn để thực hiện các thỏa thuận và cam kết, các biện pháp tăng cơ hội giao dịch và hỗ trợ giúp họ xây dựng năng lực thương mại, xử lý tranh chấp và thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật. Mỗi năm, WTO  tổ chức hàng trăm chương trình hợp tác kỹ thuật cho các nước đang phát triển cũng như tổ chức nhiều khóa đào tạo mỗi năm tại Geneva cho các quan chức chính phủ nhằm mục đích giúp các nước thành viên đang phát triển có thêm nhiều điều kiện để phát triển các kỹ năng và cơ sở hạ tầng cần thiết nhằm mở rộng thương mại của họ.

Hợp tác với các tổ chức quốc tế khác

WTO là gì? WTO duy trì đối thoại thường xuyên với các tổ chức phi chính phủ, nghị sĩ, các tổ chức quốc tế khác nhằm truyền thông đúng về các khía cạnh khác nhau của WTO. Các cuộc đàm phán được diễn ra với mục đích tăng cường hợp tác và tăng cường nhận thức về các hoạt động của WTO.

Các nhóm hiệp định của WTO

Tổ chức Thương mại thế giới WTO sẽ tập hợp rất nhiều quy định và được sắp xếp theo 1 hệ thống nhất định. Trong đó, sẽ chia thành 3 nhóm hiệp định chính:

  • Nhóm các Hiệp định chung (Hiệp định đa biên);
  • Nhóm các Biểu cam kết riêng
  • Nhóm các Hiệp định nhiều bên.

1. Nhóm các hiệp định chung (Hiệp định đa biên)

Tổ chức thương mại quốc tế WTO có 16 hiệp định chung, đây là tập hợp những nguyên tắc về thương mại có hiệu lực được áp dụng bắt buộc đối với tất cả các thành viên tham gia, tập trung vào 3 lĩnh vực sau:

  • Thương mại hàng hoá (Hiệp định GATT và các Hiệp định bổ sung);
  • Thương mại dịch vụ (Hiệp định GATS và các Phụ lục);
  • Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS)

2. Nhóm các bảng cam kết mở cửa thị trường của các thành viên WTO

“Mỗi thành viên WTO có bảng cam kết riêng, với mức cam kết và lộ trình thực hiện riêng (là kết quả đàm phán được với các thành viên khác trong WTO).” Theo đó, các bảng cam kết mở cửa thị trường sẽ bao gồm những cam kết giảm thuế quan và lộ trình mở cửa với từng loại dịch vụ của các nước thành viên tham gia WTO thực hiện.

3. Nhóm các hiệp định nhiều bên

Nhóm các hiệp định thương mại nhiều bên ( khác với 16 hiệp định chung của tất cả các thành viên tham gia WTO). Nhóm hiệp định này chỉ có 1 số thành viên nhất định của WTO thực hiện ký kết và sẽ có hiệu lực với các thành viên tham gia ký kết hiệu lực đó.

Trong số những hiệp định đó, chỉ có 2 hiệp định còn được áp dụng và có hiệu lực:

  • Hiệp định về thương mại máy bay dân dụng;
  • Hiệp định về mua sắm của chính phủ.

Dưới đây là một số hiệp định của Tổ chức Thương mại thế giới WTO:

  • Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994 (GATT 1994)
  • Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS)
  • Hiệp định về Các khía cạnh liên quan đến Thương mại của Quyền Sở hữu Trí tuệ (TRIPS)
  • Hiệp định về các Biện pháp Đầu tư liên quan đến Thương mại (TRIMS)
  • Hiệp định về Nông nghiệp (AoA)
  • Hiệp định về Hàng Dệt may (ATC)
  • Hiệp định về Chống bán Phá giá (ADP)
  • Hiệp định về Trợ cấp và các Biện pháp đối kháng (SCM)
  • Hiệp định về Tự vệ (SG)
  • Hiệp định về Thủ tục Cấp phép Nhập khẩu (ILP)
  • Hiệp định về các Biện pháp Vệ sinh và Kiểm dịch (SPS)
  • Hiệp định về các Rào cản Kĩ thuật đối với Thương mại (TBT)
  • Hiệp định về Định giá Hải quan (ACV)
  • Hiệp định về Kiểm định Hàng trước khi Vận chuyển (PSI)
  • Hiệp định về Xuất xứ Hàng hóa (ROO)
  • Thỏa thuận về Cơ chế Giải quyết Tranh chấp (DSU)

Vai trò của tổ chức thương mại thế giới (WTO)

  • Thúc đẩy việc thực hiện các Hiệp định và cam kết đã đạt được trong khuôn khổ. Đồng thời cũng đảm bảo việc thực hiện và thúc đẩy các cam kết sẽ được thực hiện trong tương lai. WTO thường tổ chức các cuộc đàm phán mậu dịch đa biên nên khối lượng nội dung thông tin rất lớn và đa dạng nhằm mục đích tạo điều kiện cho việc tự do hoá mậu dịch của các nước trên thế giới phát triển, sửa đổi và thiết lập những quy tắc quốc tế mới phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại.
  • Tạo ra 1 diễn đàn để các thành viên có thể tiếp tục đàm phán và ký kết các hiệp định hay cam kết mới về tự do hóa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại toàn cầu hóa. WTO xúc tiến việc giảm nhẹ quy chế và các điều kiện gia nhập WTO để đảm bảo nhiều nước trên thế giới tham gia vào 'ngôi nhà chung' này nhiều nhất có thể. Với nhiều lợi thế khi là thành viên, các nước sẽ có nhiều điều kiện để phát triển và lưu thông hàng hóa, thương mại đồng thời cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ WTO để thiết lập lại những chế độ và quy tắc quản lý kinh tế, đảm bảo phù hợp với cơ chế thay đổi của thị trường.
  • Giải quyết các tranh chấp thương mại của các nước thành viên: WTO với vai trò như một 'tòa án' giải quyết các tranh chấp nảy sinh giữa các thành viên trong các lĩnh vực liên quan. Khi một thành viên bất kỳ của WTO cảm thấy bị xâm hại về lợi ích trong hoạt động kinh tế ở một thị trường nào đó đều có quyền khởi tố lên cơ quan giải quyết mâu thuẫn mậu dịch của WTO và yêu cầu nước đó ngừng các hoạt động kinh tế xâm hại đến lợi ích của mình. Bất cứ thành viên nào cũng phải chấp nhận khi bị các thành viên khác khởi tố lên WTO vì đây là một trong những nghĩa vụ bắt buộc của mọi thành viên trong tổ chức.
  • Thực hiện rà soát định kỳ các chính sách thương mại của các thành viên tham gia tổ chức. WTO có những luật lệ và quy tắc riêng về thương mại quốc tế dành cho tất cả các nước thành viên tham gia và đảm bảo mọi thành viên của tổ chức phải thực hiện theo.

Kết

Trên đây là những thông tin chung được cập nhật mới nhất về Tổ chức Thương mại thế giới WTO là gì. Với số lượng thành viên đông đảo (hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ) chiếm tới 95% giao dịch thương mại quốc tế, WTO cùng những nỗ lực của mình, đã và đang xóa bỏ những rào cản trong thương mại, hướng tới một 'sân chơi' công bằng và minh bạch cho mọi thành viên trong tổ chức tham gia.

>>>Xem thêm: AMA là gì?

Phương Thảo - MarketingAI

Tổng hợp

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.