Xem Tiktok quá 180 phút mỗi ngày: Giải mã thuật toán và hiện tượng tâm lý học gây nghiện với mọi lứa tuổi

04 Thg 03

89 phút sử dụng mỗi ngày, hơn 26 video trong một lần xem,... không sai khi nói TikTok giống như Cocaine trên mạng với khả năng “gây nghiện” cho hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới. Vậy điều gì đã khiến cho chúng ta không thể rời mắt khỏi những video chỉ vỏn vẹn vài chục giây trên TikTok? Cùng tìm hiểu về những thủ thuật tâm lý học đã tạo nên khả năng gây nghiện của TikTok.

Có thể bạn đã nghiện TikTok mà không hề hay biết?

Theo Music Business Worldwide, trung bình người dùng TikTok đã dành khoảng 89 phút mỗi ngày để sử dụng ứng dụng này. Cùng với đó, một nghiên cứu độc lập của giáo sư Scott Galloway tại Đại học New York cũng chứng minh rằng, mỗi phiên sử dụng TikTok của người dùng trung bình kéo dài tới 11 phút - Tương ứng với việc xem khoảng 26 video (mỗi video dài khoảng 25 giây) cho mỗi lần lướt TikTok. Những con số này đã cho thấy rằng, TikTok đang sở hữu một khả năng giữ chân người dùng rất đáng kinh ngạc, dù những video chỉ dài vỏn vẹn vài chục giây.

Nhà báo John Koetsier của tạp chí Forbes đã từng chia sẻ rằng Tik Tok thực sự có năng lực gây nghiện cho người dùng rất đáng kinh ngạc: “Tôi tải ứng dụng Tik Tok để dùng thử và tìm hiểu về nó, bắt đầu xem các video ngắn 15 giây. Một tiếng sau, tôi tái mặt, lắc đầu và tự hỏi buổi chiều của mình đã trôi về đâu.” Và chắc chắn không riêng gì nhà báo Koetsier, bản thân chúng ta đôi khi cũng vô thức bị cuốn theo những video liên tục trên Tik Tok, tới mức quên đi thời gian trôi qua. Bởi vậy, có thể nói TikTok giống như một Cocaine trên internet với khả năng lôi cuốn và hấp dẫn người dùng quá đỗi khéo léo?

Có thể bạn đã nghiện TikTok mà không hề hay biết?

Vậy Tik Tok đã làm thế nào để giữ chân người dùng tới hàng chục phút mỗi ngày dù video chỉ dài vài chục giây?

Hiện tượng tâm lý “random reinforcement” - Bí mật phía sau thủ thuật gây nghiện của TikTok

Nếu theo dõi kỹ cách mà TikTok đề xuất video cho người dùng có thể thấy, ứng dụng này không hoàn toàn đề xuất chính xác những video mà bạn mong muốn. Thay vào đó, thi thoảng TikTok sẽ gửi tới user những nội dung hoàn toàn khác, thậm chí là đề xuất cho bạn nội dung của những user lạ mặt, không liên quan. Tuy nhiên, đây không phải là một lỗi sai trong thuật toán đề xuất của TikTok, mà thực tế là một chiến lược “gây nghiện” đặc biệt của nền tảng này. Bởi, Tik Tok có một hệ thống thu thập và phân tích dữ liệu của người dùng khá mạnh, vì vậy nó hoàn toàn có thể hiểu được nội dung mà người dùng muốn xem. Chiến thuật này cũng từng được tờ The New York Times đề cập tới trong một bài báo về tài liệu mật của TikTok vào năm 2021.

Vậy vì sao TikTok không làm thỏa mãn người xem bằng việc đề xuất chính xác 100% video?

Trên thực tế, thuật toán của bắt nguồn từ một hiệu ứng tâm lý mang tên Random reinforcement hay còn được gọi là củng cố ngẫu nhiên. Đây là một trạng thái phấn khích, thích thú của con người khi họ nhận được những tin tức, phần thưởng ngẫu nhiên, không thể dự đoán trước. Về mặt khoa học, Random reinforcement được hình thành từ sự hoạt động của Hormone Dopamine - là một Hormone mang lại cảm giác thành tựu cho con người, khiến chúng ta có cảm giác hưng phấn tức thời, muốn được nó nhiều hơn. Hormone này được sản sinh mạnh mẽ khi con người nhận được những “phần thưởng”, “niềm vui” bất ngờ.

Trong trường hợp của TikTok, việc xen kẽ những nội dung khác biệt cũng giống như đưa tới họ những niềm vui, phần thưởng bất ngờ. Họ sẽ không biết video tiếp theo liệu có thực sự đúng với mong muốn của mình hay không. Điều này kích thích dopamine và cảm giác phấn khích muốn tìm nhiều video thú vị hơn nữa. Tiến sĩ Julie Albright đã từng chia sẻ trên tạp chí Forbes về Tik Tok: “Đôi khi bạn thắng, đôi khi bạn thua. Đó là cách các nền tảng này được thiết kế... chúng giống hệt như một máy đánh bạc.”

Tìm hiểu thêm về Random reinforcement: Tại đây

Hiện tượng tâm lý “random reinforcement” - Bí mật phía sau thủ thuật gây nghiện của TikTok

Thiết kế giao diện và trải nghiệm người dùng tối ưu nhất cho việc lướt video

Bên cạnh hiệu ứng tâm lý chủ đạo là Random reinforcement, khả năng gây nghiện của Tik Tok còn đến từ những trải nghiệm trong quá trình sử dụng như giao diện, các thuật toán đề xuất,...

1. Giao diện đơn giản theo chuẩn Luật Hick

Cách thiết kế giao diện của Tik Tok có phần giống với Luật Hick: Càng tăng số lượng các lựa chọn thì thời gian để đưa ra quyết định sẽ càng lâu. Vì vậy, để người dùng tập trung tối đa vào các video, Tik Tok thiết kế giao diện rất đơn giản, gọn gàng và ít tác vụ.

Trước tiên, video trên Tik Tok được hiển thị tràn màn hình mang lại cho người xem một cảm giác đắm chìm và trọn vẹn nhất. Tiếp đó có thể thấy TikTok không để quá nhiều nút thao tác trên màn hình hiển thị của video, các thao tác này cũng được thể hiện rất đơn giản và gọn gàng. Như vậy, người xem sẽ không có quá nhiều lựa chọn hành động khi xem video Tik Tok, họ cũng ít khi bị xao nhãng bởi các yếu tố khác trên màn hình.

Và việc duy nhất người dùng cần làm đó là lướt. Thậm chí tính năng lướt hiện nay cũng đã được tự động hóa, cho phép video tự chuyển mà không cần người dùng phải chạm tay. Như vậy, người dùng chỉ việc thưởng thức, chờ đợi các video cứ thế nối tiếp nhau mà không cần phải làm gì khác.

2. Thuật toán giới thiệu video thông minh

Phân tích hành vi người dùng

Mỗi một hành động trên TikTok từ việc lướt, dừng video, đọc bình luận hay chia sẻ, thời gian xem một video... đều được nền tảng này thu thập và trở thành những nguồn dữ liệu để Tik Tok phân tích đặc điểm, hành vi người dùng. Từ đó, thuật toán của Tik Tok sẽ phân tích và đánh giá và hành vi, cảm xúc, sở thích của người dùng để đề xuất ra những video phù hợp.

Tính điểm video đề xuất

Trong một tài liệu về Tik Tok mà New York Times phân tích vào năm 2021 đã chỉ ra rằng, Tik Tok có hẳn một hệ thống tính điểm các video trước khi đề xuất nó đến người dùng. Theo New York Times, video trên nền tảng này được tính điểm dựa trên một số yếu tố như lượt thích, nhận xét và thời gian phát,.... Và sau đó đề xuất cho người dùng những video có số điểm cao nhất.

Xen kẽ những nội dung mới lạ

Bên cạnh việc đề xuất cho người dùng những nội dung mà họ yêu thích, đôi lúc Tik Tok cũng sẽ đề xuất những nội dung khác. Khi lướt Tik Tok càng lâu, bạn sẽ càng thấy những video mới lạ, ít phổ biến hoặc đến từ những nhà sáng tạo ít tên tuổi,... Đây là cơ hội để những nhà sáng tạo còn non trẻ có thể “lên xu hướng” tiếp cận được người dùng nhiều hơn. Đồng thời, cũng như là một chiến lược giúp Tik Tok đa dạng hóa nội dung trên nền tảng, làm cho người dùng không cảm thấy nhàm chán khi xem mãi một loại video.

Làm thế nào để hạn chế cơn nghiện TikTok của bạn?

Làm thế nào để hạn chế cơn nghiện TikTok của bạn?

1. Thanh lọc công nghệ (Digital Detox)

Thanh lọc công nghệ là việc bỏ ra một khoảng thời gian để tránh xa các thiết bị công nghệ, điện tử, mạng xã hội và tập trung hơn vào các tương tác thực trong cuộc sống, xã hội. Các nhà tâm lý học đã nhận định rằng, thanh lọc công nghệ là một phương thức rất hiệu quả để cải thiện các mối quan hệ, cũng như cải thiện năng suất công việc, sức khỏe tinh thần. Một số phương pháp Digital Detox khá hiệu quả:

  • Kiểm soát thời gian sử dụng các thiết bị công nghệ, đặc biệt là điện thoại di động
  • Lên lịch kiểm tra thông báo thay vì check điện thoại liên tục & Tắt các thông báo không thiết yếu
  • Sử dụng giấy để viết và ghi chép
  • Đeo đồng hồ để theo dõi thời gian thay cho thói quen mở điện thoại
  • Lấp đầy thời gian sử dụng điện thoại bằng các hoạt động ngoài trời, thể dục, thiền,...

2. Tạm biệt thói quen Binge-watch

Binge-watch cũng bắt nguồn một phần từ hiệu ứng tâm lý Random reinforcement, dùng thể biểu thị một thói quen ham mê phim ảnh, mạng xã hội quá mức. Ví dụ như thói quen ngồi lướt TikTok trong vô thức tới hàng giờ đồng hồ. Đây cũng là một trong những thói quen rất phổ biến với hầu hết thế hệ trẻ hiện nay. Để hạn chế Binge-watch, một nhà tâm lý học đã chỉ ra 2 tips nhỏ như sau:

Dừng xem giữa chừng ở một tập phim, video: Bởi các video, bộ phim bây giờ thường được kết thúc mở, khơi gợi sự tò mò của người dùng để kích thích họ xem tiếp tập sau.

Thiết lập giới hạn thực tế hằng ngày: Có thể thiết lập việc xem phim, xem video giống như một phần thưởng trong cuộc sống hằng ngày, khi bạn đã hoàn thành những phần khác như học tập, làm việc,...

3. Tiêu thụ thông tin tối giản, tập trung vào những thông tin giá trị

Sự “tấn công” dồn dập của quá nhiều nền tảng truyền thông, mạng xã hội từ TikTok, Instagram, đã khiến cho chúng ta dễ bị rơi vào vòng xoáy của tâm lý FOMO. Sợ lỡ đi những thông tin hot, drama mạng xã hội,... tâm lý này khiến cho user tốn rất nhiều thời gian mà không đọng lại quá nhiều thông tin thực sự hữu ích. Vì vậy, việc sàng lọc lại nguồn và các nhóm thông tin cần thiết là yếu tố rất quan trọng để bạn kiểm soát những “cơn nghiện” vô tình của mình.

>>> Xem thêm: FOMO tác động thế nào đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng?

Lời kết:

Nhìn chung, lý do phía sau ma thuật "gây nghiện" của TikTok là sự kết hợp khéo léo giữa các thủ thuật tâm lý học, cùng các thuật toán thống kê dữ liệu, đo lường hành vi người dùng rất chính xác. Vì vậy, đối với các thương hiệu, việc sản xuất những nội dung theo đúng xu hướng, insight của khách hàng mục tiêu và tìm hiểu về hệ thống tính điểm video của TikTok là điều rất cần thiết giúp các video của bạn dễ dàng lên xu hướng.  

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.