Xoay quanh lệnh cấm tin tức của Facebook tại Úc và ý nghĩa của nó với nền tảng này trong tương lai

24 Thg 02

Chính phủ Australia và mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook mới đây đã vướng vào một cuộc đối đầu về vấn đề bản quyền tin tức. Sau nhiều tháng căng thẳng qua lại thì trong tuần vừa qua, Facebook đã tuyên bố rằng sẽ cắt các nhà xuất bản tin tức Úc khỏi dịch vụ của mình, tức là sẽ chặn mọi nội dung tin tức liên quan đến Australia và không cho người dùng tại nước này chia sẻ và đọc tin tức trong nước và quốc tế, thay vì tuân thủ theo dự luật Media Bargaining Code (tạm dịch: Bộ luật Thương lượng Truyền thông) do Chính phủ Úc đề xuất. Đây được xem là cách đáp trả của Facebook sau khi Quốc hội Úc đang chuẩn bị thông qua dự luật yêu cầu Google và Facebook phải trả tiền cho các cơ quan báo chí nước này.

Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn đi tìm hiểu về vụ việc này dưới góc nhìn cá nhân và cho bạn biết mọi thứ đang diễn ra như thế nào dưới góc độ một người dân Úc. Mọi thứ quả thực đang là một mớ hỗn độn. Một số người vẫn có quyền truy cập vào các Trang tin tức trong ứng dụng Facebook nhưng đa phần thì không. Ngay cả một số tính năng trên mạng xã hội này cũng không còn hoạt động như bình thường - chẳng hạn như Creator Studio, dù rất khó để biết nguyên nhân của sự việc này là do những thay đổi về quyền truy cập một số nội dung do Facebook đặt ra hay chỉ đơn giản là vấn đề của riêng tính năng này.

Nhưng trên tất cả, đã có rất nhiều sự nhầm lẫn xảy ra ở đây. Hầu hết người dân bình thường đều không quan tâm đến những thay đổi trong dự luật Thương lượng Truyền thông của Chính phủ và họ cũng không hiểu tại sao nó lại đặc biệt nhắm vào Facebook và Google? Tại sao Chính phủ Úc lại làm vậy? Bởi vì họ cho rằng Facebook đang kiếm được rất nhiều tiền từ những tin tức đó, vậy nên Chính phủ đã dựa trên những phát hiện của ACCC để quyết định rằng Facebook nên chia sẻ một phần lợi nhuận đó. 

Nhưng trong trường hợp này, dù bạn có thích hay ghét Facebook, thì quả thực họ đã làm đúng. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp cho bạn những câu hỏi phổ biến nhất về sự thay đổi ở Úc và ý nghĩa của nó đối với các đề xuất tương tự trong tương lai.

Bộ luật Thương lượng Truyền thông là gì?

Lịch sử đầy đủ của Bộ luật Thương lượng Truyền thông do Chính phủ Úc đề xuất đã có từ vài năm trước.

Trở lại năm 2017, Chính phủ đã kêu gọi Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Úc (ACCC) “xem xét tác động của các công cụ tìm kiếm trực tuyến, các phương tiện truyền thông xã hội và các trình tổng hợp nội dung kỹ thuật số đối với sự cạnh tranh trên thị trường dịch vụ truyền thông và quảng cáo”. Kết quả là sau 2 năm nghiên cứu, ACCC đã nêu bật những mối lo ngại tiềm ẩn và tác động chính của Facebook đối với lĩnh vực truyền thông trong nước, trong đó có việc làm giảm động cơ kinh doanh của các cơ quan báo chí khiến cho họ không thể đảm bảo các yếu tố thiết yếu của một phóng sự tin tức. 

“ sự suy giảm nghiêm trọng trong việc sản xuất các loại hình báo chí và tin tức riêng biệt. Điều này đã được nhắc đến trong các bản báo cáo của chính quyền và tòa án trong nước, và đây đều là những điều quan trọng đối với một hoạt động lành mạnh của quy trình dân chủ. Chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy một mô hình kinh doanh nào có thể thay thế hiệu quả cho mô hình nhà quảng cáo, vốn đã từng là bên tài trợ cho việc sản xuất các loại hình báo chí này ở Úc.”

Đây là mầm mống đầu tiên dẫn đến sự ra đời của Bộ luật Thương lượng Truyền thông, nhằm xây dựng một cơ chế mới với mục tiêu tài trợ cho các cơ quan báo chí trong nước. Đồng thời, báo cáo của ACCC cũng chỉ đích danh 2 "ông lớn" là Google và Facebook, nhấn mạnh vào sự thống trị, những mâu thuẫn và vị thế của 2 công ty này trên thị trường toàn cầu.

Báo cáo viết: “Trong một thị trường mà những người dùng doanh nghiệp của Facebook và Google cũng là những đối thủ cạnh tranh của nhau thì đã có những câu hỏi được đặt ra, đó là việc liệu có một sân chơi bình đẳng, hay liệu họ có khả năng tạo ra lợi thế cho mình bằng cách ưu tiên sử dụng sản phẩm của chính mình hay không. Khi Google và Facebook tiếp tục mở rộng sang các thị trường liền kề thông qua việc mua lại và mở rộng không phải trả tiền, những rủi ro về sự cạnh tranh không lành mạnh này càng gia tăng.”

Điều này làm nảy sinh những lo ngại liên quan đến sự thống trị của cả Google và Facebook và khả năng kéo lợi thế của quảng cáo kỹ thuật số nghiêng về phía mình của cả hai gã khổng lồ công nghệ. Đó rõ ràng là những mối quan tâm hợp lệ, nhưng việc giải quyết chúng như thế nào lại là một vấn đề khác.

Xuất phát từ những phát hiện ban đầu của ACCC, đầu tiên, Chính phủ Úc đã tìm cách nhắm mục tiêu vào các gã khổng lồ công nghệ thông qua cải cách thuế. Vào năm 2018, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã tuyên bố rằng Úc sẽ tìm cách siết chặt hơn các khoản thanh toán thuế đối với Google và Facebook, cùng với Apple và Amazon, nhưng kế hoạch đó đã bị chính quyền Trump dập tắt, động thái này rõ ràng đã mang về những bất lợi nhất định cho các công ty Mỹ khi phải đối mặt với nghĩa vụ thuế cao hơn.

Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ lúc bấy giờ là Steve Mnuchin đã tuyên bố rằng: “Hoa Kỳ vẫn phản đối việc thu thuế đối với các dịch vụ kỹ thuật số và các biện pháp đơn phương tương tự. Như chúng tôi đã nhiều lần chia sẻ, nếu các quốc gia chọn cách thu hoặc áp dụng các loại thuế như vậy, Hoa Kỳ sẽ đáp trả bằng các biện pháp tương xứng thích hợp."

Mối đe dọa về một cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ là đủ để Chính phủ Úc từ bỏ hoàn toàn ý tưởng này, điều đó có nghĩa là họ phải quay trở lại bàn làm việc để tìm ra cách khai thác nhiều tiền mặt hơn từ hai nền tảng trên, và thậm chí cả lĩnh vực phương tiện truyền thông trong nước. 

Điều đó dẫn đến việc Chính phủ Úc kêu gọi các nền tảng công nghệ lớn và các doanh nghiệp truyền thông trong nước hãy cùng ngồi vào bàn đàm phán và thương lượng một cách tự nguyện về một mô hình trả phí “công bằng và hợp lý” cho việc sử dụng nội dung tin tức trên nền tảng của họ. Cả Facebook và Google đều chọn không tham gia vào quá trình này vì cho rằng họ gần như chẳng thu được đồng nào và lợi ích gì từ các nội dung tin tức này - và trên thực tế, họ còn mang lại lợi ích cho các tổ chức tin tức bằng cách lưu trữ các liên kết đến tài liệu của họ.

>> Xem thêm: Google bị “làm khó” dù đã tự nguyện trả phí cho các nhà xuất bản tin tức

Vào tháng 4 năm 2020, trong bối cảnh ngành công nghiệp đang gia tăng tác động do COVID-19 và sau nhiều tháng chờ đợi Google và Facebook đưa ra bàn đàm phán, Tổng trưởng Ngân Khố Úc Josh Frydenberg sau đó đã chỉ đạo ACCC phát triển một dự luật bắt buộc “để giải quyết sự mất cân bằng quyền lực trong việc thương lượng giữa các nền tảng kỹ thuật số và các công ty truyền thông trong nước”. Điều đó nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ Úc - đó là buộc Google và Facebook phải trả một phần doanh thu của họ cho các nhà xuất bản tin tức và cơ quan báo chí trong nước, và cứ như vậy, một chuỗi các sự kiện theo dự luật đã diễn ra và dẫn đến tình trạng bế tắc và căng thẳng giữa hai bên trong tuần vừa qua.

Có thể hiểu rằng tham vọng của Chính phủ Úc ở đây là có giá trị, nhưng có vẻ như con đường mà họ đã đi để đạt được điều này đã bị rút ngắn lại (đi “đường tắt”).

Chính phủ Úc yêu cầu gì?

Theo Bộ luật Thương lượng Truyền thông của Chính phủ, Facebook và Google sẽ phải chia sẻ một phần doanh thu với các nhà xuất bản tin tức, các cơ quan báo chí của Úc đối với việc sử dụng bất kỳ nội dung tin tức nào, bao gồm cả các liên kết đến các trang web của họ. Cụ thể thì họ sẽ cần cung cấp chính xác bao nhiêu phần trăm doanh thu cho thỏa thuận này thì Chính phủ không nêu rõ, nhưng nó sẽ phụ thuộc vào thương lượng giữa các bên liên quan và trọng tài (do Chính phủ chỉ định), nếu cả hai bên không thể đạt được thỏa thuận thống nhất.

Bộ luật cũng quy định rằng các nền tảng sẽ phải: “… thông báo trước về những kế hoạch thay đổi thuật toán của nền tảng hoặc các thông lệ nội bộ có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến nội dung tin tức được đăng tải cho các cơ quan báo chí và nhà xuất bản tin tức tại Úc.”

Vì vậy, bất cứ khi nào Google hoặc Facebook muốn thay đổi thuật toán của họ, họ cần thông báo trước cho các nhà xuất bản tin tức của Úc, nhưng tất nhiên sẽ không phải là tất cả các nhà xuất bản.

Các cơ quan báo chí,  các nhà xuất bản tin tức có đủ điều kiện tham gia vào dự luật này phải có doanh thu hàng năm "trên 150.000 đô la trong năm gần đây nhất hoặc ba trong năm năm gần đây nhất". Quy định này giúp hạn chế số lượng các cơ quan báo chí có khả năng được hưởng lợi từ các khoản trả phí từ hai gã khổng lồ.

Hình phạt cho việc không tuân thủ dự luật là khoản tiền phạt tối đa 10 triệu đô la mỗi năm, hoặc một phần doanh thu hàng năm của công ty.

Ý tưởng của các khoản tài trợ này là sau đó sẽ hỗ trợ các cơ quan báo chí trong nước và tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn bằng cách giảm bớt sự thống trị của những gã khổng lồ.

Tại sao Facebook không trả tiền?

Khách quan mà nói thì Facebook không có nghĩa vụ phải làm vậy. Như Facebook đã giải thích nhiều lần trong các phản hồi của mình gửi tới Chính phủ Úc, thì: “Dự luật này buộc Facebook phải trả tiền cho các cơ quan báo chí, các nhà xuất bản tin tức về các nội dung mà họ đã TỰ NGUYỆN đặt lên trên nền tảng của chúng tôi và với mức phí còn cao hơn những giá trị tài chính mà chúng tôi đã mang lại cho họ.”

Facebook không có nền tảng tin tức chuyên dụng ở Úc, vì vậy nó không thu được bất kỳ lợi ích trực tiếp gì từ các nội dung tin tức. Chắc chắn là Facebook được lợi từ việc các bên chia sẻ nội dung tin tức trên nền tảng của mình và sự tương tác và thảo luận sau đó mà nội dung ấy tạo ra, nhưng bản thân Facebook không chia sẻ lại nội dung tin tức, nó không lấy tài liệu của nhà xuất bản và sử dụng lại nó cho lợi ích của riêng mình. Trong khi đó, người dùng, bao gồm cả chính các nhà xuất bản, lại chủ động đăng nội dung lên Facebook, đồng thời tận dụng quy mô của Facebook để thu hút nhiều traffic hơn đến website của họ.

Và bây giờ Chính phủ Úc "đòi" Facebook phải trả tiền cho họ để có được “đặc quyền” này? Điều này khá khó hiểu. Trên thực tế, Facebook cũng đã nhiều lần lưu ý rằng nội dung tin tức, đặc biệt là từ các nhà xuất bản Úc, không phải là yếu tố chính trên nền tảng của họ.

“Đối với Facebook, lợi nhuận kinh doanh từ tin tức là rất ít. Tin tức chỉ chiếm ít hơn 4% nội dung mà mọi người xem trong Bảng tin của họ.”

Nhưng phía Úc không cho là vậy. Các cơ quan báo chí và nhà xuất bản tin tức nơi đây đã đẩy mạnh các cuộc đàm phán với khẳng định rằng nội dung tin tức, trên thực tế, rất quan trọng đối với Facebook, rằng Facebook cần các tác phẩm, bài viết của họ để tiếp sức cho hiệu quả kinh doanh trên nền tảng. Một lần nữa, Facebook đã nói đi nói lại với họ rằng điều này không đúng và nếu có thì cũng phải là ngược lại (tức là Facebook tạo doanh thu cho các nhà xuất bản). 

Năm ngoái, Facebook đã tạo ra khoảng 5,1 tỷ lượt giới thiệu miễn phí cho các nhà xuất bản Úc, và trị giá của các lượt giới thiệu này ước tính 407 triệu đô la Úc.”

Điều này có nghĩa là các nhà xuất bản nhỏ hơn, những bên không được hưởng lợi từ dự luật và những bên xây dựng mô hình kinh doanh của họ phụ thuộc quá nhiều vào Facebook vẫn được phép hưởng lợi từ mạng xã hội lớn nhất thế giới này. Rõ ràng, các đơn vị truyền thông đa phương tiện khác lớn hơn có thể tồn tại mà không cần đến lượt traffic giới thiệu đến từ Facebook, nhưng những đơn vị truyền thông nhỏ hơn thì không dễ dàng như vậy. Vì vậy, có thể nói rằng, cách mà Facebook nhìn nhận vấn đề này - và theo góc nhìn của họ, thì họ hoàn toàn không cần các nhà xuất bản tin tức, mà chính những bên đó mới là người cần họ. Và vì thế, họ cũng không cần phải trả tiền để đảm nhận vai trò này. 

Với cách phân tích này thì chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được những phản ứng của Facebook trong tuần vừa qua. Điều này hoàn toàn không có gì đáng ngạc nhiên. Thậm chí vào tháng 8 năm ngoái, Facebook cũng đã đưa ra cảnh báo trước về việc chặn đứt tin tức tại quốc gia này trong một phát biểu như sau: “Nếu như một ngày nào đó, dự thảo này trở thành luật thật thì chúng tôi cũng sẽ miễn cưỡng chặn mọi nội dung tin tức liên quan đến Australia và không cho người dùng tại nước này chia sẻ và đọc tin tức trong nước và quốc tế trên cả Facebook và Instagram.”

Vậy nên, khi Facebook đã nhiều lần cảnh báo về điều này trong những tháng qua thì không có gì ngạc nhiên khi điều này thành sự thật trong những ngày gần đây. Đáng chú ý là trong ngày đầu tiên sau quyết định của Facebook, lượng truy cập vào các trang web tin tức của Úc từ những người truy cập bên ngoài nước này đã giảm 20%.

Tại sao sau đó Google lại quyết định trả tiền cho cơ quan báo chí Úc?

Đầu tuần vừa qua, Google đã tiến hành xong các thỏa thuận mới với ba nhà xuất bản lớn nhất của Úc. Theo đó, những nhà xuất bản này sẽ được Google giới thiệu nội dung trong dịch vụ News Showcase. Những giao dịch đó được cho là có giá trị lên đến hàng chục triệu/ mỗi giao dịch, con số này quả thực không nhỏ, nhưng Google đã tìm cách hạn chế nó bằng việc xây dựng và phát triển một sản phẩm có tên là News Showcase bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái. Đây được coi như một công cụ thay thế nhằm cung cấp thêm kinh phí cho các cơ quan báo chí trong nước cũng như mang lại lợi ích trực tiếp cho Google. Google đã cam kết bỏ ra 1 tỷ đô la để phát triển sản phẩm News Showcase của mình.

Cây viết Kara Swisher đã viết trên tờ New York Times rằng Google đang bị đe dọa nhiều hơn những gì mà chúng ta thấy, vì vậy, mặc dù nó có vẻ công ty này đang hơi hài lòng và trả nhiều hơn mức dự định để có được sự tham gia của các nhà xuất bản Úc, nhưng thỏa thuận cuối cùng chủ yếu sẽ phụ thuộc vào sự phù hợp giữa các nhà xuất bản Úc và giải pháp thay thế của Google (chính là News Showcase). Điều đáng chú ý là Google đã không đồng ý tuân thủ theo dự thảo Bộ luật Thương lượng Truyền thông.

Và có thể Google cũng sẽ chẳng cần phải tuân theo dự luật này - vì để đạt được các giao dịch với Google, Tổng trưởng Ngân Khố Úc Frydenberg đã lưu ý rằng:

"Nếu các giao dịch thương mại được thực hiện, nó sẽ làm thay đổi các quy trình hợp tác.”

Hàm ý ở đây là những nhà xuất bản tin tức ở Úc giờ đây sẽ không còn theo đuổi những yêu cầu bổ sung mà dự luật đưa ra nữa, như việc yêu cầu phía Google phải chia sẻ các thông tin chi tiết về thuật toán chẳng hạn, vì Google đã tiến hành thực hiện các thỏa thuận thương mại độc lập riêng với các nhà xuất bản rồi.

Điều này đặt ra câu hỏi, mục đích thực sự của chính sách này là gì?

Là để xây dựng một sân chơi cạnh tranh công bằng, lành mạnh, theo ý muốn ban đầu của Chính phủ Úc, hay chỉ đơn giản là muốn chiếm thêm một phần doanh thu từ Google và Facebook? Và liệu nó có thực sự mang lại lợi ích cho toàn bộ nền báo chí trong nước hay không hay chỉ đơn giản là kiếm lời về cho những công ty lớn như News Corp - mà tình cờ, công ty này cũng hầu như không phải trả thuế ở Úc?

Nếu những lý do sau là sự thật, thì cho dù bạn có thích Facebook hay không, lập trường của công ty trong cuộc đàm phán này là hợp lý ở giai đoạn này.

Trong khi đó, có vẻ như Google đang phải chịu những tác động lớn hơn khi đã chủ động nhượng bộ trước một bước. Nhiều khả năng gã khổng lồ tìm kiếm này phải trả nhiều tiền hơn cho các giao dịch News Showcase của mình tại Úc (chúng tôi không nắm thông tin chi tiết về các cuộc đàm phán của Google với các nhà xuất bản khác nhau), và điều này có thể khiến chi phí của các giao dịch tương tự tăng lên ở các khu vực khác, các quốc gia khác - các bên cũng đang thúc đẩy một thỏa thuận chia sẻ doanh thu lớn hơn cho các cơ quan báo chí trong nước của họ. Nếu điều đó trở thành sự thật thì đây có thể trở thành một nhượng bộ khá “đắt đỏ” của gã khổng lồ tìm kiếm này.

Nhưng Facebook cũng đã chặn các Trang không phải là trang tin tức…

Như bạn đã biết thì Facebook cũng đã chặn một loạt các Trang thông tin của chính phủ và các trang thông tin khác không phải là nhà cung cấp tin tức như một phần của việc phong tỏa ở Úc - thậm chí nó còn bôi đen Trang của chính mình.

Chính xác là Facebook đã làm thế nhưng không phải vì họ đang quá liều lĩnh trong cách tiếp cận của mình như suy nghĩ của nhiều người mà theo cách diễn đạt của dự luật, nội dung tin tức được phân loại là:

“Nội dung báo cáo, điều tra hoặc giải thích các vấn đề hoặc sự kiện có liên quan đến việc thu hút người Úc tham gia tranh luận công khai và thông báo cho việc ra quyết định dân chủ; các vấn đề hiện tại hoặc các sự kiện có ý nghĩa công cộng đối với người Úc ở cấp địa phương, khu vực hoặc quốc gia.”

Như vậy, quy định này đã bao trọn hầu hết mọi trang web không phải là doanh nghiệp và bất kỳ Trang Facebook nào đăng thông tin, có liên quan đến bất kỳ ai, đều có thể nằm trong sự khoanh vùng này. Vì vậy, Facebook đã xóa tất cả chúng, và chỉ có các trường hợp ngoại lệ mới được thông qua mới được phép hoạt động trở lại.

Vì vậy, đừng đổ lỗi cho Facebook về mặt này, hãy đổ lỗi cho dự luật này, quy định của nó quá chung chung và phạm vi thì lại quá rộng.

Mọi người sẽ bật lại Facebook?

Khó có thể đưa ra kết luận ở thời điểm này. Đây là canh bạc mà Facebook đang thực hiện, và nó có thể phản tác dụng - nhưng dù sao đó cũng là canh bạc mà họ đang đặt cược khá nghiêm túc.

Facebook sẽ có một số ý tưởng về những tác động tiềm ẩn ở đây, nhiều khả năng họ sẽ tiến hành các thử nghiệm để giảm nội dung tin tức trong các nguồn cấp tin tức tại Úc để kiểm tra hành vi của người dùng xem họ phản ứng thế nào. Có thể sự thay đổi này sẽ khiến người dùng Úc rời đi và sẽ rất thú vị nếu như được chứng kiến quá trình này diễn ra (nếu có), cùng với đó là những tác động của một Facebook không tin tức đến xu hướng tương tác của người dùng quốc gia này.

Nhưng cũng đừng hy vọng quá nhiều, vì Chính phủ Úc đang tận dụng hai tập đoàn đa quốc gia của họ để thúc đẩy chương trình nghị sự của chính mình, và khiến ý kiến ​​cử tri ủng hộ luận điểm của họ.

Công chúng sẽ không bao giờ đứng về phía các tổ chức khổng lồ đang bòn rút tiền ra khỏi quốc gia của họ, vì trong mắt người dân, họ sẽ luôn là kẻ xấu. Chính phủ biết điều này, vì vậy, đây là một canh bạc an toàn dành cho họ và giúp cho họ có thêm niềm tin về những gì có thể nhận được. Nếu các gã khổng lồ từ bỏ, Chính phủ sẽ thắng, và cho dù nếu không, thì Chính phủ cũng là người đứng ra bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp trong nước.

Chính phủ sẽ được gì sau vụ việc này? Đem về thêm một khoản thu cho các cơ quan báo chí, đặc biệt là NewsCorp của Rupert Murdoch, công ty thống trị toàn bộ thị trường truyền thông tin tức Úc, và mức độ đưa tin của nó phù hợp hoàn toàn với đảng Tự do đang lãnh đạo đất nước này.

Các cuộc giao dịch trị giá hàng tỷ đô la có thể đảm bảo sự ưu ái liên tục của một quốc gia với các gã khổng lồ công nghệ. Những ý định ban đầu của đề xuất này là có ý nghĩa và họ muốn hướng tới khôi phục sự cạnh tranh công bằng trong lĩnh vực này, nhưng Bộ luật mới không phải là về kinh tế, đó là một bài học về chính trị hiện đại và nắm giữ chính quyền bằng mọi giá.

Điều gì sẽ xảy ra?

Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Nhiều khả năng là Facebook và Chính phủ Úc sẽ đi đến một thỏa thuận và mọi thứ sẽ trở lại bình thường ở thị trường Úc. 

Frydenberg đã lưu ý rằng các cuộc đàm phán với Facebook đang diễn ra, trong khi Facebook nói rằng vụ kiện hiện tại vẫn đang được giữ ở tòa án của Chính phủ và họ sẽ không thay đổi lập trường của mình về dự luật này. Nhưng sự tắc nghẽn sẽ làm gia tăng áp lực lên các doanh nghiệp truyền thông, các cơ quan báo chí vào thời điểm mà nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải vật lộn để duy trì dòng tiền. Điều đó sau đó sẽ gây áp lực lên Chính phủ trong việc đưa ra một thỏa thuận và mặc dù không chắc chắn rằng điều này sẽ xảy ra, nhưng có vẻ như sẽ có một thỏa thuận ở một số giai đoạn.

Kết

Dù thế nào thì dự luật này cũng cho thấy một nước Úc đã và đang thực sự nghiêm túc trong việc nghiên cứu các ảnh hưởng của gã khổng lồ công nghệ và nó có thể tạo ra tiền lệ mới cho các cuộc đàm phán của Facebook về các đề xuất tương tự trong tương lai (ở các quốc gia khác). Giờ đây thì các quốc gia khác đều đã biết rằng Facebook sẽ thẳng tay chặn các trang web nhất định nếu như họ buộc phải làm vậy, và rằng tuyên bố của họ không phải là trò lừa bịp trẻ con. Điều đó có nghĩa là bất kỳ ai muốn ép buộc Mạng xã hội (dù là Facebook hay bất kỳ nền tảng nào khác) cũng sẽ phải xem xét tác động liên quan của những thay đổi như vậy.  

Tô Linh - MarketingAI

Theo SocialmediaToday

>> Có thể bạn quan tâm: Facebook và Chính phủ Úc bắt tay làm hòa, khôi phục các trang tin tức
Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.